Pages

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Ý kiến: Mỹ không chú ý Hiến pháp VN

Ông John Kerry đã có quan hệ lâu năm với các giới tại Hà Nội
Bản Hiến pháp thứ năm của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, kế thừa các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 được thông qua hôm 28/11 vừa qua được nhiều nhà bình luận thời sự gọi là 'một bước thụt lùi vĩ đại'.
Truyền thông Nhà nước cũng vừa loan báo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sáng 8/12, tại Phủ Chủ tịch, đã ký sắc Lệnh công bố Hiến pháp 2013, sẽ bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2014.


Bản Hiến pháp này không có gì để có thể gọi là mới, những cải cách của nó nếu có chỉ để tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước, xã hội và cả dân tộc Việt Nam.
Đọc kỹ thì đây cũng không phải là Hiến pháp 1992 sửa đổi mà là một bản Hiến pháp hoàn toàn mới, mặc dù những nguyên tắc cốt lõi vẫn được duy trì.
Như vậy, chẳng lẽ Hiến pháp 2013 không gây chút phiền hà hoặc sự bận tâm nào của Hoa Kỳ?
Cho đến nay, ngoài Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam lên tiếng về bản Hiến pháp 2013 chưa thấy có bất cứ một phát biểu chính thức nào từ phía hành pháp lẫn lập pháp Hoa Kỳ.

Tương lai quan hệ Việt-Mỹ

"Washington luôn kiên nhẫn trung thành với chính sách 'tiếp cận tiệm tiến' để khích lệ Hà Nội đến gần "
LS Vũ Đức Khanh
Liệu Việt Nam và Hoa Kỳ có kết thúc được đàm phán về "Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP), vì có nhiều khả năng là hai bên sẽ ký tắt thỏa thuận kết thúc đàm phán năm nay khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến thăm Hà Nội?
Và thái độ cũng như diễn giải của Tòa Bạch Ốc sẽ ra sao khi có nhiều ý kiến tại Điện Capitol cho rằng Hoa Kỳ đã quá xem nhẹ những hậu quả nghiêm trọng trong việc thỏa thuận để Việt Nam tham gia TPP trong khi thành tích nhân quyền của Việt Nam thì không có gì khả quan, nếu như không muốn nói là quá tồi tệ?
Đó là chưa kể đến những khó khăn nội tại của những quy định về cơ chế của TPP.
Mặc dù hồ sơ nhân quyền của Việt Nam quá tồi tệ nhưng Hoa Kỳ đã làm được gì để thay đổi trong suốt sáu năm qua từ khi Việt Nam được Hoa Kỳ chính thức “bật đèn xanh” cho tham gia WTO, ngoài những lời chỉ trích?
Thực tế là Hoa Kỳ có phê phán và vẫn tiếp tục phê phán trong khi chính phủ Việt Nam tương đối khá an toàn khi tiếp tục "chịu đấm ăn xôi" và xem mọi việc vẫn như bình thường.
Có thể dễ hiểu rằng Hoa Kỳ không muốn mất lòng dư luận khi can thiệp trực tiếp và đơn phương trong các vấn đề nội bộ của một quốc gia khác. Tuy nhiên, đối với Hoa Kỳ, để bỏ qua những vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam chỉ đơn giản là cẩu thả.
Vị thế của Hoa kỳ nói riêng, và trong đàm phán TPP nói chung, có cơ hội rất thực tế để Hoa Kỳ có thể gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm yêu cầu chính phủ nước này cải cách thực sự, không chỉ riêng về nhân quyền mà còn ngay cả trong kinh tế.
Điều đáng tiếc là Hoa Kỳ đã không thực hiện đòn bẩy đáng kể này.
Các chuyến thăm của lãnh đạo VN tới Hoa Kỳ luôn gặp phải biểu tình phản đối.
Từ thù thành bạn, không ai phủ nhận Việt Nam đã nhanh chóng trở thành đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở Châu Á - Thái Bình Dương, điển hình qua Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama hôm 25/7 về “quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”.
Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược xoay trục của Washington trong khu vực.
Nhưng có thể còn do tính “nhạy cảm” của hồ sơ nhân quyền mà quan hệ Việt-Mỹ đã chậm lại, chưa xứng tầm với sự mong đợi của Washington lẫn Hà Nội.
Nhìn lại chặng đường 20 năm kể từ khi Tổng thống Bill Clinton ký sắc lệnh hủy bỏ lệnh cấm vận Việt Nam mở đường bình thường hóa quan hệ và thiết lập bang giao Việt-Mỹ, chúng ta thấy rằng Washington luôn kiên nhẫn trung thành với chính sách “tiếp cận tiệm tiến” để khích lệ Hà Nội đến gần với Washington hơn.
Kinh tế và nhân quyền luôn là trọng tâm của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Dùng kinh tế để thúc đẩy nhân quyền và sử dụng nhân quyền để tăng cường giao thương.
Tùy từng thời điểm và mục đích mà Hoa Kỳ sẽ khai thác tối đa hiệu năng của từng công cụ chính sách một.
Tuy nhiên nhìn chung từ Hiệp định Tự do Thương Mại Việt-Mỹ đến WTO và nay TPP, Hoa Kỳ phần lớn thường làm ngơ trước thành tích nhân quyền của Việt Nam, và đây là sự thất bại lớn về mặt chính sách của Mỹ ở Việt Nam.
Vì trong khi Hà Nội biết rõ đâu là “giới hạn” của Washington mà Hoa Kỳ thì hoàn toàn không biết Hà Nội muốn gì và ai thực sự đang nắm quyền.

Bất bình đẳng

Việt Kiều biểu tình hồi 2002 nhắc ông John Kerry về nhân quyền
Trong khi vẫn còn đang đàm phán TPP, Hà Nội cho thông qua Điều 51 khoản 1 Hiến pháp 2013 để tái khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Điều này hoàn toàn trái ngược khi tôn chỉ của TPP kêu gọi sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Rõ ràng với một vị trí như vậy, Hà Nội đã đặt Hoa Kỳ vào thế đã rồi.
Sẽ là gì với TPP nếu Việt Nam khẳng định vai trò doanh nghiệp nhà nước “giữ vai trò chủ đạo” trong kinh tế?
Liệu các nước thành viên khác trong TPP sẽ phản ứng ra sao?
Rõ ràng là không thể chấp nhận được trường hợp đặc biệt hoặc ngoại lệ, vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín và sự thành công lâu dài của TPP.
Tuy nhiên, vì TPP chưa kết thúc đàm phán cho nên chúng ta vẫn phải đợi xem kết quả thỏa thuận cuối cùng ra sao.
Khi Hoa Kỳ tiếp tục phát triển và tăng cường quan hệ với Việt Nam, một điều Washington cần nhớ rằng là họ đang đàm phán với Hà Nội, chứ không phải với Nhân dân Việt Nam.
Nếu có ý định duy trì quan hệ gắn bó chiến lược lâu dài với Việt Nam, tốt nhất Washington nên chuyển trục để quan tâm đến nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam hơn là sử dụng Hà Nội như quân bài trong chiến lược xoay trục ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada. BBC sẽ tiếp tục đưa tin về chuyến thăm TPHCM và Hà Nội tháng 12/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét