Pages

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Viết sau ngày 20

A.Q
truong moiTôi không muốn ghi lại những dòng này sau khi dự lễ kỷ niệm 31 năm Ngày nhà giáo Việt Nam tại nơi mình công tác. Tôi sợ chính mình đã góp phần làm nhòe đi ý nghĩa của từ “cao quý” trong giáo dục. Nhưng tôi lại thấy buồn vì những điều chứng kiến và trải qua tại nơi này…
Đi dạy hơn 10 năm, ngày tôi mới ra trường, ngôi trường này còn nghèo, ở một xã vùng sâu của huyện, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhiều thiếu thốn, học sinh vào dịp 20-11 rất nhiều em mang hoa hồng nhựa tặng thầy cô. Xung quanh trường là cỏ, là cây dại mà đôi khi cao hơn nửa người, nhưng ngày ấy rất ấm cúng, ít ai tư lợi, ngụy tạo…

Theo thời gian và sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội, cách đây ba năm trường đã được xây mới khang trang, rộng rãi. Lãnh đạo mới được chuyển về vào những ngày ngôi trường bắt đầu quá trình xây cất mới. Nhiều thứ đổi thay: chỉ có ở đây phòng làm việc của hiệu trưởng mới được gắn máy lạnh tươm tất. Những hạng mục “phụ” cũng được lãnh đạo tiến hành cho xây dựng, là hồ cá, non bộ, những thảm cỏ lá kim chỉ dành trồng trong các sân golf, các tảng đá cao hơn đầu người được khắc những dòng chữ theo ý tưởng của người đứng đầu đơn vị… Chi phí cho những khoản ấy là từ đóng góp của phụ huynh học sinh, con em họ thì phải ra công đào đất, san lấp mặt bằng… Các ý tưởng này được thực hiện với số tiền lên đến ngót 50 triệu đồng. Tất cả được cho là “đầu tư cho văn hóa là sự đầu tư lâu dài nhất”!
Nhìn từ ngoài đây cũng được xem là một trong số vài ngôi trường xếp vào hàng đẹp nhất tỉnh. Thế nhưng ít ai biết để góp phần vào việc tạo nên vẻ mỹ quan ấy chính là nhà giáo chúng tôi mà ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi phải tham gia lau dọn các phòng chức năng theo phân công, hai chữ “chế tài” luôn lởn vởn trong đầu nếu không hoàn thành nhiệm vụ dọn dẹp.
Nhiều người cũng ngơ ngác hỏi nhau: Nhiệm vụ dọn, lau có phải là của giáo viên, hay đó là vai trò của tạp vụ? Tạp vụ trường tôi được “đặc cách” làm nhiệm vụ khác ngoài dọn dẹp, trà nước. Để trường không phải xấu xí vì rêu bám sau những đợt mưa dài ngày, giáo viên chúng tôi phải theo học trò chà rửa. Có hôm gần đến 20-11, lớp hạng chót thi đua tháng được giao phải làm sạch cả sân trường gần 1.000m2. Các em về nhà rất trễ, bàn tay nhăn lại vì ngâm nước quá lâu suốt mấy giờ… Ít ai biết học sinh nơi này rất vất vả vì nhiệm vụ lao động, vệ sinh mà nhà trường giao.
Ngày 20-11, một trong những biểu hiện của sự tri ân thầy cô chính là tiết mục học sinh tặng hoa cho tất cả cán bộ, giáo viên lẫn đại biểu dự lễ. Các em được huy động gần trăm, xếp hàng và theo thứ tự đứng đối diện rồi trao tận tay người nhận một nhánh hoa hồng. Trông rất trang trọng, nhưng tôi lại day dứt vì những hình thức phải có trong lễ lạt: ngay chính Bộ GD-ĐT cũng kiên quyết không nhận hoa tặng, quà tặng trong ngày quan trọng đối với ngành mình thì tại một trường vùng sâu, vùng xa học sinh còn nghèo, đi học thiếu thốn, phụ huynh 3g sáng đã phải bắt đầu công việc một ngày mới, liệu có nên “lập trình” như thế cho học sinh?
Trước quan khách dự tiệc, nhà trường tuyên dương những giáo viên đạt thành tích, có danh hiệu cao trong thi đua của năm học trước, nhiều bằng khen, giấy khen đã được phát ra trước đó, vào ngày khai giảng năm học mới, được nhà trường mượn lại để tiếp tục “trao lại” cho chính những chủ nhân của nó khi đọc tên và đề nghị họ lên sân lễ nhận thưởng. Các nhà giáo này sau khi thực hiện phần việc của mình lại nhanh chóng mang bằng khen vào bên trong trả lại ban tổ chức để tiếp tục trao cho những người còn lại. Bên dưới là những tràng pháo tay nồng nhiệt của người dự khán, còn “người trong cuộc” thì thấy ngài ngại. Và những ai thấy “ngại” chính là những người thầy từng dạy học trò phải biết trung thực, đừng sống giả dối. Họ rất biết là bằng khen họ nhận tại buổi lễ này đang “đánh lừa” học sinh mình bên dưới…
Tự nghĩ: Ngày nhà giáo là ngày mà giáo giới ôn lại những vui buồn trong nghề, là thời khắc mỗi người chở chữ lắng mình lại hơn khi nhận về phía mình hai tiếng cao quý mà cả xã hội tôn vinh. Lẽ ra, buổi lễ sẽ khó quên hơn nếu nhà trường không quá chú trọng hình thức.
Theo TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét