Pages

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Tướng Giáp - Trước và sau khi mất

Thanh Quang, phóng viên RFA

Quốc tang trọng thể
000_Hkg9084159-305.jpg
Các bạn trẻ trong đồng phục áo dài với khung ảnh tướng Giáp trên tay đến tư gia ông hôm 10/10/2013
AFP photo
Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ diễn ra trọng thể trong 2 ngày 12 và 13 tháng 10, với mấy chục sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cữu, có xe kéo pháo hộ tống linh cữu, lễ Truy điệu diễn ra ở Nhà tang lễ Quốc gia, đoàn xe tang đi qua khu phố trung tâm Hà Nội, dừng lại tư gia Đại tướng ở đường Hoàng Diệu trước khi tiến ra sân bay Nội Bài để máy bay đưa linh cữu Đại tướng cùng người thân, Ban lễ tang…về Đồng Hới, Quảng Bình, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ ngàn thu tại Vũng Chùa, Đảo Yến.

Trong những ngày qua, báo chí nhà nước đồng loạt dồn dập ngợi ca một cách “ồ ạt đến nỗi không kịp đọc” – nói theo lời blogger Cánh Cò, cũng như hết lời tiếc thương cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua đó, theo GS Jonathan London thuộc Đại học TP Hong Kong, giới lãnh đạo Hà Nội xem chừng như muốn biến vị anh hùng Điện Biên thành một “biểu tượng mới của chế độ mang tính chính đáng không thể phủ nhận của đảng CSVN”.
Cảnh số lượng bài “báo lề đảng” dồn dập “đọc không kịp” cùng với việc tổ chức quốc tang vô cùng trọng thể dành cho cố Đại tướng như vậy thể hiện một sự tương phản với những đề nghị bị “chìm vào quên lãng”của ông lúc hãy còn tỉnh táo, kể cả đề nghị đình chỉ “chủ trương lớn của đảng và nhà nước” liên quan vấn đề bauxite Tây Nguyên; cái cảnh dồn dập, rình rang đó cũng tương phản với một thời gian dài Đại tướng đành thúc thủ và phải sống trong lặng lẽ - nói theo blogger Cánh Cò - do “tính “gian hùng và quyết đoán” đã làm cho ông Lê Duẩn trở thành “gian thần” thao túng quyền lực, qua đó, phe Lê Duẩn-Lê Đức Thọ đã thu tóm quyền lực từ cuối thập niên 60; tình cảnh đó, như đại tá nhà báo Nguyễn Như Phong mô tả, khiến “có một thời khu vườn (thuộc tư gia Đại tướng) số 30 Hoàng Diệu nom như vườn hoang, với lá cây rụng đầy, ít người quét dọn và những bức tường cỏ mọc rêu phong”.
Theo blogger Nguyễn Tiến Dũng thì ngày xưa Đại Thần Nguyễn Trãi, sau khi giúp Vua Lê Lợi đuổi được giặc Minh, đã từ quan về ở ẩn mà vẫn không tránh khỏi bị các gian thần ám hại tru di tam tộc.
Ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng bị người ta tìm cách vu oan, các chiến hữu thân cận của ông thì bị vùi dập, nhưng blogger Nguyễn Tiến Dũng “không hiểu sao, khác với Nguyễn Trãi, đại tướng không từ quan mà nhẫn nhục chịu đựng trong mấy chục năm trời, nhận cả chức trông coi việc sinh đẻ có kế hoạch, để người ta lợi dụng”!
000_Hkg9079240(1)-250.jpg
Người dân Hà Nội xếp hàng viếng tướng Giáp hôm 09/10/2013. AFP photo
Qua bài tựa đề “Những ý nghĩa của việc tướng Giáp qua đời”, GS Jonathan London, từng làm việc và nghiên cứu tại VN trong mấy thập niên, nhận xét rằng:
Được những người ngưỡng mộ khen ngợi như một chiến lược gia tài giỏi, chiến thuật quân sự của Tướng Giáp lại bị chất vấn thẳng thừng và thậm chí mạt sát bởi những ai lo rằng ông ta coi sự mất mát nhân mạng quá nhẹ nhàng.
- GS Jonathan London
Tướng Giáp, tất nhiên, là một nhân vật quan trọng trong lịch sử quân sự và chính trị Việt Nam và thực sự là một nhân vật lịch sử quan trọng của thế giới. Thông tin về cái chết của ông được lan truyền đầu tiên qua Facebook hơn là truyền thông nhà nước và được quốc tế đón nhận với kí ức ca ngợi từ mọi nơi, sự tôn trọng miễn cưỡng từ những người khác và sự khinh thường không khoan nhượng từ những người vẫn tranh cãi về cuộc chiến ở Việt Nam…..
Đến tận những giờ phút cuối cùng, Tướng Giáp và tinh hoa của ông vô cùng phức tạp. Được những người ngưỡng mộ khen ngợi như một chiến lược gia tài giỏi, chiến thuật quân sự của Tướng Giáp lại bị chất vấn thẳng thừng và thậm chí mạt sát bởi những ai lo rằng ông ta coi sự mất mát nhân mạng quá nhẹ nhàng.
Blogger Trọng Đạt, qua bài “Tuyên truyền nhồi sọ”, không quên nhắc tới bi cảnh lịch sử một cách chua chát rằng:
Thực tế cho thấy hàng triệu thanh niên đã phơi xác ngoài trận địa, trên dẫy Trường Sơn, để cho một mình ông tướng già hưởng thành quả, ông được vinh danh là anh hùng dân tộc, sống lâu trăm tuổi, vinh quang phú quí. Hàng triệu chiến sĩ yêu nước hy sinh cho cuộc chiến đánh đuổi ngoại xâm để bây giờ Đảng bắt tay Đế quốc, để các đảng viên  xây biệt thự, đi xe triệu đô, hưởng thú vui bên các em chân dài, để các bà mệnh phụ phu nhân, các bà đại gia hưởng lạc bên các chàng phi công trẻ. Người ta thường nói xã hội có những thằng ăn ốc và những thằng đổ vỏ.

Cam chịu trong thời bình

Khi lưu ý về tình trạng “Thắng trong chiến tranh, thua trong hòa bình”, blogger Nguyễn Tiến Dũng đề cập tới chuyện Hà Nội luôn tự hào là chiến thắng những kẻ thù “lớn hơn gấp bội trong chiến tranh”, nhưng, tác giả lấy làm tiếc một điều, là “cái giá phải trả cho chiến thắng đó quá đắt”, và “sau các chiến thắng lại là các thất bại, thất bại ngay trong hòa bình”. Blogger Nguyễn Tiến Dũng phân tích:
Chiến tranh làm cho Việt Nam trở nên kiệt quệ, không chỉ về mặt vật chất, mà nguy hiểm hơn nữa, đó là sự kiệt quệ về tinh thần. Chiến tranh làm huỷ hoại các sự tinh tuý của văn minh, tạo điều kiện cho bạo lực, giáo điều và cơ hội chủ nghĩa phát triển. Kết quả là, có độc lập chưa chắc đã có tự do, có “ổn định” chưa chắc đã có hạnh phúc. Nhân dân không bị thế lực này thì bị thế lức khác đè đầu cưỡi cổ, và hơn nữa văn hoá bị suy đồi. Người đối với người, trong xã hội ngày nay, còn tồi tệ hơn so với thời Pháp thuộc 100 năm về trước.
Theo blogger Bùi Tín, người nhiều lần tiếp xúc với Tướng Võ Nguyên Giáp, cho rằng tướng Giáp là người có tài, có ý chí, là một ông tướng thông minh, có tư duy riêng, nhất là thể hiện tư duy độc lập trong trận Điện Biên Phủ. Nhưng, nhà báo Bùi Tín cho biết, “mọi cái cũng chỉ tương đối thôi”. Lên tiếng với Đài ACTD, nhà báo Bùi Tín không quên lưu ý một khía cạnh về tướng Võ Nguyên Giáp:
000_Hkg9069093-250.jpg
Bên ngoài tư gia tướng Giáp hôm 06/10/2013. AFP photo
Nhược điểm tôi thấy là phong thái còn quan liêu, xa dân, xa lính chỉ được cái sinh hoạt giản dị, không có tham ô nhưng ông cũng không đóng góp được gì vào sự lãnh đạo của đảng Cộng sản để khỏi rơi vào chủ quan, quan liêu, giáo điều mù quáng theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là sai lầm chung của ông Giáp góp chung vào cái sai lầm của đảng Cộng sản.

Ông là bậc tôi trung, ông luôn chấp hành nghị quyết và ý chí của đảng, dù nhiều lúc ý chí đó bị bọn tiểu nhân lợi dụng.
- Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
Trong khi Tướng Võ Nguyên Giáp, theo nhận xét của blogger Huy Đức, rất “mưu lược và quyết liệt” trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ, và theo GS Jonathan London, ông là một nhân vật lịch sử quan trọng không những tại VN mà còn trên thế  giới, thì blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy, ngoài tư cách là một “danh tướng, đại khai quốc công thần”,  tướng Giáp là một “Tôi trung” – tôi trung hiếm có. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh hình dung ra rằng nếu sống trong một chế độ thật sự dân chủ, tự do, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể như danh tướng lục quân Eisenhower của Mỹ, ra ứng cử tổng thống “chắc chắn sẽ dành tuyệt đại đa số phiếu” của cử tri, “bỏ xa vạn dặm” những đối thủ như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng…nếu những ông ấy “dám ra tranh cử” với Đại tướng Giáp.
Nhưng, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh kịp nhớ lại, tướng Giáp là “người của chế độ độc đảng tòan trị và là bậc tôi trung, mở lời không bao giờ nằm ngòai ý Bác, ý Đảng” nên danh tướng này đành “ thụ động ngồi chờ sự chọn lựa” từ Bác và Đảng. Và rủi thay, Bác và Đảng đã không chọn ông mà lại chọn ông Lê Duẩn nắm tòan quyền; và tướng Giáp “an phận chấp hành”!
Nhắc tới chuyện tướng Giáp “an phận chấp hành” theo phận “ tôi trung”,  blogger Huy Đức qua cuốn “Bên Thắng Cuộc” có đọan nhận xét rằng  “Mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ, năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị Fontainebleau, ở Hà Nội, tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh Đảng, tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông”.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy danh tiếng của tướng Giáp “lẫy lừng vượt ra khỏi biên giới của VN Dân Chủ Cộng Hòa, đến khắp 5 Châu” nên có kẻ trong triều đình Hà Nội không muốn để ông “an phận”, mà họ tìm cách “vùi dập” ông – những kẻ không những cùng thời với ông mà cả “bọn tiểu nhân đắc chí về sau” thuộc “hàng nhãi nhép” cũng nhân danh triều đình mà vùi dập ông không thương xót. Nhưng, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhắc lại:
Ông là bậc tôi trung, ông luôn chấp hành nghị quyết và ý chí của đảng, dù nhiều lúc ý chí đó bị bọn tiểu nhân lợi dụng. Nghị quyết đặt ông ở đâu và ông luôn chấp hành ngồi ở đó. Sự chấp hành tuyệt đối nguyên tắc đảng của ông làm người ta thấy ông là mẫu người của "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Ông là hình ảnh của Nhạc Phi, của Nguyễn Trãi thời phong kiến xa xưa, chiến thắng lẫy lừng mọi kẻ thù ngoài biên cương nhưng không thắng nổi bọn hổ cáo chốn triều đình vì lòng trung quân mê muội của mình.

Bậc “tôi trung hiếm có”

000_Hkg9065520-200.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia nhân sinh nhật thứ 95 hôm 01/8/2006. AFP photo
Ngòai chuyện tướng Võ Nguyên Giáp là bậc “tôi trung hiếm có”, vẫn theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, “những điều ông nói chẳng khác gì ông Lê Duẩn hoặc báo Nhân Dân”. Đó là lý do mà nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đọc về Điện Biên Phủ và về Tướng Võ Nguyên Giáp thì rất thích nhưng “ không có chút thú vị nào khi đọc những gì ông viết hoặc nghe ông phát biểu tại các lễ lạc quan trọng”.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhớ lại là khoảng sau năm 1990 thì nhà báo gặp được “thần tượng của mình bằng xương bằng thịt” nhân dịp cuộc hội thảo rất lớn về cụ Phan Chu Trinh diễn ra tại Đà Nẵng, với thành phần tham dự tên tuổi như GS Trần Quốc Vượng, nhà văn Nguyên Ngọc, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, học giả Nguyễn Văn Xuân.v.v…và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rồi mọi người xem chừng như nôn nóng chờ tướng Giáp phát biểu. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh kể lại:
Thế nhưng đại tướng đã làm mọi người thất vọng. Không hề bị lung lạc bởi những học giả đổi mới, ông vẫn khuôn sáo và rất kiên định lập trường, phát biểu của ông không có một chút mới mẻ. Ông không đi ra khỏi tinh thần của nghị quyết đảng. Những điều ông nói về Phan Chu Trinh là những gì tôi đã nghe cả trăm lần qua những đợt học chính trị dành cho giáo viên. Ông vẫn nói y những gì mà Tố Hữu đã thay mặt đảng định hướng từ lâu: Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu, đường lối cải lương...Trong phát biểu của ông, ông thường xuyên nhắc đến Bác và Đảng, và nhắc đến với một thái độ hết sức tôn kính gây ra cho tôi một cảm giác là ông không thể nào có ý kiến gì khác những ý kiến của Bác và Đảng đã đề ra và đã thấm sâu vào trong ông tự bao giờ.

Ông là hình ảnh của Nhạc Phi, của Nguyễn Trãi thời phong kiến xa xưa, chiến thắng lẫy lừng mọi kẻ thù ngoài biên cương nhưng không thắng nổi bọn hổ cáo chốn triều đình vì lòng trung quân mê muội của mình.
-Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh 
Trong khi blogger Huỳnh Ngọc Chênh bày tỏ rằng hôm nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh viễn ra đi, để lại đàng sau một hệ thống mà chính đại tướng là “bậc khai quốc công thần”, là “vị tôi trung hiếm có”, thì blogger Nguyễn Tiến Dũng lại liên tưởng đến Đại Thần Nguyễn Trãi, dù đã rũ áo từ quan, vẫn không tránh khỏi án “tru di tam tộc”. Nhưng, blogger Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, khác với Đại Thần Nguyễn Trãi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp “không từ quan mà nhẫn nhục chịu đựng trong mấy chục năm trời, nhận cả chức trông coi việc sinh đẻ có kế họach, để người ta lợi dụng”. Blogger Nguyễn Tiến Dũng nhận thấy có điều gì khuất tất:
Ắt hẳn đại tướng có nhiều điều bức xúc trong lòng mà không dám nói ra. Có thể do ý thức kỷ luật đảng của đại tướng quá cao, nên không dám nói gì trái quan điểm chính thống. Kể cả khi bàn đến Phan Chu Trinh ở một hội thảo, đại tướng cũng không dám khen ngợi sự sáng suốt của vị tiền bối của mình. Nay đại tướng đã sang thế giới bên kia, không còn kỷ luật gì để mà giữ, không còn gì để mà sợ. Cầu mong đại tướng sống khôn chết thiêng, hiện về nói cho con cháu biết, làm sao để khỏi bị tiếp tục thua trong hòa bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét