Pages

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Điều 4 – Phải đâu cứ muốn là được?

Thời gian qua, thảo luận sửa đổi Hiến pháp cũng như phát biểu, trả lời phỏng vấn của “vô thiên lủng” (mượn lời nhà văn Nguyễn Quang Lập) các giáo sư, tiến sĩ, tướng, tá, đặc biệt tại kỳ họp thứ 6 QH 13, nhiều đại biểu khẳng định phải giữ điều 4, lại còn phải thêm “đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất” cho mạch lạc…

10 giờ ngày 28/11/2013 ý chí ấy đã được QH (gồm hơn 90 % là đảng viên) thông qua với 97,59% số phiếu, với lý do muôn thuở: Đảng có công lao giải phóng dân tộc, đưa nước ta lên CNXH, “tổ chức mọi thắng lợi”…

Mọi lãnh đạo, nhà cầm quyền đều muốn mình mãi mãi nắm vận mệnh một dân tộc thậm chí cả thế giới. Với đảng CSVN cũng không phải ngoại lệ: Năm 1992 khi khối XHCN đông Âu sụp đổ mất chỗ dựa mọi mặt lãnh đạo đảng CSVN phải vội ghi vào hiến pháp điều 4 để mình nghiễm nhiên cầm quyền mãi mãi đất nước này.

Ở các triều vua, chúa ngày xưa còn có ý chí độc quyền cai trị hơn thế: Vạn, vạn, vạn… tuế.

Thời phong kiến, để mong cầm quyền mãi mãi, ngoài dùng vũ lực trấn áp tàn bạo bất cứ ai làm trái ý, chống lại triều đình, các quan văn, mưu sĩ… không ngớt tuyên truyền công lao trời biển của “tiên đế”, vua, triều đình, làm theo di huấn của “tiên đế”, vua là “con trời” sai xuống trị dân. Các cận thần bịa ra các chuyện ly kỳ, các câu “sấm” để làm cho dân tưởng việc vua mãi mãi cầm quyền là xứng đáng, là ý trời, thần, quỷ… Bằng cách này, dù các đời vua về sau suy thoái, sa đọa, thối nát, nhưng do thông tin xấu bị bưng bít nên nhiều người dân vẫn an phận mà chấp nhận, cam chịu. Chỉ đến khi triều chính quá thối rữa, phe phái nổi lên tranh đoạt quyền bính, dân vùng lên khởi nghĩa, thì vua mới bị người khác thay thế trở thành “kẻ thất phu, cả giàu sang, nặng oán thù; Máu tươi lai láng xương khô rã rời…” (Nguyễn Du).

Một trong những triều đại anh hùng có công lao lớn với dân tộc Việt Nam là nhà Trần: Ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, rồi biến Đại Việt thành quốc gia hùng cường đến các triều đại nhà Minh, Thanh ở Trung Quốc sau này vẫn phải kinh sợ. Những triều vua đầu: Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông… đất nước hùng mạnh, dân ra đường “không thèm nhặt của rơi”… Thế nhưng, theo quy luật, chế độ độc tài không ai giám sát, cạnh tranh ngày càng thối nát, sa đọa, nên đến đời vua Trần Thiếu Đế đã bị nhà Hồ cướp ngôi. Các “tiên đế” nhà Trần có công lao với dân tộc lớn như thế có thể làm ra luật lệ ghi rõ: “Nhà Trần, đội tiên phong của quân, dân Đại Việt, đại biểu trung thành quyền lợi của thần dân lao động và của dân tộc, theo tư tưởng của Ngọc Hoàng, thần, quỷ, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” ai chống lại thì cứ chiểu theo luật đó mà bắt tù. Như thế thì Hồ Quý Ly không dám cướp ngôi nhà Trần sau 175 năm cầm quyền của nhà Trần chăng?

Đến nhà Lê cũng diễn ra tương tự. Lê Lợi từ người áo vải nằm gai nếm mật, trực tiếp cầm gươm ra trận khởi nghĩa 10 năm đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi, gây dựng nên nhà Lê danh thơm lừng lẫy. Nhưng cũng do chế độ độc tài không có giám sát nên đến thời Lê trung hưng triều chính thối nát, Trịnh-Nguyễn phân tranh, đất nước kiệt quệ, kiêu binh nổi loạn, “trộm cướp nổi lên như ong”. Khi ấy, nếu bộ luật Hồng Đức có ghi “Nhà Lê được lịch sử giao phó là đội tiên phong của dân Đại Việt… do đã có công lao đánh đuổi giặc Minh mang lại giang sơn cho dân tộc Đại Việt…” thì Nguyễn Huệ sẽ không dám đem quân từ miền Trung ra Bắc để vua Lê Chiêu Thống phải chạy sang Tàu rồi chết rạc ở đó?

Tất cả lịch sử nhân loại dù có những khúc quanh trái quy luật, nhưng tổng thể vẫn theo đúng quy luật, đúng nguyên tắc: triều đại, chế độ văn minh, dân chủ hơn thay thế triều đại, chế độ độc tài lạc hậu…

Chính vì cái bệnh nan y của chế độ độc tài mà năm 1789 dân Pháp mới phải vùng lên phá ngục Basty, tử hình vua Luis 16, phá bỏ chế độ độc tài để sau này lập nên chế độ cộng hòa tam quyền phân lập, dân phán xét bầu ra lãnh đạo, để có hàng trăm nước dân chủ hùng cường, văn minh, hiện đại như ngày nay. Sự ưu việt của chế độ dân chủ đến mức cả 28 nước châu Âu thành một mái nhà chung, nương tựa, giúp đỡ nhau khi khó khăn. Ngược lại, ở các nước độc tài thì mọi thứ đều trì trệ, xâm chiếm, đánh giết lẫn nhau…

Thế mà đến nay một số đảng cộng sản lại làm cái việc phi khoa học, phi thực tế, trái quy luật đó để làm gì?

Phải chăng để tiếp tục trấn áp những người bất đồng chính kiến, những dân oan… đảng vẫn giữ vững điều 4 để bất khả xâm phạm? Căn cứ vào “luật gốc” đó sẽ đẻ ra các nghị định, quyết định… tạo thành bộ giáp cho đảng, ai nói, làm khác ý đảng sẽ được gọi là “chống đảng, chống phá, lật đổ nhà nước”, cứ chiểu theo luật mà tống giam, bắt tù… để nhiều người sợ hãi mà khuất phục?

Tuy nhiên, không có cái lợi gì là tuyệt đối. Do có “căn cứ”, đảng sẽ mạnh tay hơn trong việc trấn áp “thế lực thù địch” thực chất là nhân dân bất đồng chính kiến, oan sai, mất đất… thì chỉ tổ tích lũy thêm tội ác.

Như ta đã thấy trên thực tế và lịch sử, những chế độ độc tài khi còn đương quyền thì dù rất dã man, tàn bạo nhưng vẫn được tôn vinh đến tận mây xanh. Ví dụ như chính quyền của đảng cộng sản Liên Xô, Đông Âu trước kia, chính quyền Gadhafi ở Lybia, Saddam Husein ở Iraq… gần đây. Trước khi bị lật đổ, ông Gadhafi còn là bạn bè trọng thị của phần lớn các nước trên thế giới, được tung hô là lãnh tụ châu Phi, động một tí là cả triệu dân biểu tình hô Gadhafi muôn năm!… Thế nhưng, khi không còn quyền lực thì cha con, họ tộc của ông bị moi ra cơ man tội ác, kể cả ông bắt hàng trăm bé gái nô lệ tình dục, hơn 200 tỷ USD ở các ngân hàng bí mật bị phong tỏa… Chính quyền ông Saddam Husein của Iraq, chế độ ông Mubarak ở Ai Cập… cũng tương tự. Vừa qua, dù đảng cộng sản Trung Quốc đang tại vị, nhưng một lãnh đạo Trung Quốc đã bị chính phủ Tây Ban Nha phát lệnh truy bắt. Giả thử chính quyền CSTQ sụp đổ thì có lẽ “trúc Vân Nam không ghi hết tội” của nhiều lãnh đạo, đảng CSTQ. Theo quy luật thì ngày đó chắc chắn sẽ đến.

Chính vì vậy, theo tôi, có ghi một chứ ghi nhiều điều 4 vào Hiến pháp thì tác dụng cũng chẳng đáng là bao, thậm chí còn ngược lại.

Phải đâu, cái gì cứ muốn là được.

Nguyễn Đình Ấm 

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét