Pages

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Ngô Nhân Dụng - Sĩ khí rụt rè

Đọc một bài trên mạng Bô Xít Việt Nam về câu chuyện vạch ra những lầm lẫn trong hai cuốn từ điển, bỗng nhớ đến hai câu thơ của Tú Xương tả cảnh các nhà Nho trong thời Pháp thuộc:

Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi


Nhiều vị độc giả có thể chưa đọc bài “Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt” của tác giả Lê Mạnh Chiến, cho nên xin phép tóm tắt lại. Hai cuốn từ điển được nói tới trong bài này là của Giáo Sư Nguyễn Lân, đã tạ thế năm 2003. Cuốn đầu là “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” đã in nhiều lần, từ năm 1993, dài 867 trang (chắc tổng số trang phải là một số chẵn, 868?). Cuốn thứ nhì là “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” in lần đầu năm 2000, dùng phần lớn nội dung cuốn trước, cộng thêm phần tiếng Việt nên dài hơn, tới 2112 trang, cũng đã xuất bản lại nhiều lần.

Năm 2004, tác giả Lê Mạnh Chiến đã viết một bài nhận xét về cuốn đầu, Từ điển Hán Việt, ông nêu ra 170 chỗ giải nghĩa sai lầm. Khi viết bài, chính ông chưa biết tên tác giả và cũng không thấy tên đầy đủ của cuốn từ điển, vì tập sách ông có trong tay đã bị rách mấy trang đầu. Nghe chi tiết đó, chúng ta có thể thương cảm các học giả độc lập sống trong một nước nghèo. Nhưng ông Lê Mạnh Chiến vẫn viết bài, để giúp các giáo sư và học sinh cả nước dùng cuốn từ điển này biết mà tránh những sai lầm trong đó. Ông gửi bài cho tạp chí Thế Giới Mới để đăng nhiều kỳ. Nhưng tờ báo của Bộ Giáo Dục chỉ đăng được sáu kỳ (từ số 582 đến số 587, giữa năm 2004), thì loạt bài bị ngưng lại, không đăng nữa; các độc giả mới được thấy 67, 68 thí dụ, dưới một nửa số sai lầm mà ông Lê Mạnh Chiến tìm ra.

Tác giả sau đó có dịp gặp một nhà biên tập trong tờ báo trên, được nghe những lời giải thích. Mặc dù độc giả Tạp chí Thế Giới Mới chưa biết tên tác giả cuốn từ điển đó, nhưng những người trong cuộc biết đây là tác phẩm của Giáo Sư Nguyễn Lân, người được trao tặng Giải thưởng nhà nước năm 2001 về khoa học và công nghệ. Người ta cho biết “Bài này được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt vì đã vạch rõ những cái sai nghiêm trọng trong một cuốn từ điển từng được nhiều người ‘có tiếng’ ca ngợi.” Nhưng họ phải ngưng đăng vì Giáo Sư Nguyễn Lân được coi là một ngôi sao sáng của ngành giáo dục Việt Nam, còn tạp chí Thế Giới Mới là cơ quan thuộc Bộ Giáo dục, cho nên, nếu “vạch áo cho người xem lưng” một cách kỹ quá thì cũng có phần “bất tiện.” Ông Lê Mạnh Chiến kể: “Nghe vậy, tác giả rất thông cảm và biết ơn tạp chí Thế Giới Mới.”

Sau khi bài báo bị chấm dứt, ông Lê Mạnh Chiến kể ông đã viết những bài ngắn hơn, mỗi bài khoảng 4,000 chữ, nêu ra khoảng 20 chỗ sai lầm làm thí dụ, cho đăng trên những tờ báo khác, như báo Đại biểu Nhân dân, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, tạp chí Văn hóa Nghệ An, vào năm 2005. Ông Lê Mạnh Chiến cũng tiết lộ rằng ngay khi báo Đại biểu Nhân dân đăng kỳ đầu tiên, đã có người đến phản đối; đó là một giáo sư tiến sĩ, đại biểu quốc hội, liên hệ mật thiết với Giáo Sư Nguyễn Lân. Ông ta đến tòa báo nói rằng Giáo Sư Nguyễn Lân là một nhân vật nổi tiếng đã “thành danh,” sao dám làm mất uy tín của ông?

Giáo Sư Nguyễn Lân đã qua đời trước khi những bài báo của ông Lê Mạnh Chiến xuất hiện, cho nên chúng ta không thể biết nếu còn sống ông cụ sẽ phản ứng ra sao. Lúc in hai cuốn từ điển trên, Nguyễn Lân đã gần 80 tuổi (cụ sinh năm 1906). Ở tuổi đó, ngồi biên soạn những cuốn từ điển một, hai ngàn trang giấy, khó tránh khỏi lỗi lầm. Thường ở các nước văn minh, không ai một mình soạn từ điển, mà lúc nào cũng có hàng chục, hàng trăm người cộng tác, nhiều người chỉ làm một công việc là tìm những chỗ sai lầm mà thôi. Chỉ ở những nước nghèo khó như nước ta mới có cảnh những tác giả “một mình một ngựa” làm từ điển! Theo thói quen của những người Việt Nam được giáo dục theo lối cổ truyền, chúng ta không nên vì câu chuyện này mà xúc phạm một người đã khuất. Nhưng điều đáng nói trong cả câu chuyện trên là thái độ và cách suy nghĩ, cách nói năng của những người trong chuyện.

Thứ nhất là một tờ báo của Bộ Giáo Dục phải tránh không vạch ra những sai lầm do “một ngôi sao sáng của ngành giáo dục” vấp phải! Đó cũng là lối lý luận của một đại biểu quốc hội, nói rằng “một nhân vật nổi tiếng đã ‘thành danh,’ sao dám làm mất uy tín của ông?”

Thái độ và lối suy nghĩ đó sẽ làm cho nước ta chậm tiến; không bỏ đi thì sẽ lạc hậu mãi mãi. Nhất là khi câu nói xuất phát từ miệng một giáo sư tiến sĩ, một nhà khoa học, đứng đầu một cái viện nghiên cứu to lớn có tầm vóc quốc gia. Khoa học tiến bộ chính là vì người lớp sau dựa trên các công trình của người lớp trước rồi tìm cách vượt lên trên tìm ra những điều “đúng” với thực tại hơn. Nếu Newton cứ sợ sệt, không dám nói những điều trái ngược với nhân vật nổi tiếng đã ‘thành danh’ là Aristote, thì vật lý học vũ trụ đã dậm chân tại chỗ từ thế kỷ 16! Nếu Einstein sợ không dám làm mất uy tín của Newton thì loài người chắc vẫn chưa biết rằng trọng khối và năng lượng chỉ là hai hình thức biểu hiện của một thực tại. Chính Einstein, vào lúc cuối đời, cũng công nhận rằng suốt đời ông coi thường lý thuyết vật lý lượng tử (quantum) là sai lầm.

Thứ hai, là hành động “tự kiểm duyệt” của một tờ tạp chí thuộc Bộ Giáo Dục, che lấp những sai lầm của “một ngôi sao sáng của ngành giáo dục” là một thói quen đáng xấu hổ. Bao nhiêu người đang tranh đấu đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, có ai chấp nhận những hành động “tự kiểm duyệt” như vậy hay không? Chắc hẳn những người phụ trách tờ báo Thế Giới Mới đã nhận được nhiều cú điện thoại gây áp lực, họ cũng lo sợ cho nồi cơm của gia đình mình, cho nên tự đục bỏ một bài viết có giá trị và rất ích lợi cho xã hội. Đó chính là cảnh “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo” mà Tú Xương đã mô tả.

Tại sao “Sĩ khí” lại “rụt rè” như gà phải cáo?

Chúng ta cũng không nên chê trách riêng những người biên tập báo Thế Giới Mới. Họ là sản phẩm của một nếp sống, một thứ “văn hóa” của thời đại; họ tập được thói quen đó vì những kinh nghiệp cuộc đời. Cho nên họ phản ứng theo những điều kiện trước mặt, như một phản xạ Pavlov. Nền nếp “văn hóa” đó được diễn tả qua câu tục ngữ “vạch áo cho người xem lưng.”

Không nên vạch áo cho người xem lưng. Nhưng nếu cái lưng đó có bệnh, cần phải chữa trị, thì có thể nào cứ khăng khăng không vạch áo cho người xem lưng mãi được chăng? Nhất là căn bệnh đó không phải chỉ tai hại cho một cá nhân, người có cái lưng cần vạch ra, mà còn tác hại trên hàng triệu sinh viên, học sinh sử dụng những cuốn từ điển đầy sai lầm. Một, hai thế hệ sử dụng các cuốn từ điển đó sẽ học sai, hiểu sai, tương lai tiếng Việt Nam sẽ ra sao?

Đây là hậu quả của lối sống trong một chế độ độc tài chuyên chế, tác hại đến cả xã hội. Đảng Cộng sản luôn luôn bưng bít các lỗi lầm. Đảng có cả một bộ máy công an và tuyên truyền để che đậy, giấu giếm những sai lầm. Các cuộc họp đều bí mật, bên trong chửi bới nhau, kể tội nhau những gì người ngoài không được biết. Các lãnh tụ không bao giờ sai lầm cả, chỉ có các cấp dưới thi hành sai mà thôi. Các cán bộ không được nói đến sai lầm của cấp trên.

Tất cả chỉ vì một chế độ độc tài chắc chắn phải đi đôi với bạo lực và gian trá. Bao giờ nước Việt Nam thoát khỏi ách độc tài thì mới thoát khỏi lối sống giả dối, xóa tan nền “văn hóa” che đậy, bưng bít.

Năm 1974, nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn đã viết một bài có tựa đề “Đừng Sống Dối Trá” (Live Not By Lies) đúng vào ngày ông bị mật vụ đến bắt đem đi. Sau đó ông bị trục xuất, sống lưu vong cho đến ngày chế độ cộng sản sụp đổ mới về nước. Cố tổng thống Tiệp Khắc Václav Havel (1936-2011) viết trong cuốn “Quyền lực cho những người Bất lực” (The Power of the Powerless,) năm 1978, đã mô tả nước ông là nơi các công dân bị bắt buộc phải “sống trong một trò giả dối” (live within a lie). Năm 1984, chính ông đã kêu gọi đồng bào ông: “Hãy sống thật!” Năm năm sau, ông được mời làm tổng thống một quốc gia bắt đầu lên đường dân chủ hóa.

Nhiều nhà trí thức Việt Nam như Hà Sĩ Phu cũng đang kêu gọi đồng bào hãy “biết hổ thẹn,” hãy ngẩng đầu lên nói sự thật. Một đảng viên cộng sản lâu năm như Lê Hiếu Đằng cũng can đảm công khai từ bỏ đảng để được sống thật. Những tấm gương đó cho thấy trong đất nước chúng ta vẫn còn rất nhiều người có sĩ khí. Hy vọng những tấm gương đó sẽ được nhiều người bắt chước. Để người Việt Nam có thể chúc nhau, nhân dịp Tết sắp đến, như lời Tú Xương đã chúc đồng bào phải sống ra sao để:

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người. 
Ngô Nhân Dụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét