Pages

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Tưởng niệm trận chiến Hoàng sa và sự Hòa giải

Kính Hòa, phóng viên RFA

Biểu ngữ tưởng nhớ những người bỏ mình ở Hoàng Sa, Trường Sa trong cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 24/7/2011
Biểu ngữ tưởng nhớ những người bỏ mình trong các trận hải chiến 1974 và 1988 ở Hoàng Sa, Trường Sa trong cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 24/7/2011.
(Hình: Blog Anh Ba Sàm)

Nghe Bài Này
Sau một thời gian vắng bóng, Diễn đàn bạn trẻ lại được hân hạnh tái ngộ cùng quý vị. Diễn đàn có mục đích nối kết tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới để cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam trong hiện tại, nêu lên ý kiến của những người trẻ tuổi về tương lai của một nước Việt Nam mà mọi người đều mong muốn rằng phát triển trong dân chủ và thịnh vượng.
Kính Hòa:  Chương trình Diễn đàn bạn trẻ hôm nay xin chào đón hai bạn, Ngân đang làm việc tại Senegal và Nhật, sinh viên ở Đà Nẵng. Thưa các bạn, ngày 17 tới đây là tròn 40 năm Hoàng sa bị Trung quốc chiếm đóng. Có nhiều hoạt động trong và ngoài nước quyên góp để giúp đỡ những người cựu binh cũng như gia đình họ. Có người nói rằng đây là cơ hội cho một cuộc hòa giải giữa hai chiến tuyến. Hai bạn nghĩ thế nào?
Ngân: Có nhiều tín hiệu sáng từ thượng tầng Việt Nam, ví dụ như báo Tuổi trẻ và Thanh niên từ suốt một tháng nay có một loạt bài về Hoàng sa rất là hay. Nhưng mà là từ phía báo chí thôi chứ từ phía cộng sản thì mình không nghĩ họ có ý hòa giải gì đâu.
Những năm trước nhân ngày hải chiến Hoàng sa thì không hề thấy báo chí nào đả động tới cả. Năm nay thì thấy trên cả báo chính thống chứ không chỉ blog và mạng xã hội nữa. Thấy là có tiến bộ hơn những năm trước, còn về phía chính quyền thì mình không nghĩ là họ có ý hòa giải với bên này đâu.
Kính Hòa:  Nhật thấy thế nào Nhật? Nhật là một công dân của Đà Nẵng. Trong những hoạt động liên quan đến Hoàng sa thì Đà Nẵng là địa phương có liên quan nhiều nhất.
Nhật:  Dạ đúng rồi, việc báo chí đưa tin có thể là chậm, nhưng việc dám đưa ra những thông tin như vậy cũng đánh trân trọng, có giá trị. Còn thực chất sau việc đưa tin đó thì mình không thể nắm được, cũng rất là khó phán đoán ý đồ của những người họ đưa tin, em cũng không rõ là họ có thực sự muốn hòa giải hay không hay là vì những mục tiêu khác.
Ngoài ra em cũng thấy có những hoạt động bên lề như là Viện Minh triết Việt có tổ chức một cuộc hội thảo về Hoàng sa. Tại Đà Nẵng thì có một trường Đại học tổ chức trưng bày hiện vật về Hoàng sa, Trường sa. Trong khuông khổ nhà nước thì tới đó thôi.
Kính Hòa:  Về phía nhà nước thì bốn chữ Việt nam cộng hòa như là một cái gì đó húy kỵ. Vì vấn đề Hoàng sa mà bốn từ đó được nhắc lại nhiều lần trong những ngày qua…
Nhật:  Dạ đúng rồi, em thấy chuyện đó rất là tốt.
Cố Thiếu tá Hải Quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Cố Thiếu tá Hải Quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Ngân: Dạ
Kính Hòa:  Nếu mà chúng ta theo dõi thì thấy cũng có những dư luận chống lại việc công nhận bốn chữ Việt Nam cộng hòa đó đúng không các bạn?
Nhật:  Dạ tất nhiên rồi, cái quan niệm coi Việt Nam cộng hòa là một thế lực thù địch phổ biến trong xã hội, cho nên khi báo chí đưa tin thì có những người ủng hộ, nhưng em nghĩ số chống thì nhiều hơn vì quan niệm của họ xư nay thế rồi, nay không thể đọc một hay hai bài báo mà họ thay đổi suy nghĩ được.
Kính Hòa:  Ngân có thấy vậy không?
Ngân: Dạ như mình nói nãy giờ, thì năm nay có tín hiệu tốt nên mình phải thừa thắng xông lên…(cười) làm nhiều cái hơn..
Kính Hòa:  Một câu hỏi đặt ra nữa như thế này, chúng ta nói về hòa giải nhưng là hòa giải giữa ai vói ai?
Nhật:  Thì tất nhiên là…
Ngân: Mình nghĩ là chuyện của chính quyền đó. Vì đầu tiên chính họ bật ra cái từ hòa giải. Họ muốn hòa giải với ai? Hòa giải chuyện gì? 30 tháng tư chẳng hạn, ở trong nước ăn mừng tưng bừng nhảy múa lễ lớn, còn ở hải ngoại thì tang tóc, rồi quốc hận các thứ,…vậy đặt ra vấn đề đó rất là vô duyên, không biết hòa giải với ai. Họ đặt ra vấn đề đó thì họ giải quyết…(cười)
Kính Hòa:  Nhật?
Nhật:  Có những người họ chống đối nhau, nhưng có rất nhiều người họ không quan tâm, rồi có những người thực sự quan tâm đến hòa giải. Việc hòa giải là điều của những người chống đối nhau theo cái ý nghĩa của từ hòa giải. Còn chính quyền thì chắc họ muốn hòa giải với những người đem về nhiều ngoại tệ cho họ chứ những người chống họ thì họ không hòa giải đâu…(cười)
Ngân: (cười)
Kính Hòa:  Ngân có thấy vậy không?
Ngân: (cười) họ không muốn hòa giải với con đâu (cười)
Kính Hòa:  Khi có hai người thù hận nhau thì đặt ra vấn đề hòa giải. Nhưng chúng ta cũng biết là dân số Việt Nam hiện nay rất trẻ. Chỉ trong vòng năm mười năm nữa cũng không còn những người đã cầm súng bắn nhau trong  một cuộc chiến tranh giữa những người cùng màu da, thì liệu lúc ấy vấn đề hòa giải có cần đặt ra nữa hay không?
Ngân: Khi nào còn chính quyền cộng sản thì vẫn còn.
Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 đều có nhắc đến trận hải chiến bảo vệ Hoang Sa năm 1974. danlambao
Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 đều có nhắc đến trận hải chiến bảo vệ Hoang Sa năm 1974. danlambao
Vấn đề đó đặt ra ở hải ngoại, vẫn duy trì lịch sử thì đâu bỏ qua được, vẫn có những người ghi chép lại. Nếu nói hai người đánh nhau cần có hòa giải thì chưa đúng lắm. Ví dụ như một thằng nó đánh mình đau thì mình phải khóc, làm sao mà cấm người ta ở hải ngoại người ta đau buồn được. Một thế hệ nữa, năm mười năm là chưa đâu, ở hải ngoại chắc phải bốn mươi năm mươi nửa thế kỷ nữa khi những người già đó mất đi rồi thì mới bớt đau. Rồi những người trẻ lại tiếp nối, rồi những người trẻ từ trong nước đi ra nữa, nên cứ tồn tại hai bên đối lập nhau, dù một bên đối lập không được công nhận, cứ đau là khóc thôi, không cấm được…
Nhật?
Ngân: …nên vấn đề này sẽ tồn tại rất là lâu.
Nhật:  Em có một thông tin là hồi em học lớp 12 thì cô giáo dạy sử của em có nhấn mạnh việc thay đổi cụm từ ngụy quyền bằng chính quyền Sài Gòn hay là Việt nam cộng hòa. Em nghĩ đó cũng là một hành động chứng tỏ trung lập hay hòa giải, ít nhất là như thế.
Còn khi vẫn có những người thù địch với nhau thì vẫn cần hòa giải. Nhưng đó là việc của những người trung lập còn những người đã thù địch nhau thì họ không hòa giải nhau đâu. Khi vấn đề không còn tồn tại nữa thì họ mới không đặt ra nữa.
Ngân: Mình phải nói như thế này nè, hòa giải là sao? Là người ở hải ngoại về Việt Nam bắt tay nhau làm cái gì đó good. Tức là đưa đến chuyện gì đó cụ thể, chứ hòa giải như thế nào mình không biết. Thì quan điểm ai người đó giữ thôi nhưng chuyện bắt tay nhau thì cũng có thể, và chuyện ấy đã diễn ra, đang diễn ra, và từ hồi nào đến giờ vẫn không thiếu những người ở hải ngoại về làm việc, quan điểm vẫn không thay đổi, chuyện quá khứ thì không đụng tới thôi, còn cái chữ hòa giải thì có vẻ …xa xôi quá… (cười)
Kính Hòa:  Có vẻ câu hỏi đặt ra là như thế này, khi thế hệ trẻ lớn lên, không còn những người đã trải qua chiến tranh nữa. Qua những câu trả lời của Ngân và Nhật thì tôi thấy hình như vấn đề ở đây là vấn đề hòa giải với lịch sử phải không? Tức là lịch sử người ta vẫn viết như vậy, một quan điểm một chiều như vậy.
Ngân: Dạ.
Kính Hòa:  Theo Nhật thì cái ý đó thế nào?
Nhật:  (cười) Em không hiểu hòa giải với lịch sử là như thế nào?
Kính Hòa:  Tức là chúng ta sẽ không còn những người cầm súng của Mỹ và của Liên Xô để bắn nhau nữa, họ…đã về một miền vĩnh viễn nào đó rồi, và chỉ còn thế hệ trẻ, nhưng mà họ vẫn học lịch sử, một lịch sử được viết là một cuộc chiến tranh xâm lược, có ngụy quyền, vân vân…Thì có phải chăng là lịch sử đó phải được hòa giải chứ không phải là cuộc hòa giải giữa những con người cụ thể với nhau?
Ngân: Nhật trả lời đi (cười)
Nhật:  (cười)
Ngân: Thì mình nói theo ý mình là hòa giải với lịch sử đơn giản là trả lại sự thật cho lịch sử, không dùng những từ miệt thị khi nói về những sự kiện, rồi những gì chính xác đã diễn ra, hai bên có thể đối chiếu với nhau, ngồi lại với nhau, càng tự do xuất bản thì càng tốt, không độc quyền về sách giáo khoa,…tức là lại quay về chuyện chính trị nữa rồi. Còn cái thể chế này thì không bao giờ có chuyện hòa giải xảy ra vì nó bắt nguồn từ cái chính sách của họ rồi.
Cũng có những nhà xuất bản cho ra những cuốn sách mang những góc nhìn khác, nó trung lập hơn, nó tiệm cận với sự thật hơn. Nhưng mà nó không phổ biến nhiều. Mình nói là những cá nhân ở trong nước có thể làm được, nhưng mà chỉ là nhỏ lẻ thôi. Muốn hòa giải thự sự thì phải có chính sách từ trên xuống thôi.
Nhật:  Em lại có một ý khác là hòa giải giữa những con người cụ thể chứ không phải thể chế. Thể chế thay đổi thì con người vẫn còn đó chứ chẳng lẽ diệt hết những con người cũ. Con người vẫn còn thì mâu thuẫn vẫn còn thì vẫn cần hòa giải…
Kính Hòa:  Nhưng mà những con người đó…
Ngân: …thế hệ này qua thế hệ kia chứ bạn
Kính Hòa:  mình nói là thế hệ trẻ sắp tới đó, không có những người cầm súng nữa…
Ngân, Đúng rồi, nó phải được giáo dục, được tiếp cận với những cái nguồn để đọc, hay là cứ được nhồi từ thế hệ này đến thế hệ kia y chang như vậy thì làm sao gọi là hòa giải với lịch sử được. Nếu nói theo bạn Nhật thì hòa giải giữa con người cũng vậy nữa, nó cứ tiếp tục tiếp tục những thế hệ trẻ 11X, 12X, nó lại đào tạo ra những con người y chang như vậy nữa thì làm sao mà hòa giải giữa con người với con người khi mà nó vẫn nhìn những người phía bên kia y chang như vậy?
Nhật:  Cái việc mà nhìn lịch sử một cách khách quan đúng với sự thật không chỉ giới hạn ở hòa giải. Tất nhiên nếu muốn dạy sử như là một môn khoa học, thì nó phải như thế, chứ còn như một công cụ tuyên truyền thì nó khác.
Ngân: Mình hỏi Nhật một câu nha. Ví dụ như bây giờ Nhật nhìn những bạn trẻ có phải là công cụ không? Họ được đào tạo ra như những bản copy vậy. Giáo dục của mình phải đào tạo ra những con người như thế nào để họ có thể hòa giải với nhau?
Nhật:  Để hòa giải với nhau thì phải có lòng khoang dung, xã hội mà không kích thích lòng khoang dung thì rất khó hòa giải với nhau. Cái ý Nhật là cái ví dụ rằng giáo dục nó không còn như thế nhưng mà những người lớn tuổi, những người vẫn mang nặng hận thù trong phạm vi ảnh hưởng của họ thì họ vẫn tác động tới con cháu của họ, thì những người con cháu đó vẫn mang suy nghĩ cũ, rồi những người con cháu phía bên kia cũng vậy, cũng còn những con người…
Kính Hòa:  Mình tóm lại ý của các bạn thì có thể là thực chất của vấn đề hòa giải chính là việc dân chủ hóa Việt Nam đúng không?
Ngân: Dạ đúng rồi, đó là một tiến trình.
Nhật:  Dạ đúng một phần, tức là dân chủ là chấp nhận những ý kiến khác biệt nhau, mà chấp nhận thì phải hòa giải (cười) bớt hận thù thì mới chấp nhận nhau được chứ còn hận thù thì làm sao chấp nhận nhau được…
Kính Hòa, Tức là…
Nhật:  …đó là những bước trong một tiến trình.
Kính Hòa:  Tức là còn hận thù thì không có dân chủ, muốn có dân chủ thì không nên có hận thù đúng không?
Nhật:  Dạ. Điều đó phải bắt đầu từ hai phía.
Kính Hòa:  Cuộc thảo luận của chúng ta cũng nên tạm ngừng ở đây. Cám ơn các bạn đã có những ý kiến rất thú vị.
Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đến kinhhoa@rfa.org hoặcvietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, hoặc liên lạc đến Facebook Kính Hòa. Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn.
Tạp chí Diễn Đàn bạn trẻ xin tạm dừng nơi đây. Hẹn gặp lại các bạn vào tuần sau. Kính Hòa chào tạm biệt
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét