Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chào đón Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Hà Nội, ngày 16/12/2013.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới ra một thông cáo tổng kết kết quả từ chuyến thăm Việt Nam kéo dài từ ngày 14 – 16/12 của Ngoại trưởng John Kerry.
Chuyến công du được coi là để ‘nêu bật sự chuyển biến sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua’.
5 điểm chính được Bộ Ngoại giao Mỹ nêu ra gồm vấn đề: xây dựng năng lực hàng hải, hợp tác kinh tế, các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường, hợp tác giáo dục và thúc đẩy tôn trọng nhân quyền.
Thông cáo này cho rằng chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công bố hồi tháng Bảy.
Quan hệ đối tác mới ‘thúc đẩy các sáng kiến tăng cường quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam và nhấn mạnh cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với chính sách tái cân bằng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương’.
Đánh giá về chuyến công du của ông Kerry, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt – Mỹ tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ, cho rằng có hai điểm chính nổi bật trong chuyến công du của ông Kerry.
“Điểm thứ nhất, ông Obama đã vắng mặt trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua ở châu Á và bên Á châu có nhiều phàn nàn rằng ông ấy không để ý tới Á châu. Do đó, chuyến đi này nhằm nhấn mạnh rằng Mỹ chú ý và sẽ ở lại Á châu để giúp đỡ khu vực này. Điểm thứ hai là trong cuộc thăm viếng này, ông Kerry chúng ta thấy ông đặc biệt đến hai nước là Việt Nam và Philippines, hai nước có nhiều tranh chấp với Trung Quốc nhất, và quan ngại nhiều về việc liệu Mỹ có khả năng cam kết lâu dài ở vùng này không”.
Khi được hỏi là liệu Việt Nam có thể được trấn an sau chuyến thăm của ông Kerry trong bối cảnh có nhiều quan ngại về sự hung hăng của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải có tranh chấp, ông Hùng cho rằng các tuyên bố của Mỹ chỉ ‘xoa dịu được sự quan tâm’.
“Việt Nam thì muốn được trấn an nhưng mà những lời nói thì cũng không đủ để Việt Nam cảm thấy được trấn an. Họ vẫn quan tâm và lo ngại về việc Hoa Kỳ không thể thực hiện các cam kết và họ cũng lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể đi đêm với Trung Quốc mà bỏ rơi họ. Thành ra những lời nói mà không đi kèm với hành động thì khó có thể trấn an người ta được. Mỹ thì cũng muốn dấn thân nhiều nhưng đang chờ đợi xem Việt Nam làm cái gì. Ông Việt Nam muốn Mỹ cam kết một cách khơi khơi trong khi ông Mỹ thì lại bảo ông muốn tôi cam kết thì ông phải làm cái gì thúc đẩy bang giao hai nước. Ông cũng nói rõ rằng Việt Nam phải có những cái đáp ứng nào đó để giảm bớt trở ngại cho sự tiếp xúc của hai nước. Ông ấy nhấn mạnh tới nhân quyền, ông nhấn mạnh tới cải tổ kinh tế, ông nói tới tự do trên mạng”.
Ngoại trưởng John Kerry công bố cam kết ban đầu trị giá 32,5 triệu đôla cho viện trợ khu vực và song phương mới để phát triển năng lực hàng hải tại Đông Nam Á.
Hoa Kỳ dự kiến dành 18 triệu đôla từ dự án mới này cho Việt Nam ‘để hỗ trợ tăng cường năng lực cho các đội tuần tra biển triển nhằm nhanh chóng triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, đối phó với thảm họa và các hoạt động khác, bắt đầu bằng việc huấn luyện và cấp năm tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam’.
Các giới chức Hoa Kỳ bấy lâu nay đều tuyên bố rằng Washington không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp ở biển Đông.
Sau Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ tới Philippines, và tại đây, ông cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ cung cấp cho lực lượng an ninh của đồng minh lâu đời của Mỹ khoản trợ giúp mới trị giá 40 triệu đôla nhằm giúp Manila bảo vệ lãnh hải của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét