Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Các cựu quan chức Vinalines có thể lãnh án tử hình

Nhân viên bảo vệ đứng bên trong ụ nổi 83M neo tại cảng
 ở Đồng Nai.

VOA
Các cựu quan chức hàng đầu của Tổng công ty Hàng Hải Vinalines của Việt Nam đã ra tòa hôm qua về tội tham nhũng, và không tuân thủ các quy định của nhà nước.

AFP tường thuật rằng 4 cựu quan chức của Vinalines, gồm ông Dương Trí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, có thể đối mặt với bản án tử hình về vụ mua ụ nổi 83M của Nhật Bản bị hư hại, gây thiệt hại cho nhà nước tới 366 tỷ đồng.



Công ty Vinalines, một công ty do nhà nước sở hữu, xuýt rơi vào tình trạng phá sản với 3 tỉ đôla tiền nợ. Vụ này đã khiến giới đầu tư mất tin tưởng vào lĩnh vực quốc doanh, một lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Việt Nam.

Tờ Tuổi Trẻ số ra hôm nay nói rằng Viện Kiểm sát Nhân dân ở Hà Nội đã đề nghị án tử hình cho ông Dương Trí Dũng và cựu Tổng giám đốc Vinalines Mai văn Phúc, trong khi ông Trần Hữu Chiều, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines, bị đề nghị từ 9 tới 10 năm tù, và ông Trần Hải Sơn, cựu Tổng giám đốc TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, từ 19 tới 20 năm tù.

Các bị cáo bị kết tội tham ô để chia chác hơn 28 tỉ đồng tiền “lại quả” nhận được của các đối tác nước ngoài. Theo bản tin này, thì hai ông Dương Trí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người đã nhận 10 tỉ đồng tiền hối lộ. Theo tờ Tuổi Trẻ thì Viện Kiểm sát Nhân Dân đã tăng hình phạt đối với hai cựu quan chức này vì họ không ăn năn hối cải.

Pháp tấn xã nói rằng Việt Nam được xếp loại là một trong các nước tham nhũng nhất trên thế giới, nơi mà các vụ hối lộ và tham nhũng là mối bức xúc hàng đầu của người dân thường trong những sinh hoạt hàng ngày.

Theo AFP, các vụ án lớn chống tham nhũng đã được chính quyền Việt Nam loan báo trong thời gian gần đây để xoa dịu những nỗi bức xúc trong dân chúng.

Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết các tòa án Việt Nam đã mở 278 vụ án chống tham nhũng trong năm nay. Hãng tin này dẫn lời ông Adam Sitkoff, Giám Đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói rằng tham nhũng và các vấn đề liên quan tới các nhóm đặc quyền đặc lợi đã ăn sâu vào cấu trúc của lĩnh vực quốc doanh, và nếu không giải quyết tận gốc các vấn đề này, thì Việt Nam sẽ không thể nào được giải quyết quốc nạn này.

Nguồn: AFP, Bloomberg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét