Pages

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Đâu là thách thức lớn nhất trên đường phát triển?

SGTT.VN - Phải làm gì để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng và trì trệ kéo dài này, đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong những giờ phút suy tư trầm lắng của mùa xuân này.
Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều bệnh nặng: nợ xấu ngân hàng, khủng hoảng bất động sản, doanh nghiệp nhà nước nợ lên đến 1,3 triệu tỉ đồng, nợ công tăng quá nhanh, nhiều doanh nghiệp tư nhân phá sản…

Sau những năm 1990 Đổi mới đầy hứng khởi, phát huy được tính năng động, sáng tạo của người dân, nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đất nước thay da đổi thịt. Ngày nay, trong khi không phủ nhận những tiến bộ đã đạt được, song nhìn thẳng vào đời sống kinh tế – xã hội, ai cũng thấy lo âu cho tương lai của đất nước.

Nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng thấp kéo dài nhất tính từ khi bắt đầu Đổi mới trong khi các nước Đông Nam Á đang hồi phục, Lào, Campuchia, Indonesia đều tăng trưởng cao hơn nước ta và cả thế giới đang chuyển biến nhanh chóng. Trong khi đó, công cuộc Đổi mới ở nước ta chậm lại, nhiều bệnh cũ chưa chữa được lại thêm những bệnh tật mới không kém trầm trọng mà nguyên nhân trực tiếp hay sâu xa bắt nguồn từ thể chế.

Nếu như những năm 1990, cải cách thể chế đã có nhiều đột phá quan trọng, giải phóng sức sản xuất, phát huy trí sáng tạo, năng động của người dân như bãi bỏ độc quyền xuất – nhập khẩu, cho phép kinh tế tư nhân xuất – nhập khẩu theo pháp luật, luật Doanh nghiệp năm 1999 thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân, bãi bỏ quyền cấp phép của chủ tịch tỉnh, thành phố, bãi bỏ 286 giấy phép, hội nhập ASEAN, ký hiệp định Thương mại Việt – Mỹ... thì trong giai đoạn hiện nay thể chế đã trở thành nút thắt cổ chai quan trọng nhất phải vượt qua nếu nền kinh tế muốn tiếp tục tiến lên. Không cải cách thể chế, Việt Nam không chỉ bế tắc trong “bẫy thu nhập trung bình” mà còn phải đối mặt với những xung đột xã hội ngày càng tăng.

Thể chế hiện là nguyên nhân trực tiếp hay sâu xa làm tăng chi phí về thời gian và tiền bạc, làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp, đang tạo ra những đòn bẩy chỉ có lợi cho một số nhóm lợi ích chứ không tạo ra động lực để phát triển khoa học – công nghệ, nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều bệnh nặng: nợ xấu ngân hàng, khủng hoảng bất động sản, doanh nghiệp nhà nước nợ lên đến 1,3 triệu tỉ đồng, nợ công tăng quá nhanh, số rất lớn doanh nghiệp tư nhân phá sản, đóng cửa, số còn lại chỉ kinh doanh cầm chừng hay đình đốn…

Lũ lụt tàn phá miền Trung, gây ra thiệt hại to lớn cho nhân dân không chỉ là thiên tai mà có phần quan trọng là nhân tai: phá rừng, làm thuỷ điện thiếu tính toán đến môi sinh và an toàn của người dân vùng hạ lưu, do các cơ quan nhà nước đã cho phép ồ ạt, không kiểm soát nạn phá rừng, không bảo đảm chức năng điều hoà thuỷ văn, v.v.

Ngày 3.12.2013, tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), công bố chỉ số CPI (Cảm nhận tham nhũng), Việt Nam xếp thứ 116/177 nền kinh tế với điểm số không đổi 31/100, xếp thứ bảy trong mười nước ASEAN. Tham nhũng, tiêu cực lớn nhỏ đè nặng lên người dân hàng ngày, từ xin việc làm đến lo cho con đi học, đưa người già đi chữa bệnh… đâu đâu cũng phải có tiền mới được việc. Nói và làm xa cách nhau hơn bao giờ hết. Thay vì đạt được tiến bộ, lãng phí, chia chác ngày càng trầm trọng, làm tăng chi phí mọi công trình nhà nước đầu tư, xây dựng, từ cầu đường đến trường học, bệnh viện, nhà vệ sinh...

Bộ máy hành chính cồng kềnh, 71% chi ngân sách là chi thường xuyên nhằm nuôi một bộ máy hoạt động rất kém hiệu quả, thiếu công khai, thiếu trách nhiệm giải trình.

Việc bổ nhiệm nhân sự hoàn toàn không minh bạch, không có chương trình hành động, không qua sự giám sát, xét duyệt của cơ quan dân cử. Có quá nhiều cán bộ cao cấp kém năng lực, không trả lời được câu hỏi của đại biểu và báo chí, không dám nhận trách nhiệm và không bị xử lý về kém năng lực, gây bức xúc trong dư luận.

Lợi ích nhóm chi phối không ít quyết định và chính sách, cơ chế “xin – cho” lại thịnh hành và thay thế quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh theo pháp luật.

Công cuộc Đổi mới đang bị chựng lại ở những mệnh đề xưa cũ không còn sức thuyết phục. Niềm tin của người dân bị giảm sút nghiêm trọng. Ngôi sao Việt Nam một thời toả sáng đang bị lu mờ.

Phải làm gì để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng và trì trệ kéo dài này? Câu trả lời là cần cải cách thực chất về thể chế. Phải thực hiện công khai minh bạch theo các chuẩn mực quốc tế về chi tiêu ngân sách nhà nước, từ vé máy bay đến bữa chiêu đãi khách nước ngoài. Cần công bố lịch làm việc cho dân biết, giảm tối đa tệ quan chức dự lễ hội, động thổ và khánh thành quá hình thức và tốn kém. Cán bộ bổ nhiệm có thời hạn, có điều kiện và phải qua giám sát, phỏng vấn của các uỷ ban của Quốc hội, HĐND.

Cần luật hoá vai trò giám sát của báo chí, tổ chức quần chúng đối với bộ máy nhà nước, luật hoá quyền tiếp cận thông tin của người dân. Pháp luật phải bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực, làm cho công chức “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không cần tham nhũng”. Phải xoá bỏ những “vùng cấm”, đặc quyền đặc lợi, hạn chế sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính.

Những cải cách đó không có gì mới, nhiều nước đã áp dụng và họ đã xây dựng được những nền kinh tế phồn vinh, xã hội công bằng, thịnh vượng, văn minh.

Đổi mới – đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là sự thôi thúc của người dân trong mùa xuân trên đất nước Việt Nam này. 

Lê Đăng Doanh

(SGTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét