Pages

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị chuyển trại tù

HẢI PHÒNG (NV) .- Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một trong những thành viên chính yếu của Khối 8406, bị chuyển trại từ nhà tù số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An, tới một nhà tù ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và một số người bị lôi ra tòa ở Hải Phòng ngày 8/10/2009 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. (Hình chụp qua màn hình TV của IAN TIMBERLAKE/AFP/Getty Images)

Đây là lần thứ tư ông bị chuyển nhà tù kể từ khi bị tống giam năm 2009. Trong cuộc tiếp xúc với nhật báo Người Việt hôm Chủ Nhật vừa qua, bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho hay như vậy khi bà mang đồ ăn tiếp tế cho chồng ở nhà tù số 6 không được gặp.



“Hôm Thứ Bảy tôi có đi thăm chồng. Bốn giờ chiều đến nơi thì trại họ báo đã chuyển anh ấy vào Đà Nẵng.” Bà Nga kể với báo Người Việt. “Tôi mua củ đậu, cam, quít các thứ, rồi là rang cho anh ấy một ít vừng lạc, một ít ruốc bông. Đi xa thì tôi không thể mang đồ tươi đi được. Thế rồi vào trong đó người ta bảo mang đồ về.”  

Bà cho hay cán bộ trại tù số 6 nói mới chuyển ông ấy đi “hôm qua” tức Thứ Sáu nhưng không thể biết họ nói thật hay đã chuyển đi những ngày trước đó.

“Tôi buồn, tôi bực quá thì nói to lên: Các anh quá tàn ác. Các anh chuyển chồng tôi đi mà không hề thông báo cho gia đình để chúng tôi còn biết. Đường xa 400 cây số mà chúng tôi phải mang thùng hàng nặng thế này về. Các anh đọa đày chồng tôi trong khi anh ấy đang bệnh hoạn. Các anh trả thù chồng tôi. Bây giờ ở đâu mà Việt Nam không có nhà tù mà các anh tàn nhẫn quá. ” Bà Nga thuật lại.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là một trong những người điều hành tổ chức “Khối 8406” tức tổ chức quần chúng đủ mọi thành phần vận động dân chủ hóa Việt Nam. Những người điều hành Khối 8406 hiện đang ở trong nhà tù CSVN là LM Nguyễn Văn Lý với bản án 8 năm, ông Nguyễn Xuân Nghĩa với bản án 6 năm.

Theo bà Nga, nguyên nhân nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị trả thù và chuyển trại do ông đã tiết lộ tin ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày tuyệt thực. Về sức khỏe, ông bị chứng sưng tuyến tiền liệt, mỗi đêm phải thức dậy đi tiểu nhiều lần, mất cả ngủ. Bà đã làm đơn xin cho ông đi chữa bệnh từ giữa tháng 9 vừa qua và cho biết sẵn sàng trả y phí nếu ngân sách nhà nước không sẵn sàng. Tuy nhiên, bà vẫn chưa thấy hồi âm.

“Dù biết nhưng không ai dám nói. Vợ anh Nhà vừa nói tên anh Điếu Cày thì họ trấn áp liền. Tới khi tôi gặp nhà tôi thì từ chỗ cho thăm 1 tiếng thì họ giảm xuống còn nửa tiếng. Rồi bữa thăm ngày 6 tháng 7 hôm đó họ ra lệnh hôm nay chỉ được gặp 20 phút thôi. Nhà tôi có phản đối lại. Vừa nói chuyện gia đình được một lúc thì nhà tôi nói Anh Hải tuyệt thực đã 25 ngày rồi. Thế là ngay lúc ấy, trước mặt tôi, họ xông vào bịt miệng anh ấy rồi lôi đi. Tôi biết ngay là thế nào họ cũng trả thù nhưng cũng không có cách nào để biết anh ấy bị trả thù ngay sau đó hay lúc nào.”

Trước khi chuyển nhà giam, theo lời bà kể, một tù nhân tên Trần Văn Tiến được giao nhiệm vụ canh chừng theo dõi ông Nghĩa đã đánh ông theo lệnh của cán bộ trại giam. Tên Tiến bị kết án chung thân vì làm gián điệp cho Trung quốc . Khi ông bị chuyển trại giam từ nhà tù Ba Sao tỉnh Nam Hà hồi đầu năm thì tên này cũng được chuyển đi theo.

“Tên Tiến đánh vào mặt anh rồi đe rằng 'Mày tưởng mày có đài nọ đài kia hả? Đài nào cũng không bằng tao trong này, mà mày sẽ chết trước khi mày bước chân về nhà”. Bà Nga kể.

Các tin tức từ thân nhân cho biết trong thời gian gần đây, có rất nhiều tù nhân lương tâm bị đánh như Đỗ Thị Minh Hạnh, Phan Ngọc Tuấn, Huỳnh Anh Trí, Nguyễn Ngọc Cường, Paulus Lê Sơn, Nguyễn Kim Nhàn, Đỗ Văn Hoa, Hồ Thị Bích Khương.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Kim Nhàn, ông Phạm Văn Trội (đã hết hạn tù) bị chuyển từ nhà tù Ba Sao vào nhà tù số 6 thuộc huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An vì đã đấu tranh, tuyệt thực nhiều lần, chống bị giam giữ trong những điều kiện mất vệ sinh, gần lò làm gạch đốt khói thường trực làm nghẹt thở. Mỗi lần tuyệt thực là họ đều bị biệt giam và cùm trong những phòng kín.

Từ đầu năm đến nay, nhiều tù nhân chính trị đã bị chế độ Hà Nội đày ải cả họ và gia đình thêm một nấc độc ác hơn khi chuyển trại, đưa họ đi rất xa nhà, gây thêm tốn kém và khó khăn cho thăm gặp.

Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải bị đưa từ trại tù ở Vũng Tàu tới trại giam số 6 ở Thanh Chương trong khi người thân của ông ở Sài Gòn. Nhà báo tự do Tạ Phong Tần bị đưa từ nhà từ Long Khánh tới nhà tù số 5 ở tỉnh Thanh Hóa trong khi người thân của bà ở tỉnh Bạc Liêu. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét