Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Đả kích triển lãm Hoàng Sa thiếu hải chiến

ĐÀ NẴNG 12-1 (NV) - Nhiều người đã lên tiếng phản đối ban tổ chức cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa – chủ quyền của Việt Nam” đã phớt lờ trận hải chiến Tháng Giêng, 1974 của Hải Quân VNCH.
Triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa – Chủ quyền của Việt Nam” tại Đà Nẵng (Hình: Dân Trí)
Cuộc triển lãm vừa kể do Sở Ngoại Vụ thành phố Đà Nẵng, bảo tàng Đà Nẵng và “huyện đảo Hoàng Sa” tổ chức ở thành phố này vào thời điểm tròn 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tuy Hoàng Sa đang nằm trong tay Trung Quốc, Việt Nam vẫn xem Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam nên mới xác định “huyện đảo Hoàng Sa” là một đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng .

Một số tờ báo và nhiều cá nhân đã dẫn phát biểu của chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa trong buổi khai mạc triển lãm: “Quyết tâm và trách nhiệm đòi lại Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tinh thần của sinh viên và thế hệ trẻ đối với lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.”
Rồi những tờ báo nhà nước đó cũng nêu phát biểu của phó chủ tịch Đà Nẵng: “Lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta từ bao đời nay luôn khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc và mãi mãi chiếm trọn trái tim, tâm trí của mỗi người dân Việt Nam” để chỉ trích ban tổ chức cuộc triển lãm này đã phớt lờ, không đả động gì tới trận hải chiến Hoàng Sa.
Tờ Dân Trí bình luận: “Đã nói đến lịch sử thì phải rõ ràng, khách quan, đầy đủ. Cho nên, khi nói về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa thì không thể thiếu trận hải chiến của Hải Quân quân đội Việt Nam Cộng hòa. 40 năm trước, ngày 19 Tháng Giêng, 1974, Trung Quốc tấn công cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Những người lính của Việt Nam Cộng hòa đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên và đã hy sinh.”
"Tư liệu, hình ảnh về các chiến hạm Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Nhật Tảo, Lý Thường Kiệt… tham gia bảo vệ Hoàng Sa, tên tuổi các binh lính, sĩ quan tử trận trong trận hải chiến này còn đó. Dù họ khoác màu áo nào nhưng họ đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ giang sơn của cha ông để lại thì họ cũng là những dũng sĩ”.
Một cựu trung tướng quân đội CSVN tên là Nguyễn Quốc Thước nói với tờ Thanh Niên: “Lên án chế độ Việt Nam Cộng Hòa là chuyện khác, nhưng tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng Hòa chống ngoại xâm là cần thiết. Hai điều này hoàn toàn khác nhau.”
Cũng vì vậy, triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa – chủ quyền của Việt Nam” tại Đà Nẵng, dù có giới thiệu một số tư liệu, hình ảnh về chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa cùng những hoạt động dân sự, quân sự trên quần đảo này, những tư liệu chứng minh hành động phi lý và phi pháp của Trung Quốc khi chiếm đóng trái phép và đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị xem là chưa đầy đủ.
Tờ Dân Trí đề nghị: “Cuộc tấn công cưỡng chiếm của Trung Quốc và trận hải chiến đẫm máu trong 30 phút vào ngày 19 Tháng Giêng, 1974 cần phải được trưng bày, giới thiệu. Sinh viên, các bạn trẻ cần tiếp nhận đầy đủ thông tin, hiểu rõ về lịch sử, tôn trọng sự thật của lịch sử. Hy vọng, những tư liệu về trận hải chiến và cũng là chứng cứ chứng minh Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa sẽ được giới thiệu đầy đủ vào đúng ngày mất Hoàng Sa 40 năm trước – ngày 19 Tháng Giêng."
Trong 10 năm qua, do Trung Quốc liên tục thực hiện các hành động càn rỡ để cưỡng chiếm gần như toàn bộ biển Đông, những câu chuyện liên quan tới Hoàng Sa thời Việt Nam Cộng hòa (các nỗ lực bảo vệ chủ quyền, hải chiến Tháng Giêng, 1974) mới được nhiều giới, nhiều người tại Việt Nam xới lại.   
Công bố những sự thật liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, ghi công, tưởng niệm các tử sĩ Việt Nam Cộng hòa nay trở thành đòi hỏi, mong muốn chung của công chúng Việt Nam, trong đó có cả những người đã từng là hoặc đang là cán bộ, đảng viên CSVN. Họ xem đây là một trong những điều cần phải làm để đòi lại chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này.
Do áp lực của dư luận, trong vài năm gần đây, một số tờ báo chính thống của chính quyền Việt Nam bắt đầu công bố các sự kiện liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa và quần đảo Hoàng Sa. Gần nhất là loạt bài về Việt Nam Cộng hòa - quần đảo Hoàng Sa của ông Trần Công Trục, cựu trưởng ban biên giới của Việt Nam trên tờ Giáo Dục Việt Nam. 
Hôm 30 Tháng Mười Hai, khi tiếp một số chuyên gia sử học, đại diện cho Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tại Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự đồng tình với đề nghị đưa những nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa vào kế hoạch biên soạn lại sách giáo khoa sẽ thực hiện vào năm 2015. 
Ông cũng hứa sẽ tổ chức kỷ niệm một chuỗi các sự kiện lịch sử sẽ trở thành tròn, chẵn trong năm 2014. Đó là 35 năm (1979 – 2014) ngày Trung Quốc xua quân sang Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học,” khiến nhiều người Việt thiệt mạng khi bảo vệ lãnh thổ phía Bắc. Và 40 năm (1974 – 2014) ngày Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhiều tờ báo Việt Nam đã có tin hoặc bài tường thuật về buổi gặp gỡ này rồi sau đó đồng loạt đục bỏ. (G.Đ.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét