VRNs (15.12.2013) – Sáng hôm qua ngày 14/12/2013, Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn), thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đã bị công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất ngăn chặn xuất cảnh đi Thái Lan trên chuyến bay VN 601 cất cánh lúc 8g50. Biên bản do thượng tá Phạm Quốc Hùng, phó trưởng đồn công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất ký quyết định chỉ ghi vỏn vẹn: “Căn cứ vào Nghị định 136/2007/NĐ-CP, ngày 17/8/2007 của Chính phủ nước CHXHCNVN” “theo đề nghị của công an Tp. Hồ Chí Minh”. Trước đó Nguyễn Hoàng Vi cũng như rất nhiều nhà hoạt động dân chủ tại VN chưa bao giờ nhận được “thông báo bằng văn bản cho công dân” theo quy định tại Điều 22, khoản 2 của Nghị định 136/2007/NĐ-CP.
Nghị định 136/2007/NĐ-CP, ngày 17/8/2007 Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định:
Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Điều 22.
1. Thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh :
a) Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định này.
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 4 Điều 21 Nghị định này.
c) Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này.
d) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 6 Điều 21 Nghị định này.
đ) Thủ trưởng cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 7 Điều 21 Nghị định này.
2. Các cơ quan có thẩm quyền nêu tại các điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều này khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện. Khi hủy bỏ quyết định đó cũng phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an để thực hiện.
3. Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh.
4. Người quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Theo đó, thượng tá Phạm Quốc Hùng, phó trưởng đồn công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất “phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.” vì không trưng ra được “Quyết định chưa cho công dân xuất cảnh” của bất cứ cấp nào đối với đương sự.
Trong hai ngày liên tiếp, 3 thanh niên đã bị ngăn chặn xuất cảnh trái pháp luật là Châu Văn Thi, Nguyễn Thảo Chi và Nguyễn Hoàng Vi.
PV. VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét