Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Hướng đi nào cho phong trào đối lập Việt Nam


Minh Việt (Danlambao) - Tôi rất quý trọng hai anh, Phạm Chí Dũng và Lê Hiếu Đằng, những người cựu đảng viên dám nói lên sự thật. Hành động tuyên bố công khai bỏ đảng và kêu gọi những đảng viên khác của hai anh đã gây được những tiếng vang. Anh Lê Hiếu Đằng còn đi một bước xa hơn là kêu gọi thành lập một đảng mới. Họ dũng cảm.

Nhưng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng những hành động của họ, về chiều sâu, không đưa lại một sự thay đổi đáng kể nào cho sự thay đổi tiến trình chính trị của Việt Nam hiện nay.

Anh Phạm Chí Dũng sau khi ra khỏi tù, hầu như không còn gắn bó nào về quyền lợi và quyền lực với đảng. Anh Lê Hiếu Đằng thì bệnh nặng và tuổi già. Cái được và mất của hai anh khi ra khỏi đảng nó không có sự khác biệt mấy. Cái khác biệt ở đây là các anh tuyên bố công khai, khác hẳn với một số lớn người khác âm thầm thôi không sinh hoạt đảng. Phải nhìn nhận rằng những người khác họ âm thầm không tuyên bố công khai bỏ đảng hay chẳng mặn mà với sinh hoạt đảng bởi vì họ không muốn liên lụy tới bản thân và gia đình, và đặc biệt là họ chưa muốn đá đi nồi cơm của mình khi chưa có một nồi cơm khác thay thế. Do vậy mà cho dù các đảng viên có chán đảng đến đâu thì vì nồi cơm họ vẫn phải lờ đi. Hành động công khai kêu gọi các đảng viên từ bỏ đảng do đó sẽ như ném một viên đá to ra giữa hồ, chúng ta nghe một tiếng và rồi nó chìm hẳn.

Có một sự thật là nhiều người Việt làm chính trị nhưng không muốn để tâm tìm tòi, đọc sách, nghiên ngẫm các phương pháp, hệ quả và lịch sử của nó. Trong trường hợp trên, cho dù các đảng viên đồng loạt bỏ đảng thì một đám đông vô tổ chức không biết sẽ làm gì sau đó. Và nếu lúc đó mới bắt đầu tổ chức nên đảng mới thì đâu là nhóm lãnh đạo nòng cốt, đâu là đường hướng chính trị, các mục tiêu, chưa kể là sự cô lập của đảng Cộng Sản cầm quyền. Phải mất một thời gian tương đối để có được sự gắn kết trong đảng mới, nếu may mắn.

Lịch sử chứng minh rằng trong hàng loạt cuộc cách mạng thành công đòi hỏi một lãnh đạo và một tổ chức đã chuẩn bị sẵn. Lãnh đạo làm nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn, đưa ra chiến thuật, và động viên. Việc nổi dậy chỉ còn là chờ cơ hội. Do đó, một nhà làm chính trị phải biết xây dựng lực lượng từ bây giờ. Khi không có lực lượng mà kêu nổi dậy, bỏ đảng về với Dân, hoặc kêu gọi thành lập đảng thì trong mắt đảng Cộng Sản chỉ là tiếng nói đơn lẽ của những con người bất lực. Chính trị đòi hỏi sự kiên nhẫn. Chúng ta thấy xuất hiện rất nhiều phong trào và đảng phái, nhưng các đảng phái này không có gốc rễ. Như một cái cây trồng trên đất cạn dễ chết yểu.

Vậy làm thế nào để xây dựng được một đảng phái mạnh có thể chuyển đổi được đất nước. Trước hết, chúng ta phải có một nhận xét rằng các chế độ độc tài ở châu Phi tan rã nhanh chóng khi các cuộc biểu tình của nhân dân lớn mạnh. Các nước này có một điểm chung là độc tài cá nhân. Các hệ thống độc tài cá nhân dễ bị lật đổ hơn nhiều các hệ thống độc tài đảng phái. Vì trong các hệ thống độc tài cá nhân, tất cả các lỗi lầm được quy về cho tổng thống độc tài, khi có chính biến chính những cấp dưới thân cận nhất của ông sẽ lật đổ ông hoặc áp lực để ông ra đi nhằm xả van chính trị trong khi vẫn giữ được vị trí của họ. Các tướng lĩnh trong các chế độ độc tài ở châu Phi đóng vài trò chính yếu trong hàng loạt cuộc cách mạng mùa xuân là một ví dụ. Ngược lại, trong các hệ thống độc tài đảng phái, một nhóm người lãnh đạo đưa ra quyết định và gắn kết số phận chính trị với nhau, chính vì vậy mà các cuộc cách mạng nhằm lật đổ các đảng phái độc tài khó hơn nhiều vì ban lãnh đạo độc tài quyết nắm giữ quyền lực đến cùng. Một sự lật đổ được các đảng phái độc tài đòi hỏi phải có sẵn một đảng đối lập mạnh sẵn sàng thay thế đảng độc tài cầm quyền. Và chỉ khi nào đảng đối lập đứng ra lãnh đạo chính quyền thì lúc đó chế độ độc tài mới chấm dứt. Các nước cộng sản Đông Âu, Đài Loan, Hàn Quốc cho ta những ví dụ.

Trở lại Việt Nam, cách mà các đảng chính trị đối lập có thể làm được là kết nối với các đảng viên và nhân viên đang làm việc trong chính quyền. Không nhất thiết phải thuyết phục họ trở thành các đảng viên đối lập, chỉ cần trước mắt cố gắng vận động để nhận được ở họ một sự thiện cảm về các đảng và phong trào đối lập, hoặc ít nhất không có ác cảm nào. Bên cạnh đó là xây dựng một đội ngũ nòng cốt các đảng viên ở ngay tại Việt Nam. Cố gắng có càng nhiều đảng viên mới đang hoạt động trong cơ quan công quyền càng tốt, vì họ là những mắt nối giúp giảm thiểu đàn áp và tai mắt của phong trào đối lập. Họ cũng là lực lượng đứng về phía nhân dân khi thời cơ đến, và nhanh chóng là làm bất lực hệ thống đàn áp của chính quyền. Muốn có được một sự phối hợp nhịp nhàng trong toàn hệ thống giữa các thành viên trong và ngoài của phong trào đối lập, đòi hỏi phải có một lực lượng lãnh đạo chính trị đủ tầm điều phối. Một tổ chức chính trị chặt chẽ như vậy đòi hòi trước hết phải có một cương lĩnh hướng tới hòa giải và hòa hợp, vì tương lai, nhóm lãnh đạo bắt buộc có uy tín. Có như vậy thì mới thuyết phục và chiếm cảm tình các nhân viên chính quyền cũng như sẽ đứng ra thương thảo với chính quyền cho một tương lai mới của Việt Nam. Bài học của Nam Phi vẫn còn đó. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét