Pages

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Cải cách là đòi hỏi cấp bách

Ông Lê Công Giàu
(Phát biểu tại Tọa đàm “Làm thế nào để thực hiện thông điệp của Thủ tướng?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 15.01.2014)

1. Sau gần 40 năm, Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực (sau Thái Lan 25 năm, Malaysia 30 năm, Singapore 60 năm) và có thể nói đang khủng hoảng toàn diện, tham nhũng khắp nơi, kinh tế khó khăn, đạo đức xuống cấp, xã hội bất an, niềm tin của dân giảm sút nghiêm trọng. Cải cách là đòi hỏi cấp bách, nếu không Việt Nam sẽ đi về đâu? Một “kịch bản” như Liên Xô, Đông Âu chăng?

Việt Nam đang giống đoàn tàu chở 90 triệu hành khách, tốc độ chậm, vì máy móc cũ, hệ thống thắng không ăn, có thể gặp tai nạn bất kỳ.

2. Nguyên nhân gốc rễ là gì? Thể chế hiện nay không còn phù hợp, đang kiềm hãm sự phát triển của đất nước. Quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tham nhũng, các quyền tự do, dân chủ của người dân bị vi phạm nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các hội nghề nghiệp), báo chí không làm được chức năng giám sát, kiểm soát quyền lực, phản biện chính sách. Tham nhũng tràn lan, trong đó có những vụ đại án như Vinashin, Vinalines, cho thấy không chỉ như ghẻ ngứa, mà còn như ung thư di căn; những vụ đánh đập dân oan, thậm chí không hiếm trường hợp mất mạng, tất cả là chỉ dấu khẳng định một cách không thể nào rõ ràng hơn, rằng quyền lực đã vuột khỏi sự kiểm soát của thiết chế, hay nói đúng hơn, thể chế hiện hành dung dưỡng cho thứ quyền lực không thể kiểm soát.

3. Đảng, Nhà Nước phải đưa ra thể chế mới, cải cách để tạo động lực phát triển. Đó phải là mở rộng dân chủ; kiểm soát được quyền lực bộ máy công quyền, công chức, cơ quan Đảng; thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ.

Có hai hướng: chế độ nhiều đảng và chế độ một đảng. Chế độ một đảng thì rất khó thực hiện thể chế mới, nhưng nếu có lãnh đạo tài đức và quyết tâm làm vì nhân dân, đất nước thì trong chừng mực nào đó vẫn có thể đưa ra những quyết sách ích quốc lợi dân, tránh cho đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn. Khi ấy, cái giá phải trả sẽ không lường được.

Nhưng dù hướng nào đi nữa, thì nhất thiết phải tôn trọng quyền đấu tranh của người dân để có thể tự do bầu cử, lập các hội bảo vệ quyền lợi, thực hiện các quyền tự do ngôn luận, v.v.

4. Đi vào cụ thể, nhất thiết phải:

· Xây dựng nhà nước pháp quyền, với sự độc lập và kiểm soát lẫn nhau của Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp. Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Quốc hội không được kiêm chức vụ chính quyền, không ăn lương của chính quyền.

· Thực hiện quyền ứng cử, bầu cử trong Đảng và trong Dân. Đảng viên có quyền ứng cử, có quyền bầu cử trực tiếp lãnh đạo, bãi miễn lãnh đạo; Đại hội Đảng bầu trực tiếp Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Người dân có quyền tự do ứng cử, bầu cử vào Hội đồng Nhân dân, Quốc hội; bầu cử Hội đồng Nhân dân, Quốc hội có giám sát của các tổ chức xã hội dân sự; dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, quận, huyện, tỉnh, thành phố.

· Nhanh chóng thực hiện quyền lập hội, biểu tình, tự do báo chí, tự do ngôn luận.

· Phải công khai minh bạch trong quản lý, trong tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, … để người dân giám sát công chức, bộ máy công quyền.

· Cần thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ, chứ không nửa vời như hiện nay. Xóa độc quyền, bao cấp, ưu đãi cho công ty quốc doanh. Thực hiện tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh. Quốc doanh chỉ làm những việc tư nhân không làm. Phải có luật về quyền tài sản.

· Đẩy mạnh việc chống tham nhũng một cách quyết liệt và thực chất. Các tổ chức xã hội dân sự, báo chí phải được luật pháp bảo vệ khi tham gia chống tham nhũng. Đấu thầu công khai các dự án, công trình; thúc đẩy tính minh bạch và truy cứu trách nhiệm trong việc quản lý tài chính. Việt Nam đã tham gia công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc từ ngày 3-7-2009 nhưng chưa thực hiện bao nhiêu!

5. Cần làm ngay những việc sau đây để thể hiện quyết tâm đổi mới của lãnh đạo là có thật:

· Mở “Hội nghị Diên Hồng” đối thoại với trí thức về tình hình đất nước.

· Trả tự do cho những người có chính kiến khác biệt, những người đấu tranh cho dân chủ, những người phản đối Trung Quốc đàn áp ngư dân ở Biển Đông; chấm dứt việc gây áp lực đối với những người này (như đe dọa để chủ không dám cho thuê nhà, hay buộc thôi học – trường hợp Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Phương Uyên…).

· Chấm dứt bắt bớ dân oan, dân khiếu kiện đất đai.

Dân chủ tự do là động lực phát triển, là qui luật trong xã hội hiện đại. Dân chủ tự do càng cao, sự phát triển đất nước càng nhanh. Có dân chủ thì mới kiểm soát được quyền lực, kinh tế thị trường mới phát huy được sức mạnh của nó. Dân chủ không tự nhiên có. Đó là quá trình đấu tranh bền bỉ, đòi hỏi quyết tâm cao. Quần chúng, một khi có ý thức về dân chủ, sẽ mạnh mẽ đấu tranh để thực hiện quyền của mình. Đừng hốt hoảng, trái lại, cần phải tiếp thêm sức mạnh sao cho việc “chấn dân khí” sẽ trở thành cuộc đại vận động của toàn xã hội.

Lê Công Giàu

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét