Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

QUYỀN LÀM CHỦ ĐẤT ĐAI VÀ QUYỀN LÀM CON NGƯỜI

Trích sách “ Chuyện Nước Non Đau Lòng Tới Nghìn Năm” của Bùi Anh Trinh, do Làng Văn phát hành năm 2008 :

Hiệp ước thương mại Việt Mỹ diễn nghĩa ( tiếp theo ).

Hỏi : Ta nhân danh vô sản để cướp của những người hữu sản rồi cũng nhân danh vô sản để bảo vệ cái hữu sản do ta cướp được?

Đáp: Đây là một cái điên đầu mà Cơ mật Viện muốn các ông nghiên cứu thảo luận trong mục thứ 2. Đó là quyền sở hữu, nhất là quyền sở hữu tư liệu sản xuất. Đất đai cũng là một thứ tư liệu sản xuất, bây giờ nói riêng về chuyện đất đai:

Quyền làm chủ đất

Từ ngàn xưa, ông bà tổ tiên chúng ta đi khai phá đất đai, đổ mồ hôi cùng xương máu mới có được mảnh đất để cho con cháu tiếp tục sinh sống. Rộng lớn là mảnh đất quốc gia và phần tử là mảnh đất gia đình. Mỗi mảnh vườn, mỗi thửa ruộng là kết quả công lao của một đời người, có khi cả 2,3 đời mới có được. Những người có mảnh đất đó mong muốn để lại cho con cháu của mình một khi họ già yếu hoặc qua đời.


Thế nhưng Đảng ta nhân danh học thuyết Mác-Lê Nin mà phán rằng những đất đai đó do bóc lột mà có, cướp mồ hôi xương máu của người nghèo mà có. Triều đình kết tội “bóc lột” đối với những người có ruộng đất, truất quyền sở hữu đất đai của tất cả mọi người rồi tuyên bố rằng đất đai là tài sản của nhà nước. Vua Hồ đã mở một chiến dịch đại khủng bố, hành quyết những ai có tội “tổ tông” là làm địa chủ. Thời đó các quan giết người vô tội vạ với chủ trương không có tội cũng đặt ra “chỉ tiêu” có tội, đặt ra chỉ tiêu án tử hình cho mỗi xã đặng kiếm có người mà giết để thị uy.

Xem Bài Liên Quan:
http://www.vanganh.info/2013/11/quyen-lam-chu.html
QUYỀN LÀM CHỦ
Trong ngày khai mạc, chúa Lê Khả (Phiêu) cho biết triều đình quyết định ký thương ước với Huê Kỳ vì không còn cách nào khác. Nếu đã chấp nhận theo kinh tế thị trường thì phải theo đúng luật chơi của kinh tế thị trường, tức là kinh tế tư bản.
Kể từ đó đất đai do nhà nước quản lý, mọi người làm việc theo chế độ công xã, “cùng làm, cùng hưởng”. Nhưng kết quả là “cùng hưởng” mà không “cùng làm”. Đơn giản là cha chung không ai khóc, anh nào cũng rờ vô cho có rồi anh này tưởng anh kia làm nhưng thực ra không ai làm. Do đó đi tới kết quả là tiến gần tới thời kỳ đồ đá, nhà nhà ăn độn, người người ăn đói. Bí quá triều đình nghĩ ra cái “khoán 10” (Kết quả của đại hội trung ương đảng lần 10 của khóa 5 toàn quốc). Đây là một hình thức “phát canh thu tô” (cho thuê ruộng) như thời phong kiến.

Người đứng ra “phát canh thu tô” là các quan cấp xã của triều đình. Họ khoán đất canh tác cho mỗi hộ nông dân theo tiêu chuẩn lập trường giai cấp. Nghĩa là, ưu tiên 1 gia đình liệt sĩ, ưu tiên 2 gia đình tham gia cách mạng, ưu tiên 3 gia đình có công với cách mạng; đám bần cố dân thì ưu tiên 6,7, còn đám có tội với cách mạng thì ưu tiên 10,11. Bao nhiêu ruộng tốt loại 1, loại 2 thì gia đình các quan, còn bần cố dân thì lãnh đất cày lên sỏi đá. 

Năm 1993 để cho phù hợp với đổi mới kinh tế triều đình bèn đặt ra “Luật đất đai” thừa nhận người nông dân có chủ quyền trên mảnh đất mình đang canh tác, gọi là “Quyền sử dụng đất lâu dài”. Có quyền sang nhượng (bán), thừa kế và thế chấp; tức là quyền sở hữu. Đến nước này thì bần cố dân uất hận lên đến tận cổ vì đất đai mồ hôi nước mắt từ thời ông cố nội của mình thì nó làm chủ còn mình thì được làm chủ đất cày lên sỏi đá. Mọi nơi nổi lên chống đối, trước tiên là Bến Tre rồi An Giang, Hố Nai, Thái Bình, Xuân Lộc, nhiều nơi đã xảy ra đổ máu. Vì vậy mà triều đình mới tuyên bố ngưng cấp giấy “quyền sử dụng đất lâu dài”. Và ngày nay thì mọi việc đang còn treo lơ lửng ở đó.

Nay muốn làm ăn theo lối tư bản thì trước tiên phải định cho mọi tài sản có một giá trị đặng mà trao đổi, thừa kế hay thế chấp. Nhưng như vậy là công nhận quyền tư hữu. Muốn công nhận quyền tư hữu thì phải thừa nhận cái chuyện truất quyền tư hữu của người ta trước đây là sai trái. Mà hễ sai trái thì phải xin lỗi mà trả lại đất đai, của cải cho người ta. 

Nghiệt một nỗi nếu trả lại thì các quan lớn nhỏ phải lên rừng mà ở vì nhà cửa mình ở hiện nay là của người ta. Đất đai mình chiếm ngự hiện nay là của người ta. Hơn nữa, hiện nay nhà nước đang nắm trong tay vô số đất đai cũng như bất động sản của các tôn giáo, đa số bất động sản đã phân chia cho các cán bộ đảng viên. Nay nếu công nhận quyền tư hữu thì phải trả lại tất cả đất đai, tài sản cho các tôn giáo. Vậy thì có vô số cán bộ đảng viên phải ra khỏi nhà và vô số cơ quan của nhà nước không còn cơ sở hoạt động.

Chuyện đất đai là như vậy; xong còn hãng xưởng, khách sạn, cây xăng, cửa hàng, đồn điền, trang trại, tàu thuyền, xe cộ v.v... cũng phải trả lại cho người ta. Như vậy thì triều đình chỉ còn hai bàn tay không. Nhưng nếu không công nhận quyền tư hữu thì các công ty ngoại quốc không dám làm ăn trên đất đai của mình bởi vì họ phải bỏ tiền ra mua đất để sản xuất mà không được quyền sang nhượng, thừa kế hay thế chấp thì họ đâu chịu. Do đó các ông cần phải bàn nhiều để tìm cách giải quyết cái chuyện “quyền tư hữu” này.

Hỏi : Tại sao mình không ra cái luật rằng mọi đất đai, tài sản sau cách mạng thì được quyền sở hữu còn đất đai của chế độ cũ thì không có quyền sở hữu?

Đáp: Đâu có được, làm vậy hóa ra mình là đảng cướp. Trước đây mình nhân danh “cách mạng” tuyên bố rằng hễ ai có tài sản đất đai là do bóc lột mà có, là có tội với nhân dân, có tội với cách mạng; mình tịch thu những thứ đó. Nay mình đem đất đai tài sản đó giao cho con cháu mình rồi mình lại tuyên bố hễ ai có đất đai tài sản là không bóc lột, có quyền hưởng. Như vậy đâu khác chi là ăn cướp.

Hỏi : Hồi cách mạng mới thành công, triều đình tuyên bố có cái khách sạn hay cây xăng là có tội, nửa đêm bắt người ta ra khỏi nhà với 2 cái xách tay. Nay gia đình cán bộ cũng lập cây xăng, cũng xây khách sạn thì người dân cũng đã tức giận lắm rồi . Giờ thêm cái thương ước này cho phép mọi người, kể cả người ngoại quốc cũng được phép lập cây xăng, khách sạn. Vậy cái chuyện có cái khách sạn, cây xăng có phải là có tội hay không? Nếu không thì trước kia mình tịch thâu là tầm bậy. Triều đình không dám nhận là tầm bậy cũng được nhưng tại sao không trả lại khách sạn, cây xăng lại cho người ta?

Đáp: Đó là một rắc rối mà triều đình không giải quyết nổi. Bởi vì hiện nay các cơ sở làm ăn, đồn điền, khách sạn, nhà hàng, nhà phố đều do cán bộ và gia đình cán bộ chiếm giữ. Nay muốn trả lại cho người ta thì mỗi thành phố phải xây thêm thành phố khác cho cán bộ và thân nhân cư ngụ. Chuyện đó không thể nào xảy ra được vì không đủ tiền để xây một nước Việt Nam thứ hai.

Hỏi : Hồi cách mạng mới thành công, triều đình độc quyền cung cấp gạo cho dân cư, hễ ai không được cung cấp gạo thì buộc lòng phải đi kinh tế mới. Lúc đó người người phải bán nhà mà đi kinh tế mới nên giá rẻ mạt, một căn nhà đúc chỉ bằng giá một con heo nái hoặc một con bò cày hoặc là 5 bao gạo, chỉ có cán bộ của ta hoặc thân nhân cán bộ mới được quyền mua và mua với giá rẻ mạt đó. 

Nay nhân chuyện trả lại quyền tư hữu thì triều đình có thấy chuyện mua bán đất đai nhà của thời đó là bất hợp lý hay không? Nước Pháp sau chiến tranh có cái luật là giấy tờ mua bán dưới thời Đức chiếm đóng trở thành vô hiệu lực nếu có khiếu nại. Luật này nhằm trả lại sự công bằng về mồ hôi nước mắt mà đã bị o ép bởi tình cảnh chính trị. Nay những người có nhà bị buộc phải bán thời đó có quyền khiếu nại hay không? Ngoài ra có những nhà cửa, tài sản bị triều đình trưng thu trưng dụng, hóa giá với giá rẻ mạt; nay triều đình đem bán cho ngoại quốc với giá gấp vạn lần thì triều đình có chịu trả thêm tiền cho chủ cũ để bằng cái giá mà triều đình đã bán cho ngoại quốc hay không?

Đáp: Căn bản của quyền tư hữu là giá trị tài sản được tính bằng mồ hôi, công lao. Những sự trao đổi trong chế độ cọng sản luôn luôn bất hợp lý do không công nhận quyền tư hữu nữa; vì một khi đã thành của công thì không ai còn tính nó giá là bao nhiêu. Giờ đây muốn trở lại chế độ tư hữu thì phải trả lại giá trị thật cho tài sản. Nhưng giá trị đó chỉ được công nhận khi nó nằm trong tay sở hữu chủ đích thực của nó, khác với giá trị khi nó nằm trong tay kẻ cắp. Nghĩa là phải bồi hoàn đúng giá cho người ta.

Tuy nhiên các quan có chịu bồi hoàn đúng giá cho chủ cũ về cái nhà mà các quan đang chiếm ngụ hay không? Dĩ nhiên là không, nếu triều đình mà ra cái luật như vậy thì gia đình thân thuộc các quan sẽ nổi loạn trước tiên. Do đó các ông cứ bàn tính đi, làm sao giải quyết cái vụ “Quyền sở hữu này”.

Quyền làm con người

Hỏi : Cơ mật viện đưa ra bàn 4 mục mà mục thứ 2 là căn bản của mục 3, mục 4. Hôm nay hội nghị đã bước qua ngày thứ 9 mà không thể nào giải quyết nổi mục thứ 2 . Vậy đề nghị cho ngưng đại hội chứ bàn thảo nữa thì không biết đến bao giờ.

Đáp: Đành phải vậy thôi. Vậy thì triều đình sẽ tuyên bố tiếp tục theo đuổi “Xã hội chủ nghĩa”, bởi vì nếu không theo Xã hội chủ nghĩa nữa thì phải trả lại tài sản cho người ta. Một mặt ta sẽ hứa hẹn cải tổ tức là ta sẽ cho tư hữu hóa dần dần để làm yên lòng giới làm ăn quốc tế, một mặt ta sẽ nới thêm chút tự do cho dân chúng để chứng tỏ thiện chí.

Hỏi : Trong khi đó thì vấn đề dân chủ và nhân quyền giải quyết ra sao?

Đáp: Chuyện dân chủ hay nhân quyền là vấn đề rất trừu tượng cho nên ta nói trời nói đất gì đó cũng xong, ai biểu hứa cái gì thì ta cũng sẳn sàng hứa nhưng còn làm hay không lại là chuyện khác. Hiện nay triều đình đang nắm giữ nhân quyền và dân chủ của người dân đặng làm một thứ con tin để trao đổi với các tổ chức nhân quyền thế giới, khi nào quốc tế tương nhượng cho ta một số yêu sách về kinh tế hay chính trị thì đổi lại ta sẽ tương nhượng một số dân chủ, nhân quyền cho dân chúng. 

Hiện nay chúng ta đang giam giữ một số nhân vật tranh đấu cho nhân quyền, những nhân vật này nói thẳng ra là con tin để chúng ta trao đổi với Quốc tế; một khi Quốc tế tương nhượng cho chúng ta một số quyền lợi về chính trị thì chúng ta sẽ thả một vài người để chứng tỏ chúng ta có nhượng bộ. Tuy nhiên sau khi thả một số này thì chúng ta sẽ bắt giam một số khác để luôn luôn có con tin mà trao đổi với Quốc tế! Do đó không thể trao trả hết dân chủ và nhân quyền ngay được, đề cương của đại hội đảng toàn quốc từ trước đến nay không hề bàn đến những vấn đề này. 

Hỏi : Nhưng nếu “Đế quốc” buộc chúng ta phải chứng tỏ tôn trọng nhân quyền mới chịu đưa tiền cho chúng ta thì sao?

Đáp: Vấn đề là họ bắt tay với ta là vì quyền lợi kinh tế hay vì nhân quyền? Hay vì tình hữu nghị đời đời bền vững? Dĩ nhiên là vì kinh tế, còn các thứ kia là hoa hòe. Vậy chắc chắn là họ không thể vì những hoa hòe mà hủy bỏ quyền lợi kinh tế. Tuy nhiên trong sự giao dịch kinh tế thế nào cũng xảy ra va chạm quyền lợi, cho nên họ sẽ nhanh chóng đóng nút hầu bao của họ lại một khi họ không vừa ý với ta một điểm nào đó. 

Dĩ nhiên là họ không nói thẳng lý do, mà sẽ núp dưới hình thức phản đối đàn áp nhân quyền. Vì vậy phản đối nhân quyền chỉ là tín hiệu bề ngoài để gởi một thông điệp phản đối một vấn đề nào đó, hoặc là để từ chối thi hành một thỏa thuận nào đó. Lời phản đối nhân quyền luôn luôn đi đôi với hành động đóng nút hầu bao.

Hỏi : Vậy thì hiện nay những tay đòi hỏi nhân quyền như Phạm Đan Quế, Hoàng Minh Chính... là người của họ?

Đáp: Không đâu, việc gì mà họ phải tốn tiền, tốn công dữ như vậy. Không có họ thì những tay nhân quyền vẫn đứng lên đòi hỏi, tuy nhiên họ chỉ cần tỏ một dấu hiệu ủng hộ nho nhỏ thì những tay kia đủ phấn khởi mà làm tới .

Hỏi : Trong trường hợp những tay nhân quyền lợi dụng chuyện này mà quậy thì sao?

Đáp: Thì ta sẽ bắt giam họ vì lý do vi phạm pháp luật.

Hỏi : Nhưng họ đâu có làm gì vi phạm pháp luật?

Đáp: Có đó nhưng mà các ông không thấy, thí dụ như luật pháp cho tự do lập hội. Nhưng luật pháp cũng quy định muốn lập hội phải xin phép chính quyền, nhưng mỗi khi họ đưa đơn lập hội thì ta vứt vào sọt rác; buộc lòng họ cứ liều lập hội, vậy là họ vi phạm pháp luật rồi. Hay như luật pháp cho phép tự do thờ phượng và truyền đạo với điều kiện muốn truyền đạo ở đâu thì phải xin phép và phải có sự chứng kiến của Ban tôn giáo tỉnh. Nhưng mỗi khi họ xin phép truyền đạo thì ta không chấp thuận, buộc lòng họ phải truyền đạo lén; như vậy là vi phạm pháp luật.

Hỏi : Lỡ như họ chỉ có yêu cầu hoặc thỉnh nguyện mà không có lập hội thì sao?

Đáp: Nếu họ đưa thỉnh nguyện cho ta thì ta vứt vào thùng rác, coi như không có; buộc lòng họ phải gào to lên, họ hô hào phản đối chế độ hoặc hô hào cải tổ chế độ. Vậy thì họ phạm vào tội muốn lật đổ chính quyền rồi. Luật nước nào cũng có khoản trị tội những kẻ âm mưu lật đổ chính quyền.

Hỏi : Nhưng phản đối chế độ đâu phải là âm mưu lật đổ chế độ?

Đáp: Phản đối chế độ thì ta quy vào tội chống đối chế độ, rồi từ cái tội chống đối chế độ ta quy thành tội chống phá chế độ. Từ chống phá chế độ ta quy ra thành âm mưu lật đổ chế độ; rồi từ âm mưu lật đổ chế độ ta quy thành âm mưu lật đổ chính quyền. Nói tóm lại, nếu anh phản đối chế độ bằng một cái đơn thì cái đơn đó sẽ nằm trong thùng rác, nhưng nếu anh hô to lên cho người khác nghe thì rõ ràng là tuyên truyền chống phá chế độ, âm mưu lật đổ chính quyền. 

Hỏi : Đòi hỏi tự do tôn giáo là vi phạm pháp luật, bất đồng chính kiến với nhà nước cũng vi phạm pháp luật, yêu cầu cải tổ chính sách cũng vi phạm pháp luật, xin được tự do ngôn luận cũng vi phạm pháp luật, dịch tài liệu nói về nhân quyền cũng vi phạm pháp luật. Đi cứu trợ bảo lụt mà không được phép cũng là vi phạm pháp luật, giúp người ta làm đơn khiếu kiện cũng là vi phạm pháp luật. Vậy thì cái pháp luật của ta là pháp luật gì? Thế giới họ đâu có chịu?

Đáp: Nhưng ta đâu có nhốt ai vì đòi tự do tôn giáo? Đâu có nhốt ai vì tội giúp làm đơn khiếu kiện? Ta chỉ nhốt kẻ vi phạm pháp luật mà thôi. Thế giới đâu có phản đối việc xử tội kẻ vi phạm pháp luật? Các đồng chí lãnh đạo của ta chuyên môn giải thích cho báo chí Quốc tế như vậy đó. Thế mà Quốc tế cũng phải chịu chứ đâu bắt bẻ gì được ta. 

Giờ đây nếu có ai trách rằng tại sao ta lại bắt nhốt người tranh đấu cho nhân quyền thì các ông cứ trả lời rằng tranh đấu cho nhân quyền là vi phạm pháp luật. Do đó ta phải bắt nhốt những kẻ vi phạm pháp luật, nước nào cũng vậy. Ngày nay luật pháp ta còn nhân đạo, chứ như ngày xưa ông Phan Chu Trinh ông Trần Quý Cáp chỉ biểu tình đòi giảm thuế là chính quyền thực dân Pháp nó xử tử hình ngay. 

Hỏi : Nhưng mà ông Phan Chu Trinh đúng hay sai? Còn cái chính quyền thực dân là bậy hay không bậy? Thì ra ngày nay ta đối xử với dân chúng y hệt như ngày xưa thực dân đối xử với nhân dân ta?

Đáp: Vấn đề là Quốc tế họ đâu có cần ta đúng hay sai? Ta bậy hay không bậy? Nếu ta bậy thì họ đâu có giao hảo với ta, đâu có bình thường hóa quan hệ với ta? Họ chỉ thắc mắc rằng tại sao ta bắt người này, nhốt người kia mà thôi.

Hỏi : Các nước trên thế giới đều cho dân chúng của họ có quyền tự do phát biểu, tự do hội họp và lập hội, tự do bầu cử ứng cử, tự do biểu tình. Tại sao ở ta lại cấm những thứ tự do đó.

Đáp: Do hoàn cảnh mỗi nước mỗi khác; họ có cái kiểu tự do của họ, ta có cái kiểu tự do của ta; không thể lấy cái áo của người này đem mặc cho người kia. Các ông thấy ngày xưa thực dân Pháp không thể lấy cái tự do của nước Pháp mà áp dụng cho nước Việt Nam. Bởi vì áp dụng ngày trước thì ngày sau nhân dân Việt Nam sẽ đuổi cổ thực dân về nước. 

Ngày nay ta cũng ở trong hoàn cảnh giống như thực dân Pháp thời đó, nếu để cho nhân dân tự do phát biểu thì họ sẽ phát biểu chống đối chúng ta, nếu để cho dân tự do hội họp thì họ sẽ họp nhau lại mà lật đổ chúng ta, nếu để cho dân tự do biểu tình thì họ biểu tình truất phế chúng ta, nếu để cho dân tự do bầu cử thì họ sẽ bầu cho chúng ta về vườn. Ở đây có ông nào chịu về vườn không? Đó! Thấy không? Vậy thì nếu như có ai hỏi các ông là tại sao nước ta không cho dân chúng có được các quyền tự do như mọi nước trên thế giới thì các ông cứ trả lời rằng: “Cái tự do của mỗi nước nó mỗi khác, không nước nào giống nước nào”. 

Thậm chí Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng của ta cũng đã từng trả lời cho đài BBC rằng so sánh tự do của nhân dân Pháp tại Paris với tự do của nhân dân 3 xứ thuộc địa Đông Dương là khập khiểng, là không thực tế. Không thể so sánh dân một nước nô lệ với dân các nước tự chủ. ( Nguyên văn câu trả lời cho đài BBC trong chuyến viếng thăm nước Anh vào tháng 3 năm 2008 là : “Mỗi nước có một kiểu tự do khác nhau. So sánh tự do của Việt Nam với tự do của các nước khác là khập khiểng, là không thực tế”. Có nghĩa là hiện nay dân chúng Việt Nam đang bị đô hộ bởi ĐCSVN, không thể nào được hưởng quyền tự do như dân chúng các nước Thái Lan, Singapour, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương, Đài Loan, Nam Hàn ....).

Hỏi : Hiện nay tại địa phương của tôi thì dân không đòi đất lại nhưng các nhà thờ nhà chùa thì bắt đầu làm đơn xin lại đất đai, tài sản. Vậy đây là vấn đề kinh tế hay là vấn đề nhân quyền? Họ không có làm gì để có thể quy thành tội vi phạm pháp luật, họ chỉ xin lại đất đai và tài sản của giáo hội để hoạt động truyền đạo; chúng tôi phải đối phó làm sao?

Đáp: Thực ra nhà chùa hay nhà thờ cũng là một pháp nhân, cũng ngang hàng với mọi người trước pháp luật. Nhưng cái khó là ta đối phó với tư nhân thì dễ, còn đối phó với tập thể thì rất khó. Nhất là giáo hội Thiên Chúa có hậu thuẩn từ Vatican cho nên mình không thể bắt giam vì tội truyền đạo chui hay tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Họ lấy lý do tôn giáo mà biểu tình thì cũng căng chứ không phải không. Nếu họ biểu tình để xin được tự do truyền đạo thì dễ rồi; đằng này họ biểu tình để đòi lại đất đai thì mới khó, bởi vì nếu trả lại cho Đạo này thì phải trả cho Đạo kia. 

Ngặt một nỗi là trả lại toàn bộ thì các cơ quan, cơ sở của nhà nước dọn về đâu, không lẽ dọn về các dinh thự của các quan chức chế độ cũ? Nhưng các dinh thự này thì các ông hay gia đình các ông đã chiếm mất rồi. Trong số các ông ở đây có bao nhiêu ông muốn sẳn sàng trả lại các dinh thự mà các ông đang chiếm ngự thì giơ tay cho tôi biết?...

Nếu không có ai thì đành phải làm lơ các đòi hỏi của họ, đồng thời triều đình sẽ tìm cách mà thương lượng với Vatican, có thể ta sẽ trả lần hồi những đất đai tài sản nào mà các quan chưa chiếm đóng, lâu nay còn bỏ trống. Còn cái nào đã biến thành cơ quan thì ta cương quyết giữ lấy. Dĩ nhiên là họ sẽ vui mừng chấp thuận lấy lại một nửa, còn hơn là không lấy được miếng nào.

Hỏi : Đất của đạo Thiên Chúa thì như vậy, còn đất của chùa chiền, miếu đền thì sao?

Đáp: Đất của chùa chiền, miếu đền thì dễ hơn. Từ xa xưa các đất này thuộc vào loại giống như công điền công thổ, tức là đất của chung chứ không phải của cá nhân nào cho nên các đất này không được mua bán, ngay cả nhà vua cũng không được đụng tới. Do đó nếu ta nhân danh Xã hội Chủ nghĩa mà “Cọng sản” thì những đất đó đương nhiên thuộc về nhà nước quản lý, không ai phản đối. Riêng các cơ sở giáo dục của Phật giáo thì sau này trong chế độ ngụy mới có, do tiền của đóng góp của bá tánh. Thế thì ta nhân danh “của bá tánh phải trả lại cho bá tánh” tức là của công phải trả lại cho nhà nước!

Hỏi : Vậy thì sự thực bên trong của chuyện tôn giáo biểu tình là vì quyền tư hữu chứ không phải là vấn đề nhân quyền?

Đáp: Đúng như vậy, nếu là nhân quyền thì ta giải quyết cái một, ai ai cũng thỏa mãn. Nhưng đây là quyền tư hữu, tức là quyền căn bản của kinh tế. Vì vậy trước mắt xin các quan về xứ của mình đặng nghiên cứu về vấn đề kinh tế; đặc biệt chú trọng về cái quyền tư hữu. Còn về vấn đề dân chủ thì chỉ là chuyện hoa hòe cho vui mà thôi.

Ngày 4-7-2.000 chúa Lê Khả (Phiêu) đọc diễn văn bế mạc đại hội với ý chính là khẳng định xây dựng Xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công cuộc cải tổ.

© BÙI ANH TRINH 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét