Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Bảo Tồn Văn Hóa Việt


Tác giả :Vi Anh
Như mọi năm, ngày Tết năm nay cộng đồng người Việt ở Little Saigon, nơi đồng bào Việt thân thương gọi là thủ đô tinh thần của người Việt hải ngoại tỵ nạn CS, vẫn tổ chức diễn hành văn hoá. Ngoài sinh hoạt này còn một chuổi sinh hoạt văn hoá khác nữa, như hội chợ Tết, chào quốc kỳ đầu năm, lễ giao thừa tập thể để cùng nhau bảo tồn văn hoá của người Việt Quốc Gia.

Bảo tồn văn hoá Việt được người Việt, nhứt là người Việt hải ngoại ở cách nước nhà nửa vòng trái đất xem như nhiệm vụ và quyền hạn của mình trên quê hương mới nơi quốc gia định cư. Đặc biệt là người Việt ở Mỹ, nơi có một cộng đồng người Việt lớn nhứt ở hải ngoại, chỉ sau cộng đồng quốc gia trong nước đang còn bị nằm trong gọng kềm CS. Có người nói người Việt ở Mỹ đại đa số bây giờ đã thành công dân Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ phải sống, làm việc theo văn hoá Mỹ. Một câu nói hết sức chung chung, chính người nói cũng không minh định thế nào là văn hoá Mỹ để theo; huống hồ người nghe là người Việt ở đất Mỹ. Và ai cũng biết nước Mỹ là một xã hội đa nguyên, đa văn hoá, đa sắc tộc; không người Mỹ chánh trực nào muốn những người Mỹ gốc các sắc tộc khác phải từ bỏ bản chất, bản sắc văn hoá của sắc tộc nguồn cội mình. Không ai muốn người Mỹ gốc Việt thành những người Mỹ Da Vàng mất gốc Việt cả. Từ văn hoá, chánh trị đến xã hội học Mỹ đều gọi người Việt công dân hay thường trú nhân hợp pháp của Mỹ là người “Mỹ gốc Việt” (Vietnamese Americans).
Ai cũng biết chỉ có Loài Người là linh vật tự làm ra văn hoá cho mình để xã hội mình cùng sống chung theo chuẩn mực đó. Loài thú thấp nhứt như côn trùng, ong, kiến có lối tổ chức tinh vi như ong chúa chỉ đẻ, kiến thợ chỉ xây, ông lính chỉ chống. Nhưng lối tổ chức đó biến thành phản xạ muôn đời, đó không phải là văn hoá, mà là phản xạ lưu truyền riết thành di truyền. Trái lại văn hoá của Con Người không phải là phản xạ, không phải di truyền, mà do bắt chước và học hỏi nên có nhiều thay đổi.
Ngay trong lịch sử văn hoá ngắn ngủi có mấy trăm năm của Mỹ, tiến trình cũng thay đổi nhiều lần. Từ thuở ban đầu di dân mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng râu bắp là thành phần trội yếu với sự tiếp sức của Thực dân Anh, ép các sắc tộc khác phải “ đồng hoá hoà đồng” với họ. Tiếng Anh thành chuyển ngữ. Nhưng qua thời kỳ độc lập quan niệm đồng hoá theo kiểu nấu chảy thành khuông văn hoá Mỹ (melting pot) chẳng ai theo. Các sắc tộc chỉ “hoà nhập” biến văn hoá Mỹ như là một tô sà lách (salad bowl) trong đó rau quả, đường, muối giữ bản chất của mình.
Do vậy rất hợp tình, hợp lý, hợp thời khi thấy văn hoá hay lối sống chung của người Việt gốc tỵ nạn CS trên đất Mỹ. Có biểu tình chống Cộng sản bán đất dâng biển, quốc tế vận ủng hộ các tôn giáo và đồng bào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Có vận động hạ lá cờ máu của CS và giương cao quốc kỳ VN nền vàng ba sọc đỏ lên để chánh quyền các nước có người Việt định cư thừa nhận, v.v… và v.v…
Ngần ấy hoạt động biểu tình, đấu tranh, vận động rất qui mô, rầm rộ, bền bĩ suốt 39 năm, thật đáng khen lòng kiên nhẫn và ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Thất xứng đáng với lời tâm nguyện khi đi tìm tự do cho mình và cho người kẹt ở lại khi người Việt Hải Ngoại gạt nước mắt ra đi, mang theo mình một nền văn hóa Việt Quốc gia đã ăn sâu vào tim óc, sống gìn giữ, lưu truyền con cháu, chết đem theo ông bà, tạo thành hồn thiêng sông núi VN.
Trong mọi sinh hoạt long trọng, đấu tranh chống CS, lễ hội văn hoá, xã hội đều có chào quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ như hồn thiêng sông núi và tưởng niệm anh linh tử sĩ VN đã chiến đấu và hy sinh dưới bóng cờ này. Đó không phải là văn hoá, thì là cái gì.
Có người nói đó không phải là văn hoá Mỹ, cho rằng Mỹ bây giờ đã giao thương và bang giao vói CS Hà nội, quốc kỳ của VN là lá cờ khác. Thật là một nhận xét phiến diện về văn hoá. Một biểu tượng chỉ được xem là văn hoá khi được nhiều người chấp nhận là “của mình” và đồng ý sống theo chuẩn mực ấy. Cây cờ của CS Hà nội người Mỹ gốc Việt đa số gọi là cờ máu, không ai treo lên. Dù CS Hà nội có bang giao với chánh quyền Mỹ, cờ máu của CS chỉ rú rú như gián ngày ở trong trụ sở Toà Đại sứ và Tổng Lãnh sự CS Hà nội. Đối với đại đa số người Mỹ gốc Việt, cờ máu của CS Hà nội là “phản văn hoá”. Chỗ đông người Mỹ gốc Việt, ai cầm cờ đó sẽ trở thánh một kẻ công xúc tu sỉ (attentat à la pudeur publique) như khoe hạ bộ trước phụ nữ, sẽ bị tập thể cho một bài học về văn hoá.
Bên cạnh những hoạt động qui mô và rầm rộ để bảo tồn và phát huy văn hoá Việt ấy của tập thể người Việt Hải Ngoại, còn nhiều cố gắng âm thầm, kiên nhẫn và can đảm, đòi hỏi nhiều chuyên môn nữa. Mục đích tối hậu cua những chiến sĩ văn hoá âm thầm này là, mặt này để bảo tồn bản chất và bản sắc văn hóa Việt Nam trong môi sinh mới lạ cách nước nhà nửa vòng Trái Đất. Và mặt khác là để phát huy văn hóa cho lớp trẻ hậu duệ sanh ra, lớn lên, ăn học nơi quê hương mới. Làm việc ấy là những thầy cô giáo tình nguyện dạy tiếng Việt ở tại các trung tâm Việt ngữ đặt tại nhiều nơi khắp nhiều nước định cư, đặc biệt ở Mỹ và Cali.
Tiếng Việt là con thuyền chánh chuyên chở văn hóa VN. Không có tiếng Việt thì hồn Việt, tâm Việt, đạo Việt, sử Việt, cộng đồng Việt, xã hội Việt, người Việt, dân Việt, nước Việt khó còn.
Như đã trình bày ở trên, văn hóa theo phân tích của các nhà xã hội học, không do thiên phú, trời sanh ra, đương nhiên có. Cũng không phải do bản năng mà do học hỏi giữa thế hệ này với thế hệ khác và giữa những người đồng thời tương tác với nhau. Mà ngôn ngữ là phương tiện, là thành tố quan trọng nhứt. Nên ngôn ngữ cũng phải học mới biết. Học từ trong bụng mẹ, lúc chào đời, lúc nhập thế bắt đầu tiến trình xã hội hoá ở nhà, ra trường, vào xã hội, và lúc xuất thế sống với nội tâm và tự đặt mình trong lòng Mẹ VN. Từ đó có từ ngữ “tiếng mẹ đẻ”(langue maternelle, mother language).
Ở nước nhà việc học tiếng mẹ Việt rất dễ vì cá nhân, gia đình, và xã hội đều nói tiếng Việt. Tại các nước định cư việc học tiếng Việt khó vì tương quan tam giác giúp cho việc giáo dục thành công là cá nhân, gia đình, và xã hội bị gãy đổ một phần. Lớp trẻ học ở trường bằng một ngôn ngữ của quốc gia định cư. Chuyển ngữ của quốc gia định cư thường khác với tiếng mẹ của người nhập cư. Nhiều gia đình nhứt là vợ chồng trẻ dùng chuyển ngữ của nước định cư. Xã hội cũng thế, từ truyền thông đại chúng, chương trình giáo dục phổ thông, giải trí đại đa số dùng ngôn ngữ của quốc gia định cư.
Do vậy đối với lớp trẻ Việt sinh tại nơi quê hương mới, học tiếng Việt chỉ cậy nhờ vào các trung tâm dạy tiếng Việt và một phần nơi gia đình mà thôi. Thầy cô giáo được đào tạo phương pháp sư phạm để dạy tiếng Việt, kết quả và hiệu năng cao hơn gia đình.
Và CS Hà nội muồn nhuộm đỏ các cộng đồng người Việt Quốc Gia ở hải ngoại cũng dùng văn hoá vận để tấn công bằng quyền lực mềm và cứng. Mềm qua lời ca tiếng hát, gởi giáo viên, sách vở qua Mỹ, khai thác tình tự quê hương. Cứng như âm mưu dùng tiền bạc lũng đoạn cộng đồng, hề hoá các cuộc đấu tranh mà Nghị quyết 36 của CS Hà nội là sách lược. Cho nên bảo tồn văn hoá Việt là nhiệm vụ và quyền lợi của người Việt ở hải ngoại./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét