Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Đề nghị án tử hình với Dương Chí Dũng


Ông Dương Chí Dũng và các bị cáo khác tại phiên tòa
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với hai cựu lãnh đạo Vinalines trong ngày xét xử thứ hai của vụ 'đại án tham nhũng' vào hôm 13/12.

Viện Kiểm sát cũng đề nghị các mức án cho tám bị cáo còn lại với các án tù từ 6 tới 28 năm.
Các công tố viên đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt hai bị cáo Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines và Mai Văn Phúc, cựu Tổng giám đốc Vinalines án tử hình vì tội 'Tham ô tài sản' và tội 'Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng'.

Bản luận tội của phía Viện Kiểm sát được báo trong nước dẫn lại nói các bị cáo đã tham ô hơn 28 tỷ đồng và làm thiệt hại hơn 366 tỷ đồng.
Theo đó, ông Dũng cùng đồng phạm bị buộc tội đã cố ‎‎ làm trái quy định của chính phủ, làm trái Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư trong việc phê duyệt dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam và việc mua ụ nổi 83M.
Theo bản luận tội, ông Dương Chí Dũng đã tham ô 10 tỷ đồng, ông Mai Văn Phúc tham ô 10 tỷ đồng, Trần Hải Sơn tham ô gần 8 tỷ đồng; Trần Hữu Chiều tham ô 340 triệu đồng.

Chia tiền nhiều lần để 'tránh chú ý'

Theo cáo trạng đưa ra trước tòa ngày 12/12 thì ông Dũng đã xúc tiến việc mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu đôla qua phía môi giới là Công ty AP đóng ở Singapore. Trong khi đó, phía chủ sở hữu ụ nổi này của Nga chỉ chào bán với giá dưới 5 triệu đô la Mỹ.

Án Viện kiểm sát đề nghị

  • Dương Chí Dũng tử hình
  • Mai Văn Phúc tử hình
  • Trần Hữu Chiều 22-24 năm tù
  • Trần Hải Sơn 28-30 năm tù
  • Bùi Thị Bích Loan 6-8 năm tù.
  • Lê Văn Dương 6-8 năm tù.
  • Mai Văn Khang 8-10 năm tù.
  • Lê Ngọc Triện 6-8 năm tù.
  • Lê Văn Lừng 6-8 năm tù
  • Huỳnh Hữu Đức 6-8 năm tù
Từ lúc mua về đến nay, tổng số tiền Vinalines đổ vào ụ nổi này đã là gần 24 triệu đô la Mỹ trong khi u nổi này không hề được sử dụng.
'Số tiền lại quả' 1,66 triệu đôla từ thương vụ mua ụ nổi này sau đó đã được Công ty AP gửi vào tài khoản bà Trần Thị Hải Hà, em gái ông Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
Ông Dũng đã bác bỏ chi tiết trong cáo trạng nói ông đã nhận được 10 tỷ đồng trong số tiền này từ ông Sơn.
Trong phiên tòa ngày 13/12, ông Trần Hải Sơn nói ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã quyết định việc chia số tiền kiếm được từ vụ mua ụ nổi 83M.
Ông Sơn cho biết đã chia cho ông Dũng và ông Phúc mỗi người 10 tỷ đồng.
Bà Hà cũng khai đã nhều lần chuẩn bị tiền cho ông Sơn để ông này đi giao cho hai người nói trên.
Ông Sơn khai đã chia số tiền gửi cho ông Dũng làm hai lần, mỗi lần có giá trị 5 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền gửi ông Phúc được chia ra làm ba lần, lần đầu tiên và lần cuối là 2,5 tỷ, lần thứ hai là 5 tỷ đồng.
Theo ông Sơn, lý do cho quyết định này là vì "số tiền mỗi người 10 tỷ đồng quá lớn, không tiện đưa một lần."
Cả ông Dũng và ông Phúc đều không thừa nhận việc nhận tiền từ ông Sơn.

Không khai người báo tin


Các phóng viên được phép mang theo máy tính xách tay và máy ghi âm vào phiên xử ngày thứ hai
Trong phiên xử ngày 13/12, ông Dương Chí Dũng đã nhất quyết không khai tên người báo rằng mình bị khởi tố.
Ông này được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói đã "nhận được điện thoại của người quen" lúc 6 giờ tối 17/5 năm 2012 báo bị khởi tố và sẽ bị bắt "nên bị cáo đã bỏ trốn".
Ông này cũng nói việc ông bỏ trốn là do "quá lo sợ" và khẳng định trong tời gian ở nước ngoài "không có móc ngoặc với tổ chức nào".
Tuy nhiên, khi được viện kiểm sát hỏi ai là người gọi điện báo tin náy là ai, ông Dũng trả lời rằng "đã khai ở cơ quan điều tra rồi không lại ở đây nữa. Không tiện nói ra tên người báo."
Không như phiên xử ngày đầu tiên, các phóng viên tham dự phiên tòa đã được phép mang theo máy tính xách tay, điện thoại và máy ghi âm để hỗ trợ tác nghiệp, các báo trong nước cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét