Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Doanh nghiệp nhà nước nợ 3.4 tỷ đôla

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam ước tính tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện là 73.000 tỷ đồng, tương đương 3.4 tỷ đôla Mỹ.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2013 với tiêu đề “Thách thức còn ở phía trước”, công bố hôm 22/11, kêu gọi cổ phần hóa “triệt để” khu vực DNNN và mở rộng sự tham gia của tư nhân “trên tất cả các thị trường”.

Các tác giả đề nghị đưa ra lộ trình giảm quy mô của khu vực DNNN để đóng góp GDP của khu vực này, đang là 25-27%, xuống chỉ còn dưới 10% vào năm 2020.
Nợ xấu

Báo cáo này nhận định khu vực DNNN “có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả đã góp phần kéo dài giai đoạn suy thoái kinh tế của Việt Nam hiện nay”.


Lấy trường hợp Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), họ cho biết nhóm các chủ nợ đang đề nghị hoán đổi toàn bộ số nợ 600 triệu đôla của Vinashin thành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 12 năm có sự bảo lãnh của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo, nếu đề nghị được thông qua, cộng thêm 750 đôla trái phiếu quốc tế mà chính phủ vay về cho Vinashin vay lại, Việt Nam có thể có thêm một khoản nợ là 1.35 tỷ đôla cho riêng Vinashin.

Ủy ban của Quốc hội Việt Nam ước tính nợ xấu của khu vực DNNN là 24.95 nghìn tỷ đồng.

"Nếu như phần khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn lại (không kể Vinashin) chiếm 15% số nợ đã được cơ cấu lại (ước khoảng 28.300 tỷ đồng) thì tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ khoảng hơn 73.000 tỷ đồng."

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam

Nhưng nó chưa tính nợ xấu của Vinashin tại các tổ chức tín dụng trong nước (ước tính khoảng 19.8 nghìn tỷ đồng năm 2010) và nợ đã được cơ cấu lại của khu vực DNNN năm 2012, bao gồm cả nợ được cơ cấu lại cho Vinashin, khoảng 44.75 nghìn tỷ đồng.

Ủy ban nói: “Nếu như phần khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn lại (không kể Vinashin) chiếm 15% số nợ đã được cơ cấu lại (ước khoảng 28.300 tỷ đồng) thì tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ khoảng hơn 73.000 tỷ đồng."

Các tác giả lưu ý khu vực DNNN được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển (VDB) và tỷ lệ nợ xấu ở VDB cũng rất lớn, ở mức 12,05% vào cuối 2010.

“Nếu tính gộp cả nợ tại VDB thì con số nợ xấu và nợ phải cơ cấu lại tại khu vực DNNN sẽ còn lớn hơn các con số ước tính ở trên,” theo báo cáo.

Ủy ban gọi việc giải quyết nợ xấu của khu vực DNNN là “bài toán nan giải”.
Hiệu quả kém

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam nói hiệu quả đầu tư của DNNN “còn thấp so với các loại hình doanh nghiệp khác”.

Báo cáo dẫn chứng: “DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu năm 2009, trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và doanh nghiệp FDI là 1,3.”

Họ đề nghị giới hạn DNNN chỉ ở các lĩnh vực “có các yếu tố đầu vào có tính chuyên biệt cao và có sản phẩm đầu ra mang tính chiến lược quốc gia cao”.

Các tác giả cũng kêu gọi cổ phần hoá “triệt để” các DNNN,ra mục tiêu giảm tỷ trọng đóng góp của DNNN vào nền kinh tế.

“Chính phủ cần có định hướng để giảm đóng góp của khu vực này vào GDP chỉ nên ở mức 15-17% vào năm 2015, và xuống mức dưới 10% vào năm 2020.”

Ủy ban cũng chỉ trích chính phủ Việt Nam vì tiêu chí “phải nắm giữ 100% cổ phần hoặc cổ phần chi phối (75% hay 65%) ở các DNNN trong một lĩnh vực nào đó”.

“Việc tuyên bố như vậy vô hình trung tạo ra cơ cấu cứng nhắc cho nền kinh tế và cản trở quá trình cải cách DNNN,” họ nói.

Cũng theo Ủy ban, cần đặt sự quản lý các DNNN dưới dạng quỹ quản lý vốn thay vì trực thuộc Chính phủ, các Bộ, hoặc UBND tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam hiện là ông Nguyễn Văn Giàu, có thời gian làm Thống đốc Ngân hàng Việt Nam.

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét