Pages

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

8 mẩu suy nghĩ về Social Media (mạng xã hội) tại Việt Nam năm 2013


Nguyễn Đình Thành 
1. Công cụ truyền thông cá nhân phổ biến nhất: đặc biệt là facebook. Hơn 20 triệu người đã/ đang dùng facebook tại Việt Nam (tăng trưởng hơn 70% – theo http://ictnews.vn/home/Internet/77/714-nguoi-dung-Internet-tai-Viet-Nam-su-dung-Facebook/111922/index.ict ). Zing me là hơn 8 triệu người; twitter là hơn 3 triệu người. WTT thu hút hơn 1,3 tr thành viên…http://wearesocial.net/tag/vietnam/

2. Mạng xã hội (MXH) đã trở thành kênh truyền thông chính thức của nhiều thương hiệu bất kể quy mô, đẳng cấp nào. Từ một ông thợ may, một cửa hàng bán lẻ trái cây, những thương hiệu thời trang bình dân, khu vui chơi giải trí cho đến những nhà thiết kế thời trang, nghệ sỹ, thương hiệu luxury hay thậm chí là những người có mặt trong nhóm “siêu giàu” trên thị trường chứng khoán, chính trị gia cũng đều có facebook fanpage hay group. Trong đó nổi bật là các ngành hàng thời trang, bia rượu, xa xỉ phẩm, ô tô, xe máy…
3. Kênh truyền thông của xã hội dân sự: Người Việt Nam đặc biệt yêu thích MXH vì nó những đặc tính rất “quán nước đầu làng”: người ta có thể “chém gió thành bão” và phục vụ nhu cầu show up của người Việt nói riêng (và châu Á nói chung) một cách hữu hiệu. Tuy nhiên khác với các nước phát triển, MXH đã trở thành một kênh truyền thông hữu hiệu cho xã hội dân sự. Chưa bao giờ người Việt được bình luận “thẳng thắn” và không e sợ đến thế về nhiều vấn đề từ trước đến nay vẫn được coi là nhạy cảm. (các kì họp quốc hội, cách các bộ trưởng xử lý các vấn đề của ngành mình, phản đối việc đóng cửa zone 9,…)
MXH cũng góp phần nâng cao tư duy phản biện của xã hội khi có những thảo luận hoặc phân tích nhiều chiều về các sự kiện nổi trội của xã hội như: chuỗi sự kiện của Nick Vujicic ở Việt Nam; bạo hành trẻ em; thực hư quanh cuốn sách của Huyền Chíp; nên hay không nên đóng cửa Zone 9 tại Hà Nội. Năm 2013 cũng tiếp tục chứng kiến sự ra đời hoặc trưởng thành của các FB vì tiến bộ xã hội như lái xe có ý thức; không hút thuốc lá; đọc báo tỉnh táo; các hội chống coca cola trốn thuế; cơm có thịt; Hà Nội đủ,…
4. MXH đã trở thành một không gian chia sẻ cởi mở và hữu hiệu từ giải trí đến chuyên ngành: rất nhiều FB group, fan page chuyên ngành, sở thích, lứa tuổi, giới tính được thành lập…tạo cơ hội học tập miễn phí và trao đổi kinh nghiệm một cách dễ dàng.
5. MXH trở thành cái chợ cóc: với bản tính thích xoay xở từ những cái nho nhỏ, MXH cũng trở thành một cái chợ cóc sôi động. Người người kinh doanh, nhà nhà kinh doanh: từ đồ xách tay, cho đến rau quả sạch, quà biếu tết, đồ lót, luận văn và cả những thứ thách thức mọi sự tưởng tượng.
6. MXH đã thay đổi cách làm báo: nhanh – nhiều khi chính xác – văn phong gần gũi đã làm cư dân mạng tin tưởng và tìm đọc thông tin trên MXH trước cả các báo lớn. Điều này được thấy rõ trong đám tang đại tướng Võ Nguyên Giáp – chỉ 40 phút sau khi tướng Giáp mất, thông tin đã lan truyền trên mạng trước tất cả các báo (chính thống và không chính thống). Những phân tích, bình luận của thế giới từ nhiều nguồn, nhiều thứ tiếng được phân tích và bình luận ngay lập tức trên MXH. Cư dân mạng không phải đợi 1 ngày như trước đây, hay vài giờ như năm 2011 – 2012 để có được thông tin mà giờ đây thông tin là trực tiếp (real time), trong một số trường hợp, MXH còn đi trước cả thực tế – đưa ra những sự-thực-trong-tương-lai nhiều khi chính xác.
7. MXH chứng minh có tồn tại cái gọi là Tâm lý đám đông như Gustave Le Bon đã nói: Đám đông hành động theo cảm xúc – Đám đông không suy xét – đám đông không bao giờ thừa nhận mình sai – khi đặt một con người vào đám đông, anh ta sẽ hành động khác hẳn con người thường của anh ta. Vụ “cư dân mạng” sốt lên vì “trai đẹp”; “cư dân mạng” bất bình với người lái xe chở bia bị lật khi anh này chưa quyết định sẽ trả lại tiền cho người đã quyên góp ủng hộ mình thế nào; “cư dân mạng” phản đối cho rằng sữa dê Danlait không an toàn hay vụ “cô giáo Thủy – canh gà Thọ Xương”… Không thể phủ nhận MXH góp phần làm xã hội trong sạch hơn, các doanh nghiệp và người quản lý buộc phải hành động thận trọng hơn, có trách nhiệm hơn nhưng những sự việc xảy ra năm vừa qua đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của “cư dân mạng” và bản thân các mạng xã hội. Like và share không còn là vô hại, mà thực sự đã có màu có mùi cụ thể. Hãy like và share có ý thức.
8. Sức đề kháng của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng trên MXH quá yếu: Cư dân mạng phản đối công ty phân phối sữa Danlait cho rằng công ty này buôn hàng dởm – buôn hàng bị liên minh châu Âu cấm. Cuối cùng, khi các cơ quan chức năng của hai bên công nhận sữa đạt chuẩn, nhà sản xuất từ châu Âu sang chứng minh quy trình sản xuất chuẩn; liên minh châu Âu thông qua chỉ thị cho phép dùng sữa dê làm sữa trẻ em thì đã quá muộn, công ty nhập khẩu đã bên bờ phá sản. Tương tự như vậy với nhiều vụ tấn công, vu cáo trên các trang MXH gây thiệt hại lớn nhưng không có ai phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. (vụ công ty cơ khí Phạm Gia, nệm Kym đan và nhiều nhiều công ty chắc chắn không muốn được/bị nêu tên ở đây)
Tóm lại, MXH đã trở thành một kênh thông tin – quảng bá không thể bỏ qua của mỗi doanh nghiệp, một nhu cầu thiết yếu của nhiều cá nhân. 2014 chắc chắn sẽ chứng kiến một sự dịch chuyển mạnh mẽ của ngân sách PR – Marketing về phía các MXH. “Content is king” cũng không còn là một câu khẩu hiệu suông mà đã là một phần trong công việc hàng ngày của nhiều pr practitioner – marketer. Cùng chờ xem MXH sẽ mang lại cho người tiêu dùng, cư dân mạng những gì thú vị trong năm tới.
Nguyễn Đình Thành Giám đốc Tư vấn Chiến lược Truyền Thông Công ty truyền thông Le Bros
Kì sau: top sự kiện truyền thông đáng chú ý năm 2013
1507202_10152055984862954_1563487159_n.jpg
Cảm ơn Vu Trung Hiep, dù bận bịu cuối năm vẫn dành thời gian làm tấm hình minh hoạ tuyệt vời này cho anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét