Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Kế hoạch cải cách: Tuyên ngôn của Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc công bố những kế hoạch cải cách ấn tượng nhất trong 2 thập kỷ. Chúng kết hợp sự táo bạo khác thường và một số điềm thận trọng đặc trưng.

Kể từ khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền vào năm 1949, chưa bao giờ có vị lãnh đạo Trung Quốc nào nhanh chóng công bố một kế hoạch thay đổi trên phạm vi rộng như thế. Ngay cả Đặng Tiều Bình, sau khi lên tiếp quản năm 1978, cũng dần dần mới tiết lộ ý định của mình. Chủ tịch Tập Cận Bình, trong một văn kiện dài 22.000 chữ công bố vào ngày 15/11/2013, đã hứa hẹn những cải cách sâu rộng, từ nới lòng chính sách một con nghiêm khắc của nước này và xóa bỏ các trại cải tạo lao động cho đến bãi bỏ các biện pháp kiểm soát lãi suất. Nhưng hiếm khi nào một nhà lãnh đạo phải đối mặt với một thách thức như vậy đối với các kế hoạch của mình.

Xi Reform-China

Bất chấp đã vượt qua Nhật Bản vào năm 2010 để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn phải vật lộn để tìm cách giải quyết vấn đề lợi ích của thế giới trong các tuyên bố chính sách chính thức của mình. Đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) thông báo họ đã thông qua văn kiện trên vào ngày 12/11/2013 sau một cuộc họp kín của Ủy ban Trung ương gồm 370 thành viên. Nhưng như mọi khi, họ đã hy vọng giữ bí mật nội dung của nó trong một tuần trong khi thông báo tóm tắt cho các thành viên của mình. Cuối cùng, họ đã giảm bớt thời gian giữ bí mật xuống còn 3 ngày; dường như là do bị thúc ép bởi sự đồn đoán (thậm chí trên báo chí Trung Quốc) rằng hội nghị đã không tương xứng với lời quảng cáo của nó là một bước ngoặt cho cải cách. Đảng CSTQ thậm chí đã đi một bước khác thường là công bố một bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trong đó ông tiết lộ rằng đích thân ông đã lãnh đạo nhóm soạn thảo văn kiện gồm 60 người. Truyền thông nhà nước cho biết ông là nhà lãnh đạo đảng đầu tiên kể từ năm 2000 đảm nhận vai trò đó. Trên thực tế, họ nói rằng văn kiện trên là tuyên ngôn của Tập Cận Bình.

Theo tiêu chuẩn của các văn kiện chính sách vốn thường không gây hứng khởi của Đảng CSTQ, văn kiện lần này rất đáng chú ý. Nó mô tả đầy đủ chi tiết thông cáo ngắn gọn đầu tiên của Đảng CSTQ ngày 12/11/2013 rằng các lực lượng thị trường từ nay trở đi sẽ đóng một vai trò “quyết định” trong việc định hình nền kinh tế (một sự đột phá về quan niệm mà trước đây đã né tránh Đảng CSTQ, bất chấp từ lâu họ đã đi theo chủ nghĩa tư bản). Văn kiện kêu gọi “đẩy nhanh” những động thái để khiến thị trường quyết định lãi suất. Có thể là để mở đầu, văn kiện nói rằng một hệ thống bảo hiểm sẽ được thiết lập để bảo vệ những người gửi tiền: các quan chức lo ngại rằng những ngân hàng nhỏ hơn có thể gặp rắc rối nếu lãi suất đối với các khoản tiền gửi được thả nổi. Các biện pháp kiểm soát lãi suất cho vay đã bị dỡ bỏ vào tháng 7/2013. Có những kỳ vọng rằng chương trình bảo hiểm này sẽ được thiết lập trong vài tháng tới. Văn kiện cũng kêu gọi Trung Quốc xúc tiến và làm cho đồng tiền của mình, nhân dân tệ, có thể hoàn toàn chuyển đổi được, một điều mà nước này đã hứa hẹn thực hiện trong hai thập kỷ.

Văn kiện đã lặp lại những cam kết trước đó của đảng là để thị trường quyết định giá của các tài nguyên chủ chốt như nước, dầu mỏ, khí tự nhiên, điện và vận tải. Nhưng nó đã sử dụng ngôn ngữ cứng rắn hơn. Văn kiện viết: “Thị trường nên được quyền quyết định giá của bất kỳ thứ gì có thể được quyết định bởi thị trường, và chính phủ không nên có bất kỳ sự can thiệp bất hợp lý nào”. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình định nghĩa vai trò của chính phủ bằng những thuật ngữ nghe có vẻ gần gũi với những người chủ trương ôn hòa ở bất kỳ đâu trên thế giới: duy trì sự ổn định kinh tế, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm cạnh tranh công bằng, bảo vệ các quy trình thị trường và can thiệp khi thị trường thất bại.

Tuy nhiên, ngôn ngữ để thị trường chèo lái của ủy ban Trung ương đã dao động khi đề cập một trong những vấn đề cải cách gây bất đồng nhất, cụ thể là vai trò của các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu (SOE). Văn kiện này đã mang lại hy vọng nào đó cho những nhà cải cách vốn lo ngại trước nội dung khẳng định mang tính sáo mòn nêu trong thông cáo ban đầu rằng các SOE nên cấu thành “bộ phận chính” của nền kinh tế. Văn kiện nói rằng vào năm 2020, các SOE dự kiến sẽ chuyển hơn 30% lợi nhuận của họ dưới dạng cổ tức cho chính phủ (tăng lên từ mức 15% hoặc ít hơn hiện nay). Đúng như yêu cầu của các nhà cải cách bấy lâu nay, một số tài sản của các SOE sẽ được chuyển cho quỹ an sinh xã hội của chính phủ trung ương. Và khu vực tư nhân sẽ được tạo cơ hội lớn hơn để đầu tư vào các SOE và kinh doanh trong những khu vực do các SOE thống trị, gồm cả ngành ngân hàng. Những văn kiện này không đòi hỏi các SOE phải rút khỏi những khu vực phi chiến lược như khách sạn hay bất động sản. Và nó lặp lại ngôn ngữ của thông cáo khi kêu gọi củng cố khả năng “kiểm soát và gây ảnh hưởng” của các doanh nghiệp nhà nước.

Xuống đến nông thôn

Trong một lĩnh vực cải cách sống còn khác – quyền sở hữu đất nông thôn và nhà ở tại làng quê – kế hoạch này đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng. Vào cuối những năm 1990, một thị trường bất động sản sôi động bắt đầu xuất hiện ở các thành phố Trung Quốc, nhưng không phải ở nông thôn, nơi quyền sở hữu bất động sản mơ hồ hơn nhiều. Năm năm trước, Đảng CSTQ nói rằng các thị trường bất động sản thành thị và nông thôn nên được sáp nhập, nhưng tiến trình vẫn chậm chạp. Hiến pháp vẫn quy định tất cả đất đai nông thôn là thuộc sở hữu “tập thể”, một khái niệm được thừa hưởng từ kỷ nguyên Mao Trạch Đông, và luật pháp cấm bán đất đai ở nông thôn cho người không phải dân địa phương hay cấm thế chấp bất động sản ở nông thôn. Tuy nhiên, kế hoạch mới nói rằng nông dân nên được cho phép thế chấp nhà cửa của họ. Một số nơi đã và đang thử nghiệm việc này. Bất chấp đòi hỏi phải thận trọng của văn kiện, những thử nghiệm như vậy có thế mở rộng nhanh hơn (và các luật có thể được thay đổi), vì rằng đảng đã cho phép điều đó.

Truyền thông do nhà nước kiểm soát đã ca ngợi những bước đi này theo một ngôn ngữ đầy cảm xúc có thể đoán trước được. Như thế Trung Quốc vừa nhận được một bản nâng cấp phần mềm, kế hoạch trọn gói của ông Tập Cận Bình được gán cho cái tên là “cải cách 2.0”. Một số bài báo gọi nó là một “cột mốc lịch sử” trên con đường hoàn thành “giấc mộng Trung Hoa”, một thuật ngữ được ông Tập Cận Bình phổ biến và hiện là chủ đề chính trên các bảng tuyên truyền khắp đất nước. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình cảnh báo rằng việc thực hiện sẽ không dễ dàng. Nhưng ông đã trích dẫn câu nói của Đặng Tiểu Bình năm 1992 rằng nếu không có cải cách hơn nữa, đất nước sẽ đi đến một “ngõ cụt”. Ông rõ ràng thích được so sánh với Đặng Tiểu Bình, và ông dường như đã tích lũy được quyền lực để đem lại cho mình ảnh hưởng tương tự.

Giống như Đặng Tiểu Bình, và quả thực giống như mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình tỏ ra quyết tâm duy trì sự độc quyền quyền lực của đảng. Như dự kiến, kế hoạch của ông đề cập rất ít đến sự thay đổi chính trị. Nó đề cập đến cải cách tư pháp nhưng lại không đưa ra chi tiết, và cũng đề cập đến sự cần thiết phải tạo nhiều không gian hơn cho “các tổ chức xã hội” – tên Đảng CSTQ gọi các tổ chức phi chính phủ – trong khi kêu gọi củng cố sự “quản lý”của chính phủ đối với các cơ quan đó.

Văn kiện thực sự đưa ra những nhượng bộ trong hai lĩnh vực liên quan đến nhân quyền. Một là cam kết sẽ hủy bỏ các trại “cải tạo thông qua lao động” mà Liên hợp quốc ước tính vào năm 2009 rằng có 190.000 người bị giam giữ ở đó không qua xét xử với những thời hạn lên đến 4 năm. Các trại này thường được dùng để tống giam những người chống đối về chính trị và tôn giáo. Ngay cả truyền thông do nhà nước điều hành cũng đã phát sóng các lời kêu gọi giải tán chúng và các quan chức đã báo hiệu trong nhiều tháng qua rằng sắp có sự thay đổi. Tuy nhiên, kế hoạch này không đề cập đến việc cấm các hình thức giam giữ không qua xét xử khác, điều hiện đang phổ biến.

Sự thay đổi đáng chú ý khác là quyết định nới lỏng chính sách một con bằng cách cho phép các cặp vợ chồng có 2 con miễn là người vợ hoặc người chồng là con một. Trong những năm gần đây, các cặp vợ chồng vốn đều là con một đã được cho phép có 2 con. Các gia đình nông thôn thường có thể có 2 con nếu con đầu của họ là gái. Tuy nhiên, chính sách mới này không thể gây nên một cuộc bùng nổ sinh đẻ. Nhiều cặp vợ chồng ở đô thị nói họ thích chỉ có một con, vì chi phí nhà ở, chăm sóc y tế và giáo dục cao. Văn kiện này không hứa hẹn chấm dứt sự kiểm soát của chính phủ đối với các quyết định sinh sản, hoặc giảm bớt các khoản phạt đôi khi méo mó vì vi phạm các quy định kế hoạch hóa gia đình.

Ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với sự phản đối cứng rắn. Văn kiện này đã kêu gọi cải cách nhanh hơn hệ thống đăng ký hộ tịch, tức hộ khẩu, vốn ngăn cản người di cư nông thôn tiếp cận hệ thống phúc lợi ở đô thị và thậm chí đôi khi cả quyền mua một chiếc xe hơi hay một ngôi nhà. Các chính quyền địa phương sẽ do dự trước điều này, trừ khi họ nhận được hỗ trợ tài chính lớn hơn cho các trường học, bệnh viện và các dịch vụ khác. Người dân thành thị trung lưu cũng sẽ e dè về việc chia sẻ các nguồn lực cho giáo dục và chăm sóc y tế cho người ngoài. Các SOE, các viên chức quan liêu ngoan cố và những nhà lý luận của đảng, tất cả sẽ chống lại những cải cách mà dường như đe dọa đến lợi ích của họ. Zhang Li Fan, một nhà phân tích ở Bắc Kinh, cho rằng những cải cách của ông Tập Cận Bình có thể đã có một cơ hội tốt hơn vào thời điểm cách đây một thập kỷ, trước khi các nhóm lợi ích đã sâu rễ bền gốc.

Tuy nhiên, có khả năng quyền lực của ông Tập Cận Bình có thể cho phép ông thúc đẩy thông qua những đề xuất của mình. Ông đã báo hiệu rằng ông đang nắm quyền kiểm soát trực tiếp an ninh nội địa bằng việc thiết lập một “ủy ban an ninh quốc gia” (người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào, đã nhượng lại vai trò này cho một đồng nghiệp). Ông cũng đang thành lập một “nhóm lãnh đạo nhỏ” để chèo lái các cải cách, mà nhóm này có thể lại nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông. Việc nắm chặt ngành an ninh sẽ là một điều thuận lợi đối với ông: văn kiện nói trên, trong những nội dung kêu gọi đưa ra áp đặt các biện pháp kiểm soát mạng Internet, nói bóng gió về một ban lãnh đạo đang lo ngại sâu sắc về sự bất ổn xã hội và sức mạnh của hoạt động tuyên truyền (chống phá) trực tuyến. Ông Tập Cận Bình sẽ ghen tị với Đặng Tiểu Bình, người đã bắt đầu những cải cách trong một kỷ nguyên ít hỗn loạn hơn.

Trích từ Một góc của tôi


(Tạp chí Phía trước)

Không có nhận xét nào: