Pages

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Trong 9 tháng, hơn 1 triệu người ở Việt Nam mất việc

Tình trạng thất nghiệp tại Việt Nam càng ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2010 đến nay, số người thất nghiệp của năm sau cao gần gấp đôi năm trước.

Ghi danh xin trợ cấp thất nghiệp tại một Trung tâm Đăng ký việc làm. (Hình: Sống Mới)


 Theo thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội – nơi có trách nhiệm chi trả trợ cấp thất nghiệp, nếu năm 2010, mỗi tháng có khoảng 16,000 người ghi danh xin trợ cấp thất nghiệp thì đến năm 2011, con số này là 28,000 người. Sang năm 2012, mỗi tháng, số người ghi danh xin trợ cấp thất nghiệp tại Việt Nam khoảng 40,000. Trong 9 tháng đầu 2013, mỗi tháng, có khoảng 114,000 người ghi danh xin trợ cấp thất nghiệp.


Nếu tính gộp cả 9 tháng lại thì từ đầu năm đến nay đã có tới 1,026,000 người thất nghiệp trên cả nước ghi tên xin tiền thất nghiệp nhờ chỗ làm có đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu cộng cả với những người thất nghiệp không có bảo hiểm thất nghiệp và không biết cầu cứu ở đâu, không được thống kê và không hề ít, thì người thất nghiệp tại Việt Nam còn nhiều gấp bội.

Và cũng không ai biết những người thất nghiệp của những năm trước đã có cơ hội tìm được việc khác hay không, không có những thống kê cụ thể. Số người thất nghiệp được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng do kinh tế tiếp tục suy thoái. Doanh nghiệp vẫn thi nhau cắt giảm nhân sự, đóng cửa ngưng hoạt động, thậm chí khai phá sản.

Đáng lưu ý là vào lúc này, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang cạn vì nhiều doanh nghiệp không còn khả năng đóng góp. Tính đến tháng 8 năm nay, Qũy Bảo hiểm thất nghiệp đang bị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nợ 600 tỷ đồng. Trong đó nợ của chính quyền đối với qũy này là 303 tỷ đồng.

Thất nghiệp tràn lan kéo theo nhiều vấn nạn xã hội nghiêm trọng. Hồi tháng 5, khi công bố “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên”, Tổ chức Lao động Thế giới (thường được gọi tắt là ILO) cho biết, thanh niên Việt Nam (giới có tuổi từ 15 đến 24) chiếm một nửa số người thất nghiệp tại Việt Nam.

Khi có tới 50% số người thất nghiệp tại Việt Nam là thanh niên, Việt Nam đang lãng phí một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Cũng theo ILO, ngoài số thất nghiệp, khoảng 53% (chừng 4 triệu) thanh niên Việt Nam đang phải làm những công việc mà thu nhập kém, điều kiện lao động thấp và không có bảo hiểm xã hội.

Lúc đó, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Chi nhánh Việt Nam của ILO cảnh báo, nếu thanh niên không được hưởng một sự khởi đầu tốt hơn và không được đối xử công bằng, Việt Nam đã bỏ lỡ một nguồn lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của mình.

ILO khuyến cáo, Việt Nam nên khai mở tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng cơ hội về việc làm với năng suất cao cho thanh niên.

Chế độ Hà Nội vẫn bị xem là thiếu quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là lý do khiến vài năm qua, có thêm hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này phá sản. Phần lớn những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tồn tại đã thu hẹp quy mô hoạt động thành “siêu nhỏ”. Tất cả những yếu tố này làm cho cơ hội về việc làm của thanh niên càng lúc càng mong manh.

Một chuyên gia về việc làm cho thanh niên khu vực châu Á -Thái Bình Dương của ILO, tên là Matthieu Cognac, nhắc nhở thêm rằng Việt Nam cần phải chú ý tới khu vực nông thôn, nơi cư trú của phần lớn thanh niên Việt Nam. Ông Cognac khuyên nhà cầm quyền CSVN cần đẩy mạnh tư vấn về việc làm, mở các khóa đào tạo về phát triển doanh nghiệp để yểm trợ thanh niên tự kinh doanh.

Trao đổi với báo giới, ông Sziraczki nói rằng, sẽ không thể giải quyết vấn nạn về việc làm cho thanh niên Việt Nam, nếu không thay đổi chính sách vĩ mô, cấu trúc phát triển và tăng chi phí hỗ trợ tìm kiếm việc làm, tăng tổng cầu, thay đổi cách thức tiếp cận nguồn vốn và tăng hiệu quả đầu tư.

Khó có khả năng chế độ Hà Nội sẽ lắng nghe những khuyến cáo của ILO. Dẫu cho các tập đoàn kinh tế quốc doanh, tổng công ty nhà nước đã làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, đảng CSVN vẫn xác định “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là chủ đạo.

Điều đó có nghĩa là nhà cầm quyền CSVN sẽ tiếp tục dồn gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia vào việc duy trì sự tồn tại của các tập đoàn kinh tế quốc doanh, tổng công ty nhà nước. Bất chấp tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản hàng loạt, khiến vấn nạn thất nghiệp càng lúc càng nghiêm trọng.
(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét