Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

‘Bắt đầu chạy nước rút quyền lực?’

Thông điệp của Thủ tướng VN có những điểm độc lập với cơ chế lãnh đạo tập thể, theo nhà quan sát.
Đang diễn ra một cuộc ‘chạy đua nước rút’ giành quyền lực hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2016, thể hiện qua bản thông điệp chính trị đầu năm của Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng, theo một nhà phân tích từ trong nước.
Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với BBC hôm thứ Năm, 02/1/2013:

“Dường như theo cảm nhận của tôi, từ đầu năm 2014 trở đi bắt đầu một cuộc chạy đua nước rút, chuẩn bị cho Đại hội 12 của Đảng Cộng sản năm 2016, và đó là cuộc chạy đua của không chỉ một người, mà là một số người.
“Và mỗi người đều có chính kiến, quan điểm, phương pháp, con đường riêng của mình. Thành thử là có một sự độc lập tương đối, không nhất thiết bất kỳ vấn đề gì cũng phải đưa ra bàn trong tập thể, mặc dù thông điệp nêu ra, cơ sở của thông điệp là Nghị quyết Đảng.”

‘Dấu hiệu cải cách’

“Chẳng hạn sẽ cho ban hành các luật về lập hội, luật về biểu tình và đồng thời cũng xác định một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với cải cách kinh tế đó là vấn đề xóa độc quyền, ở đây không chỉ bàn về vấn đề giảm độc quyền mà cần thiết phải xóa độc quyền”
TS Phạm Chí Dũng
Vẫn theo nhà quan sát này, đã xuất hiện một số chỉ dấu qua thông điệp của Thủ tướng Việt Nam cho thấy Việt Nam sẽ nới rộng một số quyền của công dân và nhân quyền trong bối cảnh tiếp tục đàm phán để có thể gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2014.
Những cải cách này có thể trải rộng từ ‘xóa độc quyền’ ở khu vực kinh tế nhà nước, làm cho Việt Nam tiến gần hơn tới một ‘nền kinh tế thị trường’ đích thực, cho tới ban hành một số đạo luật cho phép ‘lập hội, biểu tình’ v.v…
“Thông điệp này ghi nhận ít nhất về một số khái niệm mới trong đó có những cụm từ về dân chủ, và có liên quan một số vấn đề cụ thể mà trong thời gian vừa rồi đã có dư luận nhưng chưa thành hình.
“Chẳng hạn sẽ cho ban hành các luật về lập hội, luật về biểu tình và đồng thời cũng xác định một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với cải cách kinh tế đó là vấn đề xóa độc quyền, ở đây không chỉ bàn về vấn đề giảm độc quyền mà cần thiết phải xóa độc quyền.”
Tuy nhiên nhà phân tích lưu ý về việc giám sát quá trình nói và làm với những cam kết mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mới đưa ra, kèm với cảnh báo đối với Thủ tướng và cộng sự:
“Nếu Thủ tướng và Chính phủ không thể chỉ đạo sát sườn, giải quyết được những vấn đề quyền con người của người dân, thì thông điệp của ông sẽ trở thành vô nghĩa và mục đích tạo ra sự ảnh hưởng đối với dân chúng trong các tầng lớp trí thức của ông sẽ không đạt được trong những tháng năm tới,” Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét