Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương khai mạc

Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long hy vọng các bên đàm phán
 hoàn tất hiệp định trong năm 2014 - AFP / R. RAHMAN
Anh Vũ
Theo AFP, hôm nay, 22/2/2014, Bộ trưởng Thương mại 12 nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương có mặt tại Singapore bắt đầu các cuộc đàm phán với hy vọng ký được Hiệp định TPP nội trong năm 2014 sau khi đã không thể hoàn tất vào cuối năm ngoái theo đề nghị của Mỹ.

Trong vòng 4 ngày, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước sẽ cùng nhau thảo luận các chi tiết về Hiệp định đối tác xuyên Thái bình Dương ( TPP), sau đó trưởng đoàn đàm phán của các nước sẽ có cuộc họp kết luận vào ngày thứ 5 cũng tại Singapore.
Trước khi khai mạc cuộc họp hôm nay, Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long tuyên bố tin tưởng các bên đàm phán đang tiến gần với nhau để có thể hoàn tất hiệp định trong năm nay. Tuy nhiên, một số bộ trưởng tham gia đàm phán ngỏ ý có lẽ vẫn cần thêm thời gian.
Đại diện 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mêhicô, New Zeland, Perou, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam trở lại Singapore lần này sau khi vòng đàm phán hồi tháng 12 năm ngoái không nhất trí được với nhau trên nhiều điểm.
Mười hai quốc gia kể trên, chiếm tỷ trọng 40% kinh tế thế giới, vẫn còn những khác biệt trên các vấn đề như mở cửa thị trường xe hơi và nông nghiệp của Nhật Bản cũng như vấn đề giới hạn vai trò các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế. Ngoài ra cũng còn một vài bất đồng trên vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb tỏ ra lạc quan cho rằng các bên có thể ký TPP vào cuối năm nay. Trong khi đại diện các nước nhỏ thì vẫn tỏ ra thận trọng không đề cập đến thời hạn ký kết.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đặc biệt lưu tâm đến TPP và cho rằng Hiệp định là chiếc cầu nối Hoa Kỳ với khu vực châu Á Thái Bình Dương đầy năng động để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên một số nước cho rằng điểm mấu chốt để thúc đẩy hiệp định tự do mậu dịch TPP là Tổng thống Mỹ phải được trao toàn quyền đàm phán và Quốc hội sẽ chỉ là nơi phê chuẩn cuối cùng. Đây cũng là điều đang vấp phải sự chống đối ở ngay phe Dân chủ trong hai viện Quốc hội Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét