Pages

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Lê Công Định: 'Tôi không đổi lý tưởng'

Luật sư Lê Công Định
Luật sư Lê Công Định vẫn đang chịu quản thúc tại nhà
Tròn một năm sau ngày được thả khỏi tù nhưng vẫn bị quản chế (06/2/2013), từ Sài Gòn, luật sư đấu tranh dân chủ, ông Lê Công Định lần đầu tiên lên tiếng chính thức và dành cho BBC cuộc trả lời phỏng vấn đầu Xuân.
Luật sư Định nói vụ việc ông bị chính quyền bỏ tù bốn năm về trước không làm ông thay đổi lý tưởng và mong muốn giúp cho Việt Nam xây dựng một "quốc gia pháp trị và xã hội dân sự".


Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ rằng ông "bị dằn vặt vì cảm thấy có lỗi với người thân" vì đã gây nên những điều "phiền muộn, đau khổ và mất mát" cho những người mà ông cám thấy phải "có trách nhiệm."
Cựu tù nhân chính trị đang chịu quản chế ba năm nói ông "chưa bao giờ hối tiếc" về những việc mà ông đã làm và về những gì đã xảy ra với ông khi những việc đó là hệ quả của "lý tưởng" của ông.
Cựu tù nhân lương tâm cũng thuật lại những trải nghiệm chính của ông trong thời gian bị bắt giữ, tù đầy và nói ông thích việc được nhà chức trách và giới chức điều tra gọi tên là "tội phạm tư tưởng" hay "tù nhân tư tưởng", và nói ông đã được đối xử đặc biệt, khác với các tội phạm khác.
Cựu Phó Chủ tịch Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam đang trong một giai đoạn đặc biệt của một quá trình quy luật xã hội mà ông khái quát là "vật cùng tắc biến".
Đồng thời chia sẻ rằng, đối với cá nhân những người đang tranh đấu cho một sự chuyển đổi ở Việt Nam thì, họ nên cố gắng đừng để bị ảnh hưởng tới thoái chí hoặc sao lãng mục tiêu bởi cả những lời ca ngợi hay chê trách nào.
"Khi sự kiện Đông Âu diễn ra, tôi xác định phải làm gì đó để thay đổi đất nước theo hướng xây dựng một quốc gia pháp trị và xã hội dân sự. Hơn 20 năm nay vẫn như vậy, không lý do gì để biến cố của 4 năm vừa qua có thể thay đổi lý tưởng của tôi"
Luật sư Lê Công Định, sinh năm 1968, bị bắt ngày 3/6/2009 và bị Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh trong phiên sơ thẩm ngày 20/01/2010 xét xử theo Điều 79 của Bộ Luật hình sự với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Cùng bị kết án với ông có các bị cáo khác là các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung.
Ông Định nhận mức án 5 năm tù giam, 3 năm quản chế, và được ra thả tù sớm hơn thời hạn vào ngày 06/2 năm ngoái.
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC, luật sư trả lời câu hỏi "Lê Công Định bây giờ và Lê Công Định trước đây có gì khác nhau không?".

'Trả giá khá đắt'

LS. Lê Công Định: Về lý tưởng, trước đây và bây giờ tôi vẫn không thay đổi. Từ năm lên 7 tuổi, tôi đã bắt đầu quan tâm đến chính trị. Năm lên 14 tuổi, tư tưởng tôi dần định hình. Đến năm 20 tuổi, khi sự kiện Đông Âu diễn ra, tôi xác định phải làm gì đó để thay đổi đất nước theo hướng xây dựng một quốc gia pháp trị và xã hội dân sự. Hơn 20 năm nay vẫn như vậy, không lý do gì để biến cố của 4 năm vừa qua có thể thay đổi lý tưởng của tôi.
Tuy nhiên, về hành động, tôi đã khác trước. Bây giờ tôi điềm tĩnh, kiên nhẫn và lắng nghe nhiều hơn.
BBC: Từ một luật sư có triển vọng bỗng chốc tiêu tan sự nghiệp, gia đình ly tán, bản thân phải ngồi tù. Phải nói ông đã trả một cái giá khá đắt. Ông có hối tiếc về điều đó không?
Lê Công Định
Ông Lê Công Định bị bắt khẩn cấp ngày 13/6/2009 ở Sài Gòn.
LS Lê Công Định: Quả thật, so với nhiều người cùng cảnh ngộ, tôi đã trả một cái giá khá đắt. Dù vậy, tôi chưa bao giờ hối tiếc những gì đã làm và về sự việc đã xảy ra, nhất là khi điều đó xuất phát từ lý tưởng của mình. Điều tôi ân hận nhất là hành động của mình đã gây nên phiền muộn, đau khổ và mất mát lớn cho những người thân yêu mà cuộc đời của họ tôi có trách nhiệm, có những điều không thể cứu vãn được. Tuy hậu quả tôi phải gánh chịu, song đó là điều tôi bị dằn vặt vì cảm thấy có lỗi với người thân của mình.
BBC: Từ ngày ra tù đến nay, ông có theo dõi tình hình đất nước và thế giới không? Ông có thấy sự thay đổi gì so với trước không?
LS. Lê Công Định: Tôi vẫn luôn theo dõi tình hình kinh tế, chính trị và xã hội trong và ngoài nước kể cả khi ở trong tù, dù thông tin vô cùng hạn chế. Thế giới và Việt Nam đã khác trước nhiều.
Sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” cho thấy không thành trì nào không thể sụp đổ trước lòng căm phẫn của người dân. Cái chết của nhà độc tài Gaddafi ở Libya là tấm gương lớn cho những ai cùng chung ảo tưởng với ông. Trước khi bị sát hại, ông vẫn tin và tuyên bố không ngượng rằng chế độ của ông là do lịch sử và nhân dân Libya lựa chọn. Song lịch sử và nhân dân đã chọn một cách khác cho ông mà chúng ta đều đã chứng kiến.
Việt Nam cũng đã thay đổi. Thời “sự im lặng của bầy cừu” không còn nữa. Trước đây, đôi lúc tôi cảm thấy cô đơn khi lên tiếng về những vấn đề chính trị và xã hội của đất nước. Bây giờ, xung quanh nhiều người can đảm và mạnh mẽ hơn tôi nhiều, nhất là giới trẻ. Công nghệ thông tin, mặt khác, đã tạo nên chuyển biến lớn trong nhận thức chung của xã hội ngày nay. Nhãn quan của người dân không bị che phủ bởi bức màn sắt nữa. Sự đoàn kết và khích lệ lẫn nhau ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tôi thật sự quan ngại về tình hình kinh tế, cả vĩ mô lẫn vi mô. Đời sống của các gia đình có thu nhập thấp sẽ ra sao trong cơn khủng hoảng vô tiền khoáng hậu này? Tôi cảm thấy đau xót.

'Trải nghiệm trong tù'

BBC: Trong tù ông được đối xử như thế nào?
LS. Lê Công Định: Về đời sống và sinh hoạt, cũng như bao nhiêu người tù khác, tôi đã chạm đến ranh giới giữa con và người. Về cách đối xử, trước mặt tôi, các cán bộ quản giáo tỏ ra tôn trọng tôi. Tôi nhớ hồi mới bị bắt giam, các nhân viên an ninh điều tra thường nói rằng vì chúng tôi là những người phạm tội “tư tưởng”, nên sẽ được đối xử khác với các tù nhân thường phạm.
Phiên tòa sơ thẩm xử vụ Lê Công Định
Ông Lê Công Định bị xét xử cùng các bị cáo khác cùng vụ án tại phiên sơ thẩm hôm 20/01/2010.
Nhân tiện, xin lạm bàn đôi chút, tôi thích khái niệm “tội phạm tư tưởng” hay “tù nhân tư tưởng” mà chính các nhân viên điều tra của Bộ Công an đã sử dụng khi làm việc với chúng tôi, vì điều đó cho thấy chúng tôi bị bắt do có tư tưởng khác. Thật lý thú, bởi khác với hầu hết các nước, luật pháp Việt Nam vẫn bảo vệ một đường lối tư tưởng độc tôn, mà bản Hiến pháp mới sửa đổi là một minh chứng.
Do suy nghĩ khác với đường lối đó và không chấp nhận sự áp đặt tư tưởng, nên tôi đã muốn thay đổi hệ thống luật pháp này. Để một đạo luật hay hệ thống luật bất hợp lý được thay đổi, trước hết phải vi phạm nó, tất nhiên một cách ôn hòa. Một người dấn thân vì tự do tư tưởng như chúng tôi mà không vi phạm những Điều 79, 88 và 258 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam thì quả nhiên lạ, phải không? Tôi phải vi phạm và cũng đã nói rõ điều đó từ khi bị bắt giam đến lúc ra tòa. Tôi cũng đã trình bày đầy đủ mọi sự việc với cơ quan điều tra, bởi không có gì cần phải giấu diếm cả.
Thông điệp từ sự bất tuân luật pháp của tôi đơn giản chỉ là: “Hãy thay đổi luật pháp!” Từ năm 2007, khi biện hộ cho chị Lê Thị Công Nhân và anh Nguyễn Văn Đài, tôi từng nói:
“Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay đổi luật pháp ấy.”
Tất nhiên, tôi đã trả giá đắt vì điều đó, nhưng tôi chấp nhận và đã đi đến tận cùng những gì lương tri mình tin là đúng.
Tấm gương lớn của tôi chính là Rosa Parks, người phụ nữ Mỹ da đen vĩ đại của nước Mỹ. Vào ngày 1 tháng 12 năm 1955 tại Montgomery, Alabama, Parks, khi đó 42 tuổi, Rosa Parks đã từ chối lời đề nghị của người lái xe buýt James Blake yêu cầu nhường chỗ cho một hành khách da trắng để xuống ngồi phía cuối xe theo luật định. Khi cảnh sát đến nói rằng bà đã vi phạm luật, Rosa Parks chấp nhận bị bắt. Hành động của bà đã trở thành biểu tượng của phong trào dân quyền hiện đại. Nước Mỹ sau đó đã thay đổi luật để tôn trọng nhân quyền hơn.

'Lời khuyên, chia sẻ'

"Nếu bạn đã xác tín nội tâm điều mình làm là đúng đắn, thì dù ai đàm tiếu vì không hiểu hành động của bạn, hãy mặc họ và không lùi bước, vì suy cho cùng mỗi mình bạn phải tự chịu trách nhiệm về những gì bạn làm mà thôi"
BBC: Thời gian ở trong tù là thời gian mà con người có thể chiêm nghiệm rất nhiều. Với ông, ông đã chiêm nghiệm điều gì và rút ra được những gì?
LS. Lê Công Định: Không ai thích ở tù để chiêm nghiệm, song tôi đã tranh thủ thời gian đó để chiêm nghiệm nhiều điều bổ ích cho riêng mình, nhất là về nhân sinh. Hầu hết những điều đó liên quan đến triết học, mà không phải ai cũng thích nghe ở đây. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi đã học được cách tha thứ để đạt được sự bình an trong tâm. Ngày xưa tôi đã “biết” như vậy rồi, nhưng chưa “làm” được. Đôi khi người ta phải trải qua một biến cố lớn lao mới có thể thu hẹp được khoảng cách giữa tri và hành.
BBC: Ông có lời khuyên gì dành cho những người cũng đang dấn thân vào con đường tranh đấu giống như ông?
LS. Lê Công Định: Tôi không muốn khuyên ai vì chưa xứng đáng làm như vậy, chỉ mong chia sẻ một kinh nghiệm rằng nếu bạn đã xác tín nội tâm điều mình làm là đúng đắn, thì dù ai đàm tiếu vì không hiểu hành động của bạn, hãy mặc họ và không lùi bước, vì suy cho cùng mỗi mình bạn phải tự chịu trách nhiệm về những gì bạn làm mà thôi. Lời ca tụng hay chê trách chỉ giúp mình suy ngẫm thêm, song cố gắng đừng để bị ảnh hưởng mà thoái chí hoặc sao lãng mục tiêu.
BBC: Con đường Việt Nam là phong trào do ông là người đồng khởi xướng, thế nhưng đến giờ sao ông vẫn chưa lên tiếng gì về phong trào này để mọi người hiểu thêm về nó? Nếu nói thì ông sẽ nói gì?
Ông Lê Thăng Long
Ông Định từ chối bình luận về phong trào 'Con đường VN' mà ông Lê Thăng Long (trong ảnh) đồng chủ xướng.
LS. Lê Công Định: Tôi chưa muốn nói về vấn đề này vào lúc này.
BBC: Ông nghĩ thế nào về lập trường của ông Lê Thăng Long muốn ‘chuyển hóa Đảng’ và ‘ôm hôn kẻ thù’?
LS. Lê Công Định: Mỗi người có một sự lựa chọn. Dù thế nào, tôi vẫn yêu quý và kính trọng Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung, bởi chúng tôi đã chia sẻ hoạn nạn với nhau.
Tôi thích từ ‘vượt bỏ’ hơn ‘chuyển hóa’. ‘Vượt bỏ’ (thuật ngữ do Bùi Văn Nam Sơn dịch từ ‘aufheben’ của tiếng Đức) là một khái niệm trong triết học biện chứng của Hegel khi ông bàn về sự vận động. Đối với tôi, phong trào cộng sản nói chung và đảng cộng sản nói riêng là một phần của lịch sử đã qua, mà tôi thì chỉ quan tâm đến hiện tại để chuẩn bị cho tương lai. Tôi không xem họ là kẻ thù. Vì thế, chưa bao giờ tôi muốn chống lại và không có ý định “ôm hôn”.

'Vật cùng tắc biến'

BBC: Ông có niềm tin vào tương lai đất nước không? Với tình hình hiện nay thì theo ông tương lai đất nước sẽ như thế nào?
"Nhiều người bi quan về thực trạng xã hội hiện giờ. Tôi nghĩ khác, “vật cùng tắc biến”, Lão Tử đã nói như thế và lịch sử ở mọi thời đại cũng đã chứng minh như vậy. Mọi sự đang diễn ra như cùng đi đến một kết cuộc. Do đó, tôi luôn có niềm tin vào tương lai tươi sáng sắp gần đến của đất nước"
LS. Lê Công Định: Nhiều người bi quan về thực trạng xã hội hiện giờ. Tôi nghĩ khác, “vật cùng tắc biến”, Lão Tử đã nói như thế và lịch sử ở mọi thời đại cũng đã chứng minh như vậy. Mọi sự đang diễn ra như cùng đi đến một kết cuộc. Do đó, tôi luôn có niềm tin vào tương lai tươi sáng sắp gần đến của đất nước hơn bao giờ hết.
Ở trong tù, tôi làm nhiều thơ về các nhân vật lịch sử của nước ta, mà sự nghiệp của họ để lại nhiều bài học cho thế hệ ngày nay. Tôi muốn ghi lại đây một bài thơ về Hồ Quý Ly, người đã đặt dấu chấm hết cho triều đại nhà Trần. Vương triều ấy đã khởi đầu bởi Trần Thủ Độ và kết thúc bởi Hồ Quý Ly, đều một cách đẫm máu, ân oán trả đủ. Thật đáng tiếc! Tôi mong tương lai chúng ta không đến nỗi như vậy.
Vịnh Hồ Quý Ly
"Trí vượt đương thời xướng cách tân, Vua suy bỏ ước thúc quân thần. Nền san Minh Đạo, thay lề cũ, Thủ đắp Tây Đô, tránh họa gần. Triều trước cướp ngôi, oan chất hận, Buổi tàn trả nợ, oán quên ân. Thời gian dời đổi anh hùng xuất, Sử chẳng u mê mãi “chọn” Trần."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét