Pages

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Ai có thể đánh bại được Cộng sản?


imageNhìn  lại lịch sử tranh chấp giữa hai khối tư bản và Cộng sản trong gần suốt thế kỷ 20, nhận xét đầu tiên người ta có thể rút ra là: Không ai có thể đánh bại được  Cộng sản.
Nhận  xét ấy được hỗ trợ bởi hai bằng chứng:
Thứ nhất, trên phạm vi toàn cầu, trong 70 năm đầu tiên, chủ nghĩa Cộng sản phát  triển cực nhanh, nhanh đến độ dường như không có ai và không có cái gì có thể ngăn cản được. Ra đời tại Nga năm 1917, năm năm sau, 1922, Liên bang Xô Viết được thành lập với vai trò nòng cốt của Nga, châu tuần bởi các nước láng giềng  nhỏ của Nga, như Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia và Azerbaijan. Sau đó, một  số nước khác bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết, như Estonia, Kazakhstan,  Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan vàUzbekistan. Đến giữa thập niên 1980, Liên bang Xô Viết, với diện tích trên 22 triệu cây số vuông và đường biên giới trên 60.000 km, chiếm đến một phần sáu diện tích trái đất, rộng bằng cả Bắc Mỹ.

Năm 1945, sau Đệ nhị thế chiến, một số nước thuộc  Trung Âu và Đông Âu lần lượt rơi vào tay Cộng sản: Albania, Ba Lan, Bosnia,  Bulgaria, Croatia, Đông Đức, Hungary, Macedonia, Montenegro, Romania, Serbia,  Slovakia, Slovenia, Tiệp Khắc, Nam Tư. Sau đó nữa là các nước thuộc châu Á và  châu Phi, như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Afghanistan, Campuchia,  Congo, Mông Cổ, Yemen, Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Somalia, Eritrea và  Mozambique.
Vào giữa thập niên 1980, khối Cộng sản rất mạnh, chiếm một phần ba dân số thế giới. Cho đến lúc ấy, câu khẩu hiệu chủ nghĩa Marx-Lenin hoặc chủ nghĩa Cộng sản bách chiến bách thắng vang lên khắp nơi. Dân chúng ở các nước  Cộng sản, vốn bị nhồi sọ, tin điều đó, đã đành. Ngay phần lớn dân chúng ở Tây  phương, tuy biết tất cả những mặt trái đầy tiêu cực của chủ nghĩa Cộng sản, vẫn  không tin là Tây phương có thể đánh bại được Cộng sản.
Thứ hai, dù cả hai bên, tư bản và Cộng sản, lúc nào cũng cố gắng tự kiềm chế, nhưng  ít nhất cũng có hai nơi cuộc chiến tranh lạnh đã biến thành chiến tranh nóng: Ở Triều Tiên trong ba năm, 1950-1953, và ở Việt Nam, từ 1954 đến 1975. Ở trận  chiến đầu, hai bên hòa nhau, Triều Tiên bị chia đôi, Nam và Bắc. Điểm phân cách  vẫn là vĩ tuyến 38, đúng với quyết định của phe Đồng Minh trong hội nghị Potsdam  vào tháng 8 năm 1945. Ở trận chiến sau, Mỹ tự nhận là thua sau khi rút khỏi Việt  Nam vào tháng 4 năm 1975. (Về điểm này, tôi có phân tích khá kỹ trong bài “1975:  Việt Nam có thắng Mỹ?”. Ở đây, tôi tạm thời chấp nhận cách nhìn quen thuộc và  phổ biến để khỏi bị gián đoạn mạch lý luận trong bài viết này.)

Có điều, từ nhận xét nêu ở đầu bài viết, không ai có thể đánh bại được Cộng sản, người ta lại chứng kiến một sự kiện oái oăm vào thời điểm bản lề giữa hai thập niên 1980  và 1990: chủ nghĩa Cộng sản đã bị sụp đổ trên phạm vi toàn cầu.
Cái gọi là “sụp đổ” ấy có hai mức độ: sụp đổ hoàn toàn và sụp đổ một phần, hơn nữa, phần lớn.  Nhưng dù sụp đổ hoàn toàn hay sụp đổ một phần thì cũng vẫn là sụp đổ. Một sự sụp đổ lớn lao, nhanh chóng, và đặc biệt, hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của mọi người ở mọi phía.
imageSự sụp đổ hoàn toàn diễn ra ở Nga, Đông Âu, Trung Âu, Trung Đông, Trung Mỹ và châu  Phi.

Trước  hết, ở châu Âu, chỉ trong vòng chưa tới ba năm, toàn bộ các đảng Cộng sản đang  nắm quyền sinh sát gần như tuyệt đối ở Đông Âu và Trung Âu đều mất sạch quyền  hành; chế độ độc đảng trở thành đa đảng; bầu cử tự do được tổ chức khắp nơi, các  thành phần đối lập hoặc lên cầm quyền hoặc được chia quyền (ở Ba Lan, ngày  4/6/1989; Turkmenistan 7/1/1990; Uzbekistan 18/2/1990; Lithuania 24/2/1990;  Moldova 25/2/1990; Kyrgyzstan 25/2/1990; Belarus 3/3/1990; Nga 4/3/1990; Ukraine  4/3/1990; Đông Đức 18/3/1990; Estonia 18/3/1990; Latvia 18/3/1990; Hungary  25/3/1990; Kazakhstan 25/3/1990; Slovenia 8/4/1990; Croatia 24/4/1990; Romania  20/5/1990; Armenia 20/5/1990; Tiệp Khắc 8/6/1990; Bulgaria 10/6/1990; Azerbaijan  30/9/1990; Georgia 28/10/1990; Macedonia 11/11/1990; Bosnia & Herzegovina  18/11/1990; Serbia 8/12/1990; Montenegro 9/12/1990; và Albania 7/4/1991). Liên  bang Xô Viết tan rã. Hầu hết các quốc gia trước đây bị sáp nhập vào Liên bang đều tuyên bố độc lập hoặc tự trị. Ngay cả ở Nga, đảng Cộng sản không những bị mất quyền mà còn bị khinh bỉ và tẩy chay, không còn đóng vai trò gì trên bàn cờ chính trị quốc nội.

Xin lưu ý; sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở các nước  trên đều diễn ra rất gọn gàng, không gây xáo trộn và đặc biệt, không đổ máu, trừ Romania, nơi Ceaușescu bị lật đổ và giết chết, kéo theo cái chết của khoảng  1.100 người khác.
Sự sụp đổ ấy nhanh chóng lan sang các vùng khác, đặc biệt các vùng Trung Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Năm 1990, ở Nicaragua, sau một cuộc bầu cử tự do, đảng Cộng  sản mất quyền; ở Angola, cuộc chiến giữa Cộng sản và phe chống Cộng chấm dứt;  năm 1991, ở Ethiopia, Trung tá Mengistu Meriam, nhà độc tài Cộng sản từng thống  trị đất nước suốt gần 15 năm, chạy trốn khỏi đất nước, và Eritrea tuyên bố tách  khỏi Ethopia, trở thành độc lập và từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản. Ở Trung Đông, năm  1990, chế độ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Yemen bị sụp đổ, sau đó, hợp nhất với Nam  Yemen, thành lập nước Cộng hòa Yemen; ở Afghanistan, chế độ Cộng sản của  Najibullah sụp đổ vào mùa xuân 1992.
imageSự sụp đổ một phần diễn ra ở Trung Quốc, Lào, Cuba và ViệtNam.

Chế  độ Cộng sản, như nó từng tồn tại từ năm 1917 đến cuối thập niên 1980, dựa trên  ba nền tảng chính: Về ý thức hệ, dựa trên chủ nghĩa Marx-Lenin; về kinh tế, dựa  trên chính sách quốc hữu hóa và nguyên tắc kế hoạch hóa tập trung; và về bộ máy  quyền lực, dựa trên sức mạnh độc tôn của đảng, công an và quân đội. Ở cả bốn  quốc gia kể trên, từ đầu thập niên 1990, nền tảng ý thức hệ coi như đã bị phá  sản; nền tảng kinh tế cũng bị biến chất theo chiều hướng tư bản hóa. Trên cái  thế kiềng ba chân của chế độ, hai chân đã bị sụp. Chỉ còn một chân là bộ máy  quyền lực. Gọi chế độ Cộng sản ở bốn quốc gia này bị sụp đổ một phần, thậm chí,  phần lớn, là vậy.
Trên  thế giới hiện nay, chỉ có một quốc gia duy nhất còn giữ được chế độ Cộng sản  chính thống và “truyền thống” trước năm 1990, đó là Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên,  không ai xem đó là điều đáng tự hào. Ngược lại. Nó chỉ bị xem là một thứ quái  thai.

Như vậy, chúng ta chứng kiến một nghịch lý: một mặt, có cảm tưởng  như không ai có thể đánh bại được Cộng sản; mặt khác, chỉ trong vòng mấy năm  thật ngắn ngủi, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều thi nhau ngã gục. Vậy  thì ai đánh bại nó?

Có nhiều câu trả lời đã được đưa ra. Nhưng câu trả lời được nhiều học giả đồng tình nhất là: Không có ai đánh bại Cộng sản cả. Chỉ có Cộng sản mới đánh bại được Cộng sản.
imageCộng sản đánh bại Cộng sản bằng cách nào?
Bằng  nhiều cách. Thứ nhất, bằng các sai lầm có tính hệ thống trong kinh tế khiến nước Cộng sản nào cũng nghèo đói xơ xác. Giữa thập niên 1980, phần lớn các cửa hàng  quốc doanh, kể cả cửa hàng thực phẩm, ở phần lớn các nước Cộng sản, bao gồm cả Liên Xô, đều trống không. Nợ nước ngoài chồng chất. Riêng Ba Lan, nơi chế độ Cộng sản sụp đổ đầu tiên, nợ các nước Tây phương đến trên 100 tỉ đô la và đối  diện với nguy cơ không thể trả được. Thứ hai, tình hình kinh tế tồi tệ ấy càng  tồi tệ thêm nữa do nạn tham nhũng tràn ngập ở mọi cấp. Thứ ba, những thất bại về kinh tế, sự hoành hành của tham nhũng và những chính sách độc tài tàn bạo của chính quyền làm dân chúng bất mãn và nổi dậy tranh đấu đòi thay đổi chính sách, đặc biệt, dân chủ hóa. Cuối cùng, đối diện với tất cả các vấn đề ấy, hầu như mọi  người, kể cả các cán bộ cao cấp nhất, đều mất hẳn niềm tin vào chủ nghĩa Cộng  sản. Họ biết chắc chắn một điều: họ không thể tiếp tục tồn tại được nếu họ không  tự thay đổi. Chính sách glasnost và perestroika của Mikhail Gorbachev ra đời là để đáp ứng lại nhu cầu đó. Nhưng ngay cả khi đưa ra chính sách cải tổ và tái cấu  trúc như vậy, giới lãnh đạo vẫn không an tâm hẳn. Họ biết đó chỉ là những biện  pháp vá víu. Tự thâm tâm, tất cả đều mất niềm tin vào chế độ.
imageChính vì mất niềm tin như vậy nên ở những thời điểm quan trọng nhất, mọi người đều đâm  ra hoang mang, không ai dám quyết định điều gì. Ngày 9 tháng 11 năm 1989, khi  dân chúng đổ xuống đường biểu tình trước bức tường Bá Linh, bộ đội và công an,  dù đông hơn hẳn, không biết đối phó thế nào. Họ gọi điện thoại lên cấp trên. Các  cấp trên của họ sợ trách nhiệm, cứ đùn qua đẩy lại với nhau: Cuối cùng bức tường  bị đổ. Ở Nga cũng vậy, trước các cuộc xuống đường của dân chúng, không ai dám ra  lệnh quân đội hay công an nã súng vào dân chúng: cuối cùng, chế độ sụp.
image
Không  phải cán bộ, công an hay giới lãnh đạo bỗng dưng nhân đạo hơn. Không. Ở đây  không phải là sự thay đổi trong tính khí. Mà ở nhận thức. Tất cả đều nhận thức được sâu sắc mấy điểm chính: Một, ngày tàn của chế độ Cộng sản đã điểm; nó không  thể tồn tại thêm được nữa. Hai, nó cũng không thể cứu được. Mọi nỗ lực cứu vớt đều tuyệt vọng và chỉ gây tai họa không những cho đất nước mà còn cả cho chính  bản thân họ. Cuối cùng, như là hệ quả của hai điều ấy, chọn lựa tốt nhất mà họ nên làm là buông tay bỏ cuộc.
imageCả ba nhận thức ấy đều không thể có nếu không có hai điều kiện: Thứ nhất, người ta  có dịp so sánh với sự giàu có, tự do và dân chủ ở Tây phương và thứ hai, các nỗ lực tranh đấu không ngưng nghỉ của dân chúng, đặc biệt giới trí thức, trong việc  vạch trần các sai lầm và tội ác của chế độ. Cả hai điều kiện đều quan trọng, nhưng điều kiện thứ nhất chỉ có thể phát huy được tác dụng là nhờ điều kiện thứ hai.
Những sự phê phán và tranh đấu cho dân chủ liên tục càng ngày càng làm nổi bật sự khác  biệt sâu sắc giữa tự do và toàn trị, càng làm lung lạc niềm tin ngay cả ở những kẻ cuồng tín và mê tín nhất, cuối cùng, cô lập những kẻ lì lợm bám víu vào bộ máy độc tài. Khi sự cô lập đến mức độ nào đó, người ta chỉ còn hai lựa chọn:  hoặc trở thành Gorbachev hoặc trở thành Ceaușescu (hay gần hơn, Muammar Gaddafi ở Libya).
Nguyễn Hưng Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét