Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Trung Cộng: Gậy ông đập lưng ông


Trung Cộng – cái kiểu đánh võ mồm đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Đông Bắc Thái Bình Dương và tung chiếc hàng không cổ lổ sỉ duy nhứt Đông Nam Thái Bình Dương của TC – vô tình là một đòn gậy ông đập lưng ông đối với TC.
Sự kiện này giúp cho Mỹ củng cố và tăng cường mặt trận của Mỹ bao vây TC, và mặt khác các nước Á châu Thái Bình Dương tăng cường võ trang phòng chống TC, biến TC trở thành một siêu cường võ biền, cô đơn chuyên gây hấn trên thế giới.

Sưu tầm lịch sử cho biết chiến thuật và khái niệm nhận dạng phòng không là sáng kiến quân sự của Mỹ, do chính Mỹ sáng chế ra. Ban đầu bao gồm không gian Bắc Mỹ và chánh yếu nhắm vào Liên Xô. Sau đó từ năm 1950 trở đi Mỹ kiểm soát luôn các khu vực Tây Thái Bình Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Mỗi nước trong vùng đã tự tạo vùng phòng không riêng cho mình nhưng dưới sự kiểm soát chung của Mỹ.
Bây giờ TC tính dùng cây gậy mây của Mỹ để giành quyền kiểm soát trên biển và trên không đối với các nước nằm trong vùng bánh trướng của “giấc mộng Trung Hoa’” mà Ô Tập cận Bình muốn tô lục chuốt hồng cho thời đại CS của mình, như Ô Mao trạch Đông đã dùng quyển sách ‘Đông Phương Hồng’ đẫm máu của mấy chục triệu người Trung Hoa, hàng chục triệu người sắc tộc bị thôn tính đất nước để xây dựng triều đại Mao.
Nhưng lực bất tòng tâm, chưa nắm vững bí quyết, chưa đủ thần công lực, TC bị tẩu hoả nhập ma, nên bị phản tác dụng. Gậy TC định dùng đánh người khác bị tác dụng boomerang trở lại đập vào lưng TC, như tục ngữ VN nói ‘gậy ông đập lưng ông’.
Phản tác dụng của trận võ mồm của TC có thế thấy rõ qua phản ứng của Mỹ và các nước Á châu Thái Bình Dương. Phủ Tổng Thống Mỹ tuyên bố Mỹ không chấp nhận, không thừa nhận vùng nhận dạng phòng không của TC. Nhựt, Nam Hàn cũng thế. Trên trời Mỹ cho hai pháo đài bay chiến lược B52 bay qua vùng phòng không TC vừa tuyên bố, sau đó cả chục chiếc chiến đấu cơ của Nhựt và Nam Hàn bay theo, mà không nói một tiếng nào với TC. Dưới biển Mỹ cho hàng không mẫu hạm nguyên tử tập trận cách vùng này khong bao xa.
Quá mất mặt trước áp lực của các công dân TQ theo chủ nghĩa thượng tôn dân tộc của Trung Quốc, TC cho báo bán chính thức của Đảng Nhà Nước là Hoàn Cầu Thời Báo loan tải, rằng không quân TC giám sát các chuyến bay trong vùng phòng không. Và còn chia rẽ Mỹ và Nhựt với câu thòng rằng kế hoạch nhận dạng phòng không của TQ là nhắm vào Nhựt.
Phó Tổng Thống Mỹ nhơn chuyến công du Á châu đã sắp đặt trước, ghé Nhựt tái khẳng định lập trường của Mỹ rằng vùng đảo Senkaku mà TC tranh chấp là thuộc lãnh thổ Nhựt, Mỹ sẽ bảo vệ Nhựt khi có xung đột trên vùng này.
Đây là một cuộc phối hợp nhịp nhàng của Mỹ và hai đồng minh chánh yếu của Mỹ là Nhựt và Nam Hàn, hai nước Mỹ có hàng mấy chục ngàn quân đang hiện hiện. Ngay sau chuyến đi của Phó TT Mỹ Biden, người ta thấy Nam Hàn tuyên bố vùng nhận dạng phòng không mới, được nới rộng, chồng lấn với khu vực phòng không mà Trung Quốc mới loan báo, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 12.Trong đó có bãi đá ngầm trong các vùng biển ngoài khơi bờ biển miền Nam của Bắc Hàn, mà Trung Quốc gọi là Suyan.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, chính phủ Nam Hàn đã tham khảo ý kiến của Washington về quyết định này, kể cả một cuộc họp hôm thứ Sáu, giữa Phó Tổng Thống Joe Biden và Tổng Thống Nam Hàn Park Guen Hye ở Seoul.
Nhựt tuyên bố quyết định của Hàn Quốc không phải là một vấn đề ở Nhật Bản. Lý do là theo ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, thì vùng phòng không của Hàn Quốc là “một trường hợp hoàn toàn khác biệt với vùng mà Trung Quốc mới thành lập vì nó không xâm phạm không phận, lãnh hải và lãnh thổ” của Nhật Bản.
Còn Đài Loan, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cữu lâu nay có tương quan khá hữu hảo với TC, ít khi chống đối đà bành trướng của TC, nhưng trong vụ này Ông lên tiếng vùng nhận dạng phòng không do Đài Loan phân định vào những năm 1950, và vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc đại lục tuyên bố chồng lấn nhau 23,000 km vuông.
Tổng thống Mã cho biết, những hoạt động diễn tập quân sự của Đài Loan trong khu vực này, sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định của Trung Quốc.
Còn về phía TC trước những phản ứng không khoang nhượng của Mỹ và Nhựt cùng Nam Hàn, TC dịu giọng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ông Hồng Lỗi tuyên bố: “Trung Quốc lấy làm tiếc về quyết định mở rộng vùng phòng không của Hàn Quốc. Trung Quốc sẽ duy trì liên lạc với Hàn Quốc, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Hy vọng rằng Hàn Quốc cũng sẽ có hành động tương tự”.
Đến đây có thể thấy chính chiến thuật mở rộng vùng nhận dạng phòng không của TC làm cho các nước đồng minh và thân thiện với Mỹ đoàn kết hơn, củng cố chặt hơn trong mặt trận Mỹ bao vây TC trên bờ đông Thái Bình Dương. Và dư luận ngoài vùng như Tây Âu, Úc kể cả Nga tỏ ra rất bất bình và đề phòng tính hiếu chiến và ngang ngược của TC.
Các nước Á châu Thái Bình Dương đã đang chạy đua võ trang phòng chống TC, sẽ thêm lý do tăng cường quân sự, mua thêm vũ khí biến Á châu Thái bình Dương rơi vào tình trạng “hoà bình võ trang” (paix armée) như ở Âu châu trong những năm 1871- 1914, chuẩn bị cho Đệ Nhứt Thế Giới Đại Chiến.
TC đặt các nước láng giềng vào cái thế phải chạy đua võ trang để phòng thủ. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI), Á châu là khu vực nhập cảng võ trang lớn nhất từ năm 2007 – 2011.
Mỹ là nước chạy đua võ trang ở Á châu Thái Bình Dương nhiều nhứt. Nhưng Mỹ không phải mua sắm. Mỹ chỉ chuyễn trục quân sự, chuyển 60% hải lực và không lực trên thế giới về đây. Mỹ không tốn kém hụt hơi như TC. Mỹ không cần tăng ngân sách vì đó là quân cơ hữu, chỉ chuyển vùng thôi, ở đâu cũng tốn kinh phí điều hành. Trái lại Mỹ rất có lợi kinh tế chánh trị và quân sự. TC với hành động bành trướng ngang ngược, đã đẩy các nước Á châu Thái bình Dương vào vòng tay Mỹ. Đa số các nước này coi sự trở lại và hiện diện của Mỹ như một lá chắn, một bảo đảm an ninh, trật tự trong vùng, nhưng Mỹ không có tham vọng đất đai như TC.
Ngoài ra Mỹ còn bán được vũ khí rất nhiều cho các nước này trước mối lo đối với TC. Vô tình TC giúp cho Mỹ trở lại Á châu trong cảm tình, mong mỏi của các nước Á châu Thái bình Dương.
Theo các nhà quan sát chiến lược, TC phô trương sức mạnh quân sự ra Á châu Thái Bình Dương, một là để tuyên truyền quốc nội với xã hội quá nhiều bất ổn định, bất công, chia rẽ có thể nổ bùng hay nổ chụp tan tành chế độ CS. Hai là để hù doạ các nước nhỏ trong vùng Đông Bắc Á, Đông Nam Á mà thôi.
Cái kiểu giương oai diệu võ đó không làm các nước nhỏ này sợ mà thúc đẩy các nước này kiện toàn phòng thủ quân sự, liên minh chặt chẽ với Mỹ hơn. Còn muốn đối đầu với Mỹ về không quân và hải quân, có lẽ TC cần nửa thế kỷ nữa hoạ may mới dám đụng chạm Mỹ về quân sự./.(Vi Anh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét