Pages

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Chuyên gia cảnh báo về nới lỏng cổ phiếu


Doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với tình trạng thiếu vốn
Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc nới tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tại một số doanh nghiệp trong nước.

Reuters cũng cho biết điều này chỉ áp dụng với một số khu vực và doanh nghiệp nhất định, dưới sự phê chuẩn của thủ tướng và hội đồng cổ đông công ty.
Hãng thông tấn Reuters trong tin đăng ngày 31/12 nói trong vòng vài ngày tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thông qua quy định sửa đổi trong đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tới 60% cổ phần trong một vài doanh nghiệp có niêm yết.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty chưa niêm yết cũng được tăng lên 49%, theo quy định mới được Reuters trích dẫn.
Tuy nhiên cũng trong ngày 31/12, Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn nguồn tin từ một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nói hiện chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, do ủy ban này mới được yêu cầu sửa một số điểm trong dự thảo và vừa phải trình lại lên chính phủ một lần nữa.
Bên cạnh đó, chính phủ có khả năng sẽ phải lấy ý kiến từ các bộ, ngành, khiến thời gian đưa ra quyết định có thể sẽ bị kéo dài hơn dự kiến.

'Tránh bị chiếm lĩnh kinh tế'

Trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 1/1, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói việc nới lỏng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài là điều "hợp lý" vì có thể giúp phát triển doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên ông cũng cảnh báo về khả năng nền kinh tế bị lệ thuộc vào nước ngoài nếu điều này không được quy định chặt chẽ.

"Có cường quốc có tới vài nghìn tỷ đôla mà người ta lại được mình để cho tự do mua thì cần gì phải đánh nhau để chiếm Việt Nam làm gì, chỉ cần bỏ ra vài trăm tỷ đôla là mua hết nền kinh tế Việt Nam rồi"
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
"Nếu quản lý của Nhà nước nghiêm minh, nghiêm chỉnh để bảo vệ chủ quyền đất nước thì đó là một việc. Nhưng ở Việt Nam có một vấn đề mà nghị quyết trung ương 4 chưa giải quyết được, đó là tham nhũng," ông nói.
"Khi giải quyết cho ai đó mua cổ phần công ty Việt Nam thì họ có tính đến chủ quyền của Việt Nam hay không, hay vì phong bao phong bì gì đấy mà tạo điều kiện cho nước ngoài chiếm lĩnh các doanh nghiệp nhạy cảm Việt Nam để biến Việt Nam thành nô lệ của nước ngoài?"
"Đó là vấn đề phải hết sức thận trọng."
Ông Thành nhận xét để tránh nguy cơ nói trên, cần phải "quy định những khu vực nào là nhạy cảm, hai là ai, hay cấp nào có quyền quyết định, cho phép" tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài tại một doanh nghiệp.
Ông cũng cho rằng "vấn đề quyết định, cho phép cũng phải theo những tiêu chí nào để khỏi phải phụ thuộc vào sự độc đoán của người nào hay nhóm lợi ích nào để tránh nguy cơ nền kinh tế Việt Nam bị các nhà tài chính nước ngoài khống chế."
"Việt Nam chưa phải là nền kinh tế như Mỹ mà tất cả mọi người đều có thể vào và các doanh nghiệp có tới hàng tỷ cổ phần để khó ai có thể khống chế được."
"Ở Việt Nam mình còn rất yếu kém, thị trường chứng khoán chỉ có vài doanh nghiệp nhưng số vốn lại không có bao nhiêu, chỉ chừng 500-700 triệu đôla."
"Với vài trăm doanh nghiệp như thế, chỉ cần có một cường quốc có tới vài nghìn tỷ đôla mà người ta lại được mình để cho tự do mua thì cần gì phải đánh nhau để chiếm Việt Nam làm gì, chỉ cần bỏ ra vài trăm tỷ đô la là mua hết nền kinh tế Việt Nam rồi."
"Tôi nghĩ nguy cơ bị người nước ngoài chiếm lĩnh kinh tế, các hoạt động huyết mạch là điều chúng ta cần thận trọng."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét