Pages

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Đấu tranh và Xây dựng chỉ là hai mặt của một vấn đề

Việt Nam đang đứng trước một cuộc chuyển đổi lớn. Nhiều người cho rằng con đường dẫn đến chuyển đổi phải đi bằng đấu tranh chống lại những cái cũ, nhiều người khác lại cho rằng việc xây dựng một hệ thống mới thì những gì thuộc hệ thống cũ sẽ theo đó mà lụi tàn.

Tuy nhiên có một thực tế, con đường đến chuyển đổi là sự hòa trộn liên tiếp giữa đấu tranh và xây dựng. Tất cả những nhân tố của hệ thống mới khi ra đời, không khác nào như những cá thể bị đột biến, sẽ bị cái cũ hạn chế, o ép, thậm chí hủy diệt. Thế nên hệ thống cũ cần bị những cũ kích thích mạnh mẽ và đúng chỗ để làm tan rã mối liên kết chặt chẽ, tạo kẽ hở cho những nhân tố mới có chỗ để phát triển. Nhưng nếu quá trình đấu tranh khi được tôn vinh đến mức trở thành phá hoại thì ngay cả các nhân tố mới cũng sẽ bị cào bằng và tàn lụi theo. Nếu nhìn thấy và biết vận dụng hai quá trình tương hỗ này, quá trình chuyển đổi mới có thể diễn ra một cách hòa bình và tạo được nền móng vững chắc cho sự thịnh vượng của xã hội được.


Dù muốn hay không trong mỗi cuộc chuyển đổi, hai thành phần đấu tranh và xây dựng vẫn tồn tại song song, ngay cả trong thời chiến loạn. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam thế kỷ 20, thành công của cuộc chiến không phải chỉ nằm ở những đại tướng, quân đội hay sách lược ngoại giao, mà còn nằm ở những nhân tài như Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Lương Đình Của… nếu không có kiến thức thâm sâu của họ, cuộc chiến của vũ khí thô sơ không thể chiến thắng được vũ khí hiện đại của phương Tây. Nhưng sai lầm trong đường lối miền Bắc sau năm 54 là triệt tiêu dần thành phần xây dựng này để dọn đường củng cố vị trí của những thành phần đấu tranh. Hậu quả của việc này cho đến nay là sự suy yếu xã hôi toàn thể từ kinh tế, giáo dục, vị thế chính trị… Trong bối cảnh suy yếu ấy, những tiếng nói phản biện, những hành động đấu tranh ngấm ngầm, bển bỉ đã dần dần tạo ra kẽ hở cho những nhân tố mới. Đến nay, những nhân tố này bắt đầu trổ mầm nhưng vẫn bị che lấp bởi những cái bóng của hệ thống cũ. Doanh nghiệp tư nhân vẫn bị cản trở bởi hàng rào cơ chế, văn hóa vẫn bị kiểm duyệt tư tưởng (chứ không phải chất lượng), các nhóm phi chính phủ hoạt động gần như không được cấp giấy phép và vẫn bị coi là phi pháp, những dự án khoa học công nghệ mang tính đột phá bị cản trở vì cấp quản lý không đủ khả năng điều phối các nguồn ngân quỹ và nhân sự, tự do ngôn luận bị cản trở và đàn áp vì sự cần thiết duy trì quyền lực, giáo dục trở thành thảm họa bởi các nhà cải cách cần trẻ em đi theo lộ trình của xã hội hơn là để trẻ em được phát triển đúng với thiên hướng của mình… Bất cứ một hệ thống nào đến giai đoạn cần chuyển đổi đều diễn ra những lộn xộn này.

Những thực trạng nêu trên tràn lan trên báo chí, có lẽ không cần phải mổ xẻ nhiều về điều này nữa. Nhưng có một thực trạng khác cần quan tâm hơn, đó là thực trạng của các thành phần thúc đẩy sự chuyển đổi: những người đấu tranh và những người xây dựng. Nhiều chục năm qua hai thành phần này vẫn còn giống như hai thành phần song song khó có thể tìm thấy điểm chung. Thậm chí nhiều khi sự phát triển của thành phần này trở thành cản trở cho sự phát triển của thành phần kia.

Khi những hoạt động đấu tranh trở nên nhiều tính bạo lực một cách tự phát khi lực lượng chưa đủ mạnh, hệ thống cũ với toàn bộ sức mạnh của nó sẽ nhanh chóng hàn gắn các kẽ hở bằng sức mạnh quân đội, ngoại giao, tài chính; có nghĩa là khả năng độc tài chuyên chế không thể tránh khỏi. Khi độc tài chuyên chế lên cao, bạo loạn lật đổ sau đó sẽ xảy ra. Sau một cuộc lật đổ bằng bạo loạn, không thể sinh ra một thể chế dân chủ mà chỉ có thể bằng độc tài khác: Công xã Paris, Cách mạng tháng Tám … là những ví dụ rõ ràng cho việc này. Tuy nhiên dù sao đi nữa, con đường đấu tranh vẫn là một con đường nhanh chóng đạt được thành công cho những cá nhân cổ vũ nó dù cho hậu quả của các cuộc chiến là khôn lường. Có điều, thực trạng hiện nay ở Việt Nam, để kích động một cuộc chiến lật đổ là điều bất khả thi. Nên việc đấu tranh bạo lực trong thời gian sắp tới sẽ đến sự siết chặt nhiều hơn là cởi mở, và một khi đã siết chặt thì sự can thiệp của quốc tế vào tình hình Việt Nam càng khó khăn hơn. Hiện giờ Việt Nam đứng giữa hai phe là thân Âu- Mỹ và thân Trung Quốc, nếu bạo lực lên cao, chính phủ hoàn toàn có khả năng nghiêng về phe thân Trung Quốc để giải quyết bất ổn. Điều này không cần phân tích nhiều cũng biết rằng không hề có lợi lộc gì cho công cuộc chuyển đổi. Vô tình đó là lực cản đối với những thành phần cải cách yêu nước hiện nay.

Con đường cải cách là một con đường cần trình tự và lâu dài, đặc biệt là ở Việt Nam. Bởi sau nhiều thế kỷ chiến loạn, những nền tảng kiến thức – tri thức đã bị tiêu hủy nhiều. Con đường này cứ thể như là bất khả thi, thế nhưng vẫn có nhiều người đang nỗ lực cho con đường này. Lập luận của những người cải cách là: Dân nào thì chính phủ ấy, khi đời sống người dân được nâng cao thì bắt buộc mô hình tổ chức nhà nước phải thay đổi. Nhưng có một vấn đề, quá trình cải cách này đang bị rơi vào lý tưởng hóa. Tất cả những sự hơi mở cửa đã gây ra cho các dự án cải cách từ kinh tế, giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ… bị rơi vào sự hỗn loạn và thấp cấp hơn. Nguyên nhân của việc này là bởi những nhà cải cách chân chính và trung thực không có đủ sức mạnh về tài chính và quyền lực đủ để chống chọi lại những thành phần cơ hội, bảo thủ, kiếm chác thông qua những dự án mang tính đột phá thay đổi bộ mặt xã hội ở Việt Nam. Một ví dụ rõ ràng là xã hội hóa truyền hình. Vốn dĩ đây là một chính sách mở cửa cho sự phát triển của truyền hình tư nhân. Thế nhưng từ ngày xã hội hóa truyền hình thì không thấy những chương trình hay những bộ phim có chất lượng giúp nâng cao nhận thức của người dân mà chỉ có nối tiếp nhau các phim bộ Hàn Quốc, Trung Quốc, những chương trình giải trí không có tính thẩm mỹ, tin tức thì luôn đưa chậm hơn báo mạng… Rõ ràng sự cải cách này diễn ra trong khi nhân sự vẫn là nhân sự cũ, trình độ vẫn là trình độ cũ, hệ thống kiểm duyệt vẫn kiểm duyệt theo kiểu cũ. Cuối cùng thì nó có hại nhiều hơn có lợi. Cái có lợi chỉ là túi tiền của những nhà sản xuất. Với mục đích giải trí lên hàng đầu khiến cho người dân bị mê tín hơn vào các chương trình truyền hình, ngăn trở việc thúc đẩy xã hội của các nhà đấu tranh. Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ khác. Đáng buồn là tiến trình nâng cao dân trí lại trở thành người dân dễ dàng bị mê muội hơn, bởi cơ hội vẫn không đến với những người có thực tài mà chỉ đến với những kẻ chộp giật.

Có một mâu thuẫn khó giải quyết giữa những người đấu tranh và những người cải cách. Hai bên cùng chung mục đích nhưng lại chưa thể ngồi cùng nhau để bàn bạc đường đi nước bước. Những người đấu tranh e ngại những người cải cách vẫn thân với chính quyền nên dễ lá mặt lá trái, những người cải cách thì cho rằng những người đấu tranh trình độ không đủ để có thể đứng chung với họ. Cả hai lối suy nghĩ này là một sự sai lầm.

Thứ nhất, những nhà cải cách chân chính không hoàn toàn quan tâm đến quyền lực chính trị. Mục tiêu của họ là những nghiên cứu, những sáng tao của họ được đưa ra sử dụng và làm đời sống xã hội tốt hơn. Họ tin rằng việc ra đời của máy in làm thay đổi thế giới thậm chí còn sâu sắc hơn các cuộc Cách mạng Tư sản, rằng không có máy in thì không có phong trào Khai Sáng, không có Cách mạng Tư Sản. Điều này, những nhà cải cách hoàn toàn có lý. Thứ hai, những nhà cải cách có tâm lý chỉ tập trung hoàn toàn vào các kế hoạch, các dự án của họ vậy nên bất cứ điều gì phục vụ cho sự thành công này, họ đều có thể đồng ý. Điều này khiến nhiều người khác nghĩ rằng họ lá mặt lá trái. Thứ ba, trong xã hội mỗi người một vai trò khác nhau, kiến thức nhiều chưa chắc đã hành xử đúng đắn, nên không thể vội vã đánh giá lớp người này hơn, lớp người khác kém. Đây thật sự là sai lầm trong lối nghĩ của những người cải cách. Thứ tư, không thể phủ nhận, nếu không có các phong trào kích thích xã hội như Nhân Văn – Giai Phẩm, các hoạt động đấu tranh dân chủ, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc thì không thể có tình trạng chính phủ buộc phải có các chính sách quản lý xã hội cởi mở hơn và sáng sủa hơn như hiện nay.

Các hoạt động cải cách đang đi vào bê tắc vì thành phần chộp giật quá nhiều, các hoạt động đấu tranh cũng đi vào bế tắc vì không thể mở rộng sức ảnh hưởng. Nhưng sự kết nối giữa hai thành phần này vẫn chưa được đặt ra như một sự thiết yếu. Các hoạt động cải cách có khả năng đi vào chuyển đổi xã hội ở bề sâu và dễ dàng tác đông đến người dân hơn, nên sẽ vô cùng cần sự giúp đỡ của những người đấu tranh để đảm bảo lộ trình cải cách không bị đi sai hướng vì những “con sâu làm rầu nồi canh”. Những nhà đấu tranh sẽ đấu tranh vì cái gì nếu xã hội không thể tự thân tốt lên được? Nếu đấu tranh để lặp lại tất cả những cái cũ thì cuộc đấu tranh đó là vô nghĩa. Vậy nên hai thành phần này tuy khác nhau cách thức nhưng giống nhau về mục đích: Đó là vì một hệ thống mới tốt đẹp hơn cần thay thế cho hệ thống cũ. Hai đường thẳng song song cần vặn xoắn lại với nhau như một sợi dây thừng. Sợi dây thừng nhờ sự vặn xoắn liên tục nên mới có thể bền chắc đến vậy. Có lẽ trước khi Việt Nam có sự chuyển đổi trong thể chế thì cần sự chuyển đổi ngay chính trong tư duy và nhận thức của những người hi sinh mình vì một Việt Nam trong tương lai văn minh và thịnh vượng.

Hà Thủy Nguyên

© 2013 TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét