Hải quân Nga đã phủ nhận mọi liên quan tới việc phong tòa sân bay Sevastopol, nơi đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen của nước này, nhưng cũng nói thêm đã tăng cường an ninh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Ukraine trước đó cho rằng, chính quân Nga đã phong tỏa sân bay Sevastopol.
Nhiều tay súng cũng đã chiếm giữ một sân bay chính khác tại Crimea, sân bay Simferopol, vào sáng thứ Sáu.Ông Arsen Avakov cũng gọi sự hiện diện của lực lượng này là một "cuộc xâm lược vũ trang".
Quan hệ giữa Nga và Ukraine đang ngày càng trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanokovych, người hiện đang có mặt ở Nga, bị truất quyền.
Tình hình căng thẳng được biểu hiện rõ nhất tại bán đảo Crimea, nơi duy nhất tại Ukraine mà những người gốc Nga chiếm đa số.
Hôm 27/2, nhiều tay súng thuộc phe thân Nga cũng đã chiếm trụ sở Quốc hội tại Simferopol, truất ghế các thành viên nội các và chỉ định một thủ tướng mới.
Phóng viên Bridget Kendall của BBC ở Moscow cho biết, Crimea đang trở thành khu vực chủ chốt trong cuộc tranh đấu giữa các lãnh đạo mới của Ukraine và những người trung thành với Nga.
Trong khi đó lại có thêm thách thức đối với Kiev, cựu Tổng thống Yanukovych đang chuẩn bị cho cuộc họp báo vào hôm thứ Sáu 28/02, sau khi tái xuất hiện ở Nga, nhấn mạnh rằng ông vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ukraine.
'Xâm phạm'
Các tay súng 'xâm lược', theo lời ông Avakov là lính Nga, tới sân bay quân sự Sevastopol gần căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga vào sáng thứ Sáu.
Những người này tuần tra từ phía bên ngoài, được các xe có vũ trang bảo hộ, nhưng quân đội Ukraine và lính gác biên giới vẫn ở bên trong, ông Avakov nói.
"Tôi coi những gì xảy ra như một cuộc xâm lược có vũ trang và chiếm đóng vi phạm mọi thỏa thuận và quy ước quốc tế," ông Avakov viết trên trang Facebook của mình.
Những người có vũ trang cũng tới sân bay Simferopol vào đêm hôm trước, một số người mang theo cờ Nga.
Một người đàn ông xưng là Vladimir nói với hãng thông tấn Reuters rằng ông ta là người tình nguyện đi giúp nhóm này, mặc dù ông không biết họ từ đâu tới.
"Tôi ủng hộ lực lượng Dân quân Crimea. Chúng tôi chỉ là những người dân thường, người tình nguyện," ông ta nói.
"Chúng tôi ở sân bay này để giữ trật tự. Chúng tôi sẽ đón tiếp các máy bay hạ cánh với một nụ cười thân thiện - sân bay vẫn hoạt động bình thường."
Trưng cầu dân ý
Hôm thứ Năm, một nhóm người có vũ trang khác, chưa được nhận diện, đã dùng vũ lực để xông vào tòa nhà quốc hội, và trên đỉnh tòa nhà lá cờ Nga.
Quốc hội Crimea sau đó thông báo sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc mở rộng khu vực tự trị vào ngày 25/05.
Các diễn biến gần đây ở vùng Crimea - vốn vẫn nghiêng về Moscow từ trước - làm gia tăng căng thẳng với Nga, đã cho máy bay chiến đấu đảo lượn trên vùng trời biên giới hôm thứ Năm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đêm qua thúc giục chính quyền của mình giữ quan hệ với Kiev, và thậm chí còn khuyến khích phối hợp với phương Tây để thoát khỏi các vấn đề kinh tế của Ukraine - nhưng ông cũng trao thưởng cho chính quyền nổi dậy Crimea với viện trợ nhân đạo từ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ đã kêu gọi cả hai bên nên "lùi bước và tránh mọi hình thức khiêu khích".
Hoa Kỳ đã yêu cầu Nga phải đưa ra bảo đảm sau khi ông Putin cho tiến hành tập trận hồi đầu tuần ở vùng trung và tây Nga, gần biên giới với Ukraine.
Ông Kerry cho biết đã thảo luận với người tương nhiệm phía Nga, ông Sergei Lavrov, người hứa sẽ tôn trọng "bảo toàn lãnh thổ" của Ukraine.
Crimea - nơi người gốc Nga chiếm đa số - được chuyển từ Nga về Ukraine năm 1954.
Người gốc Ukraine thì vẫn trung thành với Kiev và người Hồi giáo Tatars - vẫn nuôi thù hận với Nga từ thời Stalin trong Thế chiến II - đã thành lập liên minh để chống đối mọi động thái chuyển Crimea lại cho Moscow.
Nga cùng với Hoa Kỳ, Anh và Pháp, cam kết sẽ giữ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo hiệp ước được ký từ năm 1994.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét