Pages

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Hoàng Sa: chiến thuật lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc

Hoàng Sa. DR
Tú Anh
Cách nay 40 năm, quần đảo Hoàng Sa lọt vào tay Trung Quốc sau một trận đánh ác liệt đã xảy ra vào buổi sáng ngày 19/01/1974 giữa bốn tuần dương hạm và hộ tống hạm hải quân Việt Nam Cộng Hòa với 18 chiến hạm của Trung Quốc. Sự hy sinh của 74 sĩ quan và binh sĩ Nam Việt Nam, ngày nay được dân chúng tôn vinh nhưng Biển Đông đã bị Bắc Kinh từng bước lấn chiếm theo một chiến thuật tầm ăn dâu, như một vết dầu loang, chậm mà chắc.
Từ năm 1949 đến nay, Bắc Kinh đã thi hành thủ đoạn này như thế nào, điều nghiên thời thế ra sao ? Ngày 04/09/1958 ra thông cáo khẳng định lãnh hải. Ngày 11/01/1974 lại ra thông cáo tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa trước khi đưa hạm đội Nam hải bao vây Hoàng Sa…. Rồi đến 1988 thì đánh chiếm một phần Trường Sa và cho đến tháng 2/1992 thì Bắc Kinh tuyên bố toàn vùng biển “Nam hải” là của Trung Quốc. Chính sách “trổi dậy hòa bình” theo kiểu Trung Quốc đã đưa đến hệ quả là Hoa Kỳ “chuyển trục” tập trung lực lượng về châu Á Thái Bình Dương.
Vấn đề là làm thế nào để các quốc gia trong khu vực không bị cô đơn như Sài gòn, như quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 và sau đó Hà Nội năm 1988 trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc?
RFI đặt câu hỏi với Giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ.
RFI: Kính chào Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Tổng kết tình hình năm 2013 vừa qua, báo chí tây phương mô tả Trung Quốc mở một cuộc tấn công tại hai biển Hoa Đông và Hoa Nam để vươn ra thế giới, bảo vệ an toàn đường hàng hải huyết mạch và đụng chạm vào quyền lợi của các nước trong khu vực và với Hoa Kỳ. Nhật bản đã nhiều lần lên án Trung Quốc muốn « phá vỡ nguyên trạng » trên biển, còn Việt nam mất Hoàng Sa và Philippines mất Scarborough. Câu hỏi đầu tiên xin ông giải thích về từ nguyên trạng này, có sự khác biệt nào trong quan điểm của Bắc Kinh và các nước trong vùng ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Nguyên trạng trên biển là bởi vì có tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng này là vùng tranh chấp mà Trung Quốc coi đó là là thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình. Hiện nay thì Trung Quốc chưa nắm giữ được và họ tìm cách thay đổi tình trạng đó, thế gọi là nguyên trạng. Chúng ta nên nhớ là mục tiêu này, đòi hỏi này của Trung Quốc đã có từ lâu, từ sau cuộc cách mạng Tân Hợi. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi, nhất là sau khi dẹp xong loạn sứ quân, thống nhất được đất nước, từ thời Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc bắt đầu tìm cách đòi lại các lãnh thổ đã mất. Theo quan điểm của Trung Quốc, những lãnh thổ đã mất này gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong cả ba giai đoạn mà ông hỏi, chính sách nhất quán của Trung Quốc gồm một số nguyên tắc sau đây:
Chậm và chắc, kiên trì từng bước tiến tối đa đến mục tiêu cuối cùng.
Mềm nắm rắn buông, cho nên Trung Quốc không đòi những vùng bị Nga chiếm đóng.
Lợi dụng thời cơ căn cứ vào những thay đổi trong cán cân lực lượng.
RFI: Trung Quốc đã tấn công vào “nguyên trạng” bằng những phương cách nào ? Ngày 04/09/1958 Bắc Kinh ra thông cáo khẳng định lãnh hải để làm gì ? Chốt thời gian của chiến lược xuyên suốt hay lúc đó Bắc Kinh chỉ mới thăm dò phản ứng ? Đâu là mục tiêu trung hạn và tối hậu của Trung Quốc?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Trước 1974, Hiệp định Geneva năm 1954 chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, chính quyền Bảo Đại kiểm soát phía Nam vĩ tuyến 17 và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phải mất 2 năm, cho đến năm 1956, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mới dẹp xong sự chống đối của các giáo phái, thống nhất được quân đội, giành lại toàn vẹn chủ quyền từ tay người Pháp, và thành lập Đệ nhất Cộng Hòa. Trước khi VNCH kịp đem quân ra giữ đảo thì Trung Quốc đã nhanh tay chiếm giữ toàn bộ phía đông quần đảo Hoàng Sa, gồm hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn. Tức là từ năm 1956 chứ không phải 1958.
Vào năm 1958, khi bắt đầu điều đình về luật biển Liên Hiệp Quốc thì Trung Quốc ra tuyên bố 12 hải lý và đồng thời thúc đẩy các quốc gia phải tôn trọng. Nhưng trong 12 hải lý này thì Trung Quốc nói là gồm cả chung quanh lãnh thổ Trung Quốc thì lãnh thổ này đối với họ là gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa. Khi Ông Phạm Văn Đồng viết cái công hàm đó (14/09/1958) thì Trung Quốc coi như là công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo đó nhưng thật sự mình đọc kỹ công hàm đó thì ông Phạm Văn Đồng chẳng nói gì đến Hoàng Sa và Trường Sa. Ông chỉ công nhận nguyên tắc 12 hải lý mà Trung Quốc đưa ra thôi.
Nhưng mà dù sao, đó cũng là cái dấu mốc để Trung Quốc tiến từng bước, chậm mà chắc như tôi đã nói, lợi dụng thời cơ vì năm 1956 có thời cơ đã làm rồi , đến năm 1958 thì vấn đề luật biển đưa luôn ra tuyên bố đó (12 hải lý) và sau này chúng ta thấy đến năm 2009, khi hết hạn đưa ra những đòi hỏi thì Trung Quốc lại đưa ra “đường lưỡi bò”. Mỗi thời gian thì Trung Quốc đưa ra những hành động cần thiếp cho họ.
RFI: Cách nay 40 năm, từ ngày 17 đến 19/01 năm 1974, Trung Quốc đem quân chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Có thể suy luận rằng đảng Công sản Trung Quốc, từ năm 1949 đến nay, đã thi hành chiến thuật vết dầu loang để làm chủ khu vực ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Không phải chỉ có đảng Cộng sản Trung Quốc mà ngay từ thời Tưởng Giới Thạch họ đã đưa ra những đòi hỏi về lãnh thổ của họ rồi.
Bởi vì lúc bấy giời họ đương ở trong tình trạng nội chiến cho nên không làm được gì cả. Khi đảng Cộng sản thống nhất được lãnh thổ rồi thì họ mới bắt đầu tiến ra bên ngoài. Cũng như khi ông Ngô Đình Diệm củng cố địa vị của mình rồi thì mới tìm cách đưa quân ra giữ đảo Hoàng Sa. Đó là điều kiện rất tự nhiên.
Vì thế cho nên như tôi đã nói (Trung Quốc) nhất quán và luôn luôn lợi dụng thời cơ. Thời cơ trước như mình đã thấy năm 1956. Về sau này, năm 1974 cũng tạo ra một thời cơ khác. Mà muốn biết như thế nào thì chúng ta phải nhìn khung cảnh lịch sử thời đó. Sau khi Trung Quốc chiếm một phần Hoàng Sa năm 1956, thì sau đó, Trung Quốc không động tĩnh gì cả bởi vì trong suốt thời chiến tranh Việt Nam, có sự hiện diện áp đảo của quân đội Mỹ và đồng minh. Mỹ lại có căn cứ quân sự lớn ở Cam Ranh.
Khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1973, Mỹ rút hết quân khỏi Việt Nam và giảm sự hiện diện hải quân ở Biển Đông. Quốc Hội Mỹ liên tiếp biểu quyết một số luật ngăn cấm các hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Dương (Tu chính án Case-Church tháng 6/ 1973 cấm mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Dương sau ngày 15/8/1973 nếu không được phép trước của Quốc Hội; Luật Chiến Tranh tháng 11/1973 hạn chế quyền sự dụng quân lực của Tổng Thống).
Ngoài những hạn chế pháp lý, chính quyền Nixon còn bị suy yếu trầm trọng vì vụ nghe lén Watergate bắt đầu bị đem ra xử vào tháng 1/1973. Đến tháng 4/1973 khi chính cố vấn pháp luật của Tổng thống John Dean bắt đầu cộng tác với Công tố viên đặc biệt, chính chức vụ Tổng thống Nixon cũng bị lung lay khiến ông bị bó tay, không dám liều lĩnh trong chính sách đối ngoại chống lại ý muốn của Quốc Hội.
Tháng 1/1974, Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội này mà chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa.
Từ sau trận Hoàng Sa, c
uối năm 1978, Việt Nam xua quân vào Cam Bốt đuổi Pol Pot và lập chính quyền thân Việt Nam ở Phnom Penh.

Tháng 2/1979, Trung Quốc xua quân đánh chiếm một số tỉnh ở biên giới phía Bắc Việt Nam trong chiến dịch “dạy cho Việt Nam một bài học.” Vì Việt Nam bị coi như một con bài của Liên Xô ( Đặng Tiểu Bình rêu rao “Việt Nam là một Cuba ở Đông Nam Á” còn Trung Quốc là NATO ), nên Mỹ và Trung Quốc có cùng một mục tiêu chiến lược chung, là ngăn chặn không cho Liên Xô, thông qua Việt Nam, bành trướng ảnh hưởng sang Đông Nam Á và Biển Đông. Chiến tranh Cam Bốt chia ra hai bên, một bên là liên minh Mỹ-Trung Quốc -ASEAN ủng hộ chính phủ liên hiệp Sihanouk, và một bên là Liên Xô-Việt Nam -các đồng minh Đông Âu của Nga ủng hộ chính quyền Heng Samrin-Hun Sen.
Năm 1982, dưới thời Brejnev, các đại cường Mỹ-Trung Quốc -Liên Xô bắt đầu tìm cách hòa hoãn với nhau. Chính sách này tiếp tục dưới thời Gorbachev. Năm 1986, Gorbachev tung chiến dịch “tái cấu trúc kinh tế (perestroika) và cởi mở chính trị (glasnost) ở trong nước. Ở ngoài nước, tháng 7/ 1986, trong một bài diễn văn ở Vladivostok, Gorbachev công bố chính sách hòa hoãn với ASEAN, điều đình ở Afghanistan và ủng hộ giải pháp đàm phán ở Cam Bốt.
Trước đó, năm 1979, Liên Xô ký với Việt Nam hiệp ước hữu nghị 25 năm, được quyền sử dụng quân cảng Cam Ranh và duy trì một hiện diện hải quân lớn ở đó cho đến năm 1987. Tháng 1/ 1988, trong khuôn khổ chính sách Á châu mới, ngoại trưởng Liên Xô Edouard Shevardnadze nói với 4 thượng nghĩ sĩ Mỹ đang thăm Matxcơva rằng Liên Xô sẽ rút quân khỏi các căn cứ không nằm trong lãnh thổ của Nga ở Á châu, và đề nghị Mỹ cũng nên hành động tương tự (nghĩa là nếu Nga rút khỏi Cam Ranh thì Mỹ cũng nên rút khỏi Subic Bay). Trong lúc đó thì có tin của tình báo Thái Lan và báo Mỹ International Herald Tribune cho biết Nga đã rút một số không quân và tàu ngầm khỏi Cam Ranh.
Trước tình huống ấy, từ cuối tháng 1/1988, hải quân Trung Quốc và Việt Nam đã vờn nhau ở bãi South Johnson Reef, rồi đến tháng 3/1988 hải quân Trung Quốc, sau một trận đụng độ, đã chiếm South Johnson Reef và 6 bãi và đảo san hô khác, đặt chân đứng trên quần đảo Trường Sa. Năm 1995 Trung Quốc chiếm thêm bãi Mischief Reef trước sự phản đối của Philippines.
Trong khi Mỹ bị sa lầy vì chiến tranh Afghanistan và Irak, Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng vào Đông Nam Á với chiêu bài “trỗi dậy hòa bình” và “phát triển hòa bình” bằng chính sách hợp tác kinh tế - chính trị. Đồng thời, tiếp tục thăm dò cơ hội kiểm soát Biển Đông.
Tháng 2/ 1992, Trung Quốc ban hành luật tuyên bố toàn biển Nam Trung Hoa là lãnh thổ của họ.
Tháng 1/2005, tàu Trung Quốc bắn vào hai tàu đánh cá của Việt Nam phát xuất từ Thanh Hóa, và từ đó tiếp tục sách nhiễu, tấn công, giam giữ các ngư thuyền ngoại quốc, nhât là của Việt Nam, đi vào vùng tranh chấp.
Tháng 6/2007, tàu hải giám Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam ở biển Đông. Tháng 3/2009, tầu Trung Quốc sách nhiễu tàu quan sát của Mỹ USS Impeccable khi tàu này thực hiện công tác trong vùng lưu thông tự do.
Khi Mỹ "chuyển trục"
Tháng 5/2009, để kịp thời hạn của luật biển, Trung Quốc chính thức công bố đường lưỡi bò gây phản ứng của các quốc gia tranh chấp và thúc đẩy chính sách chuyển trục của Mỹ. Trung Quốc tuyên bố Biển Nam Trung Hoa thuộc “quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc” trong khi Mỹ tuyên bố có “quyền lợi quốc gia” trong việc bảo vệ tự do lưu thông trên biển.
Từ đó, Trung Quốc có nhiều hành động tích cực hơn mà nhiều nước gọi là hành động khiêu khích để vừa thăm dò phản ứng của Mỹ, vừa áp đặt mục tiêu của mình, từng bước thay đổi nguyên trạng ở vùng biển tranh chấp, như:
- đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trùm lên vùng tranh chấp vào mỗi mùa hè và tăng thời gian cấm từ 2 lên 3 tháng, đồng thời gửi tàu hải giám ra biển thi hành lệnh cấm ấy.
-cắt giây cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.
-phản đối và đe dọa các công ty ngoại quốc cộng tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng tranh chấp do Việt Nam kiểm soát, nhưng lại thực hiện những việc đó trong vùng tranh chấp mà Trung Quốc kiểm soát.
-nhân sơ hở của Philippines, Trung Quốc chiếm Scarborough Shoal.
-tránh đụng độ với Mỹ, chia rẽ các nước ASEAN.
RFI: Liệu Hoa Kỳ có để cho Bắc Kinh thực hiện ý đồ của họ hay không? Bằng cách nào?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Chính sách công bố của Hoa Kỳ gồm mấy điểm chính sau đây :
- Hoa Kỳ không có ý kiến trong việc tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền lãnh thổ giữa các nước Á châu.
- Hoa Kỳ đòi quyền tự do lưu thông trong vùng biển Nam Trung Hoa.
- Hoa Kỳ chống việc sử dụng vũ lực và khuyến khích giải pháp điều đình để giải quyết tranh chấp.
- Hoa Kỳ sẵn sàng giúp các nước Á châu tăng cường khả năng phòng thủ.
Chính sách này nhằm phục vụ mục tiêu chiến lươc của Hoa Kỳ : Duy trì thế độc tôn hải quân của mình trong các vùng biển quan trọng và không để cho Trung Quốc độc chiếm biển Nam Trung Hoa.
Tạo thế đa cực tại Á châu-Thái Bình Dương, không để cho Trung Quốc đẩy mình ra khỏi môt khu vực có tầm quan trong chiến lược và kinh tế hàng đầu trong thế kỷ 21.
RFI: Các nước trong vùng phải làm gì để "ngăn cản Trung Quốc đạt mục tiêu?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Muốn thực hiện mục tiêu trên, Hoa Kỳ phải có chân đứng ở trên lục địa Á châu, nghĩa là Hoa Kỳ cần có đồng minh (allies) và đối tác (partners) ở Á châu. Vì thế, không những Hoa Kỳ cần được các quốc gia Á châu tiếp nhận mà những nước cảm thấy bị Trung Quốc chèn ép phảI chứng tỏ họ có quyết tâm chống sự chèn ép ấy đồng thời sẵn sàng chia sẻ gánh nặng phòng thủ bằng cách tăng cường khả năng phòng vệ của chính mình.
Sự điều chỉnh chính sách ngoại giao của Nhật Bản gần đây là một thí dụ điển hình: giải quyết dứt khoát vấn đề căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa, tăng ngân sách quốc phòng, lần đầu tiên công bố sách lược an ninh quốc gia bỏ chính sách nước đôi, vạch rõ “những cố gắng của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bằng cưỡng chế” và cam kết sẽ phản ứng “bình tĩnh và cương quyết trước sự bành trướng nhanh chóng và tăng cường các hoạt động của hải lực và không lực Trung Quốc .”
Đối với các nước nhỏ ở Đông Nam Á, tốt nhất thì bên trong mỗi nước phải tăng cường nội lực, bên ngoài phải đoàn kết và thống nhất lập trường để tạo khả năng mặc cả tập thể với Trung Quốc, trở thành trái đệm trong thế cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, tránh việc tái xuất hiện của một hình thức chiến tranh lạnh mới với thi đua vũ trang, liên minh quân sự, và phân vùng ảnh hưởng.
Điều này rất khó thực hiện. Nhưng nếu không thực hiện được thì mỗi nước nhỏ phải theo giải pháp cá nhân, sắp hàng sau mỗi nước lớn, không giữ được thế ngoại giao uyển chuyển và độc lập của mình.
RFI: Việt Nam từ 1974, đã mạnh hơn hay yếu đi trong bảo vệ chủ quyền biển đảo?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Trong tương quan lực lượng giữa các nước tranh chấp, khi một nước mạnh hơn thì nước kia tương đối sẽ yếu hơn. Nước yếu phải tìm được đối trọng khả tín (như đoàn kết ASEAN, cam kết của Mỹ) để lập lại quân bình lực lượng. Xét theo tiêu chuẩn này thì dù Việt Nam có cố gắng trong những năm gần đây, nhưng tương đối yếu hơn trong tương quan lực lượng và khả năng mặc cả với Trung Quốc. Tình trạng này không phải là không thể thay đổi được.
RFI: Là chuyên gia độc lập, giáo sư nhận định ra sao về tình trạng người Việt Nam quan tâm đến đất nước lên tiếng báo động nguy cơ xâm lược từ phương bắc lại bị tù hay gặp khó khăn?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Chính quyền Cộng sản hiện nay ở trong cái thế Mỹ gọi là “between a rock and a hard place” tức là “tiến thoái lưỡng nan”. Ở Việt nam, người biểu tình có hai khả năng : thứ nhất, mới đầu họ chống Trung Quốc nhưng mà tình thế có thể trở thành chống lại chính quyền cộng sản. Thí dụ như ở Thiên An Môn (1989) lúc đầu sinh viên biểu tình chống tham nhũng, đòi cải tổ kinh tế. Đùng một cái, biến thành đòi hỏi chính trị thì cái đó (chính quyền) họ rất sợ.
Điểm thứ hai là chính quyền Việt Nam nể mặt Trung Quốc. Trung Quốc đang thúc đẩy tinh thần bài ngoại lớn lắm thành ra nếu mà Việt Nam có biểu tình chống Trung Quốc thì Trung Quốc cũng có biểu tình lớn hơn, gây ra những căng thẳng mà Việt Nam không có khả năng đối phó.
Do đó họ (Việt Nam) không dám cho biểu tình đi xa. Mấy năm trước (2011) cả mùa hè ở Hà Nội đã có biểu tình nhiều lần. Họ có tìm cách đàn áp nhưg họ có điều đình. Nếu họ thật tình đàn áp thì khó có biểu tình.
RFI: Một liên minh khu vực có phải là giải pháp thượng sách để Trung Quốc bớt hung hăng ? Phải chăng Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch này ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:
Hiện nay thì không ai muốn nói đến “liên minh quân sự” cả bởi vì nó có tính cách tạo ra căng thẳng chiến tranh lạnh. Nhưng mà những “liên minh bán chính thức” đang bắt đầu hình thành hoặc “cộng tác quân sự” thì đã được hình thành. Dần dần, đối với Mỹ các liên minh quân sự được củng cố với Nhật, với Đại Hàn, với Úc… đã bày trận ra rồi.
Còn đối với Asean, là những nước nhỏ cho nên không muốn làm cái chuyện người ta gọi là “cỡi voi với đức ông”. Đi với nước lớn thì thường thường bị phụ thuộc. Và đi với nước này thì bị nước kia giận thành ra họ đứng trung lập, muốn “vai trò trung tâm”. Mà nếu Asean muốn đóng vai trò trung tâm thì họ phải là cái khối đoàn kết. Asean đang cố gắng làm chuyện đó nhưng cho tới nay chưa làm đến nơi đến chốn nhất là không trở thành đối lực với Trung Quốc được. Nhưng nếu Asean làm được chuyện này thì Trung Quốc phải nể Asean. Mà Trung Quốc nể Asean thì có dịp để Mỹ dấn thân sâu hơn vào vùng này để cân bằng lực lượng.
Asean có thể đứng giữa hai khối lớn để tránh tình trạng chiến tranh lạnh nếu không Asean sẽ phải chọn đi nước đôi. Singapore chẳn hạn một đường hô là không chiến tranh lạnh, họ phải đoàn kết Asean. Nhưng mặt khác thì để cho Mỹ có hiện diện hải quân tại Singapore.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét