Pages

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Ngày Tết và thân phận nông dân

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Người nông dân và nghề phụ lúc nông nhàn đề kiếm thêm thu nhập
Người nông dân và nghề phụ lúc nông nhàn đề kiếm thêm thu nhập
AFP

Nghe Bài Này
Người nông dân Việt Nam được mô tả là cố gắng tồn tại trong muôn vàn khó khăn của những năm khủng hoảng. Những người nông dân “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” đón Tết Giáp Ngọ như thế nào.
Nam Trung bộ
Kinh tế khó khăn khiến cho 140.000 người lao động ở thành thị không có tiền thưởng Tết Giáp Ngọ. Thế nhưng ở nông thôn, cả nước có đến hơn chục triệu hộ nông dân tương đương vài chục triệu người chưa khi nào có thưởng Tết, nếu hiểu theo nghĩa thu nhập ngoại lệ, tiền thưởng, tiền lương tháng thứ 13-14. Những người nông dân trồng hoa, trái cây vụ Tết thì vẫn cứ là công việc bình thường của họ.
Ở Phú Yên, một tỉnh nghèo ở Nam Trung bộ, mỗi hộ nông dân được cấp khoảng 500 m2 đất, thu hoạch hai vụ lúa thì chỉ là để có gạo mà ăn. Người nông dân phải làm mọi thứ nghề phụ lúc nông nhàn đề kiếm thêm thu nhập. Bác Hai một nông dân lớn tuổi nói với chúng tôi là nhiều gia đình nông dân của Phú Yên không có Tết, họ phải xuôi Nam đến các thành phố lớn để kiếm tiền trong dịp Tết, họ đi bán dạo như bán giấy số chẳng hạn. Bác Hai nói về ngày Tết ở quê nghèo Phú Yên:
Tết Giáp Ngọ này xét cho cùng thì tôi thấy thua Tết năm Quý Tỵ vừa rồi. Đồng ý có những người có điều kiện ăn Tết rộn rịp, nhưng mà mình nói cái mặt bằng chung vì người ta phấn đấu cho có công bằng xã hội mà, những người thiếu hoặc tạm đủ ăn chiếm 80%.
Bác Hai
“ Tết Giáp Ngọ này xét cho cùng thì tôi thấy thua Tết năm Quý Tỵ vừa rồi. Đồng ý có những người có điều kiện ăn Tết rộn rịp, nhưng mà mình nói cái mặt bằng chung vì người ta phấn đấu cho có công bằng xã hội mà, những người thiếu hoặc tạm đủ ăn chiếm 80%. Không khí Tết thì người ta cũng chộn rộn đi mua đi sắm. Thực tế có nhà thì có điều kiện ăn Tết bình thường, có những nhà phải đi vay nóng vay nguội để có cái Tết như những người khác, ngoài ngày người ta sẽ lo đi làm trả nợ. Những người nghèo quá thì nhà nước cũng có trợ giúp. Thí dụ hộ nghèo được 400.000đ, hộ cận nghèo 300.000đ nhưng cũng tùy theo huyện. Rồi họ có thiếu thốn thì vay mượn thêm để có một cái Tết tương đối vậy thôi.”

Một người nông dân dẫn trâu về đi dưới các lồng đèn đỏ Trung Quốc sản xuất treo ở làng Ước Lê ở ngoại ô Hà Nội cho Tết Nguyên đán ở Việt Nam.
Một người nông dân dẫn trâu về đi dưới các lồng đèn đỏ Trung Quốc sản xuất treo ở làng Ước Lê ở ngoại ô Hà Nội cho Tết Nguyên đán ở Việt Nam. AFP

Nam Tây Nguyên
Tây Nguyên, nơi đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch cà phê xuất khẩu gần 3 tỷ USD niên vụ 2012-2013, nhưng Tết này giá cả cầm chừng ở mức 33.500đ/kg làm cho người trồng cà phê phải hạn chế bán, tức cũng hạn chế chi tiêu trong dịp Tết. Ông Nguyễn Vịnh nhà tư vấn cho nông dân cà phê từ Đắc Lắc phát biểu:
“ Tết thì nông dân cũng cố gắng sắm sửa ăn Tết theo như truyền thống ngày lễ của dân tộc. Còn về vấn đề mua sắm thì có phần hạn chế hơn, chi tiêu những khoản lớn người ta cố gắng đợi ra năm để được cái giá khả quan hơn. Mỗi nhà cũng bán vài tạ cà phê để trang trải chi tiêu cho ngày Tết truyền thống của mình. Bà con cũng đi mua sắm Tết, đi chợ Tết, chợ hoa các thứ. Nhìn chung đời sống của người dân mình không bằng một hai năm trước đây.”
Theo thăm dò của hãng tin tài chính Bloomberg, nông dân Tây Nguyên dự kiến chỉ bán ra 33% lượng cà phê vừa thu hoạch xong trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Mức này thấp hơn 10% so với trung bình 5 năm vừa qua.
Một số người trồng cà phê ở Tây nguyên có xen canh trồng tiêu và chính lợi nhuận lớn từ giá tiêu cao ngất, đã giúp nông dân giữ lại cà phê chờ giá mà không phải bán hết để tiêu Tết. Câu chuyện ở Tây nguyên ít ra còn có được ít nhiều niềm vui, khi nông dân ở đây mừng xuân mới đón Tết Giáp Ngọ.
Tết thì nông dân cũng cố gắng sắm sửa ăn Tết theo như truyền thống ngày lễ của dân tộc. Còn về vấn đề mua sắm thì có phần hạn chế hơn, chi tiêu những khoản lớn người ta cố gắng đợi ra năm để được cái giá khả quan hơn
Ông Nguyễn Vịnh
Đồng bằng sông Cửu Long
Tại một khu vực nông nghiệp xuất khẩu khác là đồng bằng sông Cửu Long, năm 2013 tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch giảm hơn 1 triệu tấn, chỉ đạt 6,61 triệu tấn trị giá 2,95 tỷ USD. Do vậy Việt Nam từ vị trí thứ nhì bị rớt xuống thứ ba trong danh sách các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cũng may gạo xuất tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc được cho là tới 1,5 triệu tấn, nên nông dân mới bán được hết lúa, mặc dầu tính chung giá cả thấp hơn năm 2012.
Nông dân Tám Cước ở đồng bằng sông Cửu Long nói về ngày Tết của gia đình ông và xóm giềng;
Một chị nông dân bán hoa đào ngày Tết. AFP
Một chị nông dân bán hoa đào ngày Tết. AFP
“ Đêm Giao thừa mình ở nhà cúng ông bà, cũng cầu nguyện cho quốc thái dân an gia đình mạnh giỏi làm ăn phát triển. Qua mùng 1-2-3 mình đi giao lưu với mấy gia đình dòng họ bà con bạn bè chúc Tết, mình không đi đâu xa. Nông dân năm nay ăn Tết không bằng năm ngoái bởi vì thu nhập năm nay bấp bênh quá.”
Cũng tại đồng bằng sông Cửu Long, những người nuôi cá tra được mô tả là tiếp tục thêm một cái Tết chạy ngược chạy xuôi đòi nợ doanh nghiệp. Họ đòi nợ tiền cá để có tiền trả nợ của mình, trước khi năm cũ kết thúc và may ra còn chút tiền ăn Tết.
Ông Sáu Học một người nuôi cá đã muốn bỏ nghề từ lâu nhưng nợ nần dây dưa khiến vẫn cứ phải gánh nợ trần ai cho con cá tra. Ông Sáu Học cho biết giá cá hiện nay 22.600đ/kg ngang ngửa giá thành.
Tình hình khó khăn lắm…Ở chợ cũng như ngoài đường lộ mấy ổng sửa soạn cũng có vẻ Tết lắm treo cờ khắp cả. Nhưng “phập” vô trong vườn thì vẫn vậy không thấy Tết gì trơn, hàng hóa đầy chợ nhưng ít người mua, bánh kẹo bán Tết, quần áo treo đầy nhưng có cái là dân ít chịu mua…
Ông Sáu Học
“Tết năm nay thì cũng như tết mọi năm cũng ráng kiếm tiền ăn Tết cho nó qua cái Tết…chứ tình hình kinh tế này không phát triển nổi, càng ngày càng thấy tiêu điều…Nếu mà kể thì thôi ‘hổng’ có nói nổi. Nhiều nhà Tết không có gạo ăn, mấy ông chánh quyền cũng chia sớt cũng cho hộ nghèo một mớ. Mấy ông khá giả ở chợ hay mấy ông có tâm từ thiện cũng cho mỗi người chục kg, 20kg gạo…Tình hình khó khăn lắm…Ở chợ cũng như ngoài đường lộ mấy ổng sửa soạn cũng có vẻ Tết lắm treo cờ khắp cả. Nhưng “phập” vô trong vườn thì vẫn vậy không thấy Tết gì trơn, hàng hóa đầy chợ nhưng ít người mua, bánh kẹo bán Tết, quần áo treo đầy nhưng có cái là dân ít chịu mua…tại vì dân không có tiền.”
Nông thôn xứ đạo Hà Tĩnh
Xa hơn về phía Bắc, ở nông thôn Hà Tĩnh người dân ăn Tết như thế nào. Ông Nguyễn Hữu Vinh một nhà hoạt động xã hội dân sự phác họa bức tranh ngày Tết ở xóm đạo nông thôn. Ông nói:
“Ngày Tết là ngày người ta náo nức, trẻ con được dịp đó đi chúc tết ông bà người thân, thăm bạn bè… đây là một dịp lễ nghĩa. Vì điều kiện nông thôn người dân vất vả, hạn chế về thời gian nên Tết là một dịp cho họ. Người ta lo sắm bộ quần áo đẹp nhất để dành cho ngày Tết và thông thường đêm 30 Tết ở các xứ đạo có một Thánh lễ tập trung toàn thể giáo dân ở nhà thờ. Ngày xưa cũng như bây giờ thánh lễ đó là để chúc mừng tổng kết lại một năm âm lịch đón mừng năm mới và sau đó đón lộc xuân đầu năm mới, khi giao thừa đến với những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Sáng mùng một Tết ngày đầu tiên của năm mới có Thánh lễ rất long trọng để cầu nguyện cho đất nước, tổ tiên… giáo dân chúc mừng nhau giáo dân chúc mừng cha xứ…cha xứ chúc mừng giáo dân…Tất cả những thành tích tốt đẹp nhất được biểu dương trong buổi lễ này…”
Với những gì chúng tôi ghi nhận về ngày Tết của nông dân nông thôn ở một số nơi như Phú Yên, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và nông thôn xứ đạo Hà Tĩnh… tất cả ý kiến đều thể hiện truyền thống coi trọng ngày Tết Nguyên Đán của dân tộc. Giàu nghèo sang hèn, có thể nói tất cả mọi người đều bằng cách thức của mình chào đón mùa xuân mới với hy vọng mọi sự tốt đẹp hanh thông hơn năm cũ
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét