Pages

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Trách nhiệm của Nhà nước?


000_Hkg9202223-305.jpg
Người dân di chuyển đồ đạc từ một ngôi nhà bị ngập lụt trong thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định hôm 16/11/2013
AFP photo
Tính đến thời điểm này đã có 50 người chết và mất tích trên bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai.
Vùng rốn lũ Đại Lộc có 34 ngàn ngôi nhà trôi theo dòng nước. Bình Định gần 100 ngàn căn nhà bị ngập. Các vùng khác thiệt hại cũng tương tự chưa nói đền hàng trăm ngàn hecta hoa mầu và ruộng lúa bị hư hại nặng. Báo chí lặn lội xuống tận nơi đưa tin cùng với những hình ảnh mà người đọc dù cứng lòng cách mấy cũng không thể chịu nỗi.

Những đứa trẻ ngơ ngác thò đầu ra từ một mái nhà đang trôi nổi giữa giòng. Một người nông dân khóc than bên hai con bò duy nhất của gia đình. Đám tang lênh đênh giữa trùng trùng sóng nước và hàng trăm ngàn con người đang tuyệt vọng dưới mưa chờ từng gói mì cứu trợ.
Những hình ảnh ấy tương phản dữ dội với một bài phóng sự video của báo Thanh Niên quay lại cảnh ăn chơi của UBND phường Thủy Châu xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế với những bàn nhậu đầy thức ăn và bia rượu, một cán bộ nữ hát ư ử trên bục và tiếng nhạc xập xình từ loa karaoke khiến sự giận dữ của những ai nhìn thấy cũng có thể đoán ra. Xin xem ở đây: https://www.youtube.com/watchv=xwzcrQmXIC4#t=47
Sự nhẫn tâm vô đạo của cái Ủy ban này là quá rõ. Tiếng nhạc lời ca giữa tang thương chng quanh cho thấy một điều không thể chối cãi: nhà nước này sản sinh, chứa chấp những sinh vật không có trái tim người.
Đồng tiền thuế của người dân đang được chi tiêu cho cái Ủy ban phản động này và những kẻ đang nâng ly chúc mừng sự đau đớn của quê hương đáng đưa vào sách Guiness.
Chỉ có thể than rằng sao nhà nước của chúng tôi bất nhân quá vậy?
Trong khi 50 xác người được chôn cất qua loa giữa cơn lũ thì nhà nước chúng tôi rất nhanh nhẩu gửi điện chia buồn với 50 công dân Nga trong tai nạn máy bay vừa xảy ra. Đối nghịch lại với năm mươi công dân Việt Nam không ai là người lên tiếng cảm thông. Nhà nước chúng tôi không khác chi cái Ủy ban Nhân dân phường Thủy Châu, có phần hơn thế nữa.
Thủy Châu là cấp phường còn cái điện chia buồn kia là cấp nhà nước. Hai cấp chính quyền cùng làm một việc có ý nghĩa như nhau nhưng mức độ nghiêm trọng có khác. Thủy Châu như một đứa con hư, không ý thức được việc mình làm còn cái điện chia buồn kia ý thức một cách trọn vẹn kết quả sau khi bức điện gửi đi: sự vừa lòng của Putin, một lãnh chúa vừa rời Việt Nam với chiếc cặp da đầy ắp hợp đồng bán súng. Chia buồn ở đây có hàm ý nịnh bợ ngay cả sự nịnh bợ ấy có làm đau lòng những nạn nhân của lũ.
Nếu 50 người chết vì lũ được lãnh đạo cao nhất công khai nói lời cảm thông thì điện chia buồn gửi đi Nga sẽ không làm ai thắc mắc.
Tiếc một điều không ai trong tứ trụ triều đình biết nói một lời phải đạo. Thói quen im lặng trước nỗi đau bão lụt đã thành sẹo trong tâm hồn khiến mỗi lần muốn nói là một lần khó khăn cho họ. Bên cạnh đó có lẽ trách nhiệm là một phần câu hỏi khiến họ khó trả lời và vì vậy cách hay nhất là lờ đi những gì cần phải làm hay giải thích.
Nhân dân chúng tôi cần nghe các ông bà ở Bộ chính trị giải thích cặn kẽ rằng có hay không tác hại của thủy điện đã làm cho cả miền Trung chìm trong biển nước?
Nhân dân chúng tôi cần nghe ông Tổng Bí thư giải thích rõ những tác hại ấy có phải xuất phát từ con đường trặc trẹo tiến lên xã hội gây ra hay không?
Nhân dân chúng tôi cần nghe ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích có sự ăn chia nào trong các dự án thủy điện của EVN hay chính quyền địa phương nơi có những dự án thủy điện tư nhân đang điên cuồng xả lũ vào nhân dân chúng tôi.
Nhân dân chúng tôi cần nghe ông Nguyễn Sinh Hùng trong tư cách chủ tịch Quốc hội có bao giờ ông chỉ đạo cho gần 500 đại biểu dưới ngón tay trỏ của ông không nên lên tiếng hoặc lên tiếng có chừng mực về tệ nạn xả lũ giết dân hay không?
Nhân dân chúng tôi cần nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giải thích tại sao là chủ tịch nước nhưng ông lại không có bất cứ hành động nào để lo toan trước các cơn bão lụt tàn phá hủy hoại con người, tài sản của nhân dân?
Nhân dân chúng tôi cần hỏi tất cả bốn ông một câu hỏi chung: trách nhiệm của từng ông trong khi nắm sinh mạng của nhân dân, dân tộc nằm ở chỗ nào khi các ông cứ âm thầm làm những việc các ông muốn bất kể người dân chúng tôi có kêu gào, đòi hỏi đến khàn giọng.
Điển hình là vụ sửa đổi hiến pháp. Các ông vẫn cho Quốc hội thông qua cái hiến pháp giúp các ông nắm chắc ghế ngồi của các ông và thuộc hạ hơn nữa. Với những dự án thủy điện tai họa treo lơ lửng trên đầu nhân dân chúng tôi qua điều 4, đã ngăn cản bất cứ đòi hỏi thay đổi nào đối sự độc tôn toàn trị của đảng các ông.
Sự độc tôn ấy đang đồng hành với cơn lũ cuốn cả miền Trung vào cùng khổ đói nghèo với những mất mát không thể nào bù đắp.
Hãy trả lời chúng tôi, kể cả sự trả lời ấy phát sinh từ lòng dối trá. (Cánh cò blogger)
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét