Pages

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Bùi Văn Bồng - Thực chất Dân chủ hay Đảng chủ

Trong các nghị quyết của Đảng đều nêu rõ mục tiêu phấn đấu là “xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Vậy ta đã xây dựng như thế nào, hiệu quả thực sự đến đâu? Nói và làm có đi đôi?

Nói về dân chủ, trước hết là nói về quyền thực thi dân chủ, quyền được thụ hưởng nền dân chủ của người dân trong một thể chế chính trị-xã hội. Trong bản Tuyên ngôn độc lập 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Và tiếp đó, Người cũng trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Lịch sử đấu tranh về nhân quyền và dân quyền trên thế giới đã ghi nhận bản Tuyên ngôn trên đây của cách mạng Pháp là văn bản nền tảng của các mạng dân chủ nhân dân, trong đó qui định các quyền cá nhân và quyền tập thể của tất cả các giai cấp, các tầng lớp xã hội là bình đẳng. Bản Tuyên ngôn này chịu ảnh hưởng bởi học thuyết các quyền tự nhiên, các quyền con người là bình đẳng, có giá trị ở mọi thời điểm và tại mọi không gian, gắn với bản chất của chế độ chính trị-xã hội mà họ đang sống. Văn bản này thiết lập các quyền cơ bản cho tất cả công dân Pháp và tất cả con người không ngoại lệ, nó được coi là tiền thân của các phương thức nhân quyền quốc tế. Điều 21, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948, cũng nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của đất nước mình...Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền”. Thực tế cho thấy, với ‘công thức 4 C’ , con em nhân dân lao động có được bao nhiêu phần trăm trong hệ thống lãnh đạo, các chức danh quyền lực từ Trung ương đến cơ sở?

Dân chủ luôn luôn là ước vọng của con người trong mọi thời đại, mọi dân tộc. Nó cần như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày. Dân chủ là thước đo chất lượng cuộc sống văn minh xã hội và năng lực quản lý của một nhà nước. Dân chủ không phải tự nhiên mà có. Lịch sử đất nước ta đã chứng minh, muốn có một xã hội thực sự dân chủ, thực sự văn minh, lành mạnh phải đấu tranh, thậm chí phải hy sinh biết bao xương máu. Dân chủ và cuộc đấu tranh vì dân chủ hay dân chủ hóa, cũng như hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển, là một xu thế lớn của thời đại. Cuộc đấu tranh vì dân chủ, cũng như vì hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đã và đang có những bước tiến mới. Hơn thế, dân chủ và dân chủ hóa còn ngày càng trở thành mục tiêu và động lực, nội dung và phương thức của phát triển xã hội theo hướng phát triển hướng tới công bằng, văn minh và thực sự bền vững.

Các báo, đài cứ rền vang: Ở nước ta hiện nay, dân chủ trở thành mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới. Hoặc là ‘tự huyếnh’ lên, 'tự vỗ tay': Vấn đề dân chủ và dân chủ hóa ngày càng có tầm quan trọng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; những thành tựu của quá trình dân chủ hóa đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, toàn Đảng toàn dân ta cũng đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình dân chủ hóa, văn minh hóa một xã hội đang phấn đấu vươn tới hiện đại hóa.

Thực ra, nhận thức về vấn đề dân chủ đã khó khăn và phức tạp, nhưng nhận thức về dân chủ hóa hay quá trình hiện thực hóa những mơ ước, những giá trị dân chủ trong đời sống còn khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Về mặt lý thuyết cứ “kêu vang” như vậy, nhưng trong thực tế việc thực thi dân chủ chư đạt ý nguyện,lòng dân. Tình trạng tùy tiện,vi phạm quyền dân chủ, độc đoán chuyen quyền vẫn liên tiếp xảy ra. Nhiều vụ thật đau lòng. Thậm chí, cán bộ của đảng, chính quyền, công an đã vi phạm dân chủ rất trắg trợn. Những vấn đề về mục tiêu, động lực, nội dung, hình thức và phương pháp; nguyên nhân, kinh nghiệm, nguyên tắc, phương châm và bước đi của dân chủ hóa luôn là những vấn đề khó khăn và mới mẻ đòi hỏi phải giải quyết một cách đồng bộ, cần sự hợp lực rộng lớn để chuyển biến, thay đổi từ tư duy, nếp nghĩ, thói quen , lối sống đến những hành động tổ chức thực thi.

Hiện nay, dân chủ cần được hiểu là dân chủ trong Đảng và dân chủ toàn xã hội, dân chủ ngay trong các cộng đồng dân cư, dân chủ trong môi trường sống, lao động, học tập, sinh hoạt xã hội. Thế nhưng, một thực tế phải ghi nhận là từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng lao động đều chưa thực sự được phát huy quyền dân chủ của mình. Và người ta thấy do sự thiếu gắn kết Dân với Đảng, do những cách thức làm việc và sự áp đặt của chính quyền. Dân chủ nhiều khi chỉ là hình thức. Người dân không được thấu đáo là dân chủ thì mình được hưởng quyền đó như thế nào? Và dẫu có biết cùng không được hưởng vì những vi phạm của cơ chế, thể chế quyền lực. Các vụ xảy ra với hành động điều công an bất chấp pháp luật trấn áp dân thẳng tay như Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, lình sình kéo dài như Dương Nội, rồi biết bao vụ người dân có đất, thậm chí ông bà để lại cả chục nghìn m2 đất, nhưng nay rơi vào cảnh bị trắng tay, oan ức, thiệt thòi đi kiện chán đành về cam chịu cảnh không đất, không nhà, đi làm thuê, đi ở cho nhà giàu để kiếm sống, vậy nền dân chủ xã hội mang tiếng là tốt đẹp nay ở đâu? Kẻ phá nhà ông Vươn, cố tình làm trái pháp luật, dùng LLVT trấn áp dân chủ lại được thăng quan phong lên cấp, kẻ phá nhà ông Vươn chỉ xét xử lấy lệ, vẫn là “quan xử theo lễ, dân xử theo hình”, thế là dân chủ à?

Trong vụ thực hiện lệnh cưỡng chế để giải quyết đất đai quá mạnh tay và liều lĩnh, vi phạm dân chủ nghiêm trọng ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cả việc thực thi dân chủ và sử dụng quyền dân chủ đều đặt ra những vấn đề cần xem lại. Nhận thức của các cán bộ, đảng viên cấp thừa hành và tại cơ sở về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thế nào? Tại sao một mệnh lệnh sai trái, một hành động sai pháp luật rành rành mà không ai lên tiếng? Vũ khí đấu tranh để bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ chân lý ở đâu? Thừa hành mệnh lệnh mà gây ác, hoặc lờ đi trước tội ác cũng là tiếp tay cho tội ác.

Những đảng viên là sĩ quan công an, quân đội, những chỉ huy dân quân là đảng viên, trước hết phải tự xem xét cái chất đảng, bản lĩnh người đảng viên thế nào, có còn xứng đáng hay không? Nhiệm vụ thứ 3 của người đảng viên là: “Luôn luôn thắt chặt mối liên hệ với quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân… Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng... Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”. Chính đảng bộ, chi bộ ở đó đã suy thoái, biến chất, mất vai trò lãnh đạo, thậm chí lại vào hùa với những quyết dịnh, những mệnh lệnh sai trái đẻ đàn áp dân chủ.

Lời Bác dặn còn đó: “Cái gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Thế mà hơn chục năm cứ ra rả “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng càng học càng làm ngược lại; đó là sự phả bội đối với Bác Hồ, “lôi” Bác ra làm tấm bình phong để kéo bè kết cánh vụ lợi. Giữa ban ngày mà tung lực lượng, cả máy ủi, máy xúc đập phá nhà dân, giữa ban ngày mà công khai kéo hàng chục tấn cá trong hồ của dân, thế mà cũng gọi là “thi hành công vụ” ư? Người nào đó đọc lại câu ca dao chống xâm lược, chống phong kiến: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, liệu có đúng với hiện trạng vụ việc này không? Liệu có thấy xấu hổ và đau lòng hay không?

Có một lý giải xem ra cũng đúng với thực tế trong xã hội, do những ‘lực lượng trấn áp’ dày dặc và được trao quyền chèn ép, coi thường, chà đạp dân bất cứ ở đâu, bất cứ sự việc gì, cho nên sinh ra tâm lý sợ chính quyền, sợ công an, thấy bắt bớ, giam cầm là sợ. Cho dù khi biết người đại diện cho chính quyền, mấy anh công an làm sai trật lấc, không đúng đường lối, ngược chính sách của Đảng, không đúng pháp luật, nhưng lại ít có bản lĩnh, không biết hợp sức bà con đồng lòng đoàn kết lại để đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ của mình, cứ im lặng ngó qua cho xong chuyện, thậm chí cắn răng mà cam chịu và tự khuyên nhau: “Họ có quyền, có thế, là người Nhà nước, dân mình thấp cổ bé họng, làm sao cho lại?”. Những cán bộ, đảng viên cấp dưới thuộc quyền thì như “thiên lôi”, chỉ đâu đánh đấy, thậm chí còn hành động như muốn lập công với cấp trên, thể hiện cái gọi là “ý thức phục tùng”. Sự nhu nhược, thiếu bản lĩnh ấy đã dẫn tới tạo điều kiện buông cho cái sai được dịp sai nặng hơn, cái ác thêm lộng hành, cửa quyền càng phát sinh. Rồi cuối cùng, người dân bị tước quyền dân chủ một cách trắng trợn.

Và cũng do vậy, trong các tầng lớp quần chúng cũng có những người chỉ chăm chắm lo “thủ” cho cái tôi bé nhỏ, sinh ra co lại, trùm chăn an phận, sống theo kiểu “mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “chuyện ai kệ ai, mặc gai trước mắt”, từ đó sinh ra hiện tượng lối sống vô cảm. Vì thế, sức manh đoàn kết cộng đồng bị dần dần yếu đi, thậm chí như bị triệt tiêu. Một số vụ thấy người hành xóm, người trong cơ quan, đơn vị bị ức hiếp quá đáng, nhưng không ai ra mặt can thiệp, chuyện ai người ấy gánh, phận ai người đó chịu, đấu tranh-tránh đâu, nói có ăn nhằm gì. Hoặc không ít người quan niệm: “Họ mất chất cộng sản rồi đấy, nhưng dây vào họ làm gì, chỉ sinh phiền toái, chẳng phải đầu cũng phải tai”. Tâm lý sợ bị trù dập, sợ trả thù, hoặc tâm lý tự ti là dân không quyền hành nên không dám lên tiếng là rất phổ biến và tai hại. Có những cán bộ, đảng viên biết là nói sai, nói và làm sẽ có hại cho dân, sẽ ảnh hưởng uy tín Đảng, nhưng ỉ vào cấp trên, nịnh cấp trên, muốn cái lợi trước mắt gì đó, mà vẫn cố tình nói liều, nói ẩu, làm sai, bao che cho cái sai. Thực hiện quyền dân chủ, đấu tranh vì nền dân chủ thực sự nhiều khi rất cần bản lĩnh, dũng khí, chính kiến rõ ràng. Những biểu hiện đó, suy cho cùng là chính mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cũng chưa phát huy quyền dân chủ của mình. Mặc kệ những đau khổ, thiệt thòi, oan khốc của người khác; mặc kệ cho sự vi phạm dân chủ một cách trắng trợn, tưởng như được an toàn cho bản thân, gia đình, nhưng đến lúc nào đó cái nạn đến với chính mình, rồi cũng đành phải cam lòng gánh chịu.

Khái niệm tôn trọng quyền con người và tự do dân chủ cũng như trao quyền cho việc phát triển con người là điều không thể thiếu trong việc bảo vệ và tăng cường an ninh con người. Quá trình thúc đẩy quyền con người, phát triển con người và an ninh con người - ba khái niệm có liên quan mật thiết với nhau như là tầm nhìn cơ bản của một trật tự thế giới mới - có thể bắt nguồn từ những xã hội trong đó các giá trị dân chủ không chỉ được truyền bá mà còn được thực hiện chuẩn mực và chất lượng. Chỉ trong một nền dân chủ thì việc tôn trọng quyền con người thể hiện ở tự do thoát khỏi sợ hãi và các mối đe dọa đối với sự tồn tại cơ bản của một người; phát triển con người đặt ra yêu cầu về nguồn lực và tự do mà một người cần để phát triển tối đa tiềm năng của mình; an ninh con người đề cập đến tự do thoát khỏi nạn đói, chiến tranh, thảm họa sinh thái, những bất công, cũng như những hành động xâm phạm đến con người do chính con người đưa đến với nhau.

Dân chủ thường được hiểu là quyền lực của nhân dân, nhưng quyền lực đó phải được pháp luật bảo vệ mọi lúc mọi nơi thì mới phát huy được hiệu quả, nếu không thì số đông cũng bị một vài cá nhân quyền lực trấn áp một cách vô lý và oan ức. Cho nên, khi người dân không được tôn trọng, không tạo điều kiện để nâng cao nhận thức về Hiến pháp, pháp luật, về quyền làm chủ xã hội và bản thân, quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc vẫn rất khó đến được với họ. Có một thực tế là các "quan tham" và "quan dốt" né tránh dân chủ, sợ mở rộng dân chủ sẽ nhiều bất lợi cho mình, nhất là những việc làm sai trái khó che đậy và vô cùng khó lý giải trước dân. Đó là cái mầm tư tưởng sinh ra co lại "phòng thủ" với dân chủ, dẫn tới độc đoán, chuyên quyền. Mệnh danh là đảng của giạ cấp công nhân, nhân dân lao động, mà khi người dân nhắc đến dân chủ cứ giẫy lên như đỉa phải vôi! Rình xem có kẻ nào đứng phía sau kích động dân đòi quyền dân chủ…

Về bản chất, dân chủ liên quan chặt chẽ tới các nguyên tắc quyền con người, do đó không thể thực hiện dân chủ đầy đủ và rộng rãi nếu như không đảm bảo đầy đủ việc tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người. Ngoài quyền tham gia và quyền đại diện, dân chủ còn có tính bao hàm, tức là quyền này có đầy đủ trong cuộc sống của công dân ở một cộng đồng, một khu vực hay một nhà nước. Cách thức để mỗi công dân đều có thể thực hiện đầy đủ quyền được tham gia là ở quyền được tự do sống theo Hiến pháp, pháp luật mà không bị thói cường quyền xâm phạm. Chỉ những người có hiểu biết cơ bản về cách thức vận hành của hệ thống và có kiến thức về các cơ chế và các tổ chức trong một xã hội dân chủ thì mới có thể đóng góp và giúp ích cho xã hội. Thế nhưng, mấy năm gần đây các kiến nghị, đề xuất của giới trí thức nhằm nâng cao dân trí, thực thi dân chủ, bảo đảm nhân quyền đều bị ‘bỏ ngoài tai’, không hồi âm, không càn trả lời, thậm chí còn quy chụp “thế lực thù địch” xúi giục! Suy cho cùng, quyền dân chủ bị vi phạm quá nặng thì cần xem lại những lỗi hệ thống tổ chức, điều hành, quán lý xã hội.

Quá trình thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đang được tiến hành đồng bộ, rộng rãi. Quy chế dân chủ cơ sở nhằm đảm bảo cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trực tiếp ở cơ sở nơi cư trú và cơ quan, đơn vị công tác. Tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng về mở rộng dân chủ, dân chủ trực tiếp được cụ thể hoá và đưa vào khá nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đang được tiến hành đồng bộ, rộng rãi. Đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ cơ sở xã kèm theo nghi định 79/2003/NĐ -CP.

Để “Quy chế dân chủ cơ sở” được phát huy rộng rãi, thực sự đi vào cuộc sống, trước hết cần thường xuyên tăng cường giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên có quan điểm tư tưởng, có lập trường cộng sản kiên định, nhận thức thật đúng đắn và sâu sắc về mối quan hệ Đảng lãnh đạo với thực thi dân chủ. Cần phát hiện và xử lý kỷ luật kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ.

Muốn thực hiện dân chủ xã hội rộng rãi, trước hết phải thực sự dân chủ trong Đảng. Nếu như ngay trong nội bộ Đảng cũng bị mất dân chủ, thì chẳng thể mong thực hiện dân chủ toàn xã hội. Dân chủ trong Đảng phải gắn chặt với thực hiện nguyên tắc, điều lệ Đảng, gắn với tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về dân chủ. Cũng cần chống lại những biểu hiện dân chủ giả hiệu, mị dân, lừa dân, hô khẩu hiệu một chiều mà tự xưng lên là tôn trọng dân chủ.

Dân chủ xã hội càng đi vào lòng người thì đó là nguồn sức mạnh vô biên để xây dựng ngày càng vững chắc thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo, cũng là thiết thực nâng cao khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín và độ bèn vững của một Đảng cầm quyền.

Bùi Văn Bồng

(Blog Bùi Văn Bồng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét