Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Kinh nghiệm Miến Điện: Sự cần thiết của một tổ chức đối lập

Khi quan sát quá trình dân chủ hóa ôn hòa xảy ra ở Miến Điện trong vài năm gần đây, nhiều người Việt Nam thầm ước mong rằng chính quyền Việt Nam cũng sẽ sáng suốt tự cải cách thành một chính quyền dân chủ. Họ hi vọng vậy một phần vì nghĩ rằng đảng Cộng Sản là một lực lượng bất khả chiến bại vì có số lượng thành viên áp đảo, nắm quân đội và công an, và mọi phương tiện, vật chất khác, trong khi các phong trào dân chủ quá nhỏ lẻ. Với một niềm tin như thế, họ ngại ngần tham gia vào các tổ chức dân chủ đối lập dù ôn hòa nhất, và nhiều lắm là đứng lên góp một tiếng nói hay vài kiến nghị với hi vọng thức tỉnh được những lãnh đạo đảng Cộng Sản. Mỗi khi các lãnh đạo đảng Cộng Sản có một vài phát biểu hàm ý dân chủ, họ lại tiếp tục nuôi hi vọng.

Những nghiên cứu chính trị nghiêm túc cho thấy rằng đảng cầm quyền không bao giờ tự nguyện chia sẻ quyền lực nếu họ không gặp các thách thức to lớn về chính trị mà nguy cơ là họ sẽ bị mất quyền. Chỉ khi đối mặt với một nguy cơ mất quyền họ mới thỏa hiệp. Cũng như chơi cờ, một đấu thủ sẽ không bao giờ chịu hòa nếu anh ta đang nắm phần thẳng; anh ta chỉ đồng ý hòa khi anh ta cảm thấy bắt đầu núng thế. Miến Điện cũng không phải là một ngoại lệ.

miendien1a.jpg

Năm 1948, Miến Điện chính thức độc lập khỏi Anh và trở thành một nước cộng hòa nghị viện. Chính quyền đầu tiên của Miến Điện dưới sự dẫn dắt của thủ tướng U Nu định hướng biến Miến Điện thành một nhà nước phúc lợi và tiến hành một nền kinh tế tập trung. Chính sách kinh tế này đẩy Miến Điện từ một nền kinh tế thịnh vượng ở khu vực Đông Nam Á trong thời thuộc địa Anh vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Kinh tế khủng hoảng, thu thuế không đủ chi cho nhân viên chính phủ, chính quyền xử lý bằng cách in thêm tiền, và lạm phát tăng vọt.

Năm 1962, tướng Ne Win đảo chính và tiến hành thành lập một nền kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa, quốc hữu hóa tất cả các ngành công nghiệp, trừ nông nghiệp. Đất nước tiếp tục rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.

Tình trạng kinh tế quá đói khổ dẫn đến các cuộc biểu tình diễn ra và lập tức bị đàn áp. Năm 1962, sinh viên trường đại học Rangoon biểu tình, bị dập tắt, chết 15 sinh viên. Năm 1974, các cuộc biểu tình chống chính phủ nhân đám tang của U Thant, cựu Tổng Thư Kí Liên Hiệp Quốc người Miến Điện, bị dập tắt. Các cuộc biểu tình của sinh viên sau đó diễn ra trong các năm 1975, 1976, và 1977 đều lần lượt bị đàn áp.

Ngày 8 tháng 8 năm 1988, Cuộc Nổi Dậy 8888 bắt đầu với các cuộc biểu tình chống chính phủ ban đầu bởi các sinh viên ở Rangoon sau đó nhanh chóng lan ra toàn quốc. Phong trào phản kháng lúc này bao gồm đủ mọi thành phần xã hội. Một tháng sau, phong trào phản kháng bị dập tắt khi đảo chính quân sự xảy ra và chính quyền quân nhân Miến Điện được thiết lập. Sau Cuộc Nổi Dậy 8888, đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (NLD) của Aung San Suu Kyi được thành lập.

Lúc này, dưới áp lực cô lập của thế giới dẫn đầu bởi các nước Phương Tây, chính quyền quân nhân bắt đầu tìm kiếm một giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng bị áp lực. Họ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử nhằm chọn ra một ủy ban để soạn thảo hiến pháp mới cho Miến Điện. Trong cuộc tổng tuyển cử này, NLD của Aung San Suu Kyi dành được 392 trên tổng số 492 ghế. Chính quyền quân nhân từ chối kết quả.

Các chính phủ phương Tây sau đó tiếp tục lên án, cô lập và cấm vận kinh tế Miến Điện. Nền kinh tế lâm vào bi đát hơn. Cung không đủ cầu khiến mức lạm phát cao đẩy nền kinh tế vào cuộc khủng hoảng lạm phát triền miên. Khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, thu ngân sách không đủ trả lương cho nhân viên nhà nước, chính quyền in tiền và đẩy nền kinh tế tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Trong suốt thập niên 1990 cho đến năm 2007, lạm phát trung bình khoảng 25%/ năm. Tháng 4 năm 2006, chính quyền tăng mức lương cho nhân viên nhà nước vì lạm phát quá cao và lương không đủ tiêu, giá cả lập tức tăng vọt từ 30% đến 60% ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Nền kinh tế chao đảo liên tục, trong suốt thập niên 2000, lạm phát cao nhất là năm 2002-2003 với 58% và thiểu phát vào năm 2001-2002 với -1.7%/năm. Tỉ giá hối đoái của chính thức của chính phủ cao hơn mức giá chợ đen đến hai trăm lần.

Mặc dù chìm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế triền miên, chính quyền quân nhân Miến Điện vẫn không hề nao núng và tiếp tục cầm quyền với bàn tay sắt. Năm 2007, lúc lạm phát vọt lên 30%/năm, cuộc nổi dậy của các nhà sư diễn ra và họ tiếp tục đàn áp.

Tuy vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 vào năm sau đó đã đánh gục họ. Mặc dù bị cô lập với thế giới phương Tây, chính quyền quân nhân Miến Điện vẫn nhận được sự đầu tư và giao dich từ vài nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc. Gỗ và đá quý của Miến Điện là nguồn thu ngoại tệ chính của Miến Điện bên cạnh du lịch và nguồn kiều hối từ các Miến Kiều. Cuộc khủng hoảng kinh tế một cách gián tiếp đã khiến khoản thu nhập nầy giảm sút đáng kể, và hậu quả là nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Lúc này, chính quyền quân nhân Miến Điện đứng trước hai lựa chọn hoặc là tiếp tục đàn áp duy trì quyền lực, đối diện với các cuộc nổi dậy sắp diễn ra vì kinh tế khủng hoảng nặng hơn và người dân quá đói khổ, hoặc là bắt tay với NLD như một chiếc phao để dân chủ hóa và nhận được viện trợ từ phương Tây nhằm tiếp tục giữ được phần nào đó quyền lợi và quyền lực cho mình. Chính quyền quân nhân Miến Điện đã lựa chọn chọn lựa thứ 2.

Bắt tay với NLD để cải cách dân chủ là một giải pháp thỏa hiệp của chính quyền quân nhân nhằm cứu vãn quyền lực và duy trì quyền lợi cho chính mình. Ở đây chúng ta phải có một nhận xét rằng cuộc cải cách dân chủ của Miến Điện sẽ không hề dễ dàng nếu tổng thống Thein Sein của Miến Điện không có được sự ủng hộ rộng rãi của các tướng lĩnh trong quân đội, những người đang thấy quyền lợi kinh tế của mình giảm sút và quyền lực chính trị đang bị đe dọa.

Trong suốt một thời gian dài, nền kinh tế của Miến Điện nằm trong tay các tướng lĩnh. Các cơ sở kinh doanh trong nền kinh tế Miến Điện đều do cách thành viên gia đình hay thân thích của các tướng lĩnh kiểm soát. Sau cuộc nổi dậy 1988, đứng trước sự cô lập và cấm vận của phương Tây nguy hại đến mối lợi kinh tế của các tướng lĩnh, họ nghĩ đến giải pháp cởi mở chính trị với hi vọng nhận được sự nới lỏng trừng phạt từ các nước phương Tây. Họ đã cẩn thận bắt giam các lãnh tụ nổi tiếng, kể cả đã giam lỏng Aung San Suu Kyi tại nhà, và hi vọng rằng việc thiếu các lãnh tụ dân chủ có tiếng và sự sợ hãi sẽ giúp phe quân nhân dành thắng lợi trong cuộc bầu cử chọn ra các thành viên soạn thảo hiến pháp năm 1990. Họ đã mắc một sai lầm là đánh giá quá thấp người dân. Đa số ghế dành cho NLD là một tiếng nói phản kháng mạnh mẽ của người dân đối với phe quân nhân. Đứng trước sự sợ hãi mất quyền lực và quyền lợi, phe quân nhân quay lại đàn áp.

Mặc dù sống trong sự cấm vận của các nước phương Tây, giới quân nhân vẫn còn làm ăn được nhờ hợp tác với một vài nước châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc. Cuộc khủng hoảng năm 2008 một lần nước đe dọa mối lợi kinh tế của các tướng lĩnh bên cạnh nguy cơ người dân nổi dậy một lần nữa khiến phe tướng lĩnh lần thứ hai chọn giải pháp thỏa hiệp chính trị. Lần này phe quân nhân cẩn thận hơn thảo ra sẵn một hiến pháp với đặc quyền dành cho giới quân đội và chuẩn bị sẵn một đảng của quân đội trước khi đưa ra trưng cầu dân ý.

Quan sát quá trình dân chủ hóa Miến Điện chúng ta thấy rằng phe cầm quyền Miến Điện chỉ thực sự thỏa hiện khi quyền lợi và quyền lực của họ bị đe dọa, năm 1990 cũng như năm 2010. Sự đe dọa chỉ thực sự diễn ra khi phe cầm quyền đứng trước một đối thủ tiềm năng có khả năng quy tụ được nhân dân, ở đây là NLD với Aung San Suu Kyi. Mặc dù các lãnh tụ của NLD đa số bị bắt hoặc giam lỏng, NLD vẫn sống và hiện diện trong suy nghĩ của người dân Miến Điện. Nếu không có một lực lượng đối lập mạnh và cương quyết, mạnh theo nghĩa lực lượng đối lập chiếm được cảm tình của người dân và là lựa chọn của người dân cho tương lai của đất nước, những xáo trộn cho dù rất lớn cũng sẽ không bao giờ là đe dọa đối với phe cầm quyền. Trong một ván cờ, đấu thủ sẽ không bao giờ cảm thấy bị đe dọa hay nao núng, nếu biết rằng đối phương không có quyết tâm và hậu thuẫn. Chính vì vậy, khi muốn tiến trình dân chủ diễn ra, trí thức không thể chỉ ngồi hi vọng giới cầm quyền của đảng Cộng Sản tự cải cách. Nhiệm vụ của trí thức phải là góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo nòng cốt lực lượng dân chủ và gây dựng và động viên niềm tin nơi nhân dân. Dân chủ và tiến bộ có cái giá của nó và cũng chính vì cái giá mà một dân tộc dám trả đó mới làm nên giá trị của dân chủ và tiến bộ.

Minh Việt

(Dân luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét