Pages

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Nhật đưa chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản Hakubun Shimomura loan báo
 kế hoạch điều chỉnh sách giáo khoa - Reuters /Issei Kato
Trọng Nghĩa
Trong một cuộc họp báo vào hôm nay, 28/01/2014 tại Tokyo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản đã loan báo kế hoạch điều chỉnh sách giáo khoa, để khẳng định rõ ràng hơn chủ quyền của Nhật Bản đối với hai quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc và Hàn Quốc. Đó là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới quyền kiểm soát của Tokyo, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền, và quần đảo Dokdo/Takeshima đang ở trong tay Hàn Quốc, nhưng bị Nhật Bản đòi lại.

Theo hãng tin Pháp AFP, Bộ trưởng Hakubun Shimomura xác định rằng ông sẽ yêu cầu các giáo viên giảng dạy cho học sinh tính chất không thể phủ nhận được của chủ quyền Nhật Bản trên các hòn đảo đang tranh chấp với hai láng giềng Đông Bắc Á.
Theo ông Hakubun Shimomura : « Trong ngành giáo dục của một nước, việc giảng dạy cho con em của mình về những vùng lãnh thổ không thể tách rời của đất nước là một điều tự nhiên ».
Theo một quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản, các sách hướng dẫn giảng dạy ở bậc trung học (tức là cấp 2 và cấp 3), được lưu hành kể từ tháng 04/2016, sẽ nói về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông như một « bộ phận không thể tách rời » của lãnh thổ Nhật Bản. Các quyển sách này cũng xác định là Tokyo không hề công nhận sự tồn tại của một cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku.
Hai bãi đá lớn ở vùng biển Nhật Bản mang tên Dokdo/Takashima đang do Hàn Quốc kiểm soát cũng sẽ được trình bày như thuộc chủ quyền Nhật Bản, và các sách giáo khoa mới của Nhật sẽ nhấn mạnh rằng quần đảo này đang bị Hàn Quốc chiếm đóng « bất hợp pháp ».
Việc sử dụng các sách giáo khoa mới trên nguyên tắc không mang tính chất bắt buộc, nhưng Bộ Giáo dục sẽ đề nghị các giáo viên dựa theo đó để soạn giáo trình.
Quyết định của Bộ Giáo dục Nhật Bản được cho là sẽ bị Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối vì cả Seoul lẫn Tokyo đều thường xuyên đả kích Tokyo về cách diễn giải lịch sử thời kỳ đế quốc Nhật vào nửa đầu thế kỷ 20.
Và quả đúng như vậy. Hàn Quốc hôm nay đã triệu mời Đại sứ Nhật Bản tại Seoul lên Bộ Ngoại giao để chính thức phản đối quyết định của Bộ Giáo dục Nhật. Bắc Kinh cũng lên tiếng đả kích sáng kiến của Tokyo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét