Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Chặn đứng “tham nhũng quyền lực”

(TBKTSG) - Khi quyền lực được trao vào tay một cá nhân mà thiếu đi một cơ chế giám sát hiệu quả, quyền lực ấy rất dễ bị lạm dụng, dẫn đến những hành vi tham nhũng. TBKTSG có cuộc trao đổi với ông Phạm Duy Nghĩa, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trưởng khoa Kinh tế - Luật, Đại học Kinh tế TPHCM, xung quanh câu chuyện giám sát quyền lực này.

TBKTSG: Dường như các vụ án tham nhũng phần lớn đều xuất phát từ những lỗ hổng cơ chế?

- Ông Phạm Duy Nghĩa: Tham nhũng thì nước nào cũng có, diễn ra ở cả hai khu vực công và tư dù mức độ phát hiện ở các nước rất khác nhau chứ không quốc gia nào có thể tự cho là mình trong sạch hoàn toàn. Đây là hiện tượng lạm dụng quyền lực được trao, hoặc bởi công ty, hoặc bởi quyền lực công cộng. Khi có nhu cầu, hay gặp phải những đối tượng khác đưa hối lộ, kích thích hành vi sai trái và nếu không bị phát hiện hoặc mức độ trừng phạt thấp, không đủ răn đe thì họ sẽ tận dụng khi có cơ hội.

Ông Phạm Duy Nghĩa.
TBKSTG: Vậy chúng ta có cơ chế nào kiểm soát để ngăn ngừa hiện tượng đó?

- Về luật pháp, chúng ta phải làm sao cho quyền lực được giám sát tốt hơn để cơ hội lạm dụng quyền lực nhỏ đi, cộng với việc gia tăng hệ thống kiểm soát, tăng trách nhiệm giải trình. Nói cách khác, tham nhũng có thể hạn chế được nếu quyền lực bị khống chế.

TBKSTG: Nhưng những câu chuyện đó chúng ta vẫn nói hoài, vấn đề là thực hiện như thế nào?

- Ở vị thế của tôi khó có thể đánh giá được điều này một cách toàn diện. Tuy nhiên, lấy thí dụ trong một công ty cổ phần, các cổ đông bỏ phiếu bầu ra hội đồng quản trị, trao quyền cho hội đồng đó kèm theo trách nhiệm giải trình, mà một trong số đó là phải giải thích rõ về những lựa chọn, quyết định được đưa ra. Hội đồng chỉ đưa ra chiến lược, còn thực thi sẽ do ban điều hành, và ngoài ra còn có các bộ phận khác như ban kiểm soát. Nói rộng ra trong bộ máy nhà nước cũng có những nét tương tự. Về bản chất, giám sát lạm quyền là giám sát hệ thống kiểm soát những người được trao quyền. Với Nhà nước, người giám sát là các cơ quan báo chí, và người dân đánh giá chính phủ thông qua công cụ này. Đành rằng tham nhũng có ở mọi nơi, nhưng khi nào hệ thống giám sát vận hành hiệu quả hơn, thì ở chỗ đấy nguy cơ tham nhũng ít diễn ra. Còn ở đâu thiết chế đó chưa có, hoặc có mà hoạt động hình thức thì nguy cơ cao.

TBKSTG: Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng có nhấn mạnh đến đổi mới thể chế. Vậy cụ thể đổi mới thể chế là gì, và điều đó có chống được lạm quyền dẫn đến tham nhũng hay không?

- Đổi mới thể chế được nhắc đến lần đầu tiên trong văn kiện đại hội Đảng lần thứ XI, là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Thông điệp của Thủ tướng thực ra là triển khai nghị quyết đấy. Điều này hay vì nói trúng cái người dân đang trông đợi. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều việc cần phải làm. Tôi nhận thấy Chính phủ cũng đã có lộ trình, chẳng hạn như câu chuyện cải cách doanh nghiệp nhà nước. Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua, và bước kế tiếp là thực hiện luật đó theo hướng một là quy định rõ đất được sử dụng lâu dài là như thế nào, và ràng buộc trách nhiệm nhà nước khi thu hồi đất. Về dân quyền thì nhắc lại chuyện cho phép người dân bầu trực tiếp chủ tịch cấp phường, xã. Nếu làm được điều đấy cũng có thể nói là đã thực hiện bước đầu tiên gọi là dân chủ cơ sở. Những việc đó phải có hiệu ứng lan tỏa từ từ, chứ không thể có hiệu ứng ngay, nhưng dần dần trở thành thông lệ. Nếu làm được như cam kết, thì đó chính là cải cách thể chế.

TBKSTG: Theo ông, chúng ta phải chờ những hành động cụ thể từ chính quyền hay chính người dân phải tự thực thi quyền giám sát của mình để tạo sự chuyển biến?

- Tôi có nghiên cứu về giải quyết tranh chấp đất đai của nông dân và thấy rằng Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một nước công nghiệp, và vì thế dân số nông thôn và vùng nông nghiệp sẽ bị giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến sinh kế của hàng triệu nông dân. Trong những năm qua Nhà nước đã thu hồi khoảng 1 triệu héc ta đất của nông dân khu vực nông nghiệp. Mỗi héc ta ảnh hưởng đến 10 người nông dân, 1 triệu héc ta ảnh hưởng đến 10 triệu người, và con số này sẽ còn tăng thêm. Điều đó cho thấy mọi chính sách có hiệu ứng khác nhau với các người dân khác nhau, và những người chịu thiệt thòi phải có tiếng nói. Họ không thể trông chờ bộ máy cải cách thể chế mà phải có cách để tạo nên tiếng nói tập thể để chính sách cải thiện tốt hơn cho họ.

TBKSTG: Thế còn xây dựng nhà nước pháp quyền thì như thế nào?

- Mỗi quốc gia có tiến đến nhà nước pháp quyền khác nhau. Nhưng đặc trưng phổ quát của nhà nước pháp quyền là thứ nhất, tất cả các tổ chức, người dân đều phải tuân thủ pháp luật, không ai được đứng trên pháp luật. Thứ hai, nếu một người dân cảm thấy thiệt thòi hay bất công, họ có cơ hội yêu cầu cơ quan tài phán (mang tính độc lập, khách quan) xác lập lại công lý. Dù những điều này ở Việt Nam chưa thật tốt lắm, chẳng hạn vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang… nhưng cũng đã có những chuyển động. Chẳng hạn như quyền của luật sư được tham gia vào các giai đoạn điều tra, quyền khiếu nại tố cáo của công dân… Mọi thứ còn khá ngổn ngang, nhưng tôi nghĩ đã đi đúng hướng.

Không có nhận xét nào: