Pages

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Khi Võ Nguyên Giáp trở về cát bụi

Nguyễn Ngọc Già, gửi RFA từ Việt Nam

Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi mất
000_Par7684454-305.jpg
Lễ chôn cất đại tướng Võ Nguyên Giáp tại một ngọn đồi ở Vũng Chùa, tỉnh Quảng Bình hôm 13/10/2013
AFP photo
Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen
Này người sang giàu đừng vì tham tiền phụ nghĩa anh em
Người ơi xin nhớ cát bụi là ta mai này chóng qua

Này nhà lớn lầu vàng son
Này lợi danh chức quyền cao sang
Có nghĩa gì đâu sao chắc bền lâu
Như nước trôi qua cầu ...
(Trở Về Cát Bụi - Minh Kỳ)


Những hình ảnh "quốc tang" đọng lại trong tôi không phải là sự trang trọng, hoành tráng, thành kính dành cho ông Võ Nguyên Giáp, với hàng ngàn người khóc thương, cùng hàng trăm vòng hoa, cũng như tất cả những gì mà "người ta" nói để vinh danh một "thánh tướng" của dân tộc Việt Nam; nó ấn tượng ở tôi thông qua khẩu hiệu tiêu biểu nhất trong đám tang: "VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC ĐỒNG CHÍ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP". Lẽ ra, nên cắt bỏ hai chữ "đồng chí" trong lời "tiếc thương" thì câu văn gãy gọn, giản dị và có vẻ thật hơn, lại không làm giảm đi lòng kính trọng, nếu trong lòng những người cộng sản hiện nay quả thật tiếc nuối sự ra đi của một ông già 103 tuổi, đã sống đời thực vật gần 3 năm qua với chức vị cuối cùng "Chủ nhiệm ủy ban dân số và sinh đẻ có kế hoạch". Một sự thật không thể chối cãi [1].
Ngày xưa, khi ba tôi [*] khuyến khích tôi vào đảng theo "lý tưởng" của ông, tôi đã không theo. Ba tôi hỏi lý do. "Con không muốn trở thành một thằng bất hiếu" - tôi trả lời. Ba tôi nghiêm mặt nhìn tôi không hiểu. Tôi tiếp tục: "Con không muốn gọi ba là đồng chí". Ông tê tái lặng đi và từ đó không bao giờ quay lại đề tài này nữa, cho đến ngày cuối đời.

Hy vọng người cộng sản sử dụng "khẩu hiệu" nói trên không nhằm phô bày trước toàn thế giới "luân thường đạo lý" - chuẩn mực sống làm người - đã bị xói mòn hàng chục năm qua trong lễ giáo dân tộc Việt Nam (!). Đặc biệt, đối với một người mà họ tỏ ra vô cùng "tôn kính".
000_Hkg9084159-250.jpg
Các bạn trẻ trong đồng phục áo dài với khung ảnh tướng Giáp trên tay đến tư gia ông hôm 10/10/2013. AFP photo
Người cộng sản là những "kịch sĩ" rất "tài", nhưng những "tài năng kịch nghệ" đó lại vô phúc nhận những "vai kịch" vụng về từ những "đạo diễn chính trị" yếu kém. Đó là bi kịch mang tên "bôi bẩn" tự họ gây ra, bởi nó dễ bị lật mặt không mấy khó khăn dưới mắt người dân. Dưới đây là những hình ảnh như thế.
Những thiếu nữ, thanh thiếu niên với đồng phục, với khăn quàng đỏ được gọi là "tự nguyện" kéo thành đoàn đến viếng tang ông Giáp vì thương tiếc, thật khó thuyết phục được ai. Chỉ có điều, áo dài Việt Nam không biết từ hồi nào được các cô gái trẻ "xăn tay áo" như thế này [2], đặc biệt trong đám tang, lại là một "quốc tang"(!). Đôi tay áo được "xăn lên" thay vì tỏ ra "thành kính phân ưu", nó bộc lộ một sự nóng bức, ngột ngạt và một chút gì đó chịu đựng, nhất là đối với một "thánh tướng"(!). Những người được giáo dục tử tế đều hiểu hành vi này không nên có trong một đám tang, dù là đám tang của thường dân.
Nếu chưa đủ thuyết phục, mời quý độc giả xem vài tấm ảnh [3] được gọi là "bạn trẻ" do Dân Luận tổng hợp và mang về, sẽ thấy ba "bộ mặt trẻ" với quần jean, quần kaki, áo thun vằn vện, chìa khóa xe hơi dắt ngang hông, người giày kẻ dép, cùng dây nịt thò lò trễ nải [**], thật khó nghĩ họ đang "thành kính" tiễn đưa một "thánh tướng" (!).
Điều thô vụng hơn, một tấm ảnh được phóng viên nói rằng: "5h20p: Hai thanh niên đã ngủ lại đây đêm qua với mong muốn sáng nay sẽ được nhìn thấy linh cữu Đại tướng. Hai bạn trẻ này đã không được viếng Đại tướng ngày hôm qua" [***]. Quá da diết và tha thiết (!)
Khẩu hiệu "VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC ĐỒNG CHÍ..." nó như ám chỉ ông Võ Nguyên Giáp là "người của riêng chúng tôi", nhưng sự "hy sinh" "cao cả" cho dân tộc đã khiến hàng triệu "người khác" cùng thương cùng tiếc. Kẻ nào đang lợi dụng và ăn theo cái đám tang (?)
Dù hài kịch hay bi kịch, khi đã diễn phải chu toàn mọi góc cạnh để khi xuất hiện trước khán giả, ít nhất phải chứng tỏ kịch bản dưới tay "lãnh đạo" của một "tổng đạo diễn" "điêu luyện".
Hài kịch phải biết tiết chế tiếng cười để không dung tục. Bi kịch phải biết tiết chế tiếng khóc để không sa đà vào những vai... "khóc mướn", dù là "khóc mướn... miễn phí" hay được trả công bằng mọi hình thức (!).
Lẫn trong đám tang, có lẽ không thiếu những kẻ "miệng nam mô bụng một bồ dao găm". Hãy để họ khóc như họ muốn. Nước mắt đôi khi chẳng nói lên điều gì thật.
Những ai đẫm lệ "tiếc thương" "trên mức tình cảm" nên xem mẹ con Lý Thông khóc [4] khi Thạch Sanh thoát chết trở về để phần nào "khuây khỏa" nỗi "đau thương ngút trời" cùng niềm "nuối tiếc khôn nguôi" trước sự ra đi của "đồng chí" Văn(!).
Nước mắt cũng có khi thuần phản xạ sinh lý, như một đám "bụi"... (trên đường) "đời" thốc lên mù mịt của một đoàn xe lâm tặc gầm rú phóng vụt đi và hắt vào mặt những ai tò mò nên vô tình lãnh đủ. Khi đó, người ta "nhòa lệ" vì không thể tránh. Nó không phải "lệ", mà nên gọi là "nước mắt sống".
Sài Gòn, trời đang mưa. 14 giờ ngày 13/10/2013. Mưa sùi sụt? Mưa tỉ tê? Hay mưa vì "vui sao nước mắt lại trào" như nhạc sĩ Xuân Hồng từng viết, khi hân hoan đón mừng "thành quả" của "Bên Thắng Cuộc"? Không biết. Mưa nhưng bầu trời lại tựa "bạch dạ" [5] với tâm trạng bồn chồn, khắc khoải, chờ đón ánh dương. Có thể là như thế.
000_Par7684480-250.jpg
Bàn thờ tướng Giáp được lập tại quê ông, Quảng Bình hôm 13/10/2013. AFP photo
Cũng có đôi khi người ta khóc để đoạn tuyệt dứt khoát với một quá khứ, khi đường chân trời đang ló dạng ánh bình minh đón chào.
Đám tang ông Giáp đang diễn ra thì kéo theo gần trăm mạng người "vừa thương vừa vong" trong một vụ nổ, xảy ra ngày 12/10/2013, được cho là tại một kho thuốc pháo hoa của Bộ Quốc phòng đóng tại tỉnh Phú Thọ [6]. Cột khói bốc lên đậm đặc hình quả nấm làm nhiều người bàng hoàng và nghĩ nó nặng hơn nhiều so với tường thuật từ báo chí. Song song đó, một cơn bão được nói là khá lớn đang chuẩn bị đổ bộ vào khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Bình trong thời gian rất gần, có thể trở thành "siêu bão" cấp 15 trong cơn gió giật [7], tức hơn 140km/h; tạo thành những lời thêu dệt huyền bí quanh đám tang ông Giáp. Chỉ tiếc huyền bí ở góc độ một "ác thần".
Một "tướng quân" như ông Võ Nguyên Giáp thật khó tránh điều mà người đời hay gọi là "sát nghiệp". Dù hữu ý hay vô tình, "nướng quân" với số lượng lớn, thì "sát khí" thật khó tan, khi linh hồn đó trên đường đến chốn tuyền đài. Đó gọi là "nghiệp chướng". Điều dành cho những ai tin vào tâm linh - một môn khoa học.
Nhà Vật Lý Thiên Văn nổi tiếng thế giới - Trịnh Xuân Thuận cho biết [8]:
Tôi nghĩ vấn đề tâm linh rất quan trọng với một nhà khoa học vì khoa học không thể cho chúng ta biết cái gì phải hoặc trái, chỉ có tâm linh như là đạo Phật mới cho ta biết, chỉ cho chúng ta một cách sống sao cho phải với gia đình và người khác xung quanh chúng ta.
Chẳng lẽ lời của Khoa Học Gia không quan trọng đối với một "võ tướng"? Dù có hay không, ông Giáp cũng không còn cơ hội để biết về điều mà Giáo Sư Trịnh Xuân
thuận nói, nhằm chiêm nghiệm về các "đồng chí cao cấp" này chịu nhiều trù dập đau thương từ các "đồng chí cao cấp" khác, trong sự im lặng của "Anh Văn".
Giáo Sư khả kính Trịnh Xuân Thuận cho biết thêm [9]: "...khi vật chất chết đi nhưng linh hồn vẫn tồn tại nhưng tồn tại ở đâu thì ông không biết, vì ngay cả khoa học cũng không trả lời được do khoa học chỉ giải thích được về vật chất mà thôi".
Theo đó, nhất định linh hồn ông Võ Nguyên Giáp phải biết được cái chết của ông không "đơn độc" mà có nhiều mạng người vô tội đang về theo "chầu" dưới chân ông (!).
Tôn giáo vẫn đang bị giày xéo. Tâm linh vẫn đang bị lợi dụng. Người Cộng sản vẫn đang lừa mị người dân bằng những trò mê tín dị đoan.
Sài Gòn. 14 giờ 40 phút, hết mưa. Trời trong veo và ngày càng rạng ngời. Thật lạ!
Nóng bức và oi ả tựa như "siêu bão" sắp về. Trước khi cơn bão lớn gào thét và cuốn phăng tất cả, trời thường yên tĩnh.
Khi Võ Nguyên Giáp trở về cát bụi, cũng là lúc người Việt Nam đoạn tuyệt với "nhẫn và nhục" như anh Văn đã mang tiếng hàng chục năm qua?
Hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tôi thật ấn tượng, vị lính già Phàng Sao Vàng, với quần ống cao ống thấp, đứng nghiêm chào tiễn đưa người "anh Cả quân đội" xôn xao đầy trên các diễn đàn.
Giá như tôi là ông Phàng Sao Vàng, sau khi chào vĩnh quyết, xoay lưng và xoa tay: "Thế là xong anh Cả nhé! Nghĩa tử là nghĩa tận. Anh lên đường thanh thản. Mọi việc từ đây, em không còn gì phải đắn đo".
Tội nghiệp người lính già Phàng Sao Vàng trong vai dân oan hơn 30 năm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét