Pages

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Ông Nguyễn Bá Thanh: “Cứ làm lộn ngược đầu, ai mà chịu cho nổi!”

“Cái anh tiến bộ, có khả năng mới rút lên Phòng, lên Sở nhưng rút lên lại thiệt thòi hơn ở dưới. Kiểu làm lộn ngược đầu như thế ai mà chịu cho nổi? Rất vô lý!” – Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh thốt lên khi nghe ý kiến phản ảnh của một cử tri quận Sơn Trà (Đà Nẵng) vốn là một giáo viên nghỉ hưu.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng chiều 2/12, bà Ngô Thị Phương Lan (56 tuổi, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) phản ảnh, vừa qua Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 52/TTg về việc giải quyết chế độ thâm niên đối với các nhà giáo đã nghỉ hưu. Bản thân bà đã công tác trực tiếp tại trường học 28 năm 5 tháng, sau đó bà được điều động về Phòng GD-ĐT công tác được 1 năm 5 tháng thì nghỉ hưu. Nhưng khi bà làm tờ kê khai để xin giải quyết chế độ thâm niên đối với nhà giáo đã nghỉ hưu theo Quyết định 52/TTg thì Bảo hiểm Xã hội Đà Nẵng trả lời trường hợp của bà không giải quyết được. Lý do được đưa ra: bà Lan là chuyên viên Phòng GD-ĐT trong thời gian 1 năm 5 tháng.

Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà (Đà Nẵng) chiều 2/12. (Ảnh: HC)

“Tôi không biết có phải Bảo hiểm Xã hội Đà Nẵng giải quyết quá cứng nhắc hay không? Bản thân tôi có 28 năm 5 tháng công tác tại trường học và chỉ có 1 năm 5 tháng làm chuyên viên Phòng GD-ĐT, mà đó là tôi được điều động từ trường lên Phòng và cũng tiếp tục công tác trong ngành giáo dục, nhưng lại không được giải quyết thì có đúng theo Quyết định 52/TTg hay không?

Hay Quyết định 52/TTg không cho phép những người trước khi nghỉ hưu là chuyên viên Phòng GD-ĐT được hưởng chế độ thâm niên đối với nhà giáo đã nghỉ hưu? Nếu như vậy thì quá thiệt thòi, bất công với những người đã từng là nhà giáo, đã cống hiến cho ngành giáo dục hàng chục năm công tác tại trường trước đó. Tôi đề nghị các vị đại biểu có ý kiến thế nào đó để đảm bảo công bằng cho các giáo viên đã nghỉ hưu. Nhà nước đã quan tâm thì nên quan tâm một cách công bằng hơn!” – bà Ngô Thị Phương Lan kiến nghị.

Nghe xong phản ảnh của bà Phương Lan, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu tổ thư ký ghi rõ lại trường hợp này để phản ảnh với các Ban chức năng của Quốc hội và làm việc cụ thể thêm với các cơ quan hữu quan. “Hai mươi mấy năm làm nghề giáo, mới lên Phòng làm chuyên viên có một năm mấy tháng lại không cho người ta được hưởng thâm niên thì đúng là vô lý” – ông Nguyễn Bá Thanh nhận định.

Rồi ông phân tích thêm: “Đúng là mình cứ làm lộn ngược đầu. Cái anh tiến bộ, có khả năng thì mới rút lên Phòng, lên Sở chứ. Nhưng rút lên thì lại thiệt thòi hơn anh ở dưới đó. Kiểu làm lộn ngược đầu như thế ai mà chịu cho nổi, ai còn muốn lên nữa? Rất vô lý! Thâm niên 28 năm người ta dạy thì phải lấy đó làm cái chính, đằng này cái thoáng qua có một năm mấy tháng lại lấy lý do trước khi nghỉ hưu anh là chuyên viên nên không được hưởng thâm niên của nhà giáo”.

Ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu tổ thư ký: “Cứ ghi vô trường hợp này. Một trường hợp cũng xem xét, bởi vì có khi còn nhiều trường hợp khác mà mình đâu có nghe thấy được. Họ đâu có gặp mình đây để nói. Nghe rứa là biết không trúng rồi. 28 năm với một năm rưỡi, lấy cái một năm rưỡi ra bắt người ta chịu trận, còn cái 28 năm của người ta thì quên đi. Không có được!”.

Trưởng Ban Nội chính TƯ chốt lại: “Anh phải lấy thời gian họ công tác ở dưới trường là 28 năm chứ, sao lại lấy thời gian lên công tác ở Phòng có một năm rưỡi đi so với 28 năm rồi cắt không cho người ta hưởng thâm niên? Anh nói chi lạ rứa? Chẳng qua là anh có quyền rồi anh ưng nói kiểu gì thì anh nói. Đúng là chẳng thuyết phục!”.

(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét