Pages

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Chủ tịch thị trấn từ chức để đi đòi nợ

QUẢNG NAM 29-12 (NV) - Chủ tịch UBND một thị trấn miền núi tỉnh Quảng Nam xót của đã nạp đơn từ chức để đi đòi nợ. Đây là chuyện rất bất bình thường ở xứ người ta dùng thế lực để làm đủ mọi chuyện.
Người dân dùng rìu phá khóa sắt để vào bên trong đòi nợ công ty vàng Phước Sơn. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tin được loan tải rộng rãi trên nhiều báo ở Việt Nam cho hay ông Đỗ Ngọc Thắng nộp đơn xin từ chức chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, để tham gia đoàn người ở địa phương đều là chủ nợ của nhà máy khai thác vàng Phước Sơn.



Vào các ngày 26 và 27/12/2013, khoảng hơn 200 tiểu thương, công nhân và giám đốc cùng người nhà của công ty Quảng An tại thị trấn Khâm Đức cắm trại phong tỏa trước cổng nhà máy khai thác vàng Dak Sa tại xã Phước Đức huyện Phước Sơn, để đòi công ty khai thác vàng Phước Sơn trả nợ.

Trong số những người đi đòi nợ, có ông Đỗ Ngọc Thắng và vợ ông là bà giám đốc công ty Quảng An, đối tác của công ty vàng Phước Sơn. Theo tin tức, công ty khai thác vàng Phước Sơn đang nợ hơn 220 tỉ đồng (khoảng $11 triệu) trong đó có gần 20 tỉ đồng (hơn $1 triệu) là tiền nợ công ty Quảng An và tiền thuế đang thiếu khoảng 190 tỉ đồng, còn nợ các tiểu thương khác phần còn lại.

Công ty của bà vợ ông Thắng cung cấp dịch vụ vận chuyển quặng cho công ty vàng Phước Sơn hơn 10 năm qua. Theo lời ông, vì “bị đẩy vào thế đường cùng”, nên buộc ông “từ chức để đòi nợ cùng vợ và người dân”. Báo Tiền Phong kể như vậy và cho hay thêm là ông này còn “tính đến phương án bán xe cộ, tài sản để trả một phần nợ cho người dân góp vốn cùng công ty Quảng An”.

Báo Tiền Phong thuật lời ông Thắng: “Tôi giờ hết đường, chỉ còn đường chết”.

Theo tin Vietnamnet, ông Thắng nộp đơn từ chức để đi đòi nợ “với tư cách là công dân đang bị công ty Phước Sơn nợ chưa trả từ nhiều tháng nay... gia đình tôi lâm vào cảnh khốn khó, không có tiền trả cho công nhân và chi phí xăng dầu...”

Nhà máy đã cam kết nhiều lần trả nợ cho các chủ nợ nhưng lại bội ước. Trong số những tiểu thương đang bị nhà máy vàng Phước Sơn nợ tiền có người cung cấp bánh mỳ, người cung cấp rau quả, tham gia vào đoàn người đòi nợ. Nhà cầm quyền huyện phải tăng cường lực lượng công an đến canh chừng, phòng ngừa dân chúng tức giận phá trụ sở nhà máy.

Công ty khai thác vàng Phước Sơn thuộc tập đoàn Besra liên doanh với Việt Nam. Tập đoàn Besra, trước đây được biết đến với tên gọi Olympus Pacific Minerals, là nhà đầu tư lớn nhất và đóng thuế cao nhất trong ngành khai thác vàng ở Việt Nam. Besra đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993 qua hai công ty liên doanh: Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (BMGMC) và Công ty TNHH vàng Phước Sơn (PSGC). Hai công ty này hiện đang hoạt động ở hai nhà máy tuyển luyện vàng ở xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) và xã Phước Đức (huyện Phước Sơn) của tỉnh Quảng Nam. 

Công ty hiện đang có khoảng 1,000 người gồm cả kỹ sư và thợ mỏ các loại. Những tin trước đây cho hay trong 20 năm hoạt động công ty đã khai thác được lối 5 tấn vàng. Nhưng dạo sau này, phải đào sâu xuống lòng đất và hàm lượng vàng không cao, chi phí lớn và những gì khai thác được không nhiều dẫn đến nợ nần chồng chất từ thuế đến các nhà cung cấp dịch vụ, kể cả dịch vụ cung cấp thực phẩm.

Công ty vàng Bồng Miêu hiện tạm đóng cửa vì sạt lở. Công ty ở Phước Sơn trù tính mở cửa hoạt động lại, theo tin tức thuật lời ông Phạm Quang Ngũ, phó tổng giám đốc nhà máy nói “Hiện công ty đã có kế hoạch trả nợ cho các chủ thầu và cho người dân. Công ty chỉ trả nợ trong điều kiện công ty hoạt động bình thường nhưng ít nhất cũng phải từ 3 đến 4 tháng mới trả được”.

Nhưng ông Phạm Thế Quyền, chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, lại cho rằng “Tôi thấy nhà máy vẫn sản xuất, vẫn chở vàng đi, nhưng mắc nợ dân, doanh nghiệp và địa phương không chịu trả”, theo báo Tiền Phong thuật lại. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét