Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Nợ ‘khủng’ 150.000 tỷ, nhà băng hãi EVN

Icon_Symbols_Bank_Phá Sản
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục trở thành “con nợ” lớn nhất của các ngân hàng thương mại trong nước khi hiện nay, tổng dư nợ tín dụng của tập đoàn này đã lên tới 144.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng đã cho EVN vay vượt hạn mức tín dụng cho một đơn vị. Ông Cáp Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết thông tin trên vào sáng 13/12 tại Hội thảo bàn về vốn cho các dự án điện, do Hiệp hội năng lượng Việt Nam tổ chức.
Số 144.000 tỷ trên là dư nợ tín dụng của EVN tính đến 30/9/2013. Đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. So với cập nhật hồi tháng 7, dư nợ của EVN đã tăng thêm 26.000 tỷ đồng. Như các phân tích của ông Dương, EVN tuy là khách hàng truyền thống của các ngân hàng nhưng có đặc thù là “không hấp dẫn”.

Ông nêu, vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên tính hấp dẫn chưa cao.
Mặc dù đã tăng giá điện nhiều lần, chính sách giá điện hiện nay vẫn chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào ngành điện. Tỷ suất lợi nhuận của EVN thấp (1,4% – PV) nên khả năng trả nợ gốc và lãi của tập đoàn này không cao, trong khi đó, nhu cầu của EVN luôn đòi hỏi vay với thời gian quá dài. Cùng đó, vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20 đến 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện,
Chưa kể, vừa qua, việc cho vay đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã bộc lộ nhiều rủi ro, khó khăn, gây tổn thất cho các tổ chức tín dụng. Điều này cũng dẫn đến ngành điện vạ lây, mất uy tín với ngân hàng.
Một số dự án điện có yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp vượt quá khả năng thẩm định của các tổ chức tín dụng như dự án điện hạt nhân, điện mặt trời… nên các ngân hàng cũng khó mà cho vay vốn.
Cho đến nay, mức cho vay của các ngân hàng đối với EVN đã rất lớn và vượt giới hạn cấp tín dụng theo quy định.
Tuy nhiên, ông Dương cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt 4 ngân hàng thương mại Nhà nước bố trí đủ vốn để cho vay các dự án, công trình trọng điểm quốc gia của ngành điện.
Trong đó, đối với riêng dự án thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, tổng số tiền các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank đã cam kết tài trợ lên tới 17.500 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN còn hỗ trợ rất lớn về ngoại tệ để dự án nhập khẩu thiết bị nước ngoài.
Đối với dự án thủy điện Lai Châu, Vietcombank là đầu mối thu xếp 14.500 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng hai dự án trên, số vốn các ngân hàng huy động để cho vay đã là 32.000 tỷ.
“Đây là lượng vốn rất lớn. Trong suốt quá trình triển khai dự án, ngành ngân hàng luôn đảm bảo đủ vốn cho dự án triển khai đúng tiến độ, kể cả khi việc huy động vốn trên thị trường căng thẳng, khó khăn”, ông Dương nhấn mạnh.
Trong giai đoạn thị trường tiền tệ có nhiều biến động, lãi suất tăng cao, việc huy động vốn căng thẳng, ông Dương cho hay, đã phát sinh những bất đồng lớn về mức lãi suất cho vay giữa ngân hàng và EVN, dẫn tới nguy cơ phải dừng giải ngân đối với nhiều hợp đồng tín dụng cho các dự án điện quan trọng do lãi suất huy động thực tế của các ngân hàng cao hơn mức lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giữ mức lãi suất cho vay ổn định đối với EVN. Khi mặt bằng lãi suất hạ, cơ quan này đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ đối với các hợp đồng đã ký đối với EVN.
Tuy nhiên, dù hỗ trợ lớn từ ngân hàng như vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết vẫn đang thiếu vốn trầm trọng.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD, tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD. Trong đó, trung bình mỗi một dự án nhiệt điện, EVN sẽ cần vay tới 1-1,2 tỷ USD.
Phạm Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét