Pages

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Mô hình Trung Quốc mất giá

48b82-998215_695804703778415_802629880_n
Ngô Nhân Dụng
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á và Thái Bình Dương (APEC) ở Bali tuần rồi, có một cuộc chạy đua ngoại giao giữa Mỹ và Trung Cộng. Mỹ muốn cổ động cho hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (viết tắt TPP); trong đó 12 quốc gia đều là thành viên APEC, nhưng không có Trung Quốc. 
Còn chính quyền Bắc Kinh thì muốn thúc đẩy các nước Ðông Nam Á “làm ăn riêng” với những thỏa hiệp giữa ASEAN và Trung Quốc mà không có Mỹ dự. Trung Cộng sẽ thúc đẩy cho dự án đó biến thành sự thật sớm hơn khối TPP do Mỹ chủ động. Báo đảng ở Bắc Kinh không ngần ngại tố cáo TPP là cố gắng của Mỹ nhằm “thống trị nền kinh tế vùng Châu Á-Thái Bình Dương.”

Cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Cộng trong việc liên kết thành các khối mậu dịch chưa biết bên nào sẽ tiến nhanh hơn.
Tuy nhiên, có một cuộc chạy đua khác, quan trọng hơn đối với các nước chậm phát triển tại Á châu, là coi giữa hai mô hình kinh tế, Mỹ và Trung Quốc, mô hình nào đem lại ích lợi cao hơn. Cảnh sụp đổ của các nước cộng sản Nga Xô và Ðông Âu bắt nguồn từ cảnh trì trệ kinh tế. Trung Cộng tìm cách tránh vết xe đổ của Nga Xô, nhưng liệu họ có thành công hay không?
Khi còn sống ở Canada, dạy môn tài chánh học (Finance), đọc một bài về lý thuyết thị trường chứng khoán khiến tôi thắc mắc. Trên Tạp chí Kinh tế Hoa Kỳ (American Economic Review), nhà kinh tế Peter A. Diamond viết một bài, vào năm 1967, sau được các đồng nghiệp coi là một công trình có giá trị nền tảng. Trong bài đó ông dùng toán học chứng minh rằng thị trường chứng khoán là một cơ cấu tốt nhất để đạt tới hiệu quả kinh tế, tức là mọi người trong xã hội đều có lợi. Thị trường đóng vai tặng thưởng hoặc trừng phạt các công ty qua giá cổ phần, tùy theo họ làm việc có hiệu quả hay không; do đó giúp xã hội phân bố tài nguyên chung vào các hoạt động hữu ích nhất.
Nhưng ở cuối bài, Diamond nêu lên một ý kiến nghe lạ tai. Ông nói rằng các nước theo kinh tế chỉ huy, hoạch định (cộng sản) cũng nên thiết lập những “thị trường chứng khoán” để niêm yết cổ phần các công ty quốc doanh trong đó. Giá cổ phần các công ty lên xuống sẽ cho biết công ty nào làm ăn được, công ty nào thất bại; có thể căn cứ vào đó mà thay đổi, để kinh tế có hiệu quả hơn. Peter Diamond được giải Nobel Kinh tế năm 2010, nhờ các công trình nghiên cứu khác, quan trọng hơn.
Ba mươi năm trước, khi đọc ý kiến trên, tôi nghĩ là Giáo sư Diamond (Ðại học MIT) nói đùa, nếu không phải là lập dị. Có đời thủa nào các nước theo chế độ cộng sản lại lập thị trường chứng khoán, một định chế giường cột của kinh tế tư bản?
Tại các nước xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản nắm hết quyền, tư nhân không được tham dự. Họ thiết lập thị trường chứng khoán làm gì?
Nhưng không ngờ bây giờ người ta làm thật. Những nước cộng sản đã đổi mầu cờ, tại Nga và Ðông Âu, đều có thị trường chứng khoán rồi. Ngay cả các nước còn đỏ lòm như Trung Quốc, Việt Nam, cũng lập thị trường chứng khoán nữa. Không biết có theo gợi ý của Diamond hay không, họ còn cho các công ty quốc doanh niêm yết trên các thị trường chứng khoán trong nước và ở ngoại quốc. Nhờ thế bây giờ họ có thể quan sát giá trị cổ phần các công ty quốc doanh lên xuống mỗi ngày. Thị trường chứng khoán là nơi mua bán tự do, các nhà đầu tư tính toán kỹ rồi mới quyết định mua hay bán các cổ phần. Hàng triệu người làm tính, mà họ chỉ chăm chú làm sao cho có lợi thôi; do đó thị trường đóng vai trọng tài thưởng, phạt các công ty chắc là đứng đắn nhất. Ða số các nhà đầu tư sẽ định đúng giá trị các công ty, tùy theo tin tức họ nhận được trong từng thời điểm. Khi đưa các doanh nghiệp nhà nước lên thị trường, chính quyền có thể vẫn giữ quyền làm chủ phần lớn các cổ phần, chỉ đưa một số nhỏ ra bán trên thị trường cho công chúng tham dự, trao đổi với nhau thôi. Sau đó, nhìn vào giá các cổ phần là có thể thấy giá trị chung của cả công ty lên hay xuống; từ đó suy ra doanh nghiệp nào có hiệu quả thật, theo phán đoán các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ở các nước gọi là tư bản, người ta đã thí nghiệm, cho ghi tên các doanh nghiệp nhà nước lên thị trường, để công chúng mua một số cổ phần có giới hạn. Ở các nước đổi từ kinh tế cộng sản sang tư bản, như ở Trung Quốc, Việt Nam, người ta cũng bắt chước, làm như vậy. Cho nên, cần quan sát để xem cuộc thí nghiệm ở Trung Quốc đã đạt tới kết quả thế nào? Nghĩa là, các công ty quốc doanh được ghi tên trên thị trường công nhân có nhờ thế mà cải thiện công việc cho có hiệu năng cao hơn không?
Một thí dụ là công ty dầu lửa PetroChina, được ghi tên cho người ngoài mua bán cổ phần trên các thị trường Hồng Kông và New York. Năm 2007, bắt đầu bán cổ phần công ty này trên thị trường Thượng Hải, cho dân Trung Hoa cũng được dự cuộc chơi. PetroChina là một công ty lớn, chiếm độc quyền một thị trường tiêu thụ hàng trăm triệu người, họ lại được chính phủ Bắc Kinh giúp đỡ. Ðó là những điều kiện rất thuận lợ, nhiều tư nhân muốn được chia một miếng trong cái nồi cơm có bảo đảm đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá cổ phần của PetroChina tăng vọt lên. Có lúc, tính tổng số các cổ phần của PetroChina, giá trị công ty này vượt lên, tới một ngàn tỷ mỹ kim, cao hơn tất cả các công ty quốc tế khác, từ Âu Mỹ qua Á Châu lúc đó! Người Trung Hoa hãnh diện có một công ty PetroChina vô địch!
Trước đó, cũng chưa một công ty nào trên thế giới đạt tới giá trị 1000 tỷ. Mà cho tới hôm nay cũng vậy. Thí dụ, trong năm nay, công ty có giá trị cao nhất thế giới là Apple, chắc ai cũng biết cái tên này. Tổng số các cổ phần của Apple (vào đầu Tháng Mười 2013) chỉ lên tới 450 tỷ đô la thôi; công ty đứng hạng nhì là Exxon Mobil giá trị chỉ hơn 310 tỷ! Còn PetroChina bây giờ ra sao? Hiện đang họ đứng hàng thứ 10. Nếu đem cộng tất cả các cổ phần của PetroChina lại, tổng số giá trị chỉ còn là 230 tỷ đô la.
Giá trị các công ty là do phán đoán của giới đầu tư trên thế giới. Bình thường, khi giá cổ phần một công ty xuống quá, các chủ nhân của công ty thay đổi ban giám đốc để chọn người tài giỏi hơn. Giá trị của PetroChina sụt giảm, ngày 2 Tháng Chín vừa qua chủ tịch công ty là Tưởng Cô Mẫn (Jiang Jiemin) đã bị ngưng chức, bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng!” Ðó là một cách nói khéo, vì không muốn nói tới chữ “tham nhũng.” Một bài học là, đưa doanh nghiệp nhà nước vào thị trường công nhân cũng không ngăn ngừa được tham nhũng. Vì nhà nước vẫn nắm số cổ phiếu quyết định, họ vẫn bổ nhiệm các quan chức theo phe đảng, vây cánh chứ không theo hiệu năng.
Trị giá của PetroChina lên xuống cùng với giá trị của cái gọi là Mô hình Kinh tế Trung Quốc. Từ những năm 2007, 08, kinh tế Mỹ và các nước Tây phương suy thoái nặng. Nguyên do là vì những hành động bất cẩn, liều lĩnh của các ngân hàng trong việc cho vay tiền mua nhà; trong khi guồng máy nhà nước Mỹ tôn trọng quyền tự do của thị trường, không can thiệp sớm để ngăn ngừa trước khi tai họa xẩy ra. Khi thị trường địa ốc sập, cả hệ thống tài chánh tê liệt, kinh tế trì trệ luôn, đến bây giờ mới bắt đầu hồi phục.
Trước tình trạng cả thế giới lâm vào khủng hoảng, trong các năm 2007, 08, nhiều người trên thế giới nhìn về phía nước Trung Hoa. Họ thấy kinh tế Trung Quốc thoát được tai họa này, vì các quyết định quan trọng nhất nằm trong tay nhà nước, các ngân hàng lớn, các đại công ty đều do nhà nước kiểm soát. Do đó, người ta tự hỏi: Phải chăng hệ thống kinh tế tư bản dựa trên thị trường không vững mạnh bằng cách làm kinh tế theo kiểu Trung Quốc. Mô hình đó gọi là “tư bản nhà nước,” tức là cũng sử dụng thị trường nhưng mọi quyết định đầu tư lớn đều do nhà nước nắm vai chủ động. Không riêng gì Trung Quốc, nước Nga bây giờ cũng theo một hệ thống tư bản nhà nước: Ðiện Kremlin kiểm soát hết các tài nguyên, nắm các công ty lớn, chia sẻ quyền quản trị cho các đàn em của ông Vladimir Putin. Di sản của chế độ cộng sản còn kéo dài ở Nga, chưa biết bao giờ mới gột sạch.
Trong mấy năm liền sau năm 2008, Mô hình Trung Quốc được người ta tìm hiểu, và nhiều người muốn bắt chước. Trong thời gian đó, các công ty quốc doanh cũng lên như diều gặp gió. Vào năm 2009, trong số 10 công ty có giá trị cao nhất thế giới (tính theo tổng số cổ phần), đứng đầu là PetroChina (lúc đó trị giá chỉ còn hơn 340 tỷ), thứ nhì là Exxon Mobil, một công ty Mỹ đã tồn tại hơn 100 năm. Trong mười công ty lớn nhất còn có Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC, đứng hạng ba), Công ty viễn thông China Mobile (hạng 6); Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (CCB) đứng hạng 8.
Công ty Dầu khí Petrobas đứng hạng 9 cũng là quốc doanh, của nước Brazil. Trong đám mười công ty lớn nhất này, vào năm 2009, nước Mỹ chỉ góp mặt với ba công ty, Exxon, Walmart, và Microsoft; còn Trung Quốc góp đến bốn mặt, trong đó có hai ngân hàng.
Nhưng uy tín của Mô hình Trung Quốc chỉ lên được mấy năm, rồi xuống ngay. Những nhược điểm của kinh tế chỉ huy lại hiện ra, ngày càng thấy rõ hơn. Thị trường đã tính toán lại, kinh tế các nước tư bản, đặc biệt là ở Mỹ, đang hồi phục từ từ; trong khi đó thì kinh tế Trung Quốc đang lo phải giảm tốc độ để tránh lạm phát. Từ năm 2009 đến nay, số phận của các công ty và ngân hàng quốc doanh đã xuống, tại Trung Hoa cũng như ở Nga và Brazil. Trong năm 2009, mười công ty quốc doanh lớn nhất thế giới có giá trị trị tổng cộng là 3,700 tỷ Mỹ kim. Ðến đầu năm 2013, tính sổ tất cả 10 công ty đó, giá trị tổng cộng chỉ còn là 1,500 tỷ Mỹ kim. Tại sao thị trường đánh giá các công ty quốc doanh khác nhau, và nhanh như vậy?
Lúc đầu, người ta tin rằng các công ty của nhà nước thì chắc thế nào cũng có lời. Vì họ thường chiếm độc quyền trong các quốc gia của họ. Ðộc quyền thì khác gì được bảo đảm, chắc chắn kiếm lời? Bán xăng, bán dầu, cung cấp điện thoại, hay mở trương mục cho một tỷ người tiêu thụ ở Trung Quốc thì khác gì có mỏ vàng? Người ta lại tin rằng những doanh nghiệp nhà nước nếu khi nào gặp khó khăn, sẽ được chính phủ cứu giúp, không có gì lo cả. Hình ảnh độc quyền đó khiến người ta đua nhau mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước; đẩy giá cổ phần lên cao.
Nhưng chỉ trong vài ba năm, người ta nhìn thấy những khuyết điểm. Thứ nhất là không thể tin được sổ sách kế toán của các doanh nghiệp nhà nước. Họ nói đang kiếm lời, nhưng có chắc hay không?
Hiện nay giá thị trường của tổng số các cổ phần của Trung Quốc Ngân hàng (Bank of China) còn thấp hơn giá trị các tài sản trên sổ sách. Tại sao lại như vậy? Bởi vì trong “tài sản” của ngân hàng này, tức là các món nợ mà ngân hàng làm chủ, không biết có bao nhiêu món nợ không thể nào đòi được. Phải coi chúng có giá trị là số không! Lý do thứ hai là tham ô và lãng phí. Các nhà quản đốc do “đảng ta” đề cử đều dựa trên quan hệ chính trị phe phái, con cha cháu ông, không theo khả năng.
Hầu hết các nhà quản đốc của đại công ty PetroChina mới bị bắt giữ hoặc điều tra. Giới nghiên cứu và phân tích kinh tế cho thấy là Ðại công ty dầu khí Gazprom của Nga làm mất 40 tỷ đô la mỗi năm, vì cả tham nhũng và lãng phí. Cho nên, hiện nay giá cổ phần của Gazprom chỉ lớn bằng ba lần lợi tức dự đoán của mỗi cổ phần. Tức là cứ một đồng tiền lời của Gazprom thì người ta chịu trả ba đồng để mua cổ phần. Ngược lại, giá cổ phần của công ty dầu khí Exxon đang lớn gấp 11 lần tiền lời dự đoán; Exxon lời một đồng các nhà đầu tư sẵn sàng trả 11 đồng. Tỷ số giá trên tiền lời (P/E ratio) lớn hay nhau cho biết giới đầu tư có tin tưởng vào tương lai của công ty hay không. Người ta đã bớt tin tưởng vào Gazprom nên P/E = 3; mà vẫn tin tưởng vào Exxon nên tỷ số đó bằng 11.
Bây giờ là năm 2013, trong bảng vàng mười công ty có giá trị lớn nhất thế giới, có tới 9 công ty Mỹ, PetroChina may mắn còn đứng hạng 10. Giới đầu tư trên thế giới đã tưởng thưởng các công ty biết chọn người có khả năng quản trị chứ không chỉ là con ông cháu cha. Các quản đốc ở Mỹ thường không dám ăn cắp, vì các thông tin về quyết định kinh doanh, sổ sách kế toán, đều công khai, trong suốt.
Nhưng không lẽ hơn một tỷ người Trung Hoa lại không nuôi nổi thêm mấy công ty hay ngân hàng lớn, để cho bọn “lau nhau mới lớn” như Apple, Google, Berkshire Hathaway chiếm địa vị giá trị cao nhất thế giới hay sao? Nếu người Trung Hoa muốn các công ty của nước họ lại vượt lên cao, họ phải chọn đi theo một con đường mới. Mô hình Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng, nhất thời. Trung Quốc phải cải tổ cơ cấu kinh tế mạnh hơn. Phải tư nhân hóa các công ty và ngân hàng lớn. Phải để cho tư nhân làm chủ và quản trị, thế nào một tỷ người Trung Hoa cũng có thể dựng lên các đại công ty và ngân hàng, mai mốt đủ sức tranh đua với Mỹ.
Nhưng họ phải cạnh tranh trên khắp mặt trái đất, chứ không chỉ dựa vào thị trường trong nước. Một công ty Trung Quốc sắp bán cổ phần ra công chúng, hy vọng sẽ được vào nằm trong bảng vàng, là Alibaba. Nhưng Alibaba do tư nhân thành lập và quản trị, hiện nay vẫn chỉ phục vụ thị trường mua bán trên Internet ở trong nước Trung Hoa thôi. Muốn phát triển hơn phải biết toàn cầu hóa. Trong số 9 công ty Mỹ nằm trong bảng vàng, sáu công ty mua và bán ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước Mỹ; và càng ngày tỷ số đó càng tăng. Ðặc biệt là công ty trẻ nhất, Google, thị trường khắp thế giới. Công ty General Electric, đứng hạng 8, có ông chủ tịch là Jeff Immelt; ông ta mới đoán rằng chắc người kế vị ông sẽ không phải là một người Mỹ. Một công ty quốc tế thì phải coi đó là chuyện bình thường.
Nếu nước Trung Hoa đi theo con đường trên, cải tổ cơ cấu rộng và nhanh hơn, thì trong thế kỷ nữa 10 công ty lớn nhất thế giới có thể đều của người Trung Hoa cả. Vì hơn một tỷ người làm việc và tiêu thụ thì phải có khả năng đó chứ? Với điều kiện là họ dùng mô hình kinh tế tự do. Mô hình Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng bùng lên trong một vài năm, nay đã tắt rồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét