Pages

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Dệt may Việt Nam chưa sẵn sàng với TPP

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_Hkg7958509-600.jpg
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (trái) xem một mẫu lụa tơ tằm trong một cửa hàng lụa tại phố cổ Hà Nội hôm 27/10/2012
AFP photo

Nam Nguyên, phóng viên RFA
Mặc dù các vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP chưa kết thúc, nhưng ngay cả vào thời điểm 2016 thì ngành  Ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa hội đủ điều kiện để hưởng lợi mà còn có thể thua ngay trên sân nhà.
Ngành dệt may Việt Nam hy vọng tăng gấp ba kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, với triển vọng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được thông qua và có hiệu lực trong năm 2015. Kim ngạch dệt may vào Mỹ từ 8,6 tỷ USD năm 2013 sẽ có thể tăng lên hơn 20 tỷ USD trước năm 2020. Hiện nay thuế suất trung bình sản phẩm dệt may Việt Nam vào Mỹ vào khoảng 17%, nhiều dòng sản phẩm chịu thuế tới 30%. Khi áp dụng TPP mức thuế suất hàng dệt may sẽ bằng 0%, giá cả sản phẩm Việt Nam sẽ rất cạnh tranh và chính phủ Việt Nam bị quyến rũ với các dự báo đầy hấp dẫn này.

Chưa đủ điều kiện hưởng lợi

TPP cho tới giai đoạn đàm phán hiện nay bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Newzealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là một thị trường mở của thế kỷ 21 với 40% GDP và 30% trao đổi thương mại toàn cầu. Tuy vậy điều kiện ràng buộc của sản phẩm dệt may trong TPP do Hoa Kỳ đòi hỏi có ít nhất  3 điều kiện mà Việt Nam khó lòng vượt qua trong vài năm sắp tới.
Thứ nhất nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi (yarn-forward), tức sợi để dệt phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước thành viên TPP từ bông nội vùng. Thứ hai là quyền lập hội của người lao động, hay nói cách khác phải có tự do nghiệp đoàn và thứ ba là kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Nhưng ngay cả khi việc thương thảo thành công bánh ít đi bánh qui lại, mỗi bên nhân nhượng một phần thì ngành dệt may Việt Nam vẫn còn một nguy cơ lớn. Đó là mất thị phần nội địa với sản phẩm trung cao cấp khi các sản phẩm dệt may của các nước TPP vào Việt Nam cũng được hưởng thuế suất 0%.
GSTS Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội nhận định:
“Thực ra Việt Nam chỉ là gia công, chứ tất cả từ sợi cho đến máy móc để dệt vải rồi cho đến mẫu mã quần áo thì đều phải nhập của nước ngoài. Ở Việt Nam có rất nhiều diện tích để trồng cây lanh hoặc cây bông nhưng lại chưa làm được việc đó. Đây là sự thiếu sót của Chính phủ khi qui hoạch đất đai cũng như quan tâm đến nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp cần thiết phục vụ công nghiệp. Chúng tôi hy vọng rằng qua hiệp định này nếu được ký Việt Nam sẽ bài trí lại diện tích để phát triển cây công nghiệp.”
Ở Việt Nam có rất nhiều diện tích để trồng cây lanh hoặc cây bông nhưng lại chưa làm được việc đó. Đây là sự thiếu sót của Chính phủ khi qui hoạch đất đai ...
- GSTS Vũ Văn Hóa
Về điều kiện xuất xứ tính từ sợi (Yarn forward rule of origin), theo ông Diệp Thành Kiệt phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM thì sẽ chậm, nhưng cuối cùng Việt Nam cũng đáp ứng. Các nhà đàm phán Việt Nam hiện đang mưu tìm những điều kiện dễ chịu nhất trong giai đoạn chuyển tiếp.
“Hai bên thảo luận về cái gọi  là  danh mục thiếu hụt, thí dụ về những loại sợi vì một lý do nào đó Việt Nam chưa có, có thể có trong các nước TPP hoặc không có, thì hai bên sẽ đưa ra danh mục thiếu hụt thường xuyên hoặc danh mục thiếu hụt tạm thời. Tôi nghĩ đây là một giải pháp để cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị và trong thời gian áp dụng danh mục thiếu hụt chúng ta vẫn được hưởng mức thuế suất bằng 0.”
034_3044332-200.jpg
Một sạp vải tại chợ Đầm, Nha Trang. AFP photo
Được biết Tập đoàn dệt may Việt Nam Vinatex đầu tư 17.000 tỷ đồng trong hai năm 2013-2014 cho các dự án phát triển nguyên phụ liệu, sợi dệt kim, vải nhuộm sợi. Ngoài ra có dấu hiệu nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào lĩnh vực kéo sợi dệt vải...Nhưng để giải quyết điều kiện xuất xứ tính từ sợi, lại phát sinh những âu lo khác cũng hệ trọng không kém.  Ông Diệp Thành Kiệt nhận định:
“Lo lắng sắp tới là về nguồn lực lao động, khi có nhiều nhà đầu tư vào chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh nhất định về lao động, sẽ dẫn tới việc đẩy giá lao động lên và từ đó sẽ làm cho giá thành sản phẩm cao hơn. Một điều đáng quan tâm nữa là thị trường nội địa dệt may của Việt Nam khá lớn và hiện nay có nhu cầu sử dụng hàng may mặc sẵn và hàng có thương hiệu đối với người Việt, đặc biệt ở các thành phố lớn thì đã phát triển rất mạnh. Do đó với TPP chắc chắn là điều kiện rất tốt cho các thương hiệu khác của các nước TPP như từ Malaysia thậm chí cả từ Hoa Kỳ.
Đó là điều cần lo lắng bên cạnh chuyện tính toán cho sợi.  Vấn đề sợi thì tôi nghĩ sớm muộn gì thì chúng ta sẽ có, nói vậy không có nghĩa tự nhiên nó đến, nhưng nó là sự kích thích đầu tư rất dữ nên các nhà đầu tư sẽ tập trung vào. Sợi không còn là lo lắng hàng đầu mà là vấn đề cạnh tranh ở thị trường nội địa, những doanh nghiệp Việt Nam còn non kém về kinh doanh, thương hiệu chưa vững mạnh thì sẽ dễ bị mai một.”
Về vấn đề quyền lập hội của người lao động, tức tự do nghiệp đoàn một điều kiện mà Hoa Kỳ đặt ra trong bất kỳ thỏa thuận mậu dịch tự do nào. Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ nhượng bộ về cơ bản, cam kết nhưng kéo dài bằng thủ tục lập pháp. Trên nguyên tắc Hiến pháp hiện hành có qui định quyền này nhưng thực tế bị “treo” từ 70 năm qua.
Sợi không còn là lo lắng hàng đầu mà là vấn đề cạnh tranh ở thị trường nội địa, những doanh nghiệp Việt Nam còn non kém về kinh doanh, thương hiệu chưa vững mạnh thì sẽ dễ bị mai một.
- Ông Diệp Thành Kiệt
Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội cho rằng:
“TPP thì một trong các điều kiện hết sức quan trọng là quyền tự do lập nghiệp đoàn. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam thì chủ yếu công đoàn là chịu sự lãnh đạo của Nhà nước hay nói cách khác là Đảng, hay lập hiệp hội gì đấy thì tùy theo qui chế. Nếu Việt Nam thực sự muốn tham gia TPP thì phải thực thi đúng theo cam kết. Nếu không thực thi  thì chắc chắn không thể hội nhập được.”
Với điều kiện kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, đoàn đàm phán Việt Nam sẽ có nhiều thứ để thuyết phục phía Hoa Kỳ. Chẳng hạn như Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu các tập đoàn tổng công ty doanh nghiệp nhà nước, trong hai năm 2014-2015 sẽ cổ phần hóa 500 đơn vị.
Một khi TPP được thông qua, nền kinh tế Việt Nam cụ thể là ngành dệt may sẽ tăng tốc phát triển lợi hại như thế nào là chuyện về sau. Nhưng cái lợi trước mắt nếu Việt Nam tiếp tục hội nhập chính là áp lực cải cách, một điều mà người dân Việt Nam trông đợi
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét