Pages

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Sai lầm của cuốn sách từ Bộ Ngoại giao

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

000_Hkg8782036-305.jpg
Cuộc triển lãm trưng bày bản đồ cổ về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại Bảo tàng Quân đội Hà Nội hôm 10/7/2013, ảnh minh họa.
AFP photo
TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện vừa gửi một thư yêu cầu Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngưng phát hành cuốn sách mang tên “Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” vì những sai sót nghiêm trọng của nội dung cuốn sách có thể phản lại những cố gắng mà Bộ Ngoại Giao mong đạt tới. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Diện về vấn đề này.

Nội dung

Mặc Lâm: Mới đây chính TS đã đích thân đến Bộ Ngoại Giao để chuyển thư yêu cầu ngưng phát hành cuốn sách mà Bộ này đã phát hành. Xin TS cho biết nội dung phản đối này là gì?
TS Nguyễn Xuân Diện: Sáng hôm nay tôi có đến trụ sở của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở số 1 Tôn Thất Đàm , Ba Đình. Mục đích của chúng tôi là chuyển đến ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị thu hồi toàn bộ số sách đã phát hành và không cho lưu hành cũng như lưu trữ cuốn “Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” vì những sai sót nghiêm trọng của cuốn sách về mặt kiến thức.
Như mọi người đã biết, cuốn sách này in bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hoa và bản gốc chữ Hán Nôm nữa. Sách được in 2.000 bản tại nhà xuất bản Tri Thức, phát hành quí hai năm 2013 và ghi rõ là sách không bán. Cuốn sách này do Ủy ban Biên giới Quốc gia chủ trì biên soạn mà  người đứng ra chủ trì là ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm của Ủy ban này. Đây là cuốn sách quan trọng liên quan đến các văn bản Châu bản về thực thi quyền chủ quyền của Việt nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà những người làm cuốn sách này không hiểu thế nào là Châu bản, họ đã đưa một văn bản không phải là Châu bản vào trong cuốn sách này. Đó là tờ lệnh Lý Sơn, một văn bản không phải là Châu bản.
Mặc Lâm: Xin TS vui lòng giải nghĩa Châu bản là gì để quý thính giả tiện theo dõi.
TS Nguyễn Xuân Diện: Châu bản là những văn bản mà trên đó phải có châu phê, tức là những lời phê của nhà vua, mà những lời phê này phải là những lời phê bằng mực son (mực đỏ). Chúng ta cũng biết là trên các văn bản, tấu biểu ngày xưa đều được viết bằng bút lông với màu mực đen trên giấy bản; Các tờ tấu, biểu của các nơi gởi về thì nhà vua sẽ phê duyệt vào các bản tấu và lời phê của nhà vua bao giờ cũng ngắn gọn và bao giờ cũng viết bằng mực son. Những bản đó chỉ là độc bản có nghĩa là chỉ có một bản duy nhất, không có thêm một bản thứ hai nào nữa.
Trong cuốn sách có đưa vào văn bản tờ lệnh Lý Sơn đã được phát hiện ở Lý Sơn năm 2009 và tôi cũng đã có bản dịch cùng bản khảo cứu công bố rộng rãi trên báo chí, nhưng văn bản đấy không phải là Châu bản.
- TS Nguyễn Xuân Diện
Giá trị của những bản này vô cùng quí báu vì đây là văn bản thể hiện quan điểm, ý kiến hoặc là ý kiến chính thức từ triều đình, từ các cấp nhà nước đối với các vấn đề được nêu lên trong các bản tấu chương đó.
Mặc Lâm: Như vậy thì Châu bản mà cuốn sách xác định đã không đúng với tinh thần mà TS vừa nói có nghĩa là nó bị gán ghép hai chữ Châu bản vào nội dung tờ lệnh Lý Sơn?
TS Nguyễn Xuân Diện: Trong cuốn sách có đưa vào văn bản tờ lệnh Lý Sơn đã được phát hiện ở Lý Sơn năm 2009 và tôi cũng đã có bản dịch cùng bản khảo cứu công bố rộng rãi trên báo chí, nhưng văn bản đấy không phải là Châu bản. Vậy mà vẫn được đưa vào trong cuốn sách này, không biết vì sao.
Mặc Lâm: Còn những cái sai khác về triều Nguyễn mà cuốn sách đã viết ra TS thấy có nghiêm trọng lắm hay không?
TS Nguyễn Xuân Diện: Có một điều vô cùng nghiêm trọng ở ngay trang thứ hai trong lời giới thiệu của ban biên tập: “Vua Gia Long tạ thế năm 1819, cháu nội là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi năm 1820 lấy hiệu là Minh Mạng”. Ở đây có 3 cái sai. Cái sai thứ nhất là Vua Gia Long không tạ thế năm 1819 mà là 1820; 1819 là năm dương lịch, mà ở bên đây phải là năm âm lịch. Cái sai nữa cũng rất nghiêm trọng đó là ai cũng biết vua Minh Mạng là con của Vua Gia Long thế mà ở đây là Vua Minh Mạng được viết là cháu nội của Vua Gia Long. Cái sai thứ ba là “lấy hiệu là Minh Mệnh” mà đúng ra thì phải là lấy “niên hiệu là Minh Mệnh” vì hiệu là tên hiệu, ai cũng có thể có tên hiệu, còn niên hiệu thì chỉ có nhà vua mới có niên hiệu vì đó là niên hiệu cho triều đại trong thời gian trị vì của mình. Đây là một sai lầm không thể tưởng tượng được và không thể đổ cho lỗi đánh máy được.

Hình thức

index-200.jpg
Bìa sách “Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”
Mặc Lâm: Đó là nội dung còn hình thức có gì đáng nói không thưa TS?
TS Nguyễn Xuân Diện: Ngay cả tờ bìa của cuốn sách này thì phần tiếng Anh bị dịch sai, phần tiếng Trung quốc thì đã bỏ sót 2 chữ “triều Nguyễn”. Như vậy người ta chỉ biết đây là những Châu bản chứ không biết Châu bản của triều nào. Bên cạnh đó là đầy dẫy những lỗi cơ bản về dịch thuật, về văn phạm cũng như là các lỗi về in ấn nữa. Vì vậy chúng tôi tin rằng cuốn sách này không nên để cho lưu hành.
Cuốn sách được in bằng 4 thứ tiếng, ghi là sách không bán và đây là sách do nhà nước bỏ tiền để biên soạn, in ấn và chủ yếu là để biếu tặng trong các hoạt động đối ngoại, các sứ quán hoặc các đoàn ngoại giao. Những lỗi như thế này là không thể chấp nhận được nhất là chúng ta đang đấu tranh chủ quyền và đặc biệt là về vấn đề này với nhà cầm quyền Trung quốc.
Trong khi đó nhà cầm quyền Trung quốc sử dụng những chuyên gia và những học giả lão luyện về công tác văn bản học với một truyền thống rất lâu đời mà nếu chúng ta hớ hênh như thế này thì khi mình đưa ra thì họ sẽ cười chê vào trình độ học thuật của những nhà khảo cứu người Việt Nam với những vấn đề như thế này.
Bên cạnh đó là đầy dẫy những lỗi cơ bản về dịch thuật, về văn phạm cũng như là các lỗi về in ấn nữa. Vì vậy chúng tôi tin rằng cuốn sách này không nên để cho lưu hành.
- TS Nguyễn Xuân Diện
Mặc Lâm: Xin được quay lại với những Châu bản triều Nguyễn, theo TS thì sự quan trọng của Châu bản ảnh hưởng thế nào đến tài liệu lịch sử để có thể lấy chúng để chứng minh chủ quyền của Việt Nam?
TS Nguyễn Xuân Diện: Những Châu bản liên quan đến việc Việt Nam đưa ra để thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất quan trọng. Thứ nhất nó là độc bản, đó là bản duy nhất không có bản thứ hai. Thứ hai nó là những bản có lời phê của nhà vua, là người đứng đầu nhà nước phong kiến ngày xưa và họ chịu trách nhiệm toàn bộ về những vấn đề đó, những lời phê đó trước lịch sử, toàn thể đất nước cũng như toàn thể quốc gia. Châu bản, bên cạnh những giá trị nghiên cứu quí giá như vậy nó còn thể hiện ý chí của nhà vua cũng như về mặt thư pháp, tức là về mặt văn hóa còn thể hiện được di bút của nhà vua mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy trên Châu bản mà thôi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét