Pages

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Biển Đông: Những diễn tiến ngày càng nguy hiểm


Trần Hoàng – Trước và sau Tết Nguyên Đán Trung Quốc liên tục “tung chưởng” trên Biển Đông. Khu vực và thế giới sẽ phản ứng như thế nào đối với một cuộc tập kích chớp nhoáng của Trung Quốc vào đảo Thị Tứ vào lúc tàu thăm dò dầu khí Joides Resolution đang có mặt trong khu vực chiến sự?

Mồng 2 Tết, Mỹ đã nhanh chóng phản ứng và lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc về dự án thành lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ (mới), lấy quần đảo Hoàng Sa làm trung tâm, từ đó mở rộng ra để bao phủ hầu như toàn bộ Biển Đông. Dự án này đã được trình lên các giới chức quân sự cao cấp của Trung Quốc từ tháng 5/2013 và hiện đang được cứu xét. Hôm 31/1, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố Mỹ coi các dự án như vậy là “hành động khiêu khích, có thể làm gia tăng căng thẳng và gây nghi ngờ về cam kết của Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ qua con đường ngoại giao”. Washington xem việc thiết lập một ADIZ (mới) trên các vùng biển đảo đang có tranh chấp là hành động gây mất ổn định, có thể dẫn đến những thay đổi về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á.
Mới và phức tạp
Chưa hết, tiếp theo việc chính quyền đảo Hải Nam đưa ra quy định về khai thác hải sản trên Biển Đông, khiến nhiều nước trong khu vực lên tiếng phản đối, ngày 13/1, tờ China Daily Mail lại đăng bài về khả năng Trung Quốc sẽ bất ngờ đánh chiếm đảo Pagasa mà Việt Nam gọi là Thị Tứ, hiện do Philippines kiểm soát, trên quần đảo Trường Sa. Ngay giáp Tết, 27/1, một đoàn đặc nhiệm Hải quân Trung Quốc gồm tàu đổ quân Trường Bạch Sơn, khu trục hạm Vũ Hán và khu trục hạm Hải Khẩu sau hai ngày tập trận đổ bộ và chống tàu ngầm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, đã di chuyển xuống phía Nam, tới tuần tiểu và tập trận chống tàu ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa rồi đi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cách bờ biển nước này khoảng 80km và xa bờ biển Trung Quốc 1800km.
Những động thái kể trên của Trung Quốc xem ra quen thuộc, nhưng có điểm mới và phức tạp. Quân đội Trung Quốc trước đó được huấn luyện để chuẩn bị cho điều mà họ gọi là “giải phóng Pagasa” (tức chiếm đảo Thị Tứ) từ năm 2010. Họ đã liên tục gửi đi những tín hiệu đe dọa tấn công đảo. Vào tháng 8/2010, Trung Quốc đã có cuộc tập trận lớn với giả định là họ lấy một hòn đảo đang được kiểm soát bởi nước khác. Bắc Kinh đã gửi tín hiệu này cho chính phủ Aquino từ những ngày đầu tiên. Trung Quốc liên tục lên kế hoạch và gửi thông điệp về các khả năng lẫn chiến thuật cưỡng chiếm đảo. Vừa qua là thông điệp mới nhất. Thông điệp này được giới phân tích cho là do một nhóm nào đó trong giới quốc phòng hay ngoại giao “phóng” ra để thêm một lần, làm cho khu vực ăn không ngon ngủ không yên.
Nhưng dường như thấy vẫn chưa đủ độ sốc nên 29 Tết, nhật báo South China Morning Post (Hong Kong) lại giật tít về một đoàn khoa học gia quốc tế đã khởi hành trên chiếc tàu khoan Joides Resolution của tổ chức National Science Foundation (NSF/Mỹ), bắt đầu hành trình thăm dò dầu khí tại những vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông. Chuyến đi kéo dài khoảng hai tháng với sự tham gia của 31 nhà khoa học từ 10 nước và khu vực, trong đó có 13 nhà khoa học từ Trung Quốc, 9 từ Mỹ và 1 từ Đài Loan. Các nhà khoa học sẽ tiến hành khoan ở ba địa điểm để lấy các mẫu trầm tích và đá. Các mẫu trầm tích và đá này sẽ giúp hiểu rõ hơn sự tiến hóa về kiến tạo của đáy Biển Đông, từ đó xác định được vị trí các mỏ dầu khí tại đây.
Điểm lại các diễn tiến “tầm ăn dâu” của Trung Quốc: 2012 cưỡng chiếm Scarborough, 2013 tấn công bãi Cỏ Mây, 2014 đe dọa lấy đảo Thị Tứ và triển khai cái gọi là “nghiên cứu khoa học” trên Biển Đông. Trước “sự ỡm ờ chiến lược” của Mỹ, tình trạng “tan đàn xẻ nghé” của ASEAN, có thể Bắc Kinh cho đây là thời cơ ra tay mà khỏi cần đến đạo lý và pháp lý.
Nhìn lại các diễn tiến “tầm ăn dâu”: 2012 cưỡng chiếm Scarborough, 2013 tấn công bãi Cỏ Mây, 2014 đe dọa lấy thêm đảo Thị Tứ thuộc Trường Sa và triển khai “nghiên cứu khoa học” trên vùng biển Trung Quốc đòi chiếm hữu hơn 80% diện tích. Nếu tới đây Trung Quốc bất ngờ chiếm Thị Tứ thì đây sẽ là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng vũ lực với một thành viên ASEAN và cũng là lần đầu tiên sử dụng vũ lực đối với chính đồng minh của Mỹ. Nếu Mỹ để Trung Quốc dùng vũ lực với Philippines thì nay mai Trung Quốc cũng có thể dùng vũ lực với Nhật. Tình huống này buộc các nước liên quan phải sớm có kế sách. Mỹ và Nhật có thể cùng hành động? Philippines sẽ hoan nghênh sự có mặt của Nhật để tăng an ninh trong vùng? Câu trả lời từ các nhà hoạch định chính sách chắc hẳn đã có sẵn trong đầu.
Bởi vì tất cả dường như đang diễn ra theo kịch bản của một “cuộc chiến đòn cân não” hay một “kiểu chiến tranh tâm lý”, trước khi xẩy ra sự xung đột bằng vũ trang trên thực địa. Những đe nẹt của Trung Quốc trong hơn 60 năm qua đối với các lân bang của họ đều là con dao hai lưỡi. Với chiến tranh Triều Tiên (1953), với Ấn Độ (1962) và với cả cuộc tấn công trên 6 tỉnh biên giới Việt Nam (tháng 2/1979), các thông điệp vừa mang tính đe dọa, nhưng cũng vừa là những cảnh báo có thực. Trung Quốc tự tin cho rằng, họ dư khả năng để thực thi điều họ dọa nạt thiên hạ, vấn đề chỉ là chọn thời cơ mà thôi. Trước tình trạng “ỡm ờ chiến lược”(strategic ambiguity) của Mỹ và “tan đàn xẻ nghé” (weariness) của ASEAN, có thể Bắc Kinh cho đây là lúc cộng hưởng các khả năng để hành động mà khỏi cần đến đạo lý và pháp lý.
Để cứu vãn tình hình
Mỹ và các nước trong khu vực sẽ phản ứng như thế nào đối với một cuộc tập kích chớp nhoáng của Trung Quốc vào đảo Thị Tứ hay một đảo nào khác thuộc thuộc quần đảo Trường Sa vào lúc con tàu Joides Resolution nói trên đang có mặt trong khu vực chiến sự? Các nước liên quan rồi ra có thể hoặc có kịp trở tay? Không phải ngẫu nhiên, ngày 23/1, các chuyên gia Viện Brookings, một “think-tank” hàng đầu của Mỹ đã đưa ra một số khuyến nghị đối với chính quyền Obama nhằm tránh các sự cố bất ngờ trong bối cảnh nỗ lực tái phối trí về châu Á đang gặp nhiều trở ngại. Các khuyến nghị này càng có ý nghĩa thời sự khi Trung Quốc hiện đang tìm mọi cách trì hoãn, hoặc vô hiệu hóa những đề xuất nhằm kiến tạo nên bộ Luật COC giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia trên Biển Đông.
Bước vào Giáp Ngọ, an ninh/an toàn hàng hải tại các biển châu Á tiếp tục xấu đi. Từ cấm đánh bắt cá đến đe dọa chiếm thêm đảo, từ việc lập đoàn thám hiểm thăm dò dầu khí đến ra tuyên bố các vùng nhận dạng phòng không (mới) tại những vùng biển tranh chấp, Trung Quốc trên thực tế đang gia tăng nguy cơ xung đột hoặc xẩy ra các sự cố ngoài ý muốn. Trong khi đó, quan tâm của Mỹ trước các diễn biến tại Trung Đông đang làm cho châu Á nghĩ rằng Washington có phần lơ là chính sách tái cân bằng. “Thừa gió bẻ măng”, Bắc Kinh càng tranh thủ gieo rắc hoang mang và nghi ngờ về khả năng Washington can thiệp khi xẩy ra sự cố tại châu Á. Tránh cho tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát và ngăn ngừa nguy cơ xung đột, các chuyên gia Viện Brookings đã đưa ra bốn khuyến nghị (nóng) đối với Tổng thống Obama.
Thứ nhất, Mỹ phải đẩy mạnh các cam kết đối với các đồng minh châu Á. Lập trường của Cố vấn An ninh Rice, quan điểm trong chuyến công du Đông Bắc Á của Phó Tổng thống Biden và phản ứng kịp thời của Ngoại trưởng Kerry lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Hagel về ADIZ của Trung Quốc là rất cần thiết đối với các đồng minh lẫn đối tác của Mỹ. Mặt khác, Washington cũng cần nhấn mạnh với đồng minh/đối tác, không nên dựa vào những cam kết này để khai thác tình hình căng thẳng.Khuyến nghị thứ hai là Mỹ cần gia tăng nỗ lực trao đổi, tiếp xúc với các đồng minh, sử dụng các kênh thông tin hiện có với Nhật Bản và Hàn Quốc, để giảm thiểu những kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, như trong trường hợp quan hệ Nhật-Hàn và tránh các hành động gây nhiễu giữa các “đồng minh ruột”.
Thư ba, trong bang giao với Trung Quốc, đề nghị Tổng thống Obama nhắc lại với Chủ tịch Tập Cận Bình về cam kết «một kiểu quan hệ mới giữa các cường quốc». Nếu Trung Quốc không khoan nhượng đối với các lợi ích của mình tại Biển Đông/biển Hoa Đông, thì Hoa Kỳ phải nhấn mạnh đến những hậu quả có thể xẩy ra, một khi Trung Quốc theo đuổi các lợi ích ấy bằng vũ lực. Thứ tư, Nhà Trắng nên chỉ định một quan chức cấp cao phụ trách an ninh với các nhiệm vụ: Thiết lập khuôn khổ bảo đảm an ninh trên biển châu Á, với sự tham gia hoặc cam kết của các nước trong/ngoài khu vực. Nhận diện các cơ chế quản lý xung đột và các quy trình áp dụng các cơ chế ấy ở hai vùng biển nói trên. Và cuối cùng là xác định những cơ hội để nâng cao khả năng của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh các tuyến vận tải đường biển mà Trung Quốc và nhiều nước khác phải phụ thuộc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét