Pages

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Thái Lan: Phe biểu tình sắp chiếm thủ đô

(VnMedia) - Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan có kế hoạch “chiếm đóng thủ đô Bangkok” ngay sau kỳ nghỉ năm mới, thủ lĩnh phe biểu tình – ông Suthep Thaugsuban đã tuyên bố như vậy hôm 28/12.

Phe biểu tình tập hợp trước Đài tưởng niệm dân chủ ở thủ đô Bangkok.

Phát biểu trước lực lượng người biểu tình tại Đài tưởng niệm dân chủ ở trung tâm thủ đô Bangkok, ông Suthep cho biết, những người biểu tình sẽ quay trở lại sau khi về thăm gia đình dịp năm mới và họ sẽ trở lại chiếm đóng thủ đô để "giành lại quyền lực cho nhân dân".



"Tôi đã yêu cầu những người anh em của tôi ở các tỉnh khác hãy chuẩn bị sẵn sàng và giúp chúng tôi chiếm đóng thủ đô Bangkok”, ông Suthep nói. "Hãy chờ đợi tín hiệu của chúng tôi và chuẩn bị quần áo, lương thực bởi chúng ta sẽ chiến đấu trong nhiều tháng cho đến khi đạt được chiến thắng”.

"Về phần các anh em của tôi ở thủ đô Bangkok, chúng tôi sẽ không nhường lại dù chỉ 1cm thủ đô cho người của chính quyền Thaksin [Shinawatra] ở lại và lợi dụng người dân”, ông Suthep đã tuyên bố như vậy.

Tuy nhiên, ông Suthep cũng nói thêm rằng, nếu có bất kỳ ai ở thủ đô Bangkok lo ngại về tình hình hiện nay thì nên đến các tỉnh khác và ở lại đó một thời gian.

Trước đó cùng ngày, trong một cuộc tấn công vào rạng sáng, một nhân viên an ninh bảo vệ những người biểu tình chống chính phủ đã bị bắn chết và 3 người khác bị thương khi những tay súng không rõ danh tính tấn công khu vực vào lúc 3h30 sáng. Sau vụ tấn công trên, Yutthana ong-art – khoảng 30 tuổi, đã được đưa tới Bệnh viện Klang nhưng sau đó đã được thông báo là đã chết vì trúng đạn.

3 người bị thương cũng là những nhân viên an ninh bảo vệ cho lực lượng biểu tình chống chính phủ. Vụ việc này xảy ra khi một chiếc xe Toyota đến địa điểm biểu tình, cửa sổ xe được kéo xuống và một người ngồi sau xe đã nã súng trường M-16 vào các nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ ngay bên ngoài Đài tưởng niệm dân chủ.

Ông Suthep – cựu Phó Thủ tướng Thái Lan và cũng là một cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập, đã dẫn dắt phong trào biểu tình chống chính phủ trong suốt hai tháng qua. Lực lượng của ông này đòi chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức và hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới để tiến hành cải cách trước.

Ông Suthep và phe của ông này đòi thành lập một hội đồng nhân dân không phải do người dân bầu lên để đứng lên lãnh đạo đất nước Thái Lan.

Những người biểu tình Thái Lan là ai?
Lực lượng biểu tình ở Thái Lan hiện nay đang đòi chấm dứt nền dân chủ bầu cử, nói rằng nó đang được điều khiển bởi những người lên cầm quyền bằng cách mua lá phiếu và điều hành đất nước thông qua tham nhũng. Những người biểu tình đang kêu gọi dựng lên một chính quyền được dẫn dắt bởi những người “có đạo đức” mà họ tự lựa chọn chứ không phải do người dân quyết định. Đòi hỏi này của phe biểu tình là một mối đe dọa đối với nền dân chủ mong manh ở Thái Lan sau một thập kỷ bị cuốn vào vòng xoáy rối loạn.

Những cuộc biểu tình nổ ra từ hồi cuối tháng 11 là cuộc chiến duy nhất ở Thái Lan trong cuộc đấu tranh chính trị kéo dài dai dẳng kể từ làn sóng biểu tình bạo lực năm 2006 với kết thúc là một cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng khi đó – ông Thaksin. Cũng như trong năm 2006, hầu hết những người biểu tình hiện nay là tầng lớp trung lưu, giàu có và những thành phần quyền lực, có trí thức cao ở thủ đô Bangkok cũng như những người ủng hộ Đảng Dân chủ đối lập.

Hồi đầu tháng này, lực lượng biểu tình đã xông vào chiếm đóng một loạt văn phòng, cơ quan chính phủ và trụ sở cảnh sát với hy vọng tình trạng hỗn loạn, rối ren mà họ gây ra có thể buộc quân đội hay hoàng gia can thiệp vào nhằm lập lên một chính quyền không do dân bầu lên. Tuy nhiên, chính phủ đã tránh đối đầu và cho phép người biểu tình tràn vào các văn phòng, cơ quan chính phủ. Tiếp đó, hôm 8/12, khi đối đầu bạo lực dường như không tránh khỏi, Thủ tướng Yingluck đã nhanh chóng giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới.

Phe đối lập cáo buộc chiến thắng của Thủ tướng Yingluck trong cuộc bầu cử năm 2011 là gian lận và chính quyền của bà tham nhũng. Đây được cho là những cáo buộc không có cơ sở. Trước hết, bà Yingluck đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011 trong cuộc đua với Đảng Dân chủ đang cầm quyền lúc đó. Cuộc bầu cử này được tiến hành bởi một Ủy ban Bầu cử do chính quyền quân sự lập lên. Quân đội chính là lực lượng đã lật đổ anh trai bà Yingluck và quân đội cũng được biết đến là thành phần ủng hộ Đảng Dân chủ. Thứ hai, thậm chí theo thông báo của Ủy ban Bầu cử, Đảng Dân chủ chi nhiều tiền hơn rất nhiều so với đảng Pheu Thai của bà Yingluck trong cuộc bầu cử nhưng đảng này vẫn dùng những cáo buộc mua phiếu và tham nhũng làm lý do để đòi lật đổ một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ.

Những người biểu tình hiện nay được xem là đại diện cho lực lượng chống dân chủ. 7 năm sau khi chính quyền đảo chính thực thi một hiến pháp hạn chế quyền của các quan chức và thể chế được bầu lên bằng cách đặt chính phủ trong sự kiểm soát của một nhóm cá nhân tự cho là “có đạo đức” không phải do dân bầu lên mà người biểu tình gọi là Hội đồng Nhân dân, nền dân chủ Thái Lan dường như đang thụt lùi. Cũng như năm 2006, lực lượng biểu tình hiện tại đang đòi lập một hội đồng gồm 200 người đại diện cho các phe nhóm khác trong trong thành phần biểu tình và 100 “người tốt, có đạo đức” do chính giới lãnh đạo biểu tình lựa chọn để đưa lên cầm quyền. Đề xuất này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của giới chuyên gia, học giả. Họ miêu tả đó là một nỗ lực phi dân chủ, là điều không thể chấp nhận được./Kiệt Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét