Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Hãy biết quyền của mình (4): An ninh quốc gia vs. Nhân quyền


Đoan Trang - Không riêng gì Việt Nam, ở tất cả các quốc gia trên thế giới, an ninh quốc gia luôn là một lý do cực kỳ xác đáng để nhà nước can thiệp và hạn chế quyền tự do của người dân. Điểm khác biệt là mức độ nhà nước lợi dụng vấn đề ''an ninh quốc gia'' để giới hạn quyền của dân chúng và trấn áp những người dám đối đầu với chính quyền (hay là những người bất đồng chính kiến). Chính quyền càng độc tài thì càng sử dụng ngón võ ''an ninh quốc gia'' này một cách tùy tiện, vô tội vạ hơn.

Để minh họa khái niệm ''an ninh quốc gia''...

Cuối tháng 1 vừa qua, anh Nguyễn Hồ Nhật Thành, 28 tuổi, lên đường đi Mỹ tham dự một cuộc vận động nhân quyền nhân phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam, theo lời mời của một số tổ chức phi chính phủ quốc tế. Chú ý rằng UPR là một cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp Quốc, được coi như một sáng kiến bởi nó cho phép khối xã hội dân sự của một quốc gia tham gia đánh giá và báo cáo về tình hình nhân quyền của nước mình cho Liên Hợp Quốc.

Visa đã được cấp và vé máy bay đã mua, nhưng anh Thành lại bị an ninh cửa khẩu chặn lại ở sân bay Tân Sơn Nhất với lý do chung chung là ''vì an ninh quốc gia...'' (có dấu ba chấm).

Sau khi anh Thành có đơn đề nghị làm rõ tại sao anh không được xuất cảnh, Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh (ở nước ta thì nó trực thuộc Bộ Công an) có thư trả lời vào ngày 21/2, rằng đó là ''vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội''.

Trước đó bốn tháng, vào ngày 21/10/2013, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội ra quyết định đình chỉ giải quyết một vụ án hành chính sơ thẩm mà người kiện là bà Bùi Thị Minh Hằng, khởi kiện Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vì ông này đã tống bà vào ''cơ sở giáo dục'' 5 tháng. Tòa án cũng nại lý do nội dung khiếu kiện của bà Bùi Thị Minh Hằng ''có liên quan đến lĩnh vực an ninh''.

Trước đó nữa, năm 2009, một số blogger ở Việt Nam (trong đó có người viết bài này) bị bắt giam theo Điều 258 Bộ luật Hình sự (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước). Không rõ quyền tự do dân chủ nào đã bị lợi dụng và mức độ thiệt hại của Nhà nước đến đâu. Còn hành vi mà cơ quan an ninh căn cứ vào đó để khép tội là ''in áo chống dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên''. Hành vi in áo này được coi là xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc có lúc lại được gọi là xâm hại lợi ích Nhà nước.

Sơ sơ ba trường hợp trên đủ cho ta thấy tính chất thoáng rộng và bao trùm của khái niệm ''an ninh quốc gia'', ''lợi ích Nhà nước'' ở Việt Nam. Đó chỉ mới là ba trong hàng trăm vụ việc từ trước đến nay, khi cơ quan công quyền sử dụng lý do ''an ninh quốc gia'' để thực hiện một mục đích gì đấy. Điều kỳ lạ là trong các vụ việc, đương sự chỉ bị xử lý theo các điều luật trong Bộ luật Hình sự, còn chính Luật An ninh Quốc gia của Việt Nam (ban hành năm 2004) thì lại không được đề cập đến.

An ninh quốc gia mâu thuẫn với nhân quyền như thế nào?

Quả thật, an ninh quốc gia có những lúc mâu thuẫn với quyền con người. Một ví dụ cơ bản là mâu thuẫn giữa việc giữ gìn bí mật quốc phòng, bí mật công tác điều tra (chẳng hạn trong hoạt động chống khủng bố) và việc bảo đảm quyền tự do thông tin, quyền được biết của người dân. Rõ ràng, những thông tin về bản đồ hệ thống phòng thủ tên lửa của Hà Nội (nếu có) không phải là cái mà công dân Việt Nam nào cũng được tiếp cận, nhân danh ''quyền được biết''.

Nhưng trên thực tế, an ninh quốc gia luôn luôn là cái cớ để các nhà nước độc tài xiết chặt quyền tự do của người dân, đàn áp tự do thông tin và báo chí, tiêu diệt tính độc lập của tòa án, phá hoại pháp quyền. Do đó, các chuyên gia luật pháp trên thế giới đã khuyến cáo: ''Khái niệm an ninh quốc gia phải được định nghĩa chính xác trong luật pháp của mỗi quốc gia, theo một cách phù hợp với các nhu cầu của một xã hội dân chủ''; ''luật pháp phải rõ ràng, không mơ hồ, định nghĩa cụ thể và chính xác, để ai ai cũng có thể tiếp cận được và hiểu được điều gì bị cấm...''.

Luật An ninh Quốc gia của Việt Nam cũng có định nghĩa về an ninh quốc gia, rằng đó là ''sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc''. Định nghĩa này mơ hồ, không cụ thể (cho nên hoặc là không áp dụng vào đâu được, hoặc là ngược lại, áp dụng vào đâu cũng được, tùy ý thích của lực lượng an ninh). Ngoài ra, có vẻ như nó không phù hợp với các nhu cầu của một xã hội dân chủ, mà chỉ phù hợp với chính quyền trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

Có lẽ do vấp phải những ''bất cập'' đó, cho nên trong các vụ án chính trị, liên quan đến an ninh quốc gia, đương sự lại chỉ bị xử lý do bị kết tội vi phạm các điều khoản trong Bộ luật Hình sự. Một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự cũng mơ hồ không kém, ví dụ Điều 258 về ''lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích Nhà nước''.

Biểu tình là xâm hại an ninh quốc gia? 
Hay đàn áp biểu tình mới là xâm hại an ninh quốc gia
và an ninh của người khác?

An ninh quốc gia, lợi ích Nhà nước phải chính đáng

Ý thức được rằng khái niệm ''an ninh quốc gia'', ''lợi ích nhà nước'' luôn được diễn giải tùy tiện theo ý nhà cầm quyền mà đại diện là cơ quan an ninh, nên các chuyên gia luật pháp quốc tế đã chỉ rõ cả những trường hợp chính quyền nại ra các lý do chẳng liên quan gì đến an ninh quốc gia để trấn áp quyền tự do của người dân. Khi đó thì không còn là an ninh quốc gia, lợi ích nhà nước chính đáng nữa.

''Không phải là chính đáng... nếu bảo vệ chính quyền và/hoặc quan chức khỏi bị phát hiện tham nhũng; nếu che giấu thông tin về tình hình vi phạm nhân quyền, về bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào, hoặc về hoạt động của các cơ quan nhà nước; nếu củng cố hoặc kéo dài một lợi ích chính trị, củng cố hoặc kéo dài thời gian tại vị của một đảng phái hay ý thức hệ; nếu đàn áp các cuộc biểu tình được tổ chức đúng luật''.

Bản Nguyên tắc toàn cầu về an ninh quốc gia và quyền được biết (Nguyên tắc Tshwane), ban hành ngày 12/6/2013 sau quá trình tham vấn hơn 500 chuyên gia luật pháp ở 70 quốc gia trên thế giới, đã xác định rõ như vậy.

Lẽ nào Đảng và Nhà nước huy động lực lượng an ninh vào bảo vệ những cái không chính đáng như vậy sao?

Cũng thật may cho Đảng và Nhà nước là Nguyên tắc Tshwane này chỉ có giá trị tham khảo chứ không ràng buộc về mặt pháp lý.  

Đoan Trang

phamdoantrang.com/2014/02/hay-biet-quyen-cua-minh-4-ninh-quoc-gia.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét