Pages

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Cướp Tàu Cá, Cướp Biển

Trần Khải
Chuyện rất nguy cấp: Biển Đông vẫn liên tục sóng gió, bất kể chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói lên những lời hữu hảo… và bất kể là taù ngầm Nga hiên ngang bàn giao cho nhà nước Hà Nội…
Báo Pháp Luật TP hôm 6-1-2014 có bản tin tựa đề “Ngư dân lại bị tấn công ở ngư trường Hoàng Sa” — bản tin viết:
“Trong lúc đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa, một tàu cá ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã bị tàu lạ khống chế, chặt cột cờ, đập phá và lấy đi nhiều tài sản.

Chuyến đi này 12 thuyền viên trên tàu hy vọng một đợt bội thu sau những ngày biển động nhưng không thành. Một thuyền viên quê Hà Tĩnh vào làm thuê nói: “Tôi cứ nghĩ chuyến biển này mấy anh em kiếm được khá vì thấy trúng đậm, ai dè bị cướp hết. Thế là dự định về quê ăn tết phải nán lại để đi chuyến tiếp theo mong có tiền về quê”.
Ông Ngô Văn Hiếu, Đồn phó Đồn biên phòng Lý Sơn, cho biết: “Sáng 5-1, chúng tôi đã tiếp nhận tin báo từ những thuyền viên trên tàu cá QNg 95739 do ông Phạm Quang Thạch làm thuyền trưởng về việc tàu bị khống chế, đập phá đồ đạc và cướp đi gần sáu tấn cá. Hiện chúng tôi đang tiến hành điều tra làm rõ và báo thông tin trên cho đồn biên phòng tỉnh”.(hết trích)
Cũng cần nhắc rằng, chỉ 2 tuần nữa là tới ngày tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa bị quân Trung Quốc đánh chiếm sau những trận hải chiến với Hải quân VNCH ngày 19-1-1974.
Báo Lao Động hôm 6-1-2014 có bản tin tựa đề “Quảng Ngãi: Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn kêu gọi giúp đỡ ngư dân bị tàu Trung Quốc đập phá, cướp cá…”
Bản tin viết:
“Liên tiếp trong 2 ngày 2-3.1, hai tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa đã bị lực lượng tàu kiểm ngư Trung Quốc đuổi bắt, đánh đập dã man các thuyền viên và cướp hết tài sản trên tàu. Hành động ăn cướp này khiến các ngư dân trở về gặp phải vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, các ngư dân vẫn không sợ hãi, nhanh chóng sửa tàu để tiếp tục bám biển Hoàng Sa.
Đến chiều 6.1, ngư dân Phạm Quang Thạnh (SN 1980, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn) vẫn còn vẻ phẫn uất khi kể về hành vi vô nhân đạo của tàu Trung Quốc.
Ông Thạnh cho biết, tàu QNg 95739 do ông làm thuyền trưởng, xuất bến An Hải ngày 10.12.2013, trên tàu có 12 ngư dân, thẳng tiến đến vùng biển Hoàng Sa, tổ chức khai thác hải sản.
Khoảng 11h ngày 3.1, khi đang đánh bắt, các ngư dân phát hiện có tàu màu trắng mang số hiệu 4 chữ của Trung Quốc và số 2 đang chạy đến. Khoảng 30 phút sau, họ bị tàu Trung Quốc đuổi kịp. Tàu Trung Quốc thả canô màu đỏ viền đen mang số hiệu 306, cập vào tàu QNg 95739.
“Ba người Trung Quốc nhảy lên tàu chúng tôi, cầm dùi cui điện khống chế và huy hiếp 12 ngư dân, dồn về phía trước mũi tàu. Sau đó, tàu lớn Trung Quốc áp sát vào tàu chúng tôi, để 8 người nữa nhảy sang, bắt các ngư dân dỡ hầm hốt hết 5 tấn cá chuyển sang tàu Trung Quốc. Không chỉ dừng ở đó, bọn họ còn bẻ gãy 2 cây cờ tổ quốc trên cabin, đập phá đồ đạc, lấy đi cả trang thiết bị trên tàu, vứt xuống biển”.
Đến lúc 15h cùng ngày, tàu Trung Quốc thả tàu QNg 95739, và các ngư dân về đến Lý Sơn ngày 4.1 trong tình trạng tả tơi, phẫn uất.
Ngay trước đó – ngày 2.1, tàu Trung Quốc cũng đã bắt, cướp và hành hạ các ngư dân An Hải (Lý Sơn) trên tàu QNg 96679. Ông Bùi Ngọc Thanh, thuyền trưởng tàu QNg 96679 kể lại: “Tàu tôi xuất bến ngày 31.12.2013, vừa đến Hoàng Sa thả neo đánh bắt thì khoảng 11h ngày 2.1 bị tàu ngư chính màu trắng số 2 của Trung Quốc rượt đuổi. Sau đó có thêm tàu số hiệu 64101 đến tham gia vây bắt.
Họ dùng canô số hiệu 306 áp sát mạn tàu, dùng vòi rồng xịt nước lên tàu suốt 3 tiếng đồng hồ liền, nhưng vẫn không làm gì được chúng tôi. Đến 13h thì họ cho mũi tàu trắng số 2 đâm thẳng vào tàu chúng tôi, làm tàu chúng tôi sắp lật. Hành động như vậy nào khác gì muốn giết chết những ngư dân tay không tấc sắt.
Thế rồi họ cho 5 người nhảy lên tàu, dùng dùi cui điện khống chế 15 ngư dân, bắt trói 2 ngư dân Bùi Sinh, Bùi Phải, đánh tra điện rất dã man. Sau đó, họ chiếm đoạt hết tài sản rồi mới chịu thả chúng tôi về Lý Sơn”…”(hết trích)
Bản tin đài RFA hôm 6-1-2014 có tựa đề “Kiểm ngư Trung Quốc trấn áp tàu cá Việt Nam” từ Bangkok đã phỏng vấn thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh của tàu đánh cá mang số hiệu QNg95739-TS, và được trả lời:
“- Xin anh cho biết là lực lượng của kiểm ngư Trung Quốc có hành động phá hoại hay đánh đập anh em trên tàu không hay chỉ kiểm tra rồi thôi?
- Dạ tàu em không bị đánh đập vì tất cả thuyền viên trên tàu không ai chống trả và không có một phản động gì thành ra lực lượng Trung Quốc người ta không đánh đập chỉ uy hiếp và đập phá đồ đạc, đồ dùng trang thiết bị như máy móc hay là những dụng cụ để khai thác cá thì đều bị họ lấy vứt đi hay bằm ra phá hoại hết như vứt xuống biển rồi họ bắt thuyền viên trên tàu hốt cá dưới hầm đưa sang bên tàu.
Chuyến này thì họ không lấy dầu mỡ nhiên liệu tại vì tàu mình đã ra làm hai mươi mấy ngày rồi cho nên nhiên liệu cũng cạn kiệt đi nhưng họ có lấy một phi dầu ở bên trên cabin, họ cũng lấy và đưa qua bên tàu của họ luôn. Sau khi lấy cá và phá hoại đồ đạc trên tàu thì họ bảo mình quay về Việt Nam
- Trong hoàn cảnh khó khăn như vầy thì làm sao anh và các bạn bè có thể tiếp tục làm nghề cá nữa nhất là lúc giáp tết như hiện nay?
Cũng mong nhà nước các cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao có sự phản ảnh để bên phía Trung Quốc đừng có những hành động như vậy nữa để bọn em bám biển chứ còn vì cuộc sống vì mưu sinh bằng mọi giá nào cũng phải cố gắng tại vì nghề nghiệp mà.
Trong lần bị trấn lột này tàu của anh Phạm Quang Thạnh đã mất đi số tài sản gần 300 triệu.
Đây là lần thứ hai anh Phạm Quang Thạnh bị tàu Trung Quốc trấn áp. Vào ngày 13 tháng 3 năm ngoái chiếc tàu mang mã số QNg96382 của ông Bùi Văn Phải do anh Thạnh làm thuyền trưởng đã bị tàu Trung Quốc bắn cháy làm hư hỏng nặng tốn kém rất nhiều tiền để sửa chữa. Vụ bắn ngư dân này đã bị quốc tế lên án nhất là Hoa Kỳ vì cho rằng đã vi phạm nghiêm trọng công ước về luật biển của quốc tế.”(hết trích)
Con số 300 triệu đồng là tương đương mười bốn ngàn một trăm đôla Mỹ… một tài sản khổng lồ.
Nhưng mất lớn hơn lại chính là vùng biển ngàn đời của dân tộc đã bị cướp mất bằng hành vi kiểu hải tặc này của tàu Hải giám Trung Quốc vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét