Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Nguyễn Bá Thanh đến phiên tòa Vinalines

Ông Dương Chí Dũng
Ông Dương Chí Dũng nói lời cuối tại phiên sơ thẩm hôm 14/12/2013
Ông Nguyễn Bá Thanh, phó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đã 'bất ngờ xuất hiện' ở phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm vào sáng thứ Bảy ngày 14/12, một loạt báo chí trong nước cho biết.
Theo đó, các phóng viên theo dõi phiên tòa đã 'bất ngờ' trước sự có mặt khá yên ắng không hề thông báo trước của ông Thanh tại phiên tòa đang thu hút sự quan tâm của dư luận này.


Theo tường thuật của Người Lao Động, thì ông Thanh 'đi một mình vào theo dõi xử án ở một phòng riêng chứ không trực tiếp vào phòng xử'.
Ông Thanh là một trong những nhân vật chủ chốt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Hiện chưa rõ sự quan tâm sát sao đến vụ án này của ông Thanh có tác động gì đến phán quyết của Tòa được dự kiến sẽ đưa ra vào chiều thứ Hai ngày 16/12 hay không.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân đã đề nghị mức án tử hình đối với Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines.
"Về tham ô tài sản, thực sự, bị cáo không biết khoản tiền 1,666 triệu USD và không chỉ đạo ai, cũng không nhận một đồng nào anh Sơn đưa cho. Mong HĐXX hết sức cân nhắc kỹ lưỡng"
Ông Dương Chí Dũng
Hệ thống tư pháp ở Việt Nam, mặc dù được chính quyền cho là xét xử độc lập, nhưng trên thực tế đều bị Đảng Cộng sản chi phối chặt chẽ. Phán quyết trong nhiều vụ án quan trọng đều được cho là đã Đảng phê chuẩn từ trước.

Lời cuối cùng

Trong lời cuối cùng trước Tòa được truyền thông Việt Nam đăng tải, ông Dũng cho rằng ông không hề phạm tội tham nhũng, tuy 'có phần trách nhiệm chính' do 'thiếu đôn đốc, theo dõi' cấp dưới thừa hành sát sao trong thương vụ mua ụ nổi 83M.
Ông Dũng nói: "Về tham ô tài sản, thực sự, bị cáo không biết khoản tiền 1,666 triệu USD và không chỉ đạo ai, cũng không nhận một đồng nào anh Sơn đưa cho. Mong Hội đồng xét xử (HĐXX) hết sức cân nhắc kỹ lưỡng."
"Năm 2007 với cương vị là Chủ tịch HĐQT của Vinalines để xảy ra việc này, bị cáo rất hối hận.
"Bị cáo thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, toàn thể nhân dân và cán bộ nhân dân ngành hàng hải vì để xảy ra sai phạm này. Dù gì đây cũng là khuyết điểm. Mong HĐXX và nhân dân hiểu rằng tấm lòng của bị cáo không vì gì cả...," nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải trình bày trước tòa.
Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh quan tâm sát sao vụ án Dương Chí Dũng
Ngày thứ ba của phiên sơ thẩm cũng chứng kiến một số tình tiết được cho là 'không dự kiến', với việc ông Dũng nói đã 'bỏ trốn' khi nhận được thông báo ngầm từ một nhân vật mà ông không tiết lộ danh tính.
Ông Dũng khai trước tòa rằng vào khoảng 18h ngày 17/5/2012, "có một người quen" đã báo với ông việc ông "đã bị khởi tố, sẽ bị bắt và cần đi tránh xa", tuy nhiên, việc này ông Dũng nói đã khai tại cơ quan điều tra và "xin phép không khai tại Tòa," theo truyền thông Việt Nam.
Ông Dũng khẳng định không nhận hối lộ, lại quả và đòi đối chất với nhân chứng trong vụ án.
"Căn cứ nào nói việc ăn chia này có liên quan đến Vinalines và ai là người của Vinalines thảo luận việc này", ông Dũng được trích thuật nói.

'Tố cáo ép cung'

Tiếp đó, cựu lãnh đạo của Vinalines "muốn đối chất với tổng giám đốc của AP", một nhân chứng trong vụ án, về lời khai "có thảo luận với tôi về số tiền 1,666 triệu USD", theo phản ánh của tờ VnExpress.net.
Phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng
Một số bị cáo đã 'tố cáo' cơ quan điều tra sử dụng 'nhục hình' và 'ép cung' đối với họ
Đồng thời, cũng tại phiên này, một số bị cáo đưa ra lời cáo buộc cho rằng họ đã bị 'ép cung' và chịu 'nhục hình' trong quá trình bị cơ quan điều tra thẩm vấn, xét hỏi.
Hai bị cáo trong cùng vụ án, các ông Huỳnh Hữu Đức và Lê Ngọc Triển trình bày trước Tòa rằng cả hai ông đã bị cơ quan điều tra 'ép cung'.
Hôm thứ Bảy, tờ Petrotimes phản ánh lời khai của ông Triển nói:
“Bị cáo phải làm việc trong trạng thái ốm đau và bị điều tra viên lừa viết sẵn lời khai rồi ép ký vào lời khai viết sẵn."
Một bị cáo khác, ông Lê Văn Lừng đưa ra cáo buộc trước Tòa rằng ông đã bị "một cán bộ điều tra tên Đặng bắt tôi phải nhận đó (ụ nổi) là tàu biển" và cho biết ba ngày sau sự việc này, ông bị đưa lên trại tạm giam lấy lời khai.
"Tại đây có 5 người lấy lời khai đã đánh tôi và ép tôi phải nhận đó (ụ nổi) là tàu biển. Do bị đánh đau quá nên tôi phải nhận là tàu biển"
Lời khai của ông Lê Văn Lừng
"Tại đây có 5 người lấy lời khai đã đánh tôi và ép tôi phải nhận đó là tàu biển. Do bị đánh đau quá nên tôi phải nhận là tàu biển," ông Lừng được tờ Petrotimes trích thuật lời khai trước tòa nói tiếp.
"Ngày 30/10/2013, một điều tra viên nói với tôi rằng, cứ viết lại bản khai tường trình và ký vào bản lấy cung đã viết sẵn. Nếu ký thì cho tại ngoại."
Cũng trong ngày thứ Bảy, báo Việt Nam cho hay sau khi nghe ba cán bộ hải quan kể trên “tố” bị ép cung, bị cáo Mai Văn Phúc, một trong số các bị cáo bị đề nghị mức án nặng trong vụ án cũng khẳng định:
"Tôi cùng là người bị giam giữ. Tôi xác nhận lời khai bị ép cung là đúng."
Phiên sơ thẩm còn tiếp tục với phần tuyên án được dự kiến vào 16 giờ chiều ngày thứ Hai tới đây, theo tuyên bố của Tòa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét