Pages

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Những chuyện ly kỳ trong vụ án Dương Chí Dũng


cattuong
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
Kỳ trước tôi vừa tường thuật với bạn đọc về những chuyện quái đản tại các bệnh viện lớn nhỏ ở VN thì trong tuần này lại xảy ra một vụ “thủ tiêu bệnh nhân” quá khủng khiếp tại một bệnh viện tự gán cho bảng hiệu “Thẩm Mỹ Viện” tại Hà Nội. Có thể tóm tắt:

Theo lời khai của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an, sáng 19/10 chị Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường do ông ta làm chủ ở số 45 đường Giải Phóng – Hà Nội, để hút mỡ bụng và nâng ngực. Sau nhiều phẫu thuật, đến 16h cùng ngày, thiếu phụ 39 tuổi nặng 49 kg thấy chóng mặt, người tím tái, sùi bọt mép và tử vong. Tối hôm đó, ông Tường cùng nhân viên bảo vệ bê nạn nhân ra xe hơi chở đến cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng để phi tang. Hiện nay thi thể nạn nhân vẫn chưa tìm thấy.
Ông Tường là bác sĩ ngoại khoa tại Bệnh viện Bạch Mai, mở cơ sở thẩm mỹ Cát Tường được khoảng 6 tháng. Cơ sở chưa được Sở Y tế cấp phép thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Đó là hành động man rợ ngoài sức tưởng tượng của con người. Nếu là tội ác của bọn xã hội đen còn thấy kinh hoàng, đây lại là tội ác của một bác sĩ thì biết lấy lời nào để diễn tả? Và, trách nhiệm đó thuộc về tất cả hệ thống quản lý, cơ chế chính sách hiện nay về các cơ sở khám chữa bệnh… Ngoài ra còn là vần đề lương tri, đạo đức, giáo dục, lối sống của con người trong một môi trường xã hội bất ổn.
Mức gây chấn động xã hội rất lớn gây sửng sốt, phẫn nộ cho người dân cả nước, xôn xao ngay ở Quốc hội VN đang họp và lan ra ở cả cộng đồng quốc tế. Tôi chắc bạn đọc đã biết quá rõ về sự việc này nên tôi không tường thuật lại.
Xin chuyển sang vấn đề khác mà kỳ trước tôi đã hứa tường thuật chi tiết với bạn đọc, đó là vụ án Dương Chí Dũng.
Vụ án điển hình của các quan to
Vụ án này cũng đã khiến dư luận bàn tán xôn xao, không chỉ ở VN mà còn lan ra nhiều nước trên thế giới từ hơn một năm nay, chính là vụ quan lớn Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải) bị tố rồi chạy trốn không xong, bị tóm lại đã đưa ra khá nhiếu tình tiết thú vị. Tất nhiên chưa thể đưa ra hết những cuộc mặc cả, những mánh khóe kiếm tiền, những cuộc ăn chơi trác táng trong cuộc sống vương giả của vị “đầy tớ cao cấp của nhân dân” này. Nhưng đây có thể coi như một điển hình khá rõ ràng của một loạt những quan chức lớn tham nhũng từ cấp Tổng giám đốc, cục trưởng trở lên. Thế cho nên mới có cái lệnh dứt khoát: “Bằng mọi giá, phải bắt bằng được Dương Chí Dũng”. Lúc đó các cơ quan an ninh vào cuộc rất hăng, không “nể mặt” bất cứ cơ quan nào có dính líu đến vụ chạy trốn của Dương Chí Dũng. Bởi ông ta đã và đang giữ nhiều chức vụ quan trọng nên quen biết nhiều và đàn em cũng chẳng phải tay vừa. Với những chức vụ ấy, không những D.C. Dũng đã có quyền hành cao nhất trong ngành hàng hải VN và ngồi trên đống tiền mà chưa chắc một ông Bộ trưởng đã có quyền hành bằng.
01-_Duong_Chi_Dung_nguyen_chu_tich_HDQT
Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải.
Thế nên cái chức của D.C. Dũng chắc phải làm lắm ông thèm lắm. Nhưng thèm cũng chẳng làm gì được. Cho đến khi mọi việc ở cái công ty Vinalines vỡ tan hoang vì nợ nần và tai tiếng nhiều quá, ông Cục trưởng Cục Hàng Hải mới bị bắt.
Ai đã báo cho Dương Chí Dũng chay trốn?
Trước hết một câu hỏi đặt ra là tại sao Dương Chí Dũng biết mình sắp bị bắt mà vội vàng bỏ trốn? Ai đã đưa thông tin này cho “bị can”? Câu hỏi này đang còn bỏ ngỏ. Người biết được nguồn tin “tuyệt mật” tất nhiên phải là một “nhân vật quan trọng” chứ một anh đàn em lơ mơ không thể biết được. Nếu không có “nhân vật” nào mật báo trước thông tin này thì cơ quan an ninh chỉ việc mang theo còng đến nhà D.C. Dũng hoặc lần theo xe ngài cục trưởng đến nhà bồ nhí là mời được ngài cục trưởng về ngủ tạm ở “bóp” ngay, đâu có cần mất nhiều công sức, nhiều tiền bạc đến thế. Cho nên việc “dò rỉ” nguồn tin tuyệt mật cũng là một câu hỏi lớn, ai là người làm việc này? Đó là điều dư luận đang còn thắc mắc. Tuy nhiên, khi vụ án đang được điều tra và đã lần ra nhiều manh mối, hy vọng một ngày gần đây câu hỏi sẽ được giải đáp thẳng thắn cũng như những “phù phép” của cả một tổ chức tinh vi đầy quyền lực cho Dũng ăn tiền và bỏ trốn đã phơi bầy.
02-_Duong_Tu_Trong_nguyen_dai_ta_pho_GD_CA_Hai_Phong
Dương Tự Trọng – nguyên đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, em trai Dương Chí Dũng – là người lên kế hoạch và tổ chức cho anh trai bỏ trốn
Ăn hàng chục triệu đô la dễ như ăn kẹo
Kỳ trước tôi đã đề cập sơ qua đến vụ Dương Chí Dũng bỏ túi 10 tỷ đồng trong vụ mua cái sọt rác của Nga được gọi là “ụ nổi” và tặng cô bồ nhí 2 căn nhà trị giá gần 20 tỉ đồng ở hai chung cư cáo cấp nhất VN tại Hà Nội. Kỳ báo này, tôi sẽ tường thuật chi tiết những “kỹ thuật làm ăn và chạy trốn” của quan lớn này.
03-_U_noi_dai_hon_180m
Hình Ụ nổi dài hơn 180 m, rộng hơn 30 m được Vinalines giờ đắp chiếu tại Cảng Gò Dầu (Long Thành, Đồng Nai) song nhà nước vẫn phải thanh toán các chi phí lên tới gần một tỷ đồng mỗi tháng.
Thật ra lãnh vực công tác của Dương Chí Dũng là một lãnh vực chuyên môn về hàng hải, về sửa chữa tàu biển các thứ linh tinh khác về vật liệu, về trang thiết bị nên ít có quan trên nào biết mà dòm ngó đến. Mặc sức cho ngài Cục trưởng thả sức tung hoành. Chính vì vậy nên quan ăn nhiều thành “thói quen”, cho rằng mọi chuyện đều dễ dàng nên ngày càng ăn bạo hơn. Nếu ăn “vừa phải” thôi, chắc ngài còn tại chức đến bây giờ có khi làm luôn cho đến quá tuổi nghỉ hưu cũng chưa ai muốn cho ngài về dưỡng già và biết đâu đấy, có ngày lên làm lớn hơn cũng nên. Nhưng quan ăn tham quá, chơi bời cũng quá sang, hơn hẳn các đàn anh. Cho nên ngài bị “bắn hạ” là đáng đời. Hãy nhìn xem một “phi vụ khủng” của cả cái tập đoàn giám đốc này.
Nhiệm vụ của “phái đoàn đi thương thuyết” để… kiếm tiền bỏ túi
Năm 2006 khi có chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, Vinalines tổ chức đoàn công tác sang Nga khảo sát việc mua ụ nổi phục vụ cho việc sửa chữa tàu. Trước khi có chủ trương này, tất nhiên Cục Hàng Hải VN phải làm tờ trình cấp trên. Bộ tham mưu của cục phải vẽ ra hàng chục lý do “vô cùng thiết yếu, vô cùng cần thiết” cho ngành hàng hải VN, cứ như không có cái ụ này thì dân VN sẽ đói nhăn răng chết ráo. Đó cũng là chuyện hàng ngày ở những cơ quan “tham mưu” nặn đầu óc sáng tạo ra lý do để hoàn thành được ý muốn của lãnh đạo ngành mình.
Sau khi được chấp thuận, một “phái đoàn” được thành lập đi mua cái gọi là “ụ nổi” phục vụ việc sửa chữa tàu biển. Phái đoàn cao cấp này gồm ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc (Tổng giám đốc), Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án, trưởng đoàn khảo sát), Trần Hải Sơn (Phó trưởng ban quản lý, thành viên đoàn khảo sát), Mai Văn Khang (Ban quản lý dự án). Chiếc ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật, bị hư hỏng nặng, đã bị cơ quan đăng kiểm Nga không cho hoạt động từ năm 2006 nhưng phái đoàn này vẫn bàn nhau đồng ý mua. Người sốt sắng trong vụ này được cho là ông Dũng. Cần phải nói thêm, phái đoàn gồm những nhà chuyên môn nên họ hiểu rất rõ, mua cái ụ đã sử dụng 43 năm, nay đang nằm liệt coi như phế thải đó về VN sẽ chỉ để ngắm chứ không thể nào sử dụng được. Họ vẫn mua tức là đã có “chủ trương” từ trước, tất cả phái đoàn cùng đồng lòng, đồng tâm kiếm tiền trong thương vụ béo bở này chứ chẳng chừa một ai. Họ cùng hăng hái như nhau chứ chẳng riêng gì ông Dũng sốt sắng nhất như lời khai sau đó.
Truy tìm hơn 4 triệu USD
Trong thương vụ mua bán “ụ nổi sắt vụn” 83M với Dương Chí Dũng, Công ty Global Success là công ty của Nga đã “ẵm” ngon số tiền gần 4,4 triệu USD từ nguồn tiền hợp đồng mua ụ nổi. Bộ Công an đề nghị Cảnh sát Nga phối hợp điều tra.
Ngay sau khi điều tra phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong thương vụ ụ nổi M83 của Vinalines với các công ty nước ngoài gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhà nước, đặc biệt là khoản tiền tham ô các đơn vị này chia chác nhau, Bộ Công an đã xác định Công ty Global Success và vị giám đốc đã “ẵm” số tiền gần 4,4 triệu USD do Công ty AP từ nguồn tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M.
Vì vậy, Cơ quan điều tra đã thông qua Interpol Việt Nam đề nghị được trực tiếp thu thập tài liệu tại Nga và đề nghị Cảnh sát Liên Bang Nga phối hợp điều tra về việc này.
Trong thương vụ nổi 83M, biết rõ là ụ nổi đã gần như trở thành đống sắt vụn nhưng Dương Chí Dũng vẫn dùng chiêu trò phê duyệt dự án mua ụ nổi 83M với tổng mức đầu tư từ 14,136 triệu USD lên 19,5 triệu USD. Trong đó, giá mua ụ nổi lên tới 9 triệu USD qua công ty AP chứ không mua trực tiếp qua Công ty Nakhodka mà giá của công ty này bán ụ nổi 83M chỉ là 2,3 triệu USD.
Theo báo cáo chi phí tổng hợp của Vinalines cung cấp tổng đầu tư thương vụ mua ụ nổi 83M là hơn 525 tỷ đồng với tất cả các hạng mục từ mua, vận chuyển, sửa chữa, neo đậu… Giám định viên đã kết luận tổng thiệt hại do các sai phạm nêu trên là gần 370 tỷ đồng.
Trong thời gian điều tra, Bộ Công an đã cử đoàn công tác sang Singapore để ghi lời khai của ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP làm rõ ”kịch bản” chia chác tiền tham ô tài sản của các cán bộ, lãnh đạo Vinalines.
“Kịch bản” chia chác tiền tham ô như thế nào?
Bản thỏa thuận ngày 7/7/2007, công ty Global Success là Công ty của Nga có chi nhánh tại Hồng Kông và Công ty AP ký với nhau có ghi rõ việc ăn chia số tiền 9 triệu USD bán ụ nổi 83M. Công ty Global Success được hưởng 4,334 triệu USD, riêng Giám đốc Công ty này được hưởng 1,134 triệu USD, và bên thứ 3 do Công ty Global Success chỉ định được hưởng 1,666 triệu USD…
Sau khi Vinalines chuyển 9 triệu USD, Giám đốc Công ty Global Success lập tức yêu cầu ông Goh chuyển 1,666 triệu USD cho Công ty Phú Hà (tại Việt Nam) thông qua ngân hàng UOB – Chi nhánh TP.HCM, ghi rõ: Công ty AP chuyển cho Công ty Phú Hà để thanh toán cho các công việc chuẩn bị tài liệu xuất khẩu, hải quan và thuế xuất khẩu ụ nổi  83M.
Công ty Phú Hà là “sân sau” của Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines. Sơn đã nhận số tiền này đem về chia cho Dương Chí Dũng.
Hàng loạt quan chức lớn nhỏ bị điều tra
Cùng với việc Bộ Công an đang truy tìm những nguồn tiền thất thoát bị các công ty nước ngoài “ẵm” mất trong vụ mua ụ nổi 83M,  Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng (C48, Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đề nghị truy tố các bị can: Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines), Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M), Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên), Mai Văn Khang (cán bộ ban quản lý dự án Vinalines), Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa), Trần Hải Sơn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong đó 4 bị can: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều còn bị đề nghị truy tố thêm tội danh “Tham ô tài sản”.Chi cục Hải quan Vân Phong – Cục Hải quan Khánh Hòa cũng đồng lõa
Theo quy định, việc mua bán tàu biển phải được Cục Đăng kiểm VN kiểm tra, xác nhận tàu biển có trạng thái kỹ thuật phù hợp với yêu cầu về hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Nên trước thời điểm ký hợp đồng mua ụ nổi, Vinalines xác định đây là tàu biển và thành lập một đoàn công tác như đã nói ỡ trên, trong đó có Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc Vinalines) và Lê Văn Dương (đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm VN) đi khảo sát tình trạng kỹ thuật ụ nổi. Tại cuộc khảo sát ở Nga, đoàn khảo sát biết rõ tình trạng ụ nổi không hoạt động được và bị cơ quan đăng kiểm Nga ngừng phân cấp từ năm 2006, không có giấy chứng nhận an toàn về trang thiết bị hoạt động và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, biết rõ Công ty Nakhodka bán ụ nổi dưới giá 5 triệu USD. Đích thân đăng kiểm viên Lê Văn Dương đã lập biên bản ghi nhận tình trạng nói trên. Ngày 6.6.2008, ụ nổi 83M được đưa về VN qua cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và tiếp tục “hóa phép” chui qua cửa Chi cục Hải quan Vân Phong – Cục Hải quan Khánh Hòa.
Khi về VN, các lãnh đạo Vinalines đã gặp Dương đề nghị giúp hợp thức hóa để mua ụ nổi. Dương đồng ý lập lại biên bản kiểm tra giám định, trong đó phản ánh không đúng thực tế kỹ thuật ụ nổi 83M, không ghi rõ trạng thái xấu vào phần kết luận theo mẫu của Cục Đăng kiểm VN. Chưa biết rõ các ông trong cục đăng kiểm này được “bôi trơn” bao nhiêu tỉ.
04-_U_rac_minh_hoa_cua_DAD
 Ụ rác, minh họa của DAD VN
Nhờ vậy mọi chuyện êm xuôi, cái đống sắt phế thải đó nghiễm nhiên về nằm đón gió tại cảng Vân Phong, bây giờ nằm đắp chiếu tại Cảng Gò Dầu (Long Thành, Đồng Nai).  Tuy nó nằm chơi nhưng mỗi tháng cũng ngốn hết hàng tỉ đồng tiền bảo trì, trong khi dân quanh vùng đói nhăn răng.
Ông Cục trưởng nhận va li tiền
Hậu quả, tổng số tiền phê duyệt mua, vận chuyển, sửa chữa ở Việt Nam được điều chỉnh lên tới 19,5 triệu USD. Trong khi giá thật chỉ hơn 2 triệu USD cũng không nước nào muốn mua. Nhờ vậy cánh của Dương Chí Dũng được một số tiền lớn.
Trong khi điều tra, vụ chia tiền được phanh phui khá chi tiết. Ông Goh Hoon Seow (Giám đốc AP) thừa nhận trước khi Vinalines ký hợp đồng, ông đã gặp Sơn tại Việt Nam, ông Goh Hoon Seo nói: “Ông chuẩn bị nhận tiền lại quả, tôi đã bàn với ông Dũng và ông Phúc rồi. Các ông ấy nói giao cho ông 1,666 triệu USD”.
Sơn hỏi ông Dũng và được Dũng xác nhận việc này, Sơn nói: “Chia 10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”.
Để chuyển tiền từ nước ngoài về VN, Sơn được Giám đốc của AP đề nghị cung cấp một công ty có tài khoản mở tại Ngân hàng UOB chi nhánh TP.HCM để chuyển tiền về. Sơn mượn tại khoản của Công ty Phú Hà (chị gái Sơn làm giám đốc), doanh nghiệp này không thực hiện bất kỳ công việc gì liên quan ụ nổi 83M. Hơn 10 ngày sau khi tiền về, tháng 7/2008, khi ông Dũng vào TP Sài Gòn công tác, Sơn gọi điện thoại hẹn nói: “Em chuyển bác ít quà”.
Và cứ thế mỗi lần đưa tiền cho sếp, Sơn xếp 100 cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng (mỗi lần 5 tỷ) vào chiếc valy và lễ phép thưa “Theo chỉ đạo của bác, hôm nay em chuyển trước 5 tỷ đồng, số còn lại em chuyển bác sau”. Có lẽ không cần dài dòng thêm chi tiết về những vụ chuyển “chiến lợi phẩm” này của bọn tham quan, chúng cũng tương tự như nhau thôi.
Những quan có đầy đủ quyền hành và giang hồ “có số có má” tổ chức cho Dương Chí Dũng đi trốn
Ông Dương Tự Trọng được xác định là người đứng ra nhờ cán bộ dưới quyền để tổ chức cho anh trai – Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Vinalines trốn ra nước ngoài.
Ngoài ông Dương Tự Trọng (nguyên đại tá, Phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên phó Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) còn 6 “ông bự” khác cũng giúp sức cho đàn anh, gồm: Vũ Tiến Sơn (nguyên thượng tá phó phòng PC45 Công an Hải Phòng); Hoàng Văn Thắng (nguyên trung tá, đội trưởng đội 3 Phòng CSMT, công an Hải Phòng); Nguyễn Trọng Ánh (nguyên thiếu úy phòng PC45 công an Hải Phòng); Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”); Phạm Minh Tuấn (giám đốc xí nghiệp, Bach Đằng); Đồng Xuân Phong, nguyên cán bộ đội chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng.
Ông Trọng là em trai của Dương Chí Dũng. Khi ông Dũng bị truy nã, đại tá Trọng giữ chức vụ Phó giám đốc, Trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hải Phòng. Sau đó, ông về Hà Nội làm Cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Bấm một quẻ bói, Dũng muốn trốn sang Mỹ
Chiều ngày 17-5-2012, Dương Tự Trọng hướng dẫn anh trai tạm thời trốn đến nhà một người quen của Trọng ở P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Sau đó, Trọng bàn với 3 cán bộ cấp dưới là Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh lập kế hoạch đưa Dũng đi trốn. Ban đầu, Dương Chí Dũng được Thắng và Phạm Minh Tuấn (bạn của Trọng) đưa bằng xe hơi từ Hà Nội đi Quảng Ninh với ý đồ sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại đây bị can Dũng đã bấm một quẻ bói, thấy việc xuất phát theo hướng Bắc không tốt nên ông ta quyết định chuyển hướng trốn sang Campuchia để bay sang Mỹ.
Chiều theo ý anh trai, Dương Tự Trọng chỉ thị cho Vũ Tiến Sơn tìm đến 2 người từng chịu ơn Trọng là Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng, là những đối tượng giang hồ “có số có má” tìm cách đưa Dương Chí Dũng vào TP.Sài Gòn. Ngày 21.5, Dương Chí Dũng được các đối tượng đưa bằng xe hơi riêng từ Quảng Ninh vào Sài Gòn, sau đó đến Tây Ninh. Đến tối 23-5, Dương Chí Dũng thuê xe hơi qua Campuchia theo đường tiểu ngạch, còn Dũng và Phong xuất cảnh bằng hộ chiếu.
Sau khi đào thoát sang Campuchia, Đồng Xuân Phong mua vé máy bay cùng Dương Chí Dũng sang Singapore để cho Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Tuy nhiên, khi đến Mỹ, Dũng không thể nhập cảnh vì có lệnh truy nã quốc tế của Interpol nên phải quay trở lại Campuchia. Gần 3 tháng ở trên đất Campuchia, Dương Chí Dũng đã hai lần thay đổi nơi ở, đồng thời được “tiếp tế” 24.000 USD để chi tiêu.
Đến ngày 4-9-2012, Dương Chí Dũng bị lực lượng chức năng VN phối hợp với phía Campuchia bắt giữ.
Chân dung người tình được Dương Chí Dũng tặng 2 căn nhà
Khi còn đương thời, Dương Chí Dũng chơi rất bảnh. Dũng mua 2 căn nhà ở 2 chung cư cao cấp cho bà P.T.T. Một căn ở tòa nhà Skycity, Láng Hạ, Hà Nội; một căn tại tòa nhà Pacific, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Cả hai căn có giá chừng gần 20 tỉ đồng.
05-Khu_vuc_toa_nha_Sky_City
Khu vực sân của tòa nhà Sky City, nơi bà P.T.T thường xuyên chơi cùng đứa con chung với Dương Chí Dũng.
Theo thông tin đã xác minh, bà T. không phải là người phụ nữ ngoài luồng duy nhất của vị cựu Chủ tịch Vinalines nổi tiếng lắm tiền nhiều của. Nhưng bà T. mới chính là người mà Dương Chí Dũng cưng chiều và yêu thương hết mực. Hai người đã có một con.
Chính bà T. cũng đã xác nhận, trong quãng thời gian chung sống, bà được ông Dũng cưng chiều hết mực.
Theo những người dân nhận mình đang sống ở tầng 29 của tòa nhà Sky City này cho biết, trước đây họ thường xuyên nhìn thấy bà P.T.T cùng với đứa con đi về trong ngồi nhà và thường xuống dưới tầng 1 của ngôi nhà để vui đùa.
Nhưng trong khoảng thời gian 6 tháng trở lại đây thì mọi người ít gặp người phụ nữ này. Trong trí nhớ của họ, thì bà P.T.T là người phụ nữ có nước da trắng trẻo, xinh xắn, khéo léo và có giọng nói nhỏ nhẹ.
Trong khi đó, người vợ cả của Dương Chí Dũng là bà Phạm Thị Mai P. (54 tuổi) đang sống 1 mình trong căn nhà 4 tầng tại đường Nguyên Hồng – Hà Nội.
Một người phụ nữ sống cạnh căn nhà, nói: “Bà P. là người phụ nữ có duyên, nhân hậu. Vợ chồng bà có tất cả 3 người con gái, hiện cả 3 người đã có gia đình. Nên giờ bà P. ở một mình trong căn nhà, thi thoảng vợ chồng người con gái út về chơi với mẹ”
06-Pacific_Palace_noi_co_can__nha_thu_hai_cua_bo_nhi_ong_Dung(1)
 Pacific Palace, nơi có căn nhà thứ hai của bà P.T.T, bồ của Dương Chí Dũng
Hiện tại căn nhà ở đường Nguyên Hồng, cùng với 2 căn nhà trên chung cư cao cấp mà Dương Chí Dũng mua cho người tình đều đã bị cơ quan chức năng kê biên.
Cuộc điều tra còn tiếp tục, chưa biết Dương Chí Dũng sẽ nhận bản án như thế nào. Cả ông bác sĩ mất nhân tính Nguyễn Mạnh Tường kia nữa. “Tùng bi li” hay chung thân, chúng ta hãy chờ xem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét