Pages

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

“Dương Chí Dũng nộp 5 tỉ thoát án tử hình“: Soi kỹ… choáng!


Kiến Thức – Hoàng Quý, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, anh không đồng tình với việc nộp tiền để được giảm án tử hình trong tội tham ô vì nhiều lý do.
“Nếu bồi thường 5 tỉ, Dương Chí Dũng có cơ hội thoát án tử hình”, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao lựa chọn theo hướng chú trọng thu hồi lại cho nhà nước số tài sản đã bị tham ô nên mới có sự “cứu nguy” này. Tuy nhiên, việc đổi tiền để thoát án tử hình này có hai mặt của nó.
Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của luật sư Hoàng Quý, Đoàn Luật sư TP.HCM về cái được và cái mất từ cơ chế “cứu nguy” nêu trên.
Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa.
Các tội về tham ô, hối lộ có nhiều mức hình phạt, cao nhất là tử hình. Nhưng nếu chỉ trừng trị bằng hình phạt không thôi thì không thể chống tham nhũng được. Chống tham nhũng phải là nhiều biện pháp căn cơ. Kể cả những nước được xếp loại “sạch” nhất cũng có tham nhũng. Hay ngay như Mỹ, vừa qua cũng có viên chức lãnh sự nước này nhận hối lộ mấy triệu đô đó thôi.

Chi tiền, nhận hối lộ quá dễ

Ở nhiều nước tiên tiến rất khó tham ô vì họ có hệ thống pháp lý chặt chẽ để bít tham ô. Anh là quan chức nhưng khi anh muốn chi tiền thì không được chi trực tiếp. Ví dụ: thủ trưởng chỉ được ký lệnh chi thôi, rồi gửi đến kho bạc hoặc ngân hàng được nhà nước ủy nhiệm chi. Bên kho bạc hoặc ngân hàng sẽ kiểm tra tính hợp pháp của lệnh chi trước khi chi. Người ký lệnh chi có khi ký sai, ký bậy, nhưng bên chi thì không được phép chi sai, chi bậy theo mà phải tự chịu trách nhiệm về việc chi tiền sai quy định. Do đó sẽ hiếm có chuyện bên chi tiền thông đồng với bên ký lệnh chi để tự “giết” mình.
Ở nhiều nước, hối lộ thì có nhưng tham ô thì rất khó. Ở Việt Nam mình, riêng trong lĩnh vực tài chính, nhân sự có nhiều vấn đề. Như Dương Chí Dũng từ một người đi hợp tác lao động về, phấn đấu 10 năm lên chức chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines. Năm thứ tư chưa có gì, năm thứ năm, năm thứ sáu có nhiều chức, nhiều quyền về tài chính. Từ đó Dương Chí Dũng lo cho gia đình, rồi lo ăn chơi… Vì quy định về chi tiền ở nước ta quá dễ, nhận hối lộ quá dễ, chứ chưa tính đến chuyện tham ô.
Muốn chống tham nhũng, hình phạt nghiêm khắc là cần thiết nhưng không phải thuộc loại quan trọng. Nói riêng tội tham ô, quan trọng nhất là phải có quy định chặt chẽ về thẩm quyền của người có quyền, nhất là quyền về tiền nong. Phải có quy định chặt chẽ về chi tiền.


Thời bao cấp vơ vét thua xa bây giờ

Các nước bỏ án tử hình nhiều nhất là các nước phương Tây. Ở Mỹ thì có bang bỏ tử hình, có bang giữ tử hình, có bang bỏ rồi khôi phục lại mức án cao nhất này. Mình ở phương Đông thì cần hành xử theo phương Đông. Nếu phương Tây có điều gì hay thì mình học hỏi nhưng không nên bê nguyên xi cách thức của họ về áp dụng. Đối với Việt Nam, duy trì án tử hình đối với các tội tham nhũng là cần thiết.
Ví dụ: Một kẻ cướp của chỉ giết một người thì bị tòa tuyên tử hình. Còn một kẻ tham ô góp phần làm suy vong cả một quốc gia, chẳng lẽ lại “tha” tử hình? Kẻ cướp của giết người đa số học vấn thấp, trong khi kẻ tham ô đều là người có học, có quyền. Kẻ tham ô giết dần giết mòn cả một dân tộc, bởi vậy người ta nói tham ô là “quốc nạn” chứ ăn cướp không bị ai kêu là “quốc nạn” cả.
Có khi 40 – 50 năm sau thì nước ta bỏ mức án tử hình đối với tội này cũng được. Không ai nói luật hình sự duy trì án tử hình mới đúng, hoặc luật hình sự phải bỏ án tử hình mới đúng, cái đó tùy tình hình cụ thể của từng nước mà luật hình sự của nước đó quy định. Chứ mình nói duy trì án tử hình mới đúng thì các nước phương Tây sai à? Hoặc nói bỏ án tử hình mới đúng thì các nước phương Đông sai hết à?
Còn tình hình tham nhũng nó nguy từ lâu rồi. Trước thời bao cấp, trong thời bao cấp cũng đã có rồi. Hồi đó bao cấp tiền nong để bỏ túi để có thể vơ vét nó không như bây giờ. Còn bây giờ vơ vét dễ quá đi.

Không thể chấp nhận việc nộp tiền để thoát án tử

Năm 2001, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ra Nghị quyết 01 hướng dẫn đối với tội tham ô, nếu bị cáo hoặc thân nhân bị cáo khắc phục hậu quả vật chất từ một phần hai trở lên, hoặc một phần ba đến dưới một phần hai (khi đã bán nhà ở, bán hết tài sản, vay mượn… các kiểu, nghĩa là làm hết khả năng rồi) thì có thể không xử án tử hình, giảm xuống còn tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Mặc dù tôi là luật sư, luật sư lúc nào cũng mong thân chủ của mình tội nhẹ, chứ luật sư lúc nào cũng ưng trị tội thì ai thèm thuê. Nhưng tôi không đồng tình với việc nộp tiền khắc phục hậu quả mà không xử án tử hình đối với tội tham ô, vì tử hình là một trong những biện pháp để chống tham nhũng.
Kẻ tham nhũng sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, bây giờ không “hy sinh đời bố” mà “củng cố được đời con” thì quá sướng. Tử hình còn tù chung thân, tù chung thân giảm xuống còn 20 năm. Một kẻ tham ô kiếm khoảng 500 tỉ, 1.000 tỉ mà ở tù khoảng 20, 30 năm thì con cái hắn cũng khỏe, ở tù cũng sướng!
Thành ra tôi không đồng tình với việc nộp tiền để được giảm án tử hình trong tội tham ô. Đây là biện pháp không tích cực. Mặc dù tôi tôn trọng ý kiến của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, những người có trí tuệ, có nhiều kinh nghiệm thực tế, biết nhìn bao quát, chứ không phải cảm tính mà ra cái nghị quyết đó.Nói chung chân lý, cái gì đúng, cái gì sai phải tranh cãi. Nếu đúng thì làm sao sửa luật được. Theo tôi, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành nghị quyết này là hơi lạm quyền, vì Bộ luật Hình sự đâu có quy định như vậy. Thứ hai là không có tác dụng tích cực, mặc dù tôi tôn trọng vai trò hướng dẫn cách xử của hội đồng thẩm phán.
Trong thực tiễn xét xử của tòa án, những trường hợp bị cáo hoặc gia đình bị cáo là tư nhân mới bỏ tiền ra để khắc phục hậu quả về tài sản thôi, chứ giới quan chức phạm tội thì ít khi thấy họ và gia đình họ tự nguyện khắc phục hậu quả về tài sản.
Theo Một Thế Giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét